Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

DƯỚI CON MẮT VẨN ĐỤC, CHẲNG BAO GIỜ THẤY BẦU TRỜI TRONG XANH

Mấy năm trước, CĐM từng chao đảo khi xuất hiện bài thơ ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh’ của Cô giáo Trần Thị Lam. Một bài thơ với góc nhìn thiển cận, sặc mùi bất mãn lẫn quy chụp như thế không hiểu sao nó lại có thể thu hút được sự ủng hộ không nhỏ của một bộ phận cộng đồng mạng. Lúc đó, tôi đã từng thắc mắc như thế, và rồi sau mới biết, hoá ra những kẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, được Tổ quốc nuôi nấng và chở che – lại vẫn có thể tự nhục khi nghĩ về đất mẹ.

Kế đó, cô giáo Trần Thị Lam còn tự đặt ra 13 câu hỏi, như thường lệ, là những câu hỏi ngu ngốc này tiếp tục nhận được hàng ngàn vạn like/share như lên đồng của đám con nhang đệ tử. Thế mới biết, những kẻ tự nhục lẫn thiếu hiểu biết ở Việt Nam không những có, mà rất đông, họ còn tổ chức thành cộng đồng, sinh hoạt với nhau trong những cộng đồng hàng trăm ngàn người.
Trước kia, sau khi đọc qua bài thơ của cô giáo Lam, và hẳn là rất bức xúc, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từng có làm bài thơ phản biện lại những luận điệu sai trái, suy nghĩ tự nhục hạ bệ đất nước của cô Lam. Bài thơ của cố chủ tịch tên là “Đất nước mình kì diệu phải không em!”, sáng tác vào đúng dịp kỷ niêm ngày lễ 30/04/2016, hiên ngang đường hoàng mà dõng dạc tự hào.
Và ngày nay, lại một bài thơ ngàn share nữa của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Yến, có tên ‘Thời đại tôi đang sống’, và nội dung vẫn là góc nhìn hằn học méo mó về Việt Nam. Điểm sơ qua thì thấy bài thơ dùng ngôn từ khắc bạc tràn đầy những định kiến, nổi bật nhất có những ý sai, thậm chí rất sai.
- Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ.
- Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần
- Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
- Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con sếp
- Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách" mẹ ơi!!!"
Mình đồng ý, cái xấu chúng ta cần nghiêm khắc phê phán, lên án – nhưng đồng thời còn phải biết nhìn nhận ra rằng: Cái xấu ấy xuất phát điểm từ đâu, là hiện tượng hay bản chất. Nếu cứ nhắm mắt “vơ đũa cả nắm” rồi quy chụp, như vậy là quá bất công.
Hơn nữa, liệu có công bằng không, có hợp lý không khi đôi mắt chúng ta chỉ biết nhìn tới những thứ tiêu cực nhiễu nhươ ng bất cập còn tồn tại trong xã hội mà không thấy những gì tốt đẹp mà đất nước, dân tộc Việt Nam đã và đang làm được. Hay phải chăng những người như cô giáo Trần Thị Lam, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Yến cố tình mắt điếc tai ngơ, bỏ qua và phủ nhận hết tất cả những giá trị tốt đẹp, những thành tựu rực rỡ mà Việt Nam đạt được.
Tôi vẫn hay nói với mấy đứa em mình về cái page Café Ku Búa, rằng đó là cái kiểu “Đầu có búa thì nhìn đâu cũng thấy đinh”, ngẫm ra nó còn đúng trong cả những trường hợp này.
Thường thì (mấy năm trở lại đây) mình rất ít đi phản biện lại những luận điệu sai trái trên mạng xã hội, vì nghĩ đó là việc làm không cần thiết. Chẳng qua là thấy người ta đang like/share điên đảo bài thơ phiến diện kia, đặc biệt là có rất nhiều những người già, mình lại thấy phiền lòng.
Người ta còn tung hô nó thành Bài thơ thần của thời đại mới đấy các bạn của tôi ạ!
1. Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ.
Đầu tiên là nói về nợ quốc gia, nợ công của Việt Nam đi ha. Theo thông tin về nợ công của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy nợ công của Việt Nam năm 2021 là 43,1% GDP (thông tin mới nhất). Với quy mô GDP năm 2021 đạt hơn 8,47 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 366 tỉ USD), thì nợ công của cả nước khoảng 3,65 triệu tỉ đồng (gần 156 tỉ USD).
Nói vui, thì với dân số của Việt Nam năm 2021 là 98,51 triệu người, thì trung bình mỗi người dân đang gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công.
Tuy nhiên, câu chuyện “mỗi người dân phải gánh 37 triệu đồng nợ công” nó chỉ mang ý nghĩa thống kê, vì chính phủ chưa từng bao giờ yêu cầu người dân có trách nhiệm hay nghĩa vụ với khoản nợ trên. Và việc trả nợ sẽ do Bộ tài chính hoạch định từng bước và đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Các bạn nên hiểu thế này, Việt Nam chúng ta là một nước đang phát triển, xuất phát điểm là nước công nghiệp lạc hậu chịu ảnh hưởng rất nhiều sau chiến tranh tàn phá của đế quốc Mỹ. Bởi vậy, việc chính phủ phải vay tiền từ các quỹ tín dụng quốc tế, các quốc gia khác trên thế giới nhằm tập trung xây dựng phát triển đất nước là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Thậm chí, nhiều khoản vay quốc tế chính phủ còn đầu tư xây dựng các công trình công cộng, các chính sách phúc lợi phục vụ người dân trong nước (điện đường trường trạm …), hay đơn thuần xây các nhà máy xí nghiệp quốc doanh phục vụ phát triển sản xuất.
Chính phủ không vay nợ nước ngoài, lấy đâu ra các nhà máy điện hiện đại cung ứng cho gia đình bạn sinh hoạt, lấy đâu đường sá thông thoáng để các bạn đi, lấy đâu ra các trường công lập với chế độ đãi ngộ/mức học phí phải chăng để bạn và người thân theo học, lấy đâu các bệnh viện để chữa bệnh cho người dân, lấy đâu ra các công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của các bạn?
Nhớ! Đây là vay nợ để đầu tư, trừ phi đầu tư thua lỗ đến mức không có khả năng trả nợ mới đáng lo, chứ mọi chuyện vẫn nằm trong kế hoạch và khả năng kiểm soát của chính phủ thì có việc gì phải lo.
Và trên thế giới này, có mấy quốc gia nào không phải vay nợ đâu. Lấy luôn ví dụ như Mỹ, cường quốc số 1 thế giới hiện tại, quốc gia thiên đường mà nhiều người Việt luôn mơ ước và tâng bốc đi nha.
Số liệu năm 2021, thì Mỹ có nợ công lớn nhất trên thế giới là 30.900 tỷ USD. Với dân số trên 333 triệu người, điều đó có nghĩa mỗi người dân gánh số nợ 92.709 USD, gấp 60 lần “mức gánh” của người Việt Nam.
Theo như nhà thơ Hải Yến thì người Việt Nam đang phải gánh còng lưng trả nợ công, vậy thì người dân Mỹ sẽ phải gánh còng cái gì đây ha?
2. Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần
Đầu tiên là về thượng tầng, mình hoàn toàn không đồng tình thậm chí căm ghét lập luận dối trá, sai sự thật của nhà thơ Hải Yến. Trên thế giới này, liệu có mấy quốc gia mà có chế độ chính trị ổn định, đất nước thanh bình, người dân sống vô tư không phải lo bom rơi đạn nổ như ở Việt Nam?
Hà huống chi Việt Nam trở mình từng ngày, vươn vai Phù Đổng. Như học giả/nhà báo/triết gia Andre Vlkcheck từng nhận xét: “Với sự hy sinh to lớn, nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp, và sau đó là quân chiếm đóng Hoa Kỳ. Hàng triệu người đã hy sinh, nhưng một quốc gia mới, tự tin và mạnh mẽ đã ra đời. Nó thực sự đã đứng lên từ đống tro tàn. Nó đã xây dựng một mô hình của riêng mình, đặc thù Việt Nam. Bây giờ, nó đang chỉ đường cho những quốc gia yếu hơn và ít quyết tâm hơn ở Đông Nam Á, những nước vẫn đang sẵn sàng hy sinh công dân của mình, bằng cách ngoan ngoãn thần phục sự chỉ huy của Bắc Mỹ và Châu Âu.
Từ vị trí của một trong những nước châu Á nghèo nhất, Việt Nam đã trở thành một trong những nước mạnh nhất, quyết đoán và lạc quan.”
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 1 tháng 10 năm 2018, thì "Việt Nam là quốc gia tốt nhất trong số 151 quốc gia được khảo sát trong một nghiên cứu đánh giá chất lượng cuộc sống gắn với sự bền vững môi trường". Cũng như hàng loạt khảo sát ở mức độ uy tín, thì Việt Nam luôn là một quốc gia hoà bình, đáng sống và thân thiện bậc nhất thế giới.
Cô Hải Yến không biết tài giỏi cỡ nào mà lại có thể thở ra được câu: “Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần”. Tôi không rõ, nhưng góc nhìn của tôi thì Việt Nam chúng ta từ ngàn đời nay vẫn thế, luôn có những bậc anh hùng hào kiệt đồng hành cùng Tổ Quốc. Thế hệ trước có những Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp … cùng những người trẻ “gan vàng dạ ngọc” quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Thế hệ hiện tại, cụ Tổng Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục công cuộc đốt lò vĩ đại loại bỏ những kẻ sâu mọt đang đục khoét đất nước, quân đội công an vẫn luôn sát cánh cùng nhân dân trong bão lũ dịch bệnh, đất nước Việt Nam thật như Phù Đổng vươn vai.
Đọc qua mấy dòng thơ của cô Hải Yến, không hiểu sao nhiều bạn có thể thấy nó hay mf ngợi khen, nhưng bài thơ hoàn toàn nhìn từ góc độ tiêu cực, phủ nhận đi tất cả những điều tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng, phủ nhận biết bao công sức của các chiến sỹ đang nơi đầu sóng, ngọn gió, vì dân mà chiến đấu, vì dân mà hy sinh. Việt Nam chúng ta cũng như nhiều quốc gia khác, đất nước đi lên từ đống đổ nát trong chiến tranh, cũng trải qua dịch bệnh đói nghèo với hàng ngàn lệnh cấm vận trơ trẽn, nhưng chúng ta đã và đang đạt được những thành tựu gì? Có phải đời sống nhân dân đang dần cải thiện từng ngày, tuy chưa hoàn thiện nhưng biết bao điều tốt đẹp đang diễn ra, cái xấu đang dần bị loại bỏ.
Có đất nước nào mà chỉ có những điều tốt đẹp, hay phải chăng các bạn đang mơ tưởng tới thành phố ảo vọng “Sài Gòn trước năm 1975”? Các bạn đang ngợi ca “bài thơ thần” của cô Hải Yến, liệu đã từng nghe qua câu “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” trong bài hát Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng?
3. Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
Ngày trước, có một thằng khuyết tật não nó từng lên mạng nói phét như này: Có một nghịch lý ở Việt Nam, đó là tàu ngầm xe tăng, máy móc công-nông nghiệp toàn là nông dân. Tuyệt đối không thấy một giáo sư, tiên sĩ nào giới thiệu được một cái máy ra hồn.
Những người mà còn có suy nghĩ như vậy, tôi xin tặng các bạn một chữ NGU, viết theo kiểu thư pháp, to tròn in hoa, vì chữ ngu bình thường không đủ để thể hiện trí tuệ IQ thiếu nét của các bạn.
Dùng từ N G U với quan điểm của nữ thi sĩ Hải Yến có vẻ chưa phù hợp, có lẽ là hơi n g u 1 chút thôi. Thứ nhất cô còn không phân biệt được đâu là ý tưởng và phát minh, sáng chế và chế tạo. Và thứ hai, cái cô tưởng là thế nhưng mà không phải thế, nó không đơn giản là sai mà là vì quá sai.
Không phủ nhận, ở Việt Nam có nhiều người nông dân năng động mà tải giỏi, sáng tạo, họ đã suy nghĩ và sáng chế ra nhiều công cụ tốt giúp ích cho đời. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở đấy thôi. Có những người dân vì đam mê, họ cải tiến và tự chế tạo những mô hình xe tăng, tàu ngầm, xe bọc thép … nhưng mang ý nghĩa thực nghiệm và tham khảo.
Không một cơ quan nào dám cấp phép cho những mô hình sáng chế kiểu ấy (cũng có thể là tối chế), vì nó không mang tính thực tiễn, thậm chí nhiều khi là phản khoa học. Cũng không có một quân nhân nào dám can đảm ngồi vào xe bọc thép do nông dân chế để thử nghiệm khả năng chống đạn từ nó cả.
Ngược lại, đúng là ở Việt Nam có rất nhiều Giáo sư, Tiến sĩ – và không ít trong số họ là những Giáo sư giá áo, Tiến sĩ giấy tốn cơm, nhưng cũng có nhiều những chân tài thực học từng có nhiều phát minh sáng chế giúp ích cho nền khoa học nước nhà. Có rất nhiều đấy, chẳng qua cái tầm mắt của các bạn không đủ nhìn tới nơi đây mà thôi.
4. Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con sếp
Lại bàn về chuyện bất cập “con ông cháu cha” ở Việt Nam. Và liệu, có phải các thủ khoa ở Việt Nam đều thuộc các hộ đói nghèo, và phải chăng cứ con cháu nhà giầu, cứ con ông cháu cha thì vừa học dốt, vừa xấu nết?
Tôi, thậm chí nghĩ ngược lại. Vẫn có nhiều các tấm gương hiếu học thông minh, nghèo vượt khó. Vẫn có nhiều những cậu ấm cô chiêu hỗn hào dốt nát, sinh ra trong gia đình có điều kiện mà sinh hư do quá được chiều chuộng. Nhưng xét vì tỷ lệ, thì mình thấy những người có xuất phát điểm tốt hơn thường có học vấn và tu dưỡng đạo đức tốt hơn.
Chuyện mặc định thủ khoa học giỏi là con nhà nghèo, còn cứ “tuổi trẻ tài cao”, kiểu tuổi ít mà có tý chức sắc mặc định là con ông cháu cha – nó là quá sai.
Sao ko nghĩ ngược lại, có nhiều bạn trẻ nhưng thực sự có tài, có năng lực, có kinh nghiệm sớm được phân công vào những vị trí cốt yếu – kể cả các bạn ấy có là con ông cháu cha đi chăng nữa, thì việc bổ nhiệm này là phụ thuộc vào năng lực, chứ ko kể xuất thân.
Ở nước ngoài, các chính khách – lãnh đạo trẻ tuổi nhậm chức thì người Việt Nam nói đó đúng là “tuổi trẻ tài con, con dòng cháu dõi”, nhưng nếu điều này xảy ra ở chính đất nước mình thì lại bĩu môi: Đúng là con ông cháu cha.
Lạ kỳ thế ai mà chịu được!
Đây là 4 câu thơ cuối bài Thời đại tôi đang sống
Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách" mẹ ơi!!!"
Tới lúc này, tôi thật sự thấy thương cô Hải Yến, hoàn toàn là thật sự cảm thấy thương cô ấy, vì cô ấy sẽ “hằn học lo toan suy nghĩ sợ sệt” quá nhiều, không có đủ thời gian trải nghiệm hạnh phúc.
Lời cuối, bài này phản biện phê phán luận điểm, không có ý công kích con người. Nhưng, mình phải nói rõ là tôi rất ghét những bạn bất mãn với xã hội, tự nhục về tổ quốc trong khi đã/đang được đất mẹ nuôi lớn và bảo bọc từng ngày. Đó là những kẻ bất mãn, thiển cận, họ thích phóng đại cái xấu cái tiêu cực còn tồn đọng ở Việt Nam lên dưới góc nhìn một chiều, gào thét rằng: Việt Nam chẳng ra gì.
Tôi nói các bạn nghe, không có một đất nước nào dân tộc nào từng kiệt quệ vì chiến tranh, bị bao vây cấm vận đủ bề, ấy vậy mà lại có bước phát triển thần tốc như Việt Nam. Những thứ tiêu cực, những mặt trái bất cập ở quốc gia nào cũng có hết - chẳng qua là các bạn chưa hiểu và biết để nhận ra, tin vào “dăm ba tin lá cải” của truyền thông kền kền mà tự nhục, phỉ báng chính dân tộc mình.
Nhớ nhé, đừng có đánh tráo khái niệm rằng tôi bênh vực và cổ vũ những gì tiêu cực còn tồn tại ở Việt Nam. Mà là chúng ta cần có cái nhìn đa chiều và tích cực, đừng giữ trong mình tâm lý bất mãn và thiển cận.
Bởi vì “Dưới con mắt vẩn đục, bầu trời chẳng có gì trong xanh.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét