Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

VIỆT NAM SẢN XUẤT BIA MANG TÊN BIỂN ĐẢO

Từ "đơn đặt hàng" của một lãnh đạo hải quân Việt Nam, nay là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, những chai bia mang tên hai huyện đảo vô cùng ý nghĩa của Việt Nam: Hoang Sa special và Truong Sa special đã chính thức ra mắt vào tối 19-1 ở TP.HCM.


Trên thế giới, Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin gắn với tên hai hòn đảo nổi tiếng, Trung Quốc cũng có bia Shingtao - Thanh Đảo. Vậy tại sao Việt Nam không có loại bia mang tên Hoàng Sa và Trường Sa? Không chỉ đem đến thị trường hương vị bia thủ công thượng hảo mà thương hiệu bia này còn kể những câu chuyện lịch sử dân tộc theo một cách khác.


Bia công nghệ Đức nhưng phải vị của người Việt
Ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer, một trong những nhà sản xuất craft bia (bia thủ công) hàng đầu tại Việt Nam, cho biết từ đề bài được đặt ra ấy, ông gặp gỡ các chuyên gia quốc tế, tư vấn chọn ra loại bia phù hợp với người Việt Nam.
Đó là đề bài không dễ khi tìm một hương vị bia phù hợp với văn hoá ẩm thực của người Việt, vừa dung hoà được ẩm thực phương Tây. Và các chuyên gia người Đức đã bắt tay làm được điều ấy sau 7 tháng ấp ủ, với 5 mẻ thử khác nhau để cuối cùng đã cho ra được hương vị bia đậm đà, thanh dịu với Abv 5,8%, phù hợp với số đông người Việt mang tên bia thủ công Hoang Sa special và Truong Sa special.
Loại bia được lựa chọn trong mùa Tết
Do sản lượng phục vụ Tết có hạn nên trong thời gian này, hãng chỉ đưa khoảng 2.500 thùng ra thị trường, trong khi số lượng đặt hàng đã lên đến 3.000 thùng.
Nhà sản xuất hi vọng, trong thời gian tới, dòng bia này sẽ được nội địa hóa nhiều hơn, giúp sản phẩm ra thị trường có giá cả phù hợp với nhiều người hơn. Ngoài đóng dạng chai thủy tinh, hãng cũng nghĩ đến phương án đóng lon.
"Người Đức rất khó tính, họ cho rằng bia đóng trong lon sẽ không bảo quản tốt do nhiệt độ từ lòng bàn tay dễ làm hỏng bia. Chúng tôi phải nghiên cứu hương vị bia mới là vì thế", ông Hải chia sẻ.
"Có rất nhiều cơ duyên đưa tôi đến với sản phẩm bia mang tên đảo của Việt Nam và quyết định chọn Hoàng Sa, Trường Sa để đặt tên cho dòng bia tâm đắc nhất là một sự biết ơn, ghi nhớ về lịch sử, nơi cha ông cống hiến quãng đời binh nghiệp", ông Trần Song Hải - Giám đốc Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer - cho biết.
Chọn đêm đặc biệt 19-1 để ra mắt, bia Hoang Sa special và Truong Sa special đã đón rất nhiều vị khách mời đặc biệt đến dự, cùng thưởng thức và ôn lại những câu chuyện giữ lấy tấc đất, tấc biển của những anh hùng năm xưa.
Nhờ kỹ thuật lên men bia hai lần nên lượng đường còn lại trong bia rất thấp. Với dòng thủ công cao cấp, điều kiện uống ngon nhất là khi bảo quản lạnh nhưng các chuyên gia cũng tính toán, với thói quen của người Việt nếu bỏ đá vào uống cùng vị bia cũng không bị nhạt đi quá nhiều.
Từng là cổ động viên nhiệt huyết của môn thể thao vua, ông Trần Song Hải thấy rằng bia là thức uống có tính kết nối rất cao, thậm chí cũng có thể xem là biểu tượng cho ngôn ngữ không biên giới.
"Tôi đi cổ vũ cho bóng đá Việt Nam ở nhiều nước, lúc vui nâng ly ăn mừng, mọi người rất hạnh phúc. Và đến khi thua trận, cảm giác chán chê vì thất bại, cũng nhờ cái cụng ly bia mà trở nên nhẹ nhõm hơn. Nó lý giải vì sao nhiều quốc gia say mê bia như vậy", ông Hải chia sẻ.
Có lần, khi được tham gia vào một chuyến thăm lịch sử đội tàu sân bay của Mỹ cập cảng Đà Nẵng, ông Trần Song Hải trong vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP), cung cấp tàu dân sự trung chuyển cho những vị khách Mỹ, đã đem ra mời những người bạn loại bia do chính mình sản xuất, ai cũng tấm tắc khen ngon và sau những lần cụng bia, câu chuyện trở nên thoải mái, gần gũi hơn.
"Bia đã rút ngắn khoảng cách, giúp mọi người nhắc nhớ nhau nhiều hơn và nhớ về một loại bia ngon được uống ở Việt Nam", ông Hải kể lại.
Sau lần ấy, ông càng quyết tâm cho ra một loại bia ngon, đẳng cấp gắn với tên Việt Nam. Craft beer Hoang Sa special và Truong Sa special là loại bia thủ công thượng hạng Golden Ale và Trappist ale, có màu vàng óng ánh. 
Bia sử dụng malt (lúa mạch) và hop (hoa bia) từ bang Bavaria, Đức. Bia thủ công có hương thơm ngào ngạt và mùi vị dịu nhẹ, đậm chuẩn vị Đức. Do được sản xuất phục vụ cho người Việt, hương vị bia được điều chỉnh để làm sao phù hợp với các món ăn thuần Việt, thịt gia cầm và hải sản.
Những câu chuyện trên chiếc nhãn chai
"Ủa, bia gì mà yêu nước quá vậy?". Đó là phản ứng của nhiều người khi lần đầu tiên nhìn thấy chai bia. Với gam màu đỏ nóng, hình ảnh nhân vật lịch sử đặc trưng của Việt Nam, nhãn của chai bia Hoang Sa special và Truong Sa special được Trung tâm phát triển thương hiệu đặc sản quốc gia phát triển. Bao bì cũng là một câu chuyện ý nghĩa về lịch sử, gắn với những sự kiện diễn ra liên quan đến cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa năm xưa.
Hãng muốn đầu tư vào nhãn và bao bì thật đẹp để khi uống mọi người sẽ lưu giữ những chiếc chai bia lại làm kỷ niệm. "Trên vỏ chai bia Hoang Sa có một tấm bảng, là lệnh của vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra để thăm dò, đo đạc thủy trình Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hòn đảo này từ xa xưa. Các chữ viết này là chữ Nôm", ông Hải say sưa kể.
Sự tinh tế, chăm chút, đặc cả tâm hồn của những người thực hiện còn thể hiện ở hình ảnh chiếc tàu xa xa trên nhãn chai. Đó là hình ảnh con tàu HQ-505 trong trận chiến năm 1988 khi trúng đạn sắp chìm, các chiến sĩ Việt Nam đã dũng cảm lao lên bãi cạn đảo Cô-lin, giữ được hòn đảo cho Tổ quốc. Những sự kiện về cuộc chiến năm xưa được tái hiện qua bức tranh, qua lời kể của một con người có nhiều nặng nợ với biển đảo Việt Nam.
Nhanh chóng được đón nhận
Điều thú vị là đến nay, dù mới chào sân thị trường nhưng bia được nhiều hệ thống nhà hàng, cửa hàng tiện lợi đón nhận. "Có chuỗi nhà hàng Hong Kong, Trung Quốc đã đặt hàng để đưa vào hệ thống. Thậm chí một doanh nhân nước ngoài khi nghe được câu chuyện về bia Hoang Sa special và Truong Sa special đã chủ động liên hệ để muốn được phân phối tại thị trường Trung Quốc.
Đến nay, nhiều đơn vị, ban ngành của TP.HCM cũng ủng hộ và lựa chọn loại bia này để dùng trong mùa Tết năm nay. Những sản phẩm tốt, chất lượng gắn với những câu chuyện lịch sử, giúp những Việt trẻ hôm nay tìm hiểu và nhớ về lịch sử.
"Cái tôi đau đáu nhất là muốn đóng góp nhiều hơn cho vùng biển Việt Nam, có thêm nhiều con tàu cao tốc vươn ra biển lớn, rút ngắn các khoảng cách giữa đảo Việt Nam, cùng hỗ trợ lực lượng biển đảo bảo vệ vùng trời Tổ quốc", ông Hải tâm sự./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét