Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI


Thời gian gần đây, xung quanh việc bộ sách Lịch sử Việt Nam với hơn 10.000 trang (15 tập) từ thời khởi thủy của nước ta đến năm 2.000 không sử dụng cụm từ “ngụy” để chỉ quân đội và chính quyền của chế độ cũ tại miền Nam trước năm 1975. Rồi lùm xùm bộ sách lịch sử 30 tập, trong đó 25 tập chính và 5 tập biên niên sử là đề án khoa học cấp Nhà nước do ông GS. Phan Huy Lê, em trai ông Phan Huy Quát (cựu Thủ tướng của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” trước đây) làm chủ nhiệm cũng không dùng từ “ngụy” để chỉ chế độ cũ. Nhiều vấn ý trái chiều, tranh luận nào là nên - không nên, rồi thì quy chụp “xét lại lịch sử”, hay thay đổi cách nhìn về cuộc chiến… Vì vậy, góp phần nào đó để nhiều người có một góc nhìn khác, khách quan hơn và đúng đắn hơn về những tranh cãi gần đây với nội dung ghi trên, tôi xin trình bày một số quan điểm mang tính cá nhân dựa trên những hiểu biết của bản thân, phương pháp luận và trình độ lý luận chính trị có giới hạn.
Cũng như Phùng Quán đã trình bày trong “ba phút sự thật” tôi là một người có lối hành văn hơi dông dài nên với tôi 3 phút để nói lên sự thật thì thật khó, nên xin bạn đọc cho tôi trình bày hơi dài để diễn đạt ý và nêu các dữ kiện lịch sử. 
Trước hết, từ “ngụy” trong từ điển Hán - Việt nghĩa là gì? Sau khi tra cứu rất nhiều từ điển Hán - Việt cho thấy từ “ngụy” nghĩa là giả vờ, giả tạo, dối trá hoặc là không chính thống. Như vậy, về mặt ngữ nghĩa có thể tạm hiểu nôm na “ngụy quyền” tức là chỉ một “chính quyền không phải chính thống, không được công nhận, không hợp pháp". Còn theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam:
- “Ngụy quyền”“chính quyền do bọn phản loạn trong nước lập ra bất hợp pháp, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc nhưng giả danh “hợp pháp”, “dân chủ”, “chính nghĩa”, “quốc gia”” hoặc là một “chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ thực hiện chính sách xâm lược, nô dịch của họ”.
- “Ngụy quân”“quân đội của ngụy quyền, do chính quyền của bọn phản loạn hoặc chính quyền bản xứ lập ra được thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, trang bị và chỉ huy để thực hiện chính sách “dùng người bản xứ đánh người bản xứ” trong các cuộc chiến tranh xâm lược”.
Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều triều đại, nhiều tay sai cho ngoại bang đã bị xem là “ngụy”. Khi nhà Minh chiếm đóng Việt Nam, một số quan lại người Việt ra cộng tác với quân Minh. Những quan lại này bị nhà Hậu Trần và các triều đại sau gọi là "ngụy quan". Nhà Mạc bị các sử gia nhà Lê Trung Hưng gọi là "ngụy Mạc" vì đã soán ngôi vua Lê,… Quay một chút về lịch sử, từ khi Thực dân Pháp đổ quân vào xâm lược Việt Nam rồi sau đó thiết lập bộ máy cai trị thì trên danh nghĩa Triều Nguyễn chỉ còn mang tính chất tượng trưng, thực sự quyền lực cai trị đất nước ta cũng như toàn bán đảo Đông Dương là do người Pháp áp đặt với mỹ từ “bảo hộ” “khai hóa văn minh”. Trong chiến tranh thế giới thứ II, nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng; tại Đông Dương, Pháp hèn nhát thực hiện các yêu sách của Đế quốc Nhật Bản rồi cuối cùng là dâng cả Đông Dương cho Nhật Bản. Ngày 09/3/1945, quân phát-xít Nhật tiến hành đảo chính quân sự lật đổ và thủ tiêu quyền lực của thực dân Pháp, trở thành chủ thể quyền lực chính trị tối cao, chủ chốt nhất ở Đông Dương. Với chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"Việt Minh đã quyết định phát động Nhân dân khởi nghĩa tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung như Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa,... cướp chính quyền từ tay Phát-xít Nhật, buộc Đế quốc Việt Nam (tên gọi chính thức và cũng là cuối cùng của Triều Nguyễn do Bảo Đại làm hoàng đế, Trần Trọng Kim là thủ tướng và được Đế quốc Nhật Bản “bảo hộ”) giao chính quyền cho Nhân dân. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại trao ấn kiếm, quốc bảo của hoàng triều (những vật mang tính tượng trưng cho quyền lực Triều đại phong kiến) cho đại diện của Việt Minh và đọc chiếu thoái vị. Trong chiếu thoái vị của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam có viết: “Trẫm cũng quả-quyết thoái-vị nhường quyền điều-khiển quốc-dân cho Chính-phủ Dân-Chủ Cộng-Hoà”, “Trẫm mong tất cả các đảng phái, các giai-từng xã-hội, các người trong Hoàng Tộc nên hợp nhất ủng-hộ triệt-để Chính-phủ Dân-chủ để giữ vững nền Độc-Lập nước nhà”, “Việt-Nam Độc-Lập muôn năm! Dân-Chủ Cộng-Hoà muôn năm!”
  
“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Ấn kiếm Triều Nguyễn được trao lại cho Việt Minh trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại
Ngày 02/9/1945, sau khi Cách mạng tháng Tám do Việt Minh lãnh đạo thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi trình bày khá dông dài về vấn đề lịch sử để kết luận rằng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính thống, có sự kế thừa và chuyển giao quyền lực của chế độ trước. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước có chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, sự ra đời hoàn toàn hợp pháp, được dựng lên bằng sức mạnh của quần chúng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay từ khi ra đời đã khẳng định là một quốc gia độc lập và sự thật là một quốc gia độc lập theo Luật Quốc tế. Ngay sau đó Nhà nước đã tiến hành tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 06/01/1946) bầu ra Quốc hội, lập Hiến và lập pháp. Do vậy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam được thành lập thông qua con đường bầu cử.
Thực dân Pháp bám theo gót quân Anh vào miền Nam để giải giáp, tước vũ khí quân phát-xít Nhật. Thực dân Pháp nhanh chóng thực hiện ý đồ khôi phục lại sự cai trị của Pháp ở toàn cõi Đông Dương để vơ vét nhằm phục hồi lại “mẫu quốc” chịu tổn thất nặng nề sau thế chiến. Ngày 07/12/1947, cựu hoàng Bảo Đại ký kết với Thực dân Pháp Hiệp ước Sơ bộ Vịnh Hạ Long để thành lập ra cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” thuộc “Liên bang Đông Dương” nằm trong Liên hiệp Pháp. Pháp công nhận nền “độc lập” của “Quốc gia Việt Nam” trong Liên hiệp Pháp. Một nền “độc lập” quái gở, “độc lập” mà lại chỉ trong những thuộc địa của mẫu quốc. Mục đích chính của thực dân Pháp là  “Da vàng hóa chiến tranh” (thay màu da trên các xác chết), "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Như vậy, cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên không qua bầu cử và làm công cụ cho chính sách xâm lược của ngoại bang. Theo định nghĩa, thì cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” là một ngụy quyền.
Đi kèm với nó là “Vệ binh Quốc gia” sau đó là “Vệ binh Quốc gia Việt Nam” và được cải danh lại là “Quân đội Quốc gia Việt Nam”. Cái gọi là “Quân đội Quốc gia Việt Nam” là lực lượng vũ trang của Quốc gia Việt Nam, là một phần của Quân đội Liên hiệp Pháp, được sự bảo trợ tài chính và chỉ huy từ Liên hiệp Pháp, tồn tại từ 1950 đến 1955. Mục đích tồn lại của cái quân đội này là phụng sự lợi ích mẫu quốc, đàn áp lại chính đồng bào của mình. Nhưng lại một sự trớ trêu, số sĩ quan người Việt lại rất ít, chủ yếu là binh lính hoặc nếu là sĩ quan thì cũng chỉ đảm nhiệm những chức vụ hạ cấp, còn các chức vụ chỉ huy đều do sĩ quan người Pháp nắm giữ.


“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Lính quốc gia Việt Nam làm lễ chào cờ Quốc gia Việt Nam và mẫu quốc Pháp tại Bắc Ninh

Trong khi chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” anh dũng chiến đấu và hy sinh để đánh bại thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, cũng như đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ thì mỉa mai thay sĩ quan, binh lính của đội quân gọi là “Quân đội quốc gia Việt Nam” lại đang chiến đấu cho mẫu quốc Pháp, bảo vệ nền cai trị của thực dân Pháp. Như vậy, điều rõ ràng nhận thấy cái gọi là “Quân đội quốc gia Việt Nam” của Chính quyền “Quốc gia Việt Nam” là ngụy quân. (Để tránh nhầm lẫn, xin giải thích danh xưng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1950 cũng có tên là Quân đội quốc gia Việt Nam nhưng của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quản lý).
Tôi trình bày theo trình tự lịch sử, nguyên nhân ra đời và mục đích tồn tại của cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” và cái quân đội của nó là “Quân đội quốc gia Việt Nam” để chứng minh theo đúng khái niệm đó là ngụy quyền và ngụy quân.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Genève 1954, các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước. Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung về phía Bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả Quân đội Quốc gia Việt Nam) tập trung về phía Nam, tập kết chính trị tại chỗ, tập kết dân sự theo nguyên tắc tự nguyện. Khoản a, điều 14 ghi rõ: "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy". Điều 6 Bản Tuyên bố chung ghi rõ: "Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ."Quân đội Pháp dần dần rút khỏi miền Nam trong 2 năm và trao quyền lực cho Chính quyền thống nhất, hòa hợp dân tộc của Việt Nam. Như vậy, ranh giới phi quân sự (DMZ) chỉ là ranh giới tạm thời không phải biên giới và hai miền Nam - Bắc sẽ thống nhất sau 2 năm bằng con đường Tổng tuyển cử.
Năm 1955, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại chỉ định là Thủ tướng cho cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”; lúc này người Mỹ đã nhảy vào hất cẳng Pháp. Mỹ thay thế vai trò của Pháp trong việc dung dưỡng và hỗ trợ cho “Quốc gia Việt Nam” những người thân Pháp trong ngụy quyền và ngụy quân được thay dần bằng những người có tư tưởng thân Mỹ và Mỹ trở thành chủ mới của ngụy quân, ngụy quyền. Tổng thống Mỹ Eisenhower được báo cáo rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành. Năm 1956, Allen Dulles - người đứng đầu CIA đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi. Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève.” Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không. Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam với học thuyết Domino, “đắp con đê ngăn làn sóng đỏ” ở Việt Nam. Và mới đây trong bộ phim tài liệu “The Vietnam war” (dài 10 tập được PBS phát hành dựa trên những tài liệu được giải mật của phía Mỹ) đã cho rằng lý do để Mỹ can thiệp vào Việt Nam là vô lý và mơ hồ, đó là một cuộc chiến phi nghĩa. Được sự chống lưng của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã đi một nước cờ chính trị quá thô thiển để phá hoại Hiệp định cũng như xóa bỏ vai trò bù nhìn của Quốc trưởng Bảo Đại vốn được Pháp dung dưỡng. Ông Diệm tổ chức một cuộc Trưng cầu dân ý gian lận nhằm “truất phế Bảo Đại suy tôn Ngô Đình Diệm”. Với sự đạo diễn của CIA, Trò hề trưng cầu dân ý 1955 thực chất chỉ là một cuộc đảo chánh không tiếng súng. Đại tá CIA Edward Lansdale, cố vấn cho Ngô Đình Diệm nói rằng: "Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%. Vì nếu như thế thì họ sẽ biết đó là âm mưu sắp đặt trước". Vì thế cho nên Diệm đắc cử với 98,2% trên tổng số xấp xỉ 5,8 triệu phiếu bầu (chi tiết này được nhiều hồi ký của tướng, tá Sài Gòn thuật lại). Sự thô thiển ở đây là con số 99,99% và 98,2% ý nghĩa của nó gần như nhau vì đều thể hiện “đó là âm mưu sắp đặt trước”. Sau đó, Diệm trở thành Tổng thống của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa”. Như vậy, “Việt Nam cộng hòa” chỉ là sự cải danh của “Quốc gia Việt Nam” bình mới rượu cũ, thay chủ mới… và vẫn là như vậy. Mà cái chế độ trước đó vốn đã là ngụy quyền thì cái chế độ kế thừa bằng một trò gian lận thì tất nhiên cũng là ngụy quyền. Sau này, đến thời “đệ nhị cộng hòa” của cái chế độ “Việt Nam cộng hòa” cũng được Nguyễn Văn Thiệu vận dụng CIA để đạo diễn lên các màn bầu cử gian lận và dùng quyền lực thay đổi luật để ngăn cả các đối thủ được tham gia ứng cử. Những chi tiết về sự gian lận của Thiệu được nhắc tới rất nhiều trong các tài liệu được Mỹ giải mật và được nhắc nhiều trong hồi ký của các tướng lĩnh Sài Gòn trong đó có cả cựu thù của Thiệu là Nguyễn Cao Kỳ (trong cuốn hồi ký có tên “How we lost the Vietnam War” - Chúng ta đã thua ở Việt Nam như thế nào). Tái khẳng định một lần nữa, cái kế thừa “Quốc gia Việt Nam” là “Việt Nam cộng hòa”, kể cả “đệ nhất” lẫn “đệ nhị” bản chất cũng vẫn là ngụy quyền.
  
“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Người biểu tình phản chiến Mỹ với sự châm biếm "Đế quốc Mỹ và Con rối Sài Gòn (Saigon Puppet)"
Khi Diệm bằng thủ đoạn nêu trên lên làm Tổng thống của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” thì “Quân đội quốc gia” được cải danh lại thành “Quân đội Việt Nam cộng hòa”. Ngày 01/11/1963, được Mỹ bật đèn xanh, các tướng lĩnh của cái quân đội ấy cầm đầu là Dương Văn Minh tiến hành đảo chánh, lật đổ và hành quyết ông Tổng tư lệnh tối cao của chính quân đội ấy - Ngô Đình Diệm. Sau đó, “Quân đội Việt Nam cộng hòa” lại được cải danh thành “Quân lực Việt Nam cộng hòa” (mà theo tôi thì phải là “Quân lực Việt Nam cộng trừ” mới đúng; trừ ở đây là trừ khử nhau, nhưng xin đi sâu vào vấn đề này trong một bài viết khác). Mỹ đã chứng tỏ Mỹ mới là chủ thực sự của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đến độ, Tổng thống Mỹ Nixon nói với Ngoại trưởng Mỹ Kissinger về Tổng thống, Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam Cộng hòa - Nguyễn Văn Thiệu rằng "Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được”. Như vậy, sự kế thừa có tính truyền thống dù có thay đổi tên gọi thế nào thì “Quân lực Việt Nam cộng hòa” cũng vẫn là ngụy quân. Và để toát lên được cái bản chất ngụy quân, bản chất đánh thuê và tay sai cho Mỹ hãy nghe những người trong chính đội quân ấy nói về nó như thế nào.
“Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những lính đánh thuê. Tôi biết rất rõ ràng về cái gọi là những người chỉ huy, những ông tướng lĩnh miền Nam khi ấy. Từ ông Thiệu đến những ông khác dưới trướng, xin lỗi, toàn là những vị ăn chơi phè phỡn, tài không có mà đức cũng không. Trước đây có "ông" Mỹ đứng sau thì không có chuyện gì, nhưng khi phải một mình trực tiếp đối diện với khó khăn thì bản chất cũng như tài năng lộ ra ngay. Trong một cuộc chiến, nói gì thì nói, theo tôi quan trọng nhất vẫn là Lực lượng, là Quân đội. Quân đội Nam Việt Nam, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh - trở xuống. Trong số những vị cùng vai vế với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, miền Bắc các chỉ huy lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn.” (Nguyễn Cao Kỳ - Phó Tổng thống, Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn, Thiếu tướng Tư lệnh Không lực ngụy quân).
"Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập" "Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống Cộng" (Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống ngụy quyền, Trung tướng ngụy quân Sài Gòn).
"Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc” (Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, Đại tướng Tổng tư lệnh ngụy quân).
“Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!” (Cao Văn Viên - Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng ngụy quân).
"Pháp đã ở Việt Nam 100 năm. Pháp đi sau Hiệp định Genève thì Mỹ lại nhảy vô. Tôi nói thật, trong tất cả các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay. Ở miền Nam này, đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chánh - mười mấy lần chứ có ít đâu.” (Nguyễn Hữu Hạnh - Chuẩn tướng, phụ tá Tổng tham mưu trưởng ngụy quân)
Và còn rất nhiều nữa những câu nói của chính những người giữ vai trò chủ chốt trong ngụy quân, ngụy quyền xác nhận cái bản chất của nó là do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ thực hiện chính sách xâm lược, nô dịch của họ.
Nói tóm lại, sử dụng cụm từ “ngụy quyền”, “ngụy quân” để nói về các chế độ cũ và quân đội tay sai của chúng như đã nêu trên là chính xác đúng với định nghĩa, đúng với bản chất và vị trí trong lịch sử của chúng. Dùng từ “ngụy” là để chỉ đúng bản chất của một chế độ, một đội quân mại bản, nô dịch.
Vậy không dùng từ “ngụy” mà gọi là “Việt Nam cộng hòa”, “chế độ Sài Gòn”, “Quân lực Việt Nam cộng hòa”, “quân đội Sài Gòn” có được không? Tất nhiên là được. Lý do thứ nhất, đó là những danh xưng có thật trong lịch sử, gọi như vậy không có gì sai với lịch sử. Bản chất của cái chế độ chính quyền đó, của đội quân đó vẫn là ngụy, là tay sai cho ngoại bang, phản cách mạng, phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Gọi như vậy không có gì là thay đổi bản chất hay xét lại lịch sử cả. Lý do thứ 2, trong các văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, văn kiện của Đảng và thậm chí các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sử dụng những cụm từ này. Để tách bạch cần phải hiểu tên gọi sử dụng và bản chất là 2 phạm trù khác nhau. Lịch sử thì tất nhiên là phải khách quan, sử dụng những từ đó nhưng không phải là để quên đi cái bản chất của nó hay xét lại lịch sử. Sử dụng những cụm từ đó chứ có phải là cấm sử dụng từ “ngụy” đâu?  Gọi là “ngụy quân”, “ngụy quyền” là tên gọi và cũng là nói lên bản chất, điều này không ai cấm cả. Lý do thứ 3, chúng ta đang chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc. Rất nhiều người lầm lỡ từng ở bên kia chiến tuyến họ cũng ở tuổi xế chiều, không có sự chống đối mà cũng có phần giác ngộ… đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại. Dùng từ “địch ngụy cũ” hay “ngụy” với họ gây mặc cảm không đáng có cho họ. Mà sự vị tha, lòng bao dung là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.


“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Ban Tuyên giáo Trung ương họp Hội đồng thẩm định bộ sách "Lịch sử Việt Nam" một số ý kiến được nêu.

Lý do cuối cùng, không phải sử dụng cụm từ “Việt Nam cộng hòa” là không có lợi, quay lại định nghĩa ngụy quyền thì nó cũng là một chính quyền. Khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết thì từ dưới vĩ tuyến 17 là do “Quốc gia Việt Nam” sau này là “Việt Nam cộng hòa” quản lý bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những điều này đã được quy định vào trong Hiệp định quốc tế tức nó là nguồn của Luật Quốc tế. Là một căn cứ để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỹ trước khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đã bắt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thanh toán số nợ mà chế độ Việt Nam cộng hòa đang còn nợ Chính phủ Hoa Kỳ như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ. Và tôi cũng từng đọc các tài liệu cho rằng IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), WB (Ngân hàng thế giới) cũng làm điều tương tự với Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Như vậy, họ thừa nhận Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước duy nhất hợp Hiến và hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thống nhất (Việt Nam cộng hòa đã được thống nhất vào). Những quyền và nghĩa vụ của Việt Nam cộng hòa trước đây thì bây giờ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện những quyền và nghĩa vụ đó. Hiểu nôm na là anh bắt tôi thực hiện nghĩa vụ thì anh phải tôn trọng quyền lợi của tôi. Trong đó có cả quyền về chủ quyền lãnh thổ mà đặc biệt là đối với biển đảo. Hiện chúng ta còn giữ nguyên hiện trạng những cột mốc chủ quyền của Việt Nam cộng hòa xác lập trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Cột mốc của Việt Nam cộng hòa xây dựng vẫn còn ở một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam

“NGỤY” - BẢN CHẤT VÀ TÊN GỌI
Cột mốc của Việt Nam cộng hòa xây dựng vẫn còn ở Quần đảo Hà Tiên (hay quần đảo Hải Tặc)

Với trình độ nhận thức còn hạn hẹp, lại không phải là một người chuyên ngành Lịch sử nhưng với nhiều sách, tài liệu đã được nghiên cứu tôi chỉ đủ khả năng trình bày một số ý kiến của mình với những gì nhận thức được. Mong qua đó, người đọc phần nào hiểu được một số vấn đề về tên gọi của các chế độ cũ, bản chất của nó và nhìn nhận lịch sử một cách trung thực, khách quan nhất.

Thủ Đức, ngày 31/3/2018
Đạt Trần
  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét