Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TRỒNG CỎ TRƯỚC LĂNG BÁC

Quảng trường Ba Đình từng nằm trong phạm vi Hoàng Thành Thăng Long, là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và ở trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình ngày nay có chiều dài 320m, rộng 100m, với nhiều ô cỏ lớn, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m.
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TRỒNG CỎ TRƯỚC LĂNG BÁC
Có một điều thú vị, lâu nay nhiều người vẫn tranh cãi chuyện quảng trường Ba Đình thực chất có bao nhiêu ô cỏ? 240, 168, 169, hay 176? Mỗi tài liệu khác nhau lại đưa ra số liệu khác nhau, tuy nhiên con số 240 vẫn được thừa nhận nhiều hơn.
Cách đây 20 năm, trong vòng ba tháng, các ô cỏ với tổng diện tích 20.000m2 ở quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã được trồng lại trên quy mô lớn. Hàng triệu lượt khách đến viếng Lăng Bác đã được chiêm ngưỡng một màu xanh mát mắt của giống cỏ lá gừng nội địa. Ít ai biết người cung ứng toàn bộ cỏ và phụ trách kỹ thuật trồng cho công trình là một nghệ nhân cây cảnh miền Nam: ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở hoa kiểng Xuân Hòa (phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Sinh ra ở vùng sông nước Nam Bộ, Nguyễn Văn Hòa sớm làm quen với những vườn ươm cây ăn trái và hoa kiểng xanh rợp trên đất Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) quê mình. Thế nhưng, “học nghề của các nghệ nhân thời ấy khó lắm vì họ không muốn ai thừa kế, với lại, hoa kiểng là một nghề chơi khó tính, rất kén người”. Thế là chàng trai nghèo 16 tuổi nảy ra ý định... “ăn cắp” nghề, ngày nào cũng la cà vào vườn kiểng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sông, vờ như chỉ là một thằng bé tò mò, rồi dần dần trở thành người phụ việc. Sau hai năm, Hòa đã tiếp thu từng ngón nghề của lão nghệ nhân.
Cột mốc đánh dấu sự nghiệp của Nguyễn Văn Hòa là vào năm 1990, ông cùng vợ con khăn gói lên Thủ Đức (TP. HCM) tìm kế sinh nhai.
Vận may đã đến với ông trong thời gian làm công nhân trang trí tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HCM. Trình độ tay nghề và con mắt nghệ thuật của Nguyễn Văn Hòa đã được một cán bộ phát hiện. Ông được cử làm chỉ huy trưởng phụ trách phần trang trí cây xanh, hoa kiểng cho đến ngày khánh thành nghĩa trang.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoà từng nhận lời thi công nhiều công trình lớn nổi tiếng, nhưng sự kiện đáng nhớ nhất, tự hào nhất với người đàn ông ngoại ngũ tuần này là được mời làm công trình trồng cỏ cho Lăng Bác vào năm 2000. 18.000m2 cỏ gừng được cho vào những vuông sọt, chất đầy mấy toa xe lửa chuyển từ ga Sóng Thần ra Hà Nội, ông Hòa cũng thân chinh đi theo để chăm sóc cỏ suốt hành trình dài. Đó có lẽ là hành trình kỳ diệu nhất, xúc động nhất trong cả cuộc đời ông.

“Được trồng cỏ cho Lăng Bác là một vinh dự cao quý, tôi đã dốc hết tâm lực để có được hiệu quả tốt nhất. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì đã đóng góp công sức của mình vào một công trình lịch sử giàu ý nghĩa của đất nước”, ông Hoà xúc động chia sẻ.

Trên nền đất phù sa mang về từ những vùng châu thổ sông Hồng, những ô cỏ lá gừng đã mọc lên xanh tốt. Ban quản lý Lăng thường xuyên liên lạc hỏi han kỹ thuật chăm sóc cỏ, ông Hoà cũng thỉnh thoảng đáp máy bay ra Hà Nội để hướng dẫn phun thuốc. Giá trị kinh tế từ công trình mang lại cho ông không nhiều, nhưng những lá thư khen ngợi từ khắp nơi gửi về chính là món quà tinh thần lớn nhất đối với ông. Người đàn ông này đã âm thầm đứng sau việc chăm sóc cho diện mạo quảng trường, là một trong số những con người ngày đêm lặng lẽ cống hiến cho mảnh đất thiêng liêng của thủ đô, biểu tượng tự hào dân tộc ngày Quốc khánh hàng năm./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét