KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Chùm ảnh: Wonsan – có một thành phố đẹp và yên bình như thê!!!

Dù không phải thủ đô nhưng thành phố Wonsan vẫn đóng một vai trò quan trọng ở CHDCND Triều Tiên, bởi đây vừa là nơi nghỉ dưỡng sang trọng của giới tinh hoa, vừa là nơi tiến hành các cuộc thử nghiệm pháo, tên lửa.Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 5

Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 1
Wonsan là thành phố nằm ở bờ biển phía đông của Triều Tiên. Hồi năm 2014, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ tiến hành chương trình tái thiết lớn tại Wonsan nhằm xây dựng thành phố này thành một điểm đến du lịch mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Reuters
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 2
Wonsan là thành phố có ý nghĩa lịch sử đối với người dân Triều Tiên. Đây là nơi cố Chủ tịch Kim Il Sung đã đặt nền móng cho nhà nước Triều Tiên kể từ khi Nhật Bản rút khỏi nước này. Đồng thời cũng có thông tin cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un, cháu nội cố lãnh tụ Kim Il Sung được sinh ra tại Wonsan. Ảnh: Reuters
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 3
Theo Business Insider, hầu hết những công dân Triều Tiên từng đặt chân đến Wonsan ít nhất một lần. Kể cả những người được cho là đã đào tẩu khỏi Triều Tiên để đến Hàn Quốc cũng đều dành những lời khen ngợi có cánh cho Wonsan. Ảnh: Reuters
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 4
Theo các tài liệu quảng cáo, Wonsan có rất nhiều bãi tắm tự nhiên, di tích lịch sử và khoảng 680 điểm du lịch. Ảnh: KCNA
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 5
Thành phố Wonsan cũng là nơi tổ chức Trại hè Thiếu nhi Quốc tế Songdowon – hoạt động nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa trẻ em Triều Tiên và trẻ em quốc tế. Ảnh: AP
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 6
Trẻ em Nga và Triều Tiên chơi đùa trên bãi biển Wonsan. Ảnh: AP
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 7
Một nhóm học sinh tại Trại trẻ em Quốc tế Songdowon ở Wonsan mặc những bộ đồng phục sáng màu, in logo Nike và Adidas. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 8
Lưới đánh cá giăng kín trên biển ở Wonsan. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 9
Một nhóm ngư dân tập trung ở đầu cầu cảng tại Wonsan để câu cá. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 10
Hai phụ nữ nướng hải sản cho khách tại một nhà hàng trên biển ở Wonsan. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 11
Cư dân Wonsan thuê lều bên bờ biển để tổ chức tiệc nướng BBQ. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 12
Tập đoàn Kumgang (KKG) vốn cung cấp dịch vụ taxi ở Bình Nhưỡng, nay đã mở rộng địa bàn hoạt động đến Wonsan. Ảnh: NK News
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 13
Wonsan không chỉ thu hút du khách vào mùa hè mà còn là điểm đến lí tưởng vào mùa đông với một khu nghỉ mát trượt tuyết có tên Masik Pass. Ảnh: AP
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 14
Chính quyền Triều Tiên đã cho xây dựng công viên nước và thủy cung ở Wonsan. Ông Kim Jong-un từng đến thăm thủy cung này năm 2014. Ảnh: KCNA
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 15
Từ trước đến nay, chính quyền CHDCND Triều Tiên luôn coi quân đội là trung tâm. Nhà nước Đông Bắc Á này đã có một thời gian dài theo đuổi chiến lược “songun”, nghĩa là đặt quân đội lên hàng đầu. Trong ảnh: Quân đội Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại Wonsan hồi tháng Tư để kỉ niệm 85 năm ngày thành lập Lực lượng Vũ trang. Ảnh: KCTV
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 16
Wonsan từng được coi là “bãi tập” của quân đội Triều Tiên với hàng loạt vụ thử tên lửa, tập trận pháo kích và các hoạt động quân sự khác. Ảnh: KCNA
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 17
Nhưng những ưu tiên của Triều Tiên đang thay đổi, và kế hoạch của Chủ tịch Kim tại Wonsan phản ánh rõ điều này. Chủ tịch Kim Jong-un đã cho sửa lại sân bay quốc tế Kalma tại Wonsan để đón khách du lịch. Sân bay này hiện vẫn đang được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: AP
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 18
Chính quyền thành phố Wonsan nói rằng họ hy vọng sẽ có thêm những ngôi nhà cao tầng, một cửa hàng bách hóa khổng lồ, và một sân gôn sang trọng. Ảnh: KCNA
Khám phá thành phố du lịch biển kiêm... bãi thử tên lửa Triều Tiên - ảnh 19
Đến thời điểm hiện tại, chính sách kinh tế mới của Chủ tịch Kim (được gọi là “byunngjin”) dường như vẫn đang phát huy tác dụng. Năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 17 năm, bất chấp các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là nhờ chi tiêu quân sự và hạt nhân của Triều Tiên, không phải nhờ du lịch. Mặc dù việc tiếp thị, lôi kéo đầu tư vào dự án cải tạo Wonsan đang được đẩy mạnh, nhưng hiện chưa có đối tác quốc tế nào tỏ ra quan tâm đến dự án, theo Business Insider. Ảnh: KCNA
Theo TIỀN PHONG

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Trần Thị Xuân - đối tượng Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đã bị bắt.

TTO - Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Tĩnh bắt khẩn cấp Trần Thị Xuân về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.


Đối tượng Trần Thị Xuân 
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, ngày 17-10, cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt Trần Thị Xuân (41 tuổi, trú tại thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.  
Công an Hà Tĩnh khẳng định, việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Xuân đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật.
Hiện, cơ quan công an đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Trần Thị Xuân để phục vụ điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.
THẮNG DINH - báo Tuổi Trẻ

Sức mạnh của tổ hợp tên lửa bờ Bal-E Việt Nam sẽ sở hữu

Báo Kommersant cho biết Việt Nam cớ thể sớm sở hữu tổ hợp tên lửa bờ Bal-E tối tân mà Nga mới hoàn thiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một lựa chọn hoàn hảo.


Với lượng đạn tên lửa sẵn sàng phóng của mỗi tổ hợp Bal-E, lập tức có thể tập kích nhóm tàu của đối phương bằng một “cơn mưa đạn”, khiến hệ thống phòng không trên hạm tàu của đối phương bị quá tải, không kịp trở tay. Thứ nhất, là sự thay thế hoàn hảo cho các loại tên lửa cũ và bổ sung cho các tổ hợp Bastion-P. Chúng có thể dễ dàng phối hợp với nhau do có cùng xuất xứ từ Nga. Chúng có thể kết nối dữ liệu tình huống chiến trường (có cùng loại radar trinh sát hoặc tiếp nhận thông tin từ các kênh khác nhau), phân bổ mục tiêu hợp lý để dùng loại tên lửa thích hợp tiêu diệt.
Giữa năm 2014, báo Kommersant cho biết Việt Nam có thể sớm sở hữu tổ hợp tên lửa bờ Bal-E tối tân của Nga mới hoàn thiện. Mặc dù sau đó chưa có thêm thông tin nào cập nhật Việt Nam đã chính thức đặt hàng nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, Bal-E là loại vũ khí phòng thủ bờ biển hoàn hảo.
Bal-E và chiến thuật “mưa tên lửa”
Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), ngoài các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P dùng đạn diệt hạm Yakhont thì hầu hết các tổ hợp tên lửa bờ còn lại của Hải quân Việt Nam đều đã được đưa vào biên chế từ đầu những năm 1980.
Qua gần 40 năm sử dụng, những tổ hợp này ít nhiều đã xuống cấp khiến công tác bảo đảm, duy trì hệ số chiến đấu cao khá vất vả, cần được thay thế trong tương lai và Bal-E là một ứng viên sáng giá. Bởi lẽ:
Tổ hợp tên lửa bờ Bal-E được thiết kế để khống chế eo biển và lãnh hải, bảo vệ các căn cứ hải quân, cơ sở hậu cần chiến lược và các công trình ven biển khác, phòng thủ và tạo vùng đệm ngăn chặn bảo vệ tuyến ven biển, phòng thủ bờ biển chống tác chiến đổ bộ của đối phương, bảo vệ tuyến đường biển và khống chế các vùng biển trong tầm phóng đạn tên lửa của tổ hợp.
Tổ hợp Bal-E có thể phát hiện, bắt bám, phân bổ và công kích tốp mục tiêu trên biển bằng tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35E.
Tổ hợp có tính năng cơ động cao, triển khai sẵn sàng chiến đấu mau lẹ, cơ số đạn tên lửa lớn, có thể phóng loạt theo chỉ định, vận hành ổn định, tác chiến hiệu quả và tạo môi trường chiến đấu thuận tiện cho kíp trắc thủ. Đạn tên lửa có thể được phóng vượt các vật cản tự nhiên hay nhân tạo từ trận địa có độ cao tới 1.000m so với mặt nước biển.Mỗi tổ hợp tiêu chuẩn có 4 xe mang bệ phóng tên lửa tự hành, với tổng cộng 32 đạn sẵn sàng phóng đặt trong ống phóng dạng container cùng với tới 4 xe chở và tiếp đạn, đảm bảo trong thời gian ngắn có thể bổ sung ngay một lượng lớn đạn tên lửa để tổ hợp tiếp tục khai hỏa.
Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động được dùng để đảm bảo các quá trình chuẩn bị chiến đấu. Thông số mục tiêu được nạp sẵn hoặc được cung cấp bởi các nguồn bên ngoài, bao gồm cả từ các phương tiện bay. Kíp trắc thủ có thể lựa chọn phương thức bắn loạt hoặc bắn kết hợp từng quả một, với uy lực tổng hợp cao.
Sau khi được phóng, tên lửa sẽ bay theo quỹ đạo định trước và bay tới khu vực mục tiêu, độ cao hành trình không quá 10-15m. Ở pha cuối, tên lửa sẽ dùng đầu dò chủ động có khả năng đối kháng điện tử cao để khóa và tiến công chính xác mục tiêu ở độ cao từ 3 đến 5m.
Nhờ diện tích phản xạ radar hiệu dụng rất nhỏ và quỹ đạo bay cực thấp, tên lửa có thể vượt qua được hệ thống phòng vệ của tàu chiến địch, xác suất trúng đích trên một phát bắn cao.
Bal-E và Bastion-P: Cặp đôi hoàn hảo — Những lá chắn thép bảo vệ hướng biển
Nếu Việt Nam mua BAl-E có mấy cái lợi:
Bal-E sẽ là chốt chặn cuối cùng (không tính pháo bờ biển) nếu như còn mục tiêu bị sót, lọt sau các đợt tập kích hỏa lực của những tổ hợp tên lửa bờ tầm xa hơn cũng như những đợt càn quét của không quân và lực lượng tàu ngầm, tàu mặt nước.
Với khả năng việt dã rất tốt nhờ sử dụng khung gầm một trong những loại xe tải quân sự hàng đầu thế giới, Bal-E cùng Bastion-P có thể cơ động nhanh, ẩn nấp, phục kích ra đòn bất ngờ từ nhiều hướng khác nhau.
Các xe bệ phóng có thể bố trí cách xa nhau, tạo thành thế “pháo giằng”, hỏa khí phân tán, nhưng hỏa lực tập trung. Nếu chọn đúng mục tiêu, chúng ta hoàn toàn có thể bẻ gãy những đợt tấn công ồ ạt của đối phương từ hướng biển.
Thứ hai, chuyển loại nhanh, vận hành dễ dàng và giá thành hợp lý. Do hiện nay trong biên chế Hải quân Việt Nam có một lượng lớn tàu mặt nước sử dụng tên lửa Kh-35 nên chúng ta đã có kinh nghiệm khai thác, đảm bảo kỹ thuật cho loại vũ khí này. Nếu có thêm tên lửa bờ Bal-E thì công tác đào tạo chuyển loại không quá bỡ ngỡ, rút ngắn thời gian.
Vì Việt Nam mua lượng lớn tên lửa Kh-35 cho Bal-E, nên nhiều khả năng phía Nga sẽ có những ưu đãi nhất định về giá và các điều kiện hậu mãi khác.
Thứ ba, với chương trình nghiên cứu tên lửa KCT-15 (tương tự Kh-35 của Nga) mà Việt Nam triển khai đến nay đã gần đi tới giai đoạn cuối cùng, có thể cung cấp một lượng đạn tên lửa nội địa cho các tổ hợp này.
Nội địa hóa giúp giảm giá thành và giữ được bí mật về công nghệ, tính năng kỹ — chiến thuật, tạo thành một quả đấm thép, gây ra bất ngờ lớn cho đối phương nếu có tình huống xảy ra.
Cuối cùng, nếu sở hữu Bal-E, lực lượng tên lửa bờ Việt Nam thực sự có thêm những bức trường thành di động nhờ uy lực lớn, sức cơ động việt dã cao, đủ sức răn đe và có thể cùng với các lực lượng khác đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược từ hướng biển.
Theo THỜI ĐẠI

Cần tiêu thụ thực phẩm một cách có lương tâm

Chỉ cần mỗi người trong chúng ta có ý thức tiết kiệm thực phẩm sẽ góp phần xóa đi cái sự thật phi lý là hàng tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm – trong khi gần một tỉ người trên Trái đất đang phải chung sống với nạn đói.


Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn thực phẩm, tương đương 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu, trong khi cứ bảy người có một người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày.
Trước thực trạng lãng phí thực phẩm, Ngày môi trường thế giới năm nay là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các đơn vị kinh doanh về ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong sản xuất cũng như tiêu dùng.
Những con số do FAO nêu ra đầy thuyết phục để mọi người chú ý hơn đến những ảnh hưởng tới môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm. Đó là việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 75% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng theo FAO, lượng lương thực, thực phẩm thất thoát và lãng phí hằng năm ở các nước đang phát triển – trong đó có VN – là 630 triệu tấn (không kém gì so với các nước công nghiệp là 670 triệu tấn), nhiều nhất là lúa gạo, rau, củ, quả.
Mặc dù VN nằm trong những nước hàng đầu về xuất khẩu gạo nhưng tỉ lệ người thiếu ăn và suy dinh dưỡng vẫn cao. Trong khi đó, tình trạng lãng phí, thất thoát lương thực, thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng lại khá cao.
Như đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay đến 13,7%, trong đó khâu phơi sấy tổn thất lên đến 4,2%.
Điều đáng nói hơn là sự lãng phí của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các buổi giỗ chạp, cưới xin, tiệc tùng tại các nhà hàng, quán ăn, lãng phí tại các hộ gia đình… cũng không nhỏ.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh khi tự phục vụ, nhiều người tranh thủ lấy đầy ắp thức ăn, cuối cùng ăn không hết phải bỏ. Chúng ta cũng chưa có thói quen nếu không dùng hết thực phẩm đã đặt thì có thể nhờ nhân viên nhà hàng gói ghém để mang về. Trong khi tại bàn ăn của những người có điều kiện thừa mứa, thì tại vùng sâu, vùng cao, trong các gia đình nghèo… nhiều người thiếu ăn hoặc bữa ăn rất đạm bạc.
Nơi thừa, chỗ thiếu phản ánh sự phân hóa giàu nghèo nhưng cũng cho thấy con người không được giáo dục ý thức công dân biết quý trọng công sức của người nông dân phải trải qua biết bao công đoạn nhọc nhằn để làm ra sản phẩm và trong quá trình đó cũng tác động xấu đến môi trường.
Do vậy, chỉ cần mỗi người trong chúng ta có ý thức tiết kiệm thực phẩm sẽ góp phần xóa đi cái sự thật phi lý là hàng tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm – trong khi gần một tỉ người trên Trái đất đang phải chung sống với nạn đói.
Ý thức nhằm giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực, từ thu hoạch vận chuyển, sản xuất đến tiêu dùng luôn là vấn đề thời sự. Vì vậy, mỗi cá nhân hay mỗi gia đình cần quan tâm việc quản lý ăn uống hợp lý để tránh lãng phí lương thực, vừa tiết kiệm ngân quỹ mà còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE (2013)

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Sinh viên ngày nay không còn kiên nhẫn

Ngày nay nhiều sinh viên không kiên nhẫn, họ chỉ muốn mọi thứ nhanh chóng và chỉ đọc cái gì dễ và ngắn, đó là lí do tại sao tri thức của họ nông cạn, không đủ để giải quyết những vấn đề trong đời sống.

Ảnh minh họa (blogdicas.com)
Chẳng hạn, khi phải đọc tài liệu tham khảo, nhiều người nghĩ họ có thể đọc nhanh qua toàn bộ. Một số thậm chí chỉ lướt qua vài đoạn và coi đó là đủ. Tôi đã quan sát nhiều sinh viên học trong thư viện, mắt họ lướt nhanh qua sách giáo khoa nhưng tai họ lại nghe nhạc qua iPod và tay họ thường xuyên gửi “tin nhắn” cho bạn trên điện thoại di động. Tôi thường nhắc sinh viên rằng không nên làm nhiều thứ cùng lúc vì họ phải tập trung nỗ lực vào một việc để có hiệu quả.
Nhiều sinh viên tin rằng kiến thức chỉ là nhiều mảnh nhỏ hợp lại, nếu họ có thể ghi nhớ, họ có tri thức. Đây là cách học “cổ điển” – Học bằng ghi nhớ. Những sinh viên này sao chép mọi định nghĩa và khái niệm vào cuốn sổ tay rồi học thuộc lòng. Cách tiếp cận này giúp cho sinh viên “nhai lại” định nghĩa để qua kiểm tra, nhưng họ không phát triển tri thức sâu sắc để giải quyết vấn đề.
Tôi đã thấy nhiều sinh viên Á Châu gặp khó khăn ở các trường Mỹ vì thói quen học tập này. Một sinh viên Á Châu than với tôi: “Em là học sinh hàng đầu ở nước em, bao giờ cũng có điểm hoàn hảo trong các kì thi quốc gia nhưng không biết tại sao em không được điểm tốt trong lớp ở đây.” Tôi nói với anh ta: “Mọi điều em được dạy là ghi nhớ và em đã học tốt ở nước em nhưng bây giờ em cần đọc nhiều hơn, kỹ hơn, đọc đễ hiểu thật rõ mọi sự rồi áp dụng tri thức vào thực hành. Nếu em không thay đổi thói quen này, em sẽ không thành công ở đây.”
Nhiều sinh viên thường chờ tới trước khi thi và “nhồi nhét” mọi thứ một lúc. Đó là lí do tại sao họ có thể biết “vài thứ” đủ để qua được bài kiểm tra nhưng không thể phát triển được kỹ năng họ cần. Sự thật là không có lối tắt để học và không có tri thức sâu sắc, họ không thể giải quyết được vấn đề. Hiện nay nhiều sinh viên chỉ nghĩ về việc qua được kì thi, thu được bằng cấp, nhưng KHÔNG nghĩ đủ xa vào tương lai nơi họ phải xây dựng nghề nghiệp. Không có phương hướng học tập rõ ràng , không có kế hoạch học tập, nhiều người tốt nghiệp không tìm được việc làm hay phải làm những việc lương thấp mà chẳng liên quan gì tới giáo dục của họ.
Nhiều sinh viên tin rằng học giỏi là “tài năng bẩm sinh” thay vì chăm chỉ. Nhiều sinh viên bảo tôi rằng họ không thể học Toán vì họ không “đủ thông minh”, hay họ không thể viết được mã vì họ không “có tài năng.” Sinh viên có niềm tin sai này thường không cố gắng và sẵn sàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Hệ thống giáo dục truyền thống không khuyến khích, không giúp học sinh phát triển tiềm năng sẵn có mà đôi khi còn làm thui chột những tiềm năng này. Một sinh viên bảo tôi rằng khi còn ở trung học, anh ta thường bị thầy giáo rầy la là “Ngu” và “Không thông minh” và anh ta mang gánh nặng đó cho đến khi lên Đại học. Tôi bảo: “Đó là điều không may, nhưng em có hai chọn lựa: Hoặc em chấp nhận rằng thầy giáo trung học của em đúng và em “Ngu”, hoặc em có thể chứng minh rằng thầy giáo của em sai bằng việc đưa nỗ lực vào học tập. Việc học gồm có 10% tuỳ thuộc thông minh và 90% tuỳ thuộc chăm chỉ, nếu em sẵn lòng, tôi sẽ giúp.”
Anh ta đồng ý và mỗi ngày tới văn phòng của tôi trong 30 phút để học thêm. Anh ta tốt nghiệp với bằng danh dự và bây giờ làm việc tại Microsoft như một người phát triển cấp cao. Anh thường quay lại lớp để khuyên sinh viên. Anh nói: “Tôi giỏi về toán vì tôi đã dành nhiều thời gian học nó. Tôi là một trong những người phát triển phần mềm giỏi ở Microsoft vì tôi làm việc chăm chỉ . Học là 10% thông minh và 90% làm việc chăm chỉ và tôi là bằng chứng cho điều đó.”
Trong nhiều năm dạy học, tôi hay mời những người tốt nghiệp quay lại trường chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên. Đa số sinh viên thích nghe những lời khuyên dựa trên “kinh nghiệm thực”, từ những người như họ, hơn là nghe những lời khuyên của giáo sư. Dùng các “thí dụ sống” và “câu chuyện thực” là cách tốt nhất để khuyến khích sinh viên học tập.
Theo trithucvn

Bài học đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam và Indonesia


Indonesia và Việt Nam cho thấy rằng có thể phân chia rạch ròi giữa việc cương quyết bảo vệ chủ quyền và quyền của một nước trên Biển Đông. Đã đến lúc Manila và Kuala Lumpur phải học hỏi từ những người hàng xóm của mình về cách đứng lên chống lại các chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh thông qua một quyết tâm được thể hiện rõ ràng.

Bài viết của tác giả Koh Swee Lean Collin, nghiên cứu viên Chương trình An ninh Biển, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết được đăng trên The National Interest.
Các động thái của Trung Quốc và Ấn Độ nhằm xuống thang căng thẳng về tình hình bế tắc tại Doklam đã làm xuất hiện những bình luận về cách thức đối phó với các chiến lược cưỡng ép của Bắc Kinh. Một số người có thể lập luận rằng xét cho cùng, Ấn Độ có thể được coi là đối thủ ngang hàng với Trung Quốc về sức mạnh tương đối, đặc biệt là quân sự. Cả hai đều là những quốc gia có vũ khí hạt nhân và nếu bị đẩy vào cuộc chiến tranh biên giới mới, họ có thể tính đến việc leo thang hành động vũ trang vượt ra ngoài ngưỡng chiến tranh toàn diện, và tệ hơn là rơi vào một cuộc xung đột hạt nhân.
Những bài học của Ấn Độ về cách đối phó với sức ép từ Trung Quốc quả thực thú vị. Nhưng nếu nhìn vào các đối thủ của Bắc Kinh trong bối cảnh có sự bất cân xứng rõ ràng về sức mạnh thì sao? Có thể lập tức nghĩ ngay đến các đối thủ ở Đông Nam Á của Trung Quốc trên Biển Đông. Khu vực đó bao gồm các quốc gia-dân tộc nhỏ hơn, yếu hơn, những nước không có hàng loạt công cụ sức mạnh và các hình thức đòn bẩy chiến lược khác như của Ấn Độ. Có thể kết luận rằng các nước Đông Nam Á này là những lựa chọn dễ dàng để Bắc Kinh thực hiện thành công chiến lược cưỡng ép của mình.
Các đối thủ ở Đông Nam Á có phải là lựa chọn dễ dàng cho Trung Quốc?
Trên thực tế, không lâu sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, điều đó như một sự nhắc nhở nhẹ nhàng dành cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó, cả 2 bên đã chính thức thông qua khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử được đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp sau khi tin một số tàu Trung Quốc được nhìn thấy xuất hiện gần đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng. Một tàu kiểm ngư của Philippines được cho là cũng bị quấy rối.
Đây chính là điểm khác biệt giữa phản ứng của Manila và sự phản đối mau lẹ và quyết đoán của Ấn Độ với cái được cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở Doklam. Đúng với phong cách đặc trưng của Chính quyền Rodrigo Duterte thân Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano đã không xác nhận cũng như không phủ nhận báo cáo này. Thay vào đó, ông đã hạ thấp tầm quan trọng của nó. Ông nhận xét: “Chỉ sự hiện diện của các tàu thì không có ý nghĩa gì”.
Người ta có thể cảm thông với nỗ lực của Manila nhằm bỏ qua trò hề mới của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp, vì nước này cần phải đối mặt với những thách thức an ninh trước mắt khác do những kẻ khủng bố và trùm ma túy gây ra. Duterte đã xoay từ Washington sang Bắc Kinh để có được viện trợ và đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm chương trình cơ sở hạ tầng toàn quốc “Xây, Xây, Xây” rình rang của ông, chương trình mà ông đã quảng bá tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” do người bạn mới hào phóng của ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ trì.
Nói một cách đơn giản, một vụ ầm ĩ ở Biển Đông không phục vụ cho lợi ích của chính quyền ông. Duterte và các cộng sự thân thiết của ông, chẳng hạn như một Cayetano cũng ủng hộ Trung Quốc không kém, không muốn làm xáo trộn tình hình và gây ra nguy cơ khiến Bắc Kinh rút lại những củ cà rốt mà họ đã hứa hẹn với Manila. Do đó có lẽ việc Philippines đầu hàng Trung Quốc là không thể tránh khỏi, không chỉ gác lại phán quyết của Tòa trọng tài vốn đã trao cho nước này chiến thắng áp đảo về pháp lý trước nước láng giềng phương Bắc lớn hơn và hùng mạnh hơn nhiều; mà nếu cần thiết, họ sẽ phải chịu đựng trong im lặng trước điều mà chuyên gia Robert Haddick cho là những chiến lược “vùng xám cắt lát salami” vùng xám thường được Bắc Kinh sử dụng để đánh bại các đối thủ của mình trong vùng biển tranh chấp.
Các chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc
Durtete không chỉ có một mình. Ông có thể tìm được một người bạn tâm giao thân thiết là Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người mà khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần, cũng đã quay sang Bắc Kinh vì viện trợ và đầu tư để chống đỡ cho vị thế của đảng cầm quyền của ông. Najib đã nỗ lực lấy lòng Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua chính sách “ngoại giao sầu riêng”. Ông đã ngăn cấm những nhà phê bình trong nước lo sợ rằng ông đang bán rẻ chủ quyền của Malaysia để đổi lấy sự bố thí của Trung Quốc, thậm chí đến mức bộc lộ sự mâu thuẫn – dưới danh nghĩa không gây đối đầu – về các cuộc xâm nhập thường xuyên của cảnh sát biển Trung Quốc gần các cấu trúc địa hình nằm trong quyền tài phán trên biển của Malaysia.
Liệu đây có phải vận mệnh đã định trước của các quốc gia nhỏ và yếu hơn như Philippines và Malaysia, là đầu hàng trước các chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc hay không? Ban Cố vấn an ninh quốc tế đã xác định các cách tiếp cận “vùng xám” trong báo cáo tháng 1/2017 lên Bộ Ngoại giao Mỹ là “sử dụng kỹ thuật để đạt được các mục tiêu của một quốc gia và làm nản lòng các đối thủ của mình bằng cách sử dụng các công cụ sức mạnh – thường có tính chất không cân xứng và mơ hồ – mà không phải sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự thông thường đã biết”. Chương trình xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông được coi là một ví dụ như vậy, chưa kể chính sách ngoại giao pháo hạm của họ, trong đó bao gồm sử dụng lực lượng dân quân đánh bắt cá nổi tiếng của họ.
Manila và Kuala Lumpur nằm vừa vặn trong hạng mục các đối thủ “dễ bảo” mà Bắc Kinh vô cùng khao khát – không muốn leo thang các tranh chấp của họ vượt ra ngoài “giới hạn đỏ” hay chiến tranh nóng toàn diện, và không cản trở nhiệm vụ tìm kiếm lợi ích của họ từ Trung Quốc. Nhưng trước khi bắt đầu cho rằng phản ứng của Malaysia và Philippines đối với Trung Quốc là đang lập ra chuẩn mực tại Đông Nam Á, chúng ta phải cân nhắc liệu có cần thiết phải kết hợp một mặt là giữ vững chủ quyền và quyền của một nước, mặt khác là thúc đẩy quan hệ kinh tế hay không.
Indonesia và Việt Nam, vốn có lợi ích lớn trên Biển Đông, đã chứng tỏ rằng không có sự phân đôi sai lầm đó và không phải là trường hợp để Bắc Kinh có thể áp dụng như Philippines và Malaysia.
Phản ứng của Indonesia trước Bắc Kinh
Có thể nói, quan hệ Trung Quốc-Indonesia đã nở rộ trong khoảng một thập kỷ qua. Jakarta không chỉ tìm kiếm đầu tư từ Bắc Kinh, mà thậm chí họ còn mua vũ khí của Trung Quốc. Tuy vậy, họ đã không trở thành một kẻ nhu nhược khi sự cố tàu đánh cá nổ ra vào tháng 3/2016. Năm đó, cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm thủng tàu đánh cá Kway Fey 10078 của nước này ngay trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Jakarta ngoài khơi đảo Natuna, can thiệp mạnh mẽ vào việc Indonesia thực thi luật thủy sản. Thay vì hạ nhiệt vụ việc, Tổng thống Joko Widodo, mà tính hợp pháp trong tầm nhìn “trục biển toàn cầu” của ông có nguy cơ bị chệch hướng bởi bất kỳ điều gì ít hơn quyết tâm chống lại sự xâm phạm của Bắc Kinh, đã tới thăm đảo Natuna trên một con tàu chiến.
Trong một dấu hiệu còn đáng ngại hơn rằng Jakarta sẽ không dung thứ cho hành động vô lý từ Bắc Kinh, Hải quân Indonesia đã tăng cường sự hiện diện của mình trên quần đảo này. Tháng 6 cùng năm, hải quân nước này đã nổ súng cảnh cáo một số tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Natuna, được cho là đã làm bị thương một ngư dân trong quá trình này. Bắc Kinh đã phản đối, nhưng Jakarta không hề nao núng. “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động quyết liệt chống lại các tàu nước ngoài, bất kể tàu đó mang cờ và quốc tịch nước nào, khi họ vi phạm lãnh thổ của Indonesia”, người phát ngôn của Hải quân Indonesia, Đô đốc Edi Sucipto, phát biểu sau vụ việc. Kể từ đó, không có thêm báo cáo nào về sự vi phạm của Trung Quốc.
Nhưng sau đó không có hệ quả nào lớn. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia không bị ảnh hưởng; trên thực tế, những khoản đầu tư này đã tăng 291% từ tháng 1-9/2016, đạt 1,6 tỷ USD vào tháng 1/2017. Tuy vậy, Jakarta muốn báo hiệu cho Bắc Kinh rằng đừng nên đùa với họ. Tháng 10/2016, Jakarta đã tìm kiếm thêm nhiều khoản đầu tư hơn từ Nhật Bản và 1 tháng sau, tuyên bố họ ưu tiên Nhật Bản để cùng ký kết một dự án tàu bán cao tốc. Tháng 1/2017, cả 2 nước đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Bắc Kinh đã tính toán hết sức sai lầm rằng chiến thuật “vùng xám” của họ sẽ chống lại Indonesia hiệu quả, như những gì họ đã làm vào tháng 3/2013, do đó đã đẩy Indonesia thành đối thủ của Trung Quốc.
Các mối quan hệ song phương đã dần khôi phục, với việc Indonesia thu được thành công sự quan tâm lớn hơn của Trung Quốc để tăng cường đầu tư. Đồng thời, quốc gia Đông Nam Á này cũng không hề lơ là lợi ích trên Biển Đông của mình, thậm chí đổi tên một phần ở vùng biển này thành biển Bắc Natuna. Ngoài việc chỉ trích động thái này, Bắc Kinh đã ngừng trả đũa.
Cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại Trung Quốc
Còn Việt Nam thì sao? Từ thời xa xưa, quốc gia Đông Nam Á can trường này đã duy trì thành tích đáng nể là chống sự gây hấn của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu biển sâu của nước này, Hải Dương-981, trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014, Hà Nội đã phản ứng quyết liệt – và ít nhất cũng tương xứng với trò hề “vùng xám” của Bắc Kinh. Họ đã cẩn thận tránh cử các lực lượng quân sự đến đối mặt với Trung Quốc – thay vào đó triển khai các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – và thậm chí cả lực lượng dân quân biển của riêng họ.
Thế bế tắc này kéo dài cho đến khi chính sách ngoại giao “kênh sau” – chủ yếu là giữa 2 đảng cộng sản – dẫn đến việc cả 2 bên đều lùi bước vào cuối tháng 7. Tuy vậy, Hà Nội có lý do để tự hào, cho dù phải trả giá. Thế bế tắc kéo dài buộc Việt Nam phải ngừng việc bảo dưỡng định kỳ các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư, gây ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hoạt động của chúng cho các nhiệm vụ khác. Nếu thế bế tắc duy trì, Việt Nam, vốn bất lợi về khả năng vũ lực, có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, nước cờ của Hà Nội đã có hiệu quả. Bắc Kinh đã tôn trọng hơn đối thủ từ lâu của mình ở Đông Nam Á.
Việt Nam không phải chịu tác động từ tình trạng bế tắc. Việc có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, với đặc trưng là thâm hụt thương mại có lợi cho Trung Quốc, không ngăn Việt Nam thử thách người láng giềng phương Bắc hùng mạnh của mình hết lần này đến lần khác. Tháng 9-10/2014, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi các chuyến viếng thăm lẫn nhau và ký kết nhiều hiệp định, bao gồm hợp tác an ninh quốc phòng và hàng hải chặt chẽ hơn. Gây quan tâm đặc biệt là một hiệp ước kêu gọi công ty ONGC Videsh Limited thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ “mở rộng sự hiện diện của họ ở Việt Nam và củng cố hơn nữa hợp tác trong việc thăm dò và các lĩnh vực khác giữa 2 nước trong ngành năng lượng”. Cần nhớ lại rằng Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu là để đáp lại việc Việt Nam đề nghị cung cấp thêm các lô ngoài khơi cho công ty Ấn Độ ở những vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Trong những năm sau đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc như Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên họ không phải chịu bất cứ phản ứng nào của Trung Quốc. Trên thực tế, thương mại biên giới giữa hai nước tiếp tục nở rộ. Đáng chú ý là thương mại với tỉnh Quảng Tây đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước lên tới gần 6,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015 – mức cao nhất của bất kỳ thành phố biên giới nào ở Trung Quốc. Đầu năm 2017, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội; Hà Nội đã tăng lượng xuất khẩu sang Bắc Kinh 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Indonesia và Việt Nam cho thấy rằng có thể phân chia rạch ròi giữa việc cương quyết bảo vệ chủ quyền và quyền của một nước trên Biển Đông, và việc tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Đã đến lúc Manila và Kuala Lumpur phải học hỏi từ những người hàng xóm của mình về cách đứng lên chống lại các chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh thông qua một quyết tâm được thể hiện rõ ràng.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Sự ngớ thấp kém của văn hóa đọc ngày nay nhìn từ một phố sách


Bao nhiêu tác phẩm văn học có giá trị thực sự đang bị văn học rẻ tiền và sách dạy làm giàu đè bẹp dí trên kệ sách ở Đinh Lễ?

Giới trẻ bây giờ thích đọc gì và không thích đọc gì? Đối với họ văn phong dài dòng lê thê sướt mướt là nhất hay xếp dưới lối viết kiệm chữ, gọn gàng súc tích? Ti tỉ thứ câu hỏi như vậy để phác họa cái gọi là văn hóa đọc giới trẻ. Chỉ cần dạo qua con phố cắt từ Ngô Quyền tới Đinh Tiên Hoàng dài tầm 200m có tên là Đinh Lễ sẽ có phần nào câu trả lời.
Khi ngôn tình và những dòng Hán văn sến sẩm lên ngôi
Kể rõ lịch sử của con phố sách tự phát này thì khó, chỉ biết với một vùng đất ngàn năm văn hiến thì những thứ liên quan tới văn hóa đọc như phố sách chắc cũng phải có từ lâu lắm. Tuổi đời thì lâu mà qui mô cũng không tầm thường. Từ nhà ra ngõ, từ đông sang tây, từ xưa tới nay, sách tràn ngập và đương nhiên hút theo một lượng độc giả cũng không nhỏ. Học sinh, thanh niên, người già, công chức, khách du lịch, tất tần tật chậm rãi đảo qua đảo lại những gian hàng sách. Một sự tấp nập nhàn nhã khác hẳn với những khu chợ búa xô bồ hoặc phố xá nghẹt chật giờ tan tầm. Và cứ thế, chân dung của cái gọi là văn hóa đọc dần dần lộ diện một cách chậm rãi.
Đứng ở vị thế độc tôn có thể nói là “ngồi chiếu trên” ấy là sách văn học. Được ưu ái bày ở vị trí đẹp nhất, sang nhất: sạp tràn ra vỉa hè hoặc trên những kệ sách đầu tiên khi bước vào, đèn điện lung linh, bố cục gọn gàng bắt mắt. So sánh với những đầu sách về kiến thức phổ thông, ngoại ngữ, âm nhạc hội họa khuất trong những góc sau cùng thì văn học hẳn là vẫn được người ta ưa chuộng hơn nhiều lắm. Nhưng “soi” cho kĩ, thì chắc chắn không phải người yêu văn chương nào cũng có thể mỉm cười sung sướng.
Đầu tiên, ấy là sự tràn ngập của những thể loại văn chương “rẻ mà không rẻ”  như ngôn tình Trung Quốc, trinh thám ly kì và tình cảm lãng mạn dành cho tuổi mới lớn.
Rẻ, bởi vì những công thức chung lặp lại cả ở nội dung và hình thức ở những cuốn sách này. Với ngôn tình là bìa màu sặc sỡ, minh họa nhân vật nam không ra nam, nữ không ra nữ và tên sách như ném vào mặt người đọc những dòng Hán văn sến sẩm.
Với trinh thám ly kì thì cứ phải bìa gân guốc, bốc lửa, ma quái kèm theo vô số lời ngợi khen từ nhân vật abc đến tạp chí xyz, đi liền với 2 từ không thể thiếu: “best seller”.
Không rẻ bởi cứ nhìn vào những tựa sách chật nghẹt trên giá cũng đủ biết với người đi buôn, thể loại này vẫn còn giá trị thương mại cao chót vót. Và không rẻ, bởi vì chứng kiến lượng người đọc tíu tít lại qua với các đầu sách này thì có lẽ địa vị của nó trong làng văn hẳn là không thua kém bất kì dòng văn học nào khác.
Mà nói không thua kém còn là nhẹ nhàng. Bởi vì những thứ người ta vẫn thường gọi là văn học hàn lâm, sang trọng đang im lìm trong một góc khác. Kiệt tác văn chương thế giới, những trước tác được giải thưởng Nobel trầm lắng một cách bất thường đối với độc giả. Ít người tìm tới, dù chỉ là để ngó qua bìa sách hay lật giở vài trang.
Sự đối xử có tính chất phân biệt diễn ra chỉ cách nhau một dãy tủ. Một đằng bị báo chí công kích, phê bình kịch liệt thì được săn đón như đồ tươi sống, một đằng được tôn thờ và gìn giữ hàng chục, hàng trăm năm lại bị thờ ơ. Vẫn biết người đọc là những nhà phê bình công tâm nhất, nhưng với nghịch lý như vậy thì biết tin ai và hình dung thế nào về văn hóa đọc thời bây giờ?
Và nếu phân loại kĩ, thì sự thất thế của văn học Việt Nam còn rõ hơn ban ngày. Không cần nói đến những tác phẩm cổ điển dạng Tuyển tập Nam CaoThạch Lam… ngay cả những ấn phẩm mới mẻ, giấy tốt bìa đẹp như ai cũng phải chờ tới khi khách tham khảo hết sách nước ngoài, chúng mới được để mắt tới. Đó còn là trên kệ, chứ những nơi người ta trung bày ấn phẩm bán chạy nhất nơi cửa vào thì đừng hòng mà văn học Việt Nam áp đảo lại được.
Mộng giàu sang là thứ giá trị còn bình dân hơn cả văn chương
Bước ra khỏi địa hạt văn chương, người ta lại thấy tiếp một khung cảnh khác ở mảng tri thức phổ thông. Đó là ma trận của sách làm giàu. Nhan nhản những doanh nhân mặc vest chỉnh tề, cười khoe răng trắng trên bìa sách và dạy người ta cách kiếm tiền. Có những người đã được cả thế giới biết đến, lại cũng có những người thì ít ai nghe qua tên. Chỉ cần họ giàu và họ có sách để chia sẻ cách tạo nên sự giàu có. Thế là đủ cho vô khối người tìm đọc. Những gian kệ như vậy hút khách không kém ngôn tình là bao, và hút một cách đa dạng từ già tới trẻ… Dường như mộng giàu sang là thứ giá trị còn bình dân hơn cả văn chương nữa nên mới có cảnh tượng như vậy.
Gần đó, những cuốn sách về ngạn ngữ, phong thủy, khoa học phổ thông, xã hội, khám phá thì cứ như nơi lưu giữ sách quí. Nói thế là bởi vì bụi phủ trên một vài đầu sách và số người bước qua đó chịu dừng lại cầm thử vài quyển Đắc nhân tâm đếm được trên đầu ngón tay. Vẫn là khoảng cách một dãy tủ chẳng mấy xa xôi, mà thị hiếu đã khác biệt như nông thôn khác với thành thị.
Tổng kết một vòng cả khu phố, thì địch lại được văn chương bình dân và sách dạy làm giàu may ra có tài liệu tham khảo về ngoại ngữ, máy tính và cố lắm nữa là truyện thiếu nhi. Nhìn những đứa trẻ nô nức đến váng cả một góc quầy vì vài cuốn sách dạy tập tô có in hình siêu nhân, chợt tôi tự hỏi không biết lớn lên, chúng liệu có hứng thú gì lui gót tới những khoảng không trầm lặng của văn học kinh điển, tri thức tinh hoa hay lại đắm đuối nơi những gì người ta vẫn đánh giá là “ba xu rẻ tiền”.
Nhà văn phải “dí điện” vào người đọc
Xa lắm rồi cái thời cả huyện có một hiệu sách với một ông thủ thư già. Thị phần của văn hóa đọc bây giờ không còn là của riêng sách nữa, mà đã chia năm xẻ bảy với báo chí, internet… Ngay cả với sách, thì câu chuyện về bản cứng và bản mềm, cổ điển và hiện đại thứ nào tốt hơn đã chẳng còn xa lạ.
Thị phần thu hẹp, người đọc sách và mua sách giấy cũng ít hơn xưa. Ai mới lần đầu lên Đinh Lễ có thể trầm trồ về sự tấp nập, chứ với tôi thì lượng người tới lui chốn này so với ngày trước hãy còn là kém. Kể lể như vậy, để thấy rằng văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng cũng khác xưa nhiều lắm.
Hiện tượng văn học rẻ tiền lên ngôi gợi nhiều đến kiểu tiếp thu văn hóa “trào lưu” và nhất thời của giới trẻ. Người ta đổ xô đi ăn những món ăn nhanh chẳng biết ngon hơn cơm nhà được bao nhiêu lần, dấn thân vào những hoạt động không biết bổ ích tới chừng đâu so với việc học hành vì nhiều người xung quanh cũng làm thế. Và cứ thế, trong văn hóa đọc bỗng hình thành một trào lưu khó hiểu: nhắm mắt mua, điên cuồng ngấu nghiến từng con chữ trong các ấn bản thời thượng. Như thể chẳng một độc giả trẻ tuổi nào muốn mình bị tụt lại đằng sau với các ấn phẩm cổ điển từ mươi năm hay cả thế kỉ trước.
Và cũng cần phải nhìn ở khía cạnh năng lực thưởng thức. Giới trẻ sống gấp, sống vội, nhiều khi là sống nhạt nên không cho phép họ hình thành thói quen tiếp nhận những gì sâu sắc, phức tạp. Đại loại như Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Trăm năm cô đơn… dày tới vài trăm trang, cả trăm nhân vật cùng tung hứng theo con chữ khiến phải mất hàng tháng, hàng năm và nhiều lần đọc tới đọc lui mới thấy được cái hay cái ẩn ý. Người trẻ tuổi giờ xem ra không đủ thời gian, tâm trí dành cho việc đọc nhiều tới vậy, nên họ tìm tới những cuốn sách giở vài trang đã biết ai đúng ai sai và mất độ nửa ngày là đọc hết. Nói vui thì giống như kiểu nhân viên công sở không có thời gian nấu cơm phải đi ăn fastfood. Có người sở hữu phòng đọc, giá sách hoành tráng, cũng mua sách về đặt lên giá, quay gáy sách ra và chụp ảnh up facebook.
Lại nhớ Nguyên Hồng đã viết thế nào về thời kì văn học trước 1945 xô bồ bất cập: Cái thời mà tất cả những nhà văn có tên tuổi nhiều, tên tuổi ít, hay đương hăm hở, cay cú đi vào làng văn cho có tên tuổi đều phải tìm cho truyện của mình những cái tên dí vào người đọc như điện vậy.
Hóa ra không phải tới tận bây giờ nữa mới có kiểu chuộng về hình thức trước nội dung và chạy theo trào lưu số đông. Nhưng ta cần phải biết rằng, chính vì những thứ thị hiếu nửa mùa, văn hóa đọc ngớ ngẩn như vậy mà thủa ban đầu truyện Cái lò gạch cũ, hay sau này là Chí phèo của nhà văn Nam Cao đã từng phải khoác lên mình một cái tên “giật gân, câu khách” và từng không có được sự trân trọng xứng đáng của người biên tập và độc giả. Vậy liên hệ với hoàn cảnh bây giờ, chúng ta liệu có nên đặt câu hỏi: Bao nhiêu tác phẩm văn học có giá trị thực sự, có thể vươn tới đỉnh cao như Chí phèo ngày xưa đang bị văn học rẻ tiền và sách dạy làm giàu đè bẹp dí trên kệ sách ở Đinh Lễ?

