Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Giải thơ Văn Việt bị chính thành viên và "đồng đội" của Văn đoàn độc lập công kích thậm tệ!

Sau sự việc giải thưởng thơ của Văn Việt bị Lê Phú Khải lên án, và nữ nhà văn cốt cán của Văn Việt là Ngô Thị Kim Cúc phản đòn trên facebook của mình thì một trí thức quan trọng khác trong số các trí thức của phe lề trái cũng lên tiếng vạch mặt giải thưởng thơ Văn Việt, và hơn cả thế, là cách hoạt động của Văn Việt. Đó là bài viết trên facebook của ông Phạm Đình Trọng được đăng vào tối 10/8/2019 và đến giờ vẫn còn thu hút nhiều comment. 

Ông Phạm Đình Trọng cũng là một trong số những nhà văn quân đội, sớm tham gia BVĐ Văn đoàn độc lập và hưởng ứng các phong trào ly khai Đảng Cộng Sản do các thành phần trí thức này cổ vũ. Có thể nói, ông Trọng được xếp vào hàng "khai quốc công thần" của Văn đoàn độc lập. Thế nhưng, một điều lạ lùng, nhiều bài viết của ông Phạm Đình Trọng không xuất hiện trên website Văn Việt, thậm chí là cả quyển tiểu thuyết chống chính quyền với giọng viết cực đoan thời thượng theo đúng gu của Văn đoàn. Qua bài viết trên facebook của ông, người đọc mới biết rằng hóa ra Văn Việt không chịu đăng các tác phẩm của ông Trọng với lý do: “không có văn”, “chưa phải lúc đăng". Trong khi ấy, những bài viết đăng trên Văn Việt, nói như ông Trọng, đó là mớ giấy lộn cũ kỹ của Văn học trước 1975 ở miền Nam.

Nhận xét về giải thơ của Văn Việt, ông Trọng hoàn toàn ủng hộ quan điểm của ông Lê Phú Khải, rằng những tác phẩm ấy chỉ là những bài thơ mê sảng, điên loạn. Đáng chú ý, ông Trọng còn chỉ trích lối bốc thơm nhau thái quá của Văn Việt: 

"Trao giải thưởng cho thứ được gọi là thơ đó, có phải Văn Việt muốn khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi theo khuynh hướng “Bộ phận sinh dục thì theo cách của một vòi nước không thể khóa chặt / Tuôn xối xả những chất lỏng màu đỏ” . Rõ ràng giải thưởng Văn Việt là không đứng đắn, là lừa dối, làm hàng giả. Lừa dối từ lời quảng cáo của ban giám khảo thơ đối với món hàng giả thơ được giải thưởng Văn Việt. Hàng giả văn chương làm hỏng thẩm mĩ, gieo bệnh tật cho tâm hồn con người. Tội làm hàng giả văn chương còn lớn hơn, nặng hơn rất nhiều tội của công ty Pharma VN buôn thuốc giả trị ung thư."

Phản ứng lại những đả kích này của Phạm Đình Trọng, một loạt các nhà văn của Văn Việt đã vào comment bào chữa, biện minh cho Văn Việt, và tiếp tục lại khẳng định rằng đó là những cách tân nghệ thuật mà người khác khó có thể hiểu được. Ông Lưu Trọng Văn còn cho rằng những luận điểm của ông Trọng là sự lặp lại của cuộc chiến giữa nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật thời trước Cách mạng: "Không ngờ hôm nay vẫn còn phân ly bởi câu chuyện nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh hơn 70 năm trước." Ông Đặng Tiến, một nhà phê bình văn học nổi tiếng cũng ủng hộ giải thưởng thơ của Văn Việt và cho rằng ông Trọng đọc không hiểu là vì không muốn hiểu. Phản đối lại quan điểm của ông Tiến, nhà văn nổi tiếng Vũ Thư Hiên chốt một câu ngắn gọn: "Cái này phụ thuộc trí tuệ của mỗi người. Người ngu đần đọc thơ không hiểu ngay hoặc chỉ hiễu láng máng sau khi cố gắng suy nghĩ chán chê là bình thường. Mà người thường cũng chả cần hiểu làm gì thứ thơ khệnh khạng, cố làm ra vẻ cao siêu ấy. Vứt!" Và thế là Đặng Tiến tag thêm Nguyễn Hoàng Anh Thư (một nhà thơ khác cũng được giải thơ của Văn Việt, cùng nhau anh anh em em tung hứng khen ngợi thơ. Đặng Tiến đàng hoàng là một nhà phê bình có nghề, thế mà chẳng viết nổi một câu phê bình có tính lý trí để lý giải được cái hay của thơ Vũ Lập Nhật. Hóa ra trước giờ chỉ giỏi bốc thơm, cứ khen "hay" nhiều lần thì thế nào cũng thành "hay" thật. Trên thực tế, thứ văn thơ của Văn Việt cũng chẳng xứng đáng được gọi là "nghệ thuật vị nghệ thuật", vì trong đó lối văn thơ ấy không có nghệ thuật, chỉ có cơn mê sảng của những bệnh nhân tâm thần.

Trò diễn của các trí thức Văn Việt phô bày hết trên phần comment không thể giấu diếm. Và đúng như ông Trọng nhận định, cách ứng xử của Văn Việt đang cho thấy nhân cách của những người vận hành Văn Việt và ca tụng Văn Việt đang có vấn đề: "Cao ngạo, coi mình là chân lí, những người có trách nhiệm ở Văn Việt không trung thực nhìn lại mình mà kích cách nói không đúng của anh Lê Phú Khải lên để lấp liếm cái sai của Văn Việt và làm to chuyện anh Khải, làm căng thẳng sự việc để thí bỏ anh Lê Phú Khải cho xong chuyện. Đó là cách xử sự không đàng hoàng, không văn hóa."

Tự bên trong Văn Việt vạch mặt nhau, không phải bởi người ngoài gây nên, mà là bởi cách làm việc và trình độ thẩm mỹ của Văn Việt quá thấp kém, thiếu tính chuyên nghiệp. Có lẽ đã đến lúc cáo chung cho Văn Việt, vì cho đến giờ vẫn chưa ai thấy Văn Việt có đóng góp gì thực sự cho nền văn học Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét