Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

HIỆN TƯỢNG TRỤC LỢI TRONG TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ


Cảnh báo hiện tượng trục lợi trong tác nghiệp báo chí 

Đáng lẽ xã hội càng văn minh, những người làm báo càng phải ứng xử văn minh với công chúng, với xã hội. Nhưng tiếc thay, những hành vi thiếu/không chuẩn mực của báo chí xuất hiện ngày càng nhiều là điều rất đau xót đối với những người nhà báo chân chính khi nhìn lại bức tranh báo chí trong năm qua. 

Bốn nhóm hành vi trục lợi 

Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào đó, những người làm báo chân chính vẫn chưa bao giờ hết nỗi nặng lòng, ưu tư vì mấy năm gần đây, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo bị sa sút nghiêm trọng, khiến uy tín, hình ảnh báo giới trong mắt công chúng bị suy giảm. Một trong những nguyên nhân làm sa sút đạo đức báo chí là, một bộ phận phóng viên đã có thái độ, hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí. 

Những công lao đóng góp của báo chí cho sự phát triển chung của đất nước và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ là không thể phủ nhận. Phần đông những người làm báo vẫn tâm huyết nuôi dưỡng, duy trì “lửa nghề” theo đúng tinh thần “phụng công, thủ pháp”, không thiên lệch, không “bẻ cong” ngòi bút vì mục đích, lợi ích cá nhân. Đó là cơ sở để người làm báo giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo toàn chữ “tâm” trong sáng của người làm báo cách mạng. 

Theo từ điển tiếng Việt giải thích:
“Trục lợi” là hành vi kiếm lợi riêng một cách không chính đáng. 
- Còn hành vi “trục lợi trong tác nghiệp báo chí” được các chuyên gia báo chí, truyền thông nhận định là hành vi của phóng viên lợi dụng danh nghĩa tác nghiệp báo chí và quyền đăng tải thông tin ra công luận như điều kiện tiên quyết để dọa dẫm, gây sức ép, thương lượng với đối tượng phản ánh nhằm đáp ứng lợi ích tiền và vật chất khác cho cá nhân hoặc nhóm người nhân danh cơ quan báo chí. 
Điều đáng nói hơn, hành vi trục lợi không chỉ xảy ra ở đối tượng phóng viên, biên tập viên, mà còn liên quan đến cả lãnh đạo tòa soạn ở một số cơ quan báo chí. 

HIỆN TƯỢNG TRỤC LỢI TRONG TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ
Câu chuyện "truyền thông bẩn" đã ảnh hưởng rất lớn đến nước mắm truyền thống.

Theo kết quả khảo sát “Nhận diện hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí” của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố mới đây, có 4 nhóm hành vi trục lợi báo chí xảy ra thời gian qua, gồm: [1] dọa dẫm tống tiền; [2] thông đồng lợi ích nhóm; [3] liên kết nhóm phóng viên; [4] lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí. 

Dọa dẫm tống tiền, biểu hiện ở hành vi “bới lông tìm vết” của phóng viên, tức là cố tình tìm ra sai phạm của đối tượng, ví như sai phạm trong lĩnh vực xây dựng (xây thêm tầng, lấn chiếm hành lang bảo vệ...) rồi lạm quyền đăng tải thông tin công khai để yêu cầu, gây sức ép đối tượng sai phạm phải đưa tiền nếu không muốn sự việc được đưa ra ánh sáng công luận. 
Thông đồng tạo lợi ích nhóm, thực chất là hành vi “đánh thuê” của một nhóm phóng viên chủ động cùng nhau liên kết với một doanh nghiệp để khai thác sâu về một chủ đề, sự kiện của đối tượng cạnh tranh nhằm tạo lợi thế thị trường cho doanh nghiệp được “bảo kê thông tin”. Cũng có thể nhóm phóng viên cùng liên kết với cá nhân nào đó để đánh bóng tên tuổi, nói xấu “đối thủ” nhằm tạo cơ hội cho đối tượng được liên kết lấy phiếu tín nhiệm cho việc bổ nhiệm chức danh mới được thuận lợi hơn. 
Liên kết nhóm phóng viên là hành vi một nhóm phóng viên có uy tín, địa vị trong xã hội, có khả năng chi phối thông tin nội bộ một ngành, một địa phương cụ thể nhằm độc quyền đưa tin với nội dung thống nhất trước với đối tượng mục đích thông tin để tạo dựng hình ảnh tích cực trong xã hội, hoặc dàn xếp bưng bít thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, địa phương. 
Lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí là hành vi sử dụng tấm thẻ nhà báo để can thiệp vào việc cá nhân khi cần quan hệ để can thiệp trái pháp luật, không chính đáng. Hành vi này còn biểu hiện ở một số cơ quan báo chí thành lập văn phòng đại diện, tuyển dụng phóng viên không nhằm mục tiêu mở rộng diện và chất lượng thông tin, mà chủ yếu là sử dụng nhân lực không đủ tiêu chuẩn làm nhà báo để kiếm nguồn thu cho tòa soạn hoặc cho cá nhân lãnh đạo cơ quan báo chí. 

Lời cảnh tỉnh nghiêm khắc 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trục lợi trong tác nghiệp báo chí, theo nhận định của nhiều cán bộ quản lý và chuyên gia báo chí, yếu tố chủ quan là do phóng viên muốn làm giàu nhanh, bất chính, trong khi kỹ năng nghiệp vụ kém, bản lĩnh non nớt, lại dễ bị cám dỗ vật chất tầm thường. Cùng với những yếu tố khách quan như đời sống, thu nhập của phóng viên còn thấp, lại bị sức ép “khoán doanh số” của tòa soạn nên không ít người cầm bút sẵn sàng “lao vào” kiếm tiền bất chấp cả đạo đức nghề nghiệp và luật pháp báo chí. 

Mặt khác, do có quá nhiều cơ quan báo chí phải tự lo kinh phí hoạt động, quy chế phân công tác nghiệp của tòa soạn thiếu chuẩn mực cộng với môi trường xã hội có nhiều “lợi ích nhóm” cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho vấn nạn trục lợi trong tác nghiệp báo chí có cơ hội phát sinh. 

Nhóm phóng viên công tác tại các cơ quan báo chí thuộc hiệp hội nghề nghiệp và thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (bộ, sở) được đánh giá là có rủi ro thực hiện hành vi cao (40%). 

Cũng qua khảo sát cho thấy, các nhà quản lý báo chí và chuyên gia truyền thông cho rằng, hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí xảy ra chủ yếu ở nhóm phóng viên báo điện tử (chiếm khoảng 90%), tiếp đó là báo in (40%), truyền hình (34%) và phát thanh (10%). 

Một quan ngại không thể không quan tâm đó là những năm gần đây, tình trạng nhà báo bị cản trở tác nghiệp ngày càng nhiều. Một trong những lý do dẫn đến thực tế đáng buồn này là do hành vi tác nghiệp của nhà báo không chuẩn mực. Vì thế, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, người phát ngôn và người có trách nhiệm ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương đã “tinh vi” lách luật, có biểu hiện “cản trở mềm” hoạt động tác nghiệp của nhà báo như: Vòng vo khất hẹn, lần lữa trong việc tiếp xúc với phóng viên; viện cớ lý do không chính đáng để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí; né tránh cả những điều đáng ra phải phát ngôn cho công luận... 

Có thể khẳng định rằng, những thông tin, số liệu khảo sát mà RED đưa ra, dù chưa toàn diện và có những vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, bàn luận thêm, nhưng đó cũng là những thông số rất đáng để những người trong cuộc phải suy ngẫm một cách nghiêm túc. Vì trong số 220 phiếu khảo sát (nhà quản lý báo chí, chuyên gia nghiên cứu truyền thông, các giảng viên báo chí, nhà báo và độc giả), có tới trên 80% ý kiến đều có chung một nhận định: Hành vi trục lợi tác nghiệp báo chí đã “làm công chúng mất niềm tin vào báo chí” và “làm mất uy tín của nhà báo”

Tất cả những ai đang cầm bút, cầm máy có biểu hiện “nhúng chàm”, cần phải tỉnh ngộ ngay nếu không muốn bản thân rơi vào tình cảnh thân bại danh liệt, thậm chí vướng vào vòng lao lý suốt đời “ôm hận”. 

Một ngày cuối cùng của tháng 11/2017, vào công cụ tìm kiếm google, khi đánh cụm từ “nhà báo tống tiền” đã hiển thị khoảng 291.000 kết quả trong vòng 0,38 giây. Điều đó phần nào cho thấy công chúng rất quan tâm đến vấn đề trục lợi của báo chí; đồng thời cũng là điều cảnh tỉnh đối với tất cả những ai đang cầm bút, cầm máy có biểu hiện “nhúng chàm”, cần phải tỉnh ngộ ngay nếu không muốn bản thân rơi vào tình cảnh thân bại danh liệt, thậm chí vướng vào vòng lao lý suốt đời “ôm hận”. 

Báo chí có sứ mệnh định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, văn minh. Bài học đồng thời là chân lý này tưởng như ai cũng thấu hiểu, thấm thía, nhưng nhắc lại không bao giờ thừa. Bởi chúng ta không nên và không được phép thờ ơ trước lời cảnh báo tuy rất nghiêm khắc nhưng cũng đầy tâm huyết của một chuyên gia nghiên cứu truyền thông: Đáng lẽ xã hội càng văn minh, những người làm báo càng phải ứng xử văn minh với công chúng, với xã hội. Nhưng tiếc thay, những hành vi thiếu/không chuẩn mực của báo chí xuất hiện ngày càng nhiều là điều rất đau xót đối với những người làm báo chân chính. 

Nếu nhà báo không chỉn chu tu dưỡng, rèn luyện, không giữ gìn liêm chính, không tự bồi đắp những giá trị đạo đức cho mình thì sẽ không có “sức đề kháng” trước bao nhiêu “vi rút độc hại” có thể làm mọt ruỗng, băng hoại nhân cách bản thân. Khi phẩm giá, nhân cách nhà báo tự sa sút bởi cám dỗ, mê hoặc của những “viên đạn bọc đường”, tự họ sẽ “đào mồ chôn sự nghiệp” của chính mình! 

Thiện Văn



0 nhận xét:

Đăng nhận xét