Theo THỂ THAO & VĂN HÓA (2014)

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

"THE VIETNAM WAR": Ý ĐỒ CHỐNG PHÁ VIỆT NAM BẰNG NGHỆ THUẬT

Mấy ngày qua các đối tượng trong và ngoài nước đang tích cực tuyên truyền, quảng bá cho một bộ phim được cho là đã dàn dựng mất 10 năm nhưng lại với những tình tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam mà theo các đối tượng miêu tả là xuất phát từ cái nhìn từ phía thua cuộc, chiêu bài khách quan. Các đối tượng có tư tưởng lệch lạc chống đối gay gắt bấy lâu nay bao gồm Đỗ Trung Quân, Trương Huy San, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Tuấn Khanh,… đang tập trung cổ súy cho bộ phim sai trái này như một cách bám vào cái phao đang chìm của chúng. Cùng với đó là trong phim sử dụng dữ liệu phỏng vấn những đối tượng chống đối trong nước như Nguyên Ngọc, Huy Đức,… Với lăng kính của những con người lệch lạc đã bị cả dân tộc lên án gay gắt thì không thể nào đưa ra được những quan điểm đúng đắn, chưa nói đến nhận định, phán xét của họ sẽ là bịa đặt, xuyên tạc lịch sử từ góc nhìn, lăng kính đầy hằn học.

Một bộ phim đầy tranh cãi, có nhiều tình tiết phản ánh sai lệch lịch sử và ẩn sau là âm mưu, ý đồ của chiến dịch chống Việt Nam thông qua nghệ thuật

Để thực hiện một bộ phim phải trải qua rất nhiều khâu, từ khi hình thành ý tưởng rồi đến kịch bản, tiến hành các thủ tục hợp đồng, quay phim và rất nhiều các công việc khác nữa. Thời gian 10 năm cho một bộ phim cũng không phải là dài đặc biệt là một bộ phim với đề tài lịch sử. Mục đích của bộ phim này nằm trong chiến dịch tô đậm cái thực thể mà các đối tượng và thế lực chống đối đang cố vẽ rõ nét hơn mang tên “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Chúng đang muốn dành lại sự chính danh mang tên lịch sử khi mà những người thực sự chứng kiến lịch sử giờ không còn nhiều. Chỉ còn lại các nhà sử học nghiên cứu về đúng bản chất của chính quyền Ngụy trước kia. Bản chất là giả tạo, tay sai, không hề thay đổi và lịch sử luôn phản ánh đúng như vậy. Giờ đây chúng đang cố gắng để tẩy xóa đi điều đó. Để thực hiện cái mà các đối tượng gọi là “đòi lại những gì đã mất trong quá khứ”.
Không chỉ dừng lại ở bộ phim mà các thành phần quảng bá, tuyên truyền trong chiến dịch được sắp đặt trước cho bộ phim này đã tổ chức cả hội thảo bàn về nội dung phim nhưng thực ra Hội thảo không hề có gì về nội dung mà chỉ là một hình thức tập hợp với nhau nhằm đánh bóng cho bộ phim. Một Hội thảo cũng lố bịch không kém khi mà chỉ toàn thành phần là tiếng Việt nói không sỏi, toàn người nước ngoài chưa một ngày nghiên cứu lịch sử Việt Nam kiểu Bill Laurie.
Các đối tượng trong nước bấy lâu nay vẫn tích cực tuyên truyền chống phá Việt Nam cảm thấy có phần phấn khích khi có một bộ phim để chúng tập trung vào làm đề tài và tranh đấu cho cái tư duy lệch lạc của mình. Một nguồn “Tài liệu” cho dù là thiếu chính xác nhưng méo mó có hơn không. Giờ đây chẳng quan tâm nội dung và lịch sử phản ánh của bộ phim ra sao, tất cả đang nhảy vào tích cực tuyên truyền, tích cực vận động và tích cực ca ngợi. Trong khi mới chỉ 15 phút sau khi đăng quảng bá trên Yahoo đã bị gỡ bỏ hoàn toàn vì các nhà quản trị đã thấy được tính xuyên tạc của bộ phim đồng thời để bảo vệ sự trong sạch của lịch sử nên họ đã gỡ bỏ.
Nội dung xuyên tạc của bộ phim nhìn thấy rõ ràng rằng bằng cái nhìn cực kỳ chủ quan duy ý chí cùng ý thức hệ dân tộc và quan điểm lịch sử sai lầm, là đơn đặt hàng của các thế lực chống đối trong nước trong chiến dịch đòi lại thực thể Ngụy quân, Ngụy quyền. Nhiều dữ liệu thể hiện tính không chuẩn xác như là Các câu chuyện về mâu thuẫn nội bộ trong đảng là mơ hồ, không có tính thực tế hay như dữ liệu sai về 320.000 quân Trung Quốc giúp đỡ miền Bắc VIệt Nam. Bộ phim này trong chiến dịch quảng bá đã gây chú ý nhất định nhưng chính vì thế mà đang thực sự gây phẫn nộ trong lòng công chúng chân chính cùng các học giả, các văn nghệ sĩ đích thực, cụ thể: ý kiến của NSND Trà Giang: “Bộ phim là những gì không có thật cần phải lên án, phản đối cũng loại bỏ nó để đảm bảo cho sự trong sạch của lịch sử”.  Cùng với đó mới nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước. Những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai nước và chủ trương của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Cá nhân tôi mong muốn nhân dân Hoa Kỳ và các nhà làm phim hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như thiện chí của Việt Nam”.
Và kết lại câu chuyện xung quanh bộ phim này, tác giả không cần phải nói nhiều vì tất cả sẽ cảm thấy rõ như ban ngày một âm mưu trong chiến dịch phá hoại tư tưởng, xét lại lịch sử của các thế lực thù địch bên ngoài. Cái nghệ thuật không thấy đâu, bộ phim đang khiến cho dư luận và truyền thông cảm thấy bị xúc phạm. Chiến dịch truyền thông của một ý đồ chính trị xuyên tạc, âm mưu đen tối quảng bá cho sự đánh tráo khái niệm đang được tiến hành một cách trơ trẽn nhất và bất chấp tất cả. Sự đánh tráo khái niệm cần được xử lý, xem xét nghiêm chỉnh, nghiêm túc bởi nó có thể sẽ vô hình chung tạo ra sự hiểu nhầm và ngộ nhận trong nhân dân một cách không đáng có. Và những nội dung lệch lạc của bộ phim phải được phán xét công bằng cho những gì thuộc về máu và xương của bao thế hệ đã hy sinh vì Tổ quốc không thể bị xúc phạm./.