KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Thân nhân phi công SU-22: "Không ngờ người hy sinh là anh"



“Lần xử lý tin tức tai nạn hàng không nào tôi cũng gọi cho anh Trí để tham khảo ý kiến. Không ngờ nạn nhân trong bản tin này lạị chính là anh” - chị Khuất Nguyệt Minh chia sẻ.

Hà Nội trưa 26/7, trời như chực mưa. Khuất Nguyệt Minh - nữ phóng viên thời sự của VTV - nhận được thông tin một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi tại Nghệ An khiến 2 phi công thiệt mạng.

Những ai từng làm phóng viên thời sự đều hiểu cảm giác của Minh khi đó: Vừa xót xa, vừa cố gắng bình tĩnh để xác minh tin tức.

"Bản tin không mong đợi"

Nguyệt Minh nhấc điện thoại gọi ngay cho Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 (thuộc Sư đoàn 371). Trung tá Trí là anh họ của Minh, cũng là phi công dày dặn kinh nghiệm mà cô thường liên hệ mỗi khi nhận được tin tức sự cố hàng không.

Ở đầu dây bên kia chỉ có giọng nói: “Thuê bao quý khách vừa gọi…”

Thân nhân phi công SU-22: "Không ngờ người hy sinh là anh"
Trưa 26/7, trong lúc bay huấn luyện, máy bay Su-22U số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã mất liên lạc. Máy bay chiến đấu sau đó được phát hiện rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
“Trong nghề của mình, tôi từng xử lý rất nhiều thông tin tai nạn hàng không, lần nào cũng gọi cho anh Trí để tham khảo ý kiến nhưng không thể ngờ nạn nhân trong bản tin lần này lại chính là anh” - Nguyệt Minh nghẹn ngào chia sẻ.


Không lâu sau, Bộ Quốc phòng phát đi thông báo cho biết hai phi công trong vụ rơi máy bay chiến đấu SU-22 đã hy sinh, gồm trung tá Khuất Mạnh Trí (sinh năm 1978, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và thượng tá Phạm Giang Nam (sinh năm 1972, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, quê ở xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).


Thân nhân phi công SU-22: "Không ngờ người hy sinh là anh"
Những đoạn tin nhắn giữa trung tá Trí và phóng viên Nguyệt Minh vào năm 2016, thời điểm 2 chiếc máy bay Su-30 và CASA-212 của Không quân Việt Nam rơi trên biển. 
Theo lời kể của Nguyệt Minh, anh Trí là con trai nhà bác ruột nhưng được cha mẹ cô thương yêu như con đẻ. Nữ phóng viên cũng coi Trung tá Trí như anh trai.

Học hết cấp 3, anh Trí đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Một tuần sau anh lại nhận thêm tin trúng tuyển vào Học viện Không quân.

“Bố anh ấy từng là cựu tù binh Côn Đảo, bị tra tấn và được trả tự do năm 1973. Anh ấy muốn nối nghiệp binh của bố nên đã bỏ Đại học Bách khoa để vào trường không quân, học lái máy máy bay chiến đấu” - Nguyệt Minh kể.

Anh Trí học giỏi, luôn đứng trong tốp đầu của khóa học. Sau quá trình huấn luyện, anh trở thành phi công lái máy bay chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Người lính yêu hoa lan

Bố mất sớm, anh Trí là chỗ dựa duy nhất của mẹ và người em gái.

Chàng phi công nhanh chóng thành thạo kỹ năng bay và luôn được đánh giá có tố chất. Anh bay lần đầu ở Nha Trang rồi chuyển về Bắc Giang, sau cùng về công tác tại Nội Bài.

Thân nhân phi công SU-22: "Không ngờ người hy sinh là anh"
Phi công Khuất Mạnh Trí bên gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp
Thời gian qua, anh Trí tham gia huấn luyện bay cho các học viên ở Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh hòa, Phú Yên… Anh luôn nhắc các học trò khác phải cẩn thận, nắm vững các quy tắc an toàn bay.

“Ngoài việc làm bạn với bầu trời, anh còn có sở thích chăm sóc hoa lan. Anh ấy có cả một vườn lan trồng trong sân nhà” - Nguyệt Minh chia sẻ.

Một người bạn biết tin anh mất đã gửi lên Facebook của anh lời nhắn: “Về đi em Trí ơi! Lan của anh em mình nở đẹp lắm, em không thể… Anh không tin như vậy đâu…”.

“Anh Trí không chia sẻ nhiều thông tin về công việc của mình với gia đình vì sợ đặc thù công việc sẽ khiến mọi người lo lắng. Lúc nào cũng chỉ nói rằng anh sẽ phải làm việc của mình ngày một tốt hơn” - Nguyệt Minh kể.

Người em họ cũng thay mặt gia đình bày tỏ mong muốn được đưa linh cữu anh Trí về Hà Nội để tổ chức tang lễ.

Thân nhân phi công SU-22: "Không ngờ người hy sinh là anh"
Trang cá nhân của trung tá Khuất Mạnh Trí tràn ngập hình ảnh hoa lan do chính tay anh vun trồng.
Trung tá Khuất Mạnh Trí có vợ và hai con. Vợ của anh hiện công tác tại bưu điện thị xã Sơn Tây. Hai con (một trai, một gái) đều còn rất nhỏ.

Người phi công giữ cương vị chỉ huy thường xuyên xa nhà. Thời gian 2 đứa trẻ được gần bố cũng ít ỏi. Người thân cho biết anh lần nào cũng nói chuyện với vợ trước khi cất cánh.

Ngày 26/7, trong lúc bay huấn luyện, máy bay SU-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35.

Xác máy bay rơi được tìm thấy tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê quán: xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thành Trung, cựu phi công máy bay quân sự, cho biết ông rất bất ngờ và đau xót khi nghe tin hai người đồng chí hy sinh.

“Để đào tạo một phi công quân sự rất khó và mất nhiều thời gian, trong khi họ đều là những phi công lão luyện, bay rất nhiều giờ, là vốn quý của Bộ Quốc phòng” - ông Trung nói.

Nóng: Một máy bay quân sự bị rơi ở Nghệ An


Một chiếc máy bay quân sự được cho là đang trong quá trình luyện tập đã bị rơi ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Nóng: Một máy bay quân sự bị rơi ở Nghệ An
Hiện trường nơi máy bay quân sự rơi.
Trưa 26/7, nguồn tin cho biết: Một chiếc máy bay quân sự thuộc quân chủng phòng không không quân Việt Nam cất cánh luyện tập từ Thanh Hóa đã bị rơi tại một quả đồi thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Vị trí máy bay rơi được xác định tại xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Đến nay vẫn chưa biết có ai bị thương trong vụ rơi máy bay này hay không.

Thông tin này được một lãnh đạo thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An xác nhận.

Lúc 13h45', ông Trương Thanh Hoài, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn cho biết, vụ việc xảy ra cách đây 2 tiếng. Xung quanh khu vực máy bay rơi 3km đã được ngành chức năng phong tỏa. Bản thân tôi lên hiện trường cũng không tiếp cận được. Lúc này, trời đang mưa to, đường trơn.

Theo một số người dân địa phương, sự việc mới xảy ra trưa nay (26/7), họ thấy một máy bay quân sự bay qua khu vực và rơi xuống quả đồi gần khu dân cư. Phát hiện sự việc, người dân lập tức báo cáo lên chính quyền địa phương.

Lực lượng chức năng sau đó đã có mặt phong toả hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc. Hiện toàn bộ khu vực đã được quân đội phong tỏa bảo vệ cũng như đảm bảo an toàn người dân. Chiếc máy bay rơi được xác định là loại SU-22. Thông thường khi bay tập luyện trên máy bay này sẽ có 2 phi công.

Được biết, SU-22 là loại máy bay cường kích mạnh mẽ do Liên Xô thiết kế dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển. 

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu máy bay cường kích SU-22, cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. 

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Nhiều thông tin sai lệch liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào


Những ngày qua, các trang báo điện tử, facebook cá nhân đã liên tục đăng tải nhiều thông tin sai lệch liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, CHDCND Lào gây ra dư luận trái chiều, tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Theo đó, cần làm rõ một số thông tin như sau:

Nhiều thông tin sai lệch liên quan đến sự cố vỡ đập Thủy điện tại Lào

Sự cố vỡ đập ở Lào có gây ngập, lụt ở đồng bằng Sông Cửu Long???

Trả lời câu hỏi của Báo chí việc vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: “Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tìm hiểu, cũng như Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với phía Lào, cho thấy: Đây là đập đang trong quá trình thi công và bắt đầu tích nước hơn nữa dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3 chứ không phải 5 tỉ m3 như các báo đưa. Ông Thắng cũng cho biết các cơ quan khoa học của Việt Nam đã tính toán lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng, cụ thể: Khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ chỉ dâng lên khoảng 5 cm, không ảnh hưởng gì nhiều so với hiện nay. Như vậy, không có thông tin cho rằng khi lượng nước từ hồ chứa thủy điện tràn về sẽ gây lũ lụt cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhà thầu Việt Nam liên quan thế nào đến sự cố vỡ đập???

Nhiều thông tin sai lệch liên quan đến sự cố vỡ đập Thủy điện tại Lào
Gói thầu mà nhà thầu Việt Nam tham gia tại dự án thuỷ điện bị vỡ đập ở Lào (ảnh CMVietnam).
Nhà thầu Việt Nam CMVietnam là nhà thầu phụ thi công 2 gói thầu các hạng mục thuộc cụm nhà máy dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, tỉnh Attapeu, CHDCND Lào. CMVietnam là nhà thầu phụ cho SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) với 2 gói thầu, gồm: Gói số 9: thi công xây dựng nhà máy, đường ống áp lực, trạm phân phối điện và Gói số 3: thi công hệ thống cơ điện (M&E): điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc. Đại diện CMVietnam cũng cho biết: “Sự cố vừa xảy ra tại một hạng mục đập thuộc cụm đầu mối của dự án, cách khoảng 180km từ vị trí CMVietnam đang thi công và không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến công việc, nhân sự và thiết bị của CMVietnam”. Như vậy, việc nhà thầu Việt Nam tham gia gói thầu xây dựng thủy điện tại Lào hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự cố vỡ đập cũng như phía nhà thầu không bị ảnh hưởng về nhân sự, thiết bị bởi sự cố.

Phương Hiền

THÊM MỘT “CHỊ SỒN” NGÁO ĐÁ!



Dư luận những ngày qua đang xôn xao về thông tin một cô gái tên Y Nhiêu (SN 1995, trú tại thôn Pêng Siêl, xã Đak Pét, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) tố cáo bị đánh đập, hành hạ dã man khi đi làm thuê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. 

Khi cơ quan Công an vào cuộc, báo chí liên tục thông tin, sự việc dần dần được làm sáng tỏ, người ta mới vỡ lẽ ra rằng: cô gái đáng thương ấy lại là nạn nhân của một “chị sồn sồn” ngáo đá! Mà đúng là chỉ có bị ngáo đá, người ta mới đối xử với nhau như thời trung cổ thế, chứ thời đại nào rồi lại còn có chuyện người biến người thành nơi để trút giận, để hành hạ, để tra tấn tàn nhẫn thế kia! 

THÊM MỘT “CHỊ SỒN” NGÁO ĐÁ!
Đối tượng Nguyễn Thị Hà.
Theo người dân địa phương thì “chị sồn” ấy cũng chẳng mấy ai xa lạ. “Chị” là Nguyễn Thị Hà (tên thường gọi là “Nga phoọc”, SN 1979, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai; tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Khi được Công an TP.Pleiku mời lên làm việc, xác định “chị” có biểu hiện ngáo đá nặng, lực lượng Công an đã đưa đến cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai để điều trị từ ngày 12/7. 

Những ngày đầu ở cơ sở cai nghiện, “chị” liên tục la hét, quậy phá, có biểu hiện ngáo đá ma túy nặng với 2 hội chứng là “ảo thính” và “ảo giác”. Y sĩ Trịnh Đình Tài (Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai) cho biết đây chính là 2 hội chứng đặc trưng của việc sử dụng ma túy đá kết hợp cùng “hút cỏ” trong một thời gian dài, với tần suất dày đặc. Điều này cũng chứng tỏ “chị” Hà thuộc diện nghiện “có thâm niên”. Suốt 3 ngày đầu ở trung tâm, hết la hét, quậy phá “chị” còn thường xuyên có biểu hiện sợ hãi, cho rằng có người muốn tìm giết mình, không chịu ăn uống. Các cán bộ y sĩ tại đây phải tìm mọi cách cho “chị” bình tâm trở lại, “chị” mới bắt đầu chịu ăn và uống sữa. Cứ nhìn các vết thương trên người cô gái tên Y Nhiêu, người ta mới tưởng tượng hết được mức độ tàn bạo của các đòn tra tấn mà “chị sồn” Hà dành cho cô gái này và mức độ đau đớn về cả thể xác, tinh thần mà Y Nhiêu phải chịu đựng. Tay trái bị ủi bàn là, hơ nóng thanh sắt trên bếp than rồi dí lên người. Mặt thì vừa rạch dao lam, ủi bàn là và hơ sắt nóng. Răng bị dùng búa đập, kìm bẻ. Tai thì bị dùng kìm cắt kẽm cắt đứt, thỉnh thoảng còn bị dùng khò lửa khò vào da, vào thịt. Mang thai 5 tháng bị dẫm đạp vào người dẫn đến xảy thai… Còn gì tàn bạo hơn? Ắt hẳn, mỗi lần “phê” xong, “chị sồn” Hà thiếu chỗ lắc, bay, lại đưa Y Nhiêu ra làm trò tiêu khiển. May mà chị chưa nhét tỏi vào mồm, chưa tưởng tượng Y Nhiêu thành con rồng, con quái vật gì đấy đang truy sát mình. Nếu không, thứ mà người dân tìm thấy trong ống cống kia chắc chắn không phải là một Y Nhiêu còn thoi thóp, lành lặn… 

THÊM MỘT “CHỊ SỒN” NGÁO ĐÁ!
Toàn thân chị Nhiêu còn di chứng của vô vàn vết thương.
Sau một thời gian khẩn trương tích cực điều tra, ngày 24/7/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hà, ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Dư luận đang rất hoan nghênh việc làm của các cơ quan chức năng đã kịp thời xác minh, điều tra làm rõ vụ án để đưa ra truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Nhưng cũng không khỏi cám cảnh. Cám cảnh bởi vấn nạn chơi ma túy đá, ngáo đá với những hệ quả, hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội đã diễn ra khắp các địa phương trong cả nước thời gian qua. Buồn tình đu dây điện - ngáo, chém người, giết người - ngáo, nhét tỏi vô mồm người khác đến chết - ngáo, nay thì hành hạ, tra tấn người ta như con vật - cũng ngáo. Mẹ kiếp! Giờ mới thấy, một khi anh chị đã ngáo, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra… 

Mà nghĩ cũng lạ, trong suốt thời gian bà Hà hành hạ, tra tấn Y Nhiêu, rất nhiều dấu hiệu lạ, nhiều sự việc bất thường diễn ra xung quanh nhưng vụ việc không hề bị phát giác, ngăn chặn. Phải chăng, tại chị Hà có ba đầu sáu tay, giỏi che đậy. Hay sự gắn kết của mỗi cá nhân trong xã hội chúng ta ngày nay, mà trên hết là mối quan hệ láng giềng, hàng xóm… đã không còn đủ mạnh? Việc cả xã hội đồng thanh lên án, xót thương cho hoàn cảnh của Y Nhiêu đã cho thấy: cái ác, cái xấu xa, man rợ không bao giờ có chỗ đứng trong xã hội văn minh. Thế nhưng, việc hành động thế nào để cái ác, cái man di không lặp lại trong mối quan hệ giữa người với người, nhất là việc cảnh giác, phát hiện, dũng cảm tố cáo, lên án, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thì còn phải bàn đến nhìu lắm!


Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông



Chủ tịch Viettel được giao lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông từ hôm nay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông

Ngày 25/7, Thủ tướng ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ Chính trị cũng đã chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giao quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. 
Trước đó, do các vi phạm liên quan đến dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, ông Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo; cho thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ này.

Chủ tịch nước cũng ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng với ông Trương Minh Tuấn; hiện Bộ Thông tin Truyền thông có 5 Thứ trưởng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (56 tuổi) quê Phú Thọ, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô, Thạc sĩ viễn thông ở Australia, Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông là người góp phần đưa Viettel trở thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Xuất phát điểm với tổng tài sản 34 tỷ đồng, đến nay Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam, đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường quốc tế.

Năm 2017, Viettel đạt doanh thu 249.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 44.000 tỷ đồng với 98 triệu thuê bao phát sinh cước, trong đó một phần ba từ thị trường nước ngoài.

Đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Viettel từ năm 2014, đến giữa tháng 6/2018, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng có thẩm quyền trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức bộ trưởng; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của thành viên Chính phủ.

Cũng trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng quyết định giao quyền bộ trưởng theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng.

Nước bạn Lào: Lời nguyện cầu từ Việt Nam


Vụ việc vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, tỉnh Attapeu, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào lúc 20h ngày 23/7/2018, được đánh giá là thảm họa, chưa từng có trong lịch sử.

Không thảm họa sao được, khi với một khối lượng nước khổng lồ lên tới 5 tỉ m3 nước, tương đương 2 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic đổ xuống (theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cho biết: Dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3 chứ không phải 5 tỉ m3), nhấn chìm một vùng rộng lớn, làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị biển nước cuốn trôi, hàng nghìn người rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Những ngày tới con số thương vong chắc chắn sẽ không ngừng tăng lên và hệ lụy của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Nước bạn Lào: Lời nguyện cầu từ Việt Nam
Hiện trường vỡ đập tại Lào
Người anh em, người bạn chiến đấu thủy chung, trước sau như một của Việt Nam đang cần sự động viên, cảm thông và chia sẻ bởi chúng ta. Dù chỉ là lời cầu nguyện thì hãy cầu nguyện bằng trái tim của mình, như những người thân trong một gia đình, nguyện cầu cho thảm họa này sớm qua đi, nhân dân Lào sẽ sớm khắc phục, ổn định lại cuộc sống. Lịch sử quan hệ Việt - Lào được đánh giá như “môi hở, răng lạnh”, có mối quan hệ tương hỗ với nhau, khi mà núi liền núi, sông liền sông. Không cầu nguyện, sát cánh lúc này sao được, khi mà, thực dân Pháp sang đây bằng vũ khí, bom đạn, biến chúng ta thành thuộc địa, cướp bóc tài nguyên, thực hiện chính sách “ngu dân”, thì anh em các bộ tộc Lào đã sát cánh cùng chúng ta đánh đuổi chúng. Không đùm bọc sao được khi mà, nếu không có đất Lào làm căn cứ địa, liệu rằng sẽ có con đường Trường Sơn huyền thoại, liệu có vang lên lời hiệu triệu toàn dân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, để hậu phương miền Bắc luôn sẵn sàng chi viện cho chiến trường Miền Nam, để chúng ta đi đến chiến thắng cuối cùng trong ngày 30/4 lịch sử. Không thương yêu sao được, khi mà rất đông các nước trên thế giới, đứng đầu là Mỹ cấm vận chúng ta khi chúng ta tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot, giải phóng Campuchia, nước Lào vẫn một lòng một dạ đứng bên ta khắc phục những khó khăn. Và hiện nay, họ tạo những điều kiện không thể tốt hơn, không so đo, tính toán cặn kẽ từng đồng thuế một để cho ta qua đầu tư, làm ăn, để cùng nhau phát triển. Thế nên, mới có bao thế hệ người Việt sinh sống ở Lào và ngược lại bao nhiêu người Lào đến học tập, sinh sống và làm việc tại Việt Nam, và họ luôn xem đất nước là quê hương thứ hai của mình. Họ - những người anh em Lào chưa bao giờ phản bội chúng ta! 
Nước bạn Lào: Lời nguyện cầu từ Việt Nam
"Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"
Hãy cầu nguyện cho người anh em Lào. Tất nhiên là nó chẳng làm nước rút ngay đâu, nhưng đó là trái tim, truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt Nam, để chứng tỏ rằng người Việt Nam biết đâu là bạn bè bình thường, đâu là đối tác, còn đâu là những người anh em son sắc, thủy chung như Lào. Hãy phát huy truyền thống, tình cảm thiêng liêng, chan chứa và thấm đượm nghĩa tình như lời chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. 

ĐỜI CÁT


Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Huyền thoại cô gái đếm bom giữa trời Đồng Lộc

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám sinh tháng 10/1949, tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha mất sớm, chị phải nghỉ học để giúp mẹ cáng đáng việc đồng áng, đi làm kiếm tiền nuôi em.

Năm 1967, La Thị Tám gia nhập đội thanh niên xung phong thuộc Đại đội 2 - Giao thông vận tải đóng tại Đồng Lộc. La Thị Tám được phân công đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả bom đã rơi, bao nhiêu quả chưa nổ để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bà đã đếm và cắm tiêu được một số lượng bom lớn: 1205 quả.

Giữa bom đạn Mỹ ác liệt, hình ảnh người con gái nhỏ nhắn, dũng cảm, kiên trung, giữa cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười. Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái kiên trung ấy: Đó là La Thị Tám.

Huyền thoại cô gái đếm bom giữa trời Đồng Lộc
Nữ anh hùng LLVTND La Thị Tám 
Vào thời điểm ấy, ngã ba Đồng Lộc trở thành một túi bom luôn hứng chịu các loại bom nặng nhất của Mỹ. Và tuyến đường 15A là yết hầu của những yết hầu, trên các tuyến đường từ Bắc vào Nam. Địch trút xuống mảnh đất này đủ loại bom với tần suất cả ngày lẫn đêm, khiến mảnh đất Đồng Lộc trong nhiều năm liền không một phút giây “được ngơi nghỉ” tiếng bom đạn.

Tiểu đội nữ A.6 ở Ngã ba Đồng Lộc lúc đó có 12 chị em. Tuổi lớn nhất chỉ 22 - 24 như chị Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Cúc; còn phần lớn chị em chỉ 18 - 19 tuổi như Xuân, Xanh, Rạng và nhỏ nhất là Hà mới 17 tuổi. Tất cả chưa ai lập gia đình riêng. Cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đó đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với lứa tuổi trẻ trung nhất, trung kiên nhất của cuộc đời nữ chiến sĩ thanh niên xung phong.

Là lực lượng chủ lực trong san lấp đường, phục vụ xe và bộ đội hành quân vào Nam, cả tiểu đội chị La Thị Tám luôn với khí thế “3 sẵn sàng”, bảo đảm xe ra, vào hàng ngày chở hàng chi viện cho tiền tuyến. Với ý chí “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cả tiểu đội A.6 đã quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến bất kỳ ngày hay đêm. Trong những ngày tháng chiến đấu đó, nhiệm vụ mà La Thị Tám đảm nhiệm hết sức nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết, song không ai được bỏ quên nhiệm vụ, dù cái chết rình rập hàng ngày.

Cuối năm 1968, chị La Thị Tám vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người và ngày 22/12/1969, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Huyền thoại cô gái đếm bom giữa trời Đồng Lộc
Anh hùng La Thị Tám  - nguyên mẫu của bài ca “Người con gái sông La” của nhạc sĩ
 Doãn Nho. 
Mỗi năm gần đến ngày 24/7, cô thanh niên xung phong La Thị Tám năm xưa không thể nào quên được những cô gái trẻ, có những người chưa đủ 18 tuổi của tiểu đội nữ thanh niên xung phong ra đi và đi mãi mãi. 50 năm đã trôi qua, mỗi lần nhắc tới Tiểu đội A6, lần nào chị cũng rơm rớm nước mắt. Kể tới việc đi tìm thi thể chị Cúc trong đêm 24/7, thì chị Tám nghẹn ngào: "Đau lắm em à, cả những anh em giao liên, cùng bộ đội đi qua, biết chuyện đã dừng lại cùng bọn chị cố tìm gần suốt đêm, gần sáng, lại tìm ngay chỗ trái bom vùi lấp các chị, mãi mới tìm được Cúc, thân thể không còn nguyên. Lúc ấy, Cúc chỉ mới 24 tuổi đời".

Năm mươi năm trước, bao trận bom, đạn cày xé ghê rợn người ở cả khu vực ngã ba Đồng Lộc, có bao giờ các chị mềm yếu, mủi lòng trước cái chết đâu. Vậy mà giờ, mỗi khi ai nhắc đến Tần, Cúc, Hường, Xanh, Nụ… chị không bao giờ cầm lòng được, bởi những người chị, người em đó đã cùng đồng cam cộng khổ, sống cùng sống chết cùng chết với chị. Họ đã nằm lại nơi Ngã ba khói lửa ấy 50 năm rồi... Hình ảnh chị La Thị Tám nhỏ nhắn, gương mặt thật dung dị, hiền lành, song người phụ nữ Việt Nam ấy đã song hành với cả một thế hệ chiến đấu vì miền Nam ruột thịt bởi trong trái tim của những người con gái ấy luôn có một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng!

Clip Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm Nữ anh hùng La Thị Tám và hát tặng bài ca " Người con gái Sông La".


Chấn động gian lận chấm thi ở Sơn La: Dữ liệu bài thi gốc bị "mất tích"


Vấn đề nan giải hiện nay của việc gian lận chấm thi ở Sơn La là dữ liệu bài thi gốc đã bị "mất tích" nên chưa thể trả điểm thực về cho các thí sinh.

Chấn động gian lận chấm thi ở Sơn La: Dữ liệu bài thi gốc bị "mất tích"
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La gặp gỡ báo chí ngày 23/7 để trao đổi về kết quả xác minh bất thường điểm thi
Trưa hôm qua (23/7), tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La đã gặp gỡ báo chí để trao đổi một số thông tin về kết quả xác minh bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh này.

Cuộc gặp gỡ không có mặt đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Sơn La. Theo kết quả xác minh, kiểm tra, Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, vào sai điểm và chấm sai tổng cộng 29 bài văn. Đặc biệt, đã có việc can thiệp kết quả nhiều bài thi trắc nghiệm.

Sửa phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD - ĐT, cho biết các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm. Bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh (TS).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.

Chấn động gian lận chấm thi ở Sơn La: Dữ liệu bài thi gốc bị "mất tích"
Phóng viên báo chí tham dự buổi cung cấp thông tin ở Sở GD-ĐT Sơn La
Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của TS), sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa. Vì thế việc trả điểm thực về cho TS Sơn La hiện nay phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Ông Trinh cũng chia sẻ tại cuộc gặp với báo chí: “Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi”.

Phải tạm thời công nhận điểm bài thi trắc nghiệm

Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, tạm thời Bộ GD-ĐT vẫn phải công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của TS dự thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La mà sở này đã công bố hôm 11/7. Kết quả này tạm thời vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH và các trường sư phạm năm 2018.

Nhưng ông Trinh cũng cho biết thêm: “Hiện nay cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số TS. Khi có kết quả điều tra, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý kết quả thi của các TS liên quan theo quy chế. Kết quả đó sẽ là kết quả thi chính thức của các TS trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018”.

Nhập và chấm sai ít nhất 29 bài thi văn

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã đối chiếu điểm thi trên bài thi của tất cả TS với biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm. Kết quả sau khi đối chiếu, cơ bản điểm ghi trên bài thi môn văn với điểm trên máy tính giống nhau. Tuy nhiên, tổ công tác đã phát hiện 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy, mức chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm.

Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tại Sơn La. Hội đồng này đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có 1 bài có điểm chấm thẩm định thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Từ kết quả trên, tổ công tác yêu cầu Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La sử dụng kết quả chấm thẩm định của 110 bài thi môn văn để thay thế kết quả chấm các bài thi này do hội đồng này công bố hôm 11/7. Kết quả chấm thẩm định của 110 bài này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH và các trường sư phạm năm 2018.

Có ít nhất 5 cán bộ liên quan

Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Những sai phạm tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Tính chất công việc ở Sơn La là không đơn chính, vì thế chúng ta chưa kết thúc được việc xác minh làm rõ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang phải tiếp tục”.

Cũng theo ông Trinh, qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến các sai phạm quy chế thi tại Sơn La gồm 5 người: Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng; ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT. Những cán bộ này là các thành viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm, trong đó ông Yến là Phó Trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La.
Những bất thường điểm thi của Sơn La
Theo phân tích từ kết quả thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố ngày 11/7, năm 2018, tỉnh Sơn La có 10.250 TS dự thi môn toán, trong đó có 30 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,29%. Tỷ lệ này của Sơn La chỉ kém Hà Giang (điểm đã được sửa, công bố lần đầu) với mức hơn 1%, cao gấp gần 3 lần Hà Nội (0,1%), hơn 7 lần so với TP.HCM (0,04%) và hơn 4 lần so với Nam Định (0,07%) và cao hơn gần 5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%.
Với môn vật lý, thống kê số điểm từ 9 trở lên của Sơn La cũng cao vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, Sơn La có 1.339 TS dự thi môn này thì có 13 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,97%, cao hơn 3 lần so với Hà Nội (0,29%), gấp 4 lần so với Nam Định (0,24%) và 12 lần so với TP.HCM (0,08%).
Xét theo các khối thi, với khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), cả nước có 82 TS đạt mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La là tỉnh xếp thứ 3 với 8 TS. Ở khối D1 (toán, văn, tiếng Anh), Sơn La đứng đầu cả nước về số lượng TS đạt trên 27 điểm. Cả nước chỉ có 17 TS thuộc 9 tỉnh, thành đạt mức điểm này, riêng Sơn La có 7 TS (chiếm hơn 41%). Ở khối C3 (toán, ngữ văn, lịch sử), cả nước chỉ có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì riêng Sơn La đã có 6, chiếm tới 60%. Khối D9 (toán, lịch sử, tiếng Anh), cả nước có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La có 4 TS, chiếm 40%.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

XÉT XỬ 10 ĐỐI TƯỢNG GÂY RỐI TẠI PHAN RÍ CỬA


Ngày 23/7, TAND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) tuyên phạt Phạm Sang (26 tuổi) 3 năm 6 tháng tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng. Cùng tội danh trên, 9 bị cáo cũng lĩnh án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam.

XÉT XỬ 10 ĐỐI TƯỢNG GÂY RỐI TẠI PHAN RÍ CỬA

Đây là vụ xét xử thứ hai liên quan đến việc hàng chục người gây rối, đập phá và chống người thi hành công vụ tại Bình Thuận trong 2 ngày 10 và 11/6.

Theo cáo trạng, sáng 10/6, hàng trăm người dân thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong tụ tập trên Quốc lộ 1 (khu vực cầu Nam) gây kẹt xe kéo dài. Cảnh sát được điều động đến giữ trật tự, giải tán đám đông để quốc lộ thông tuyến.

Tuy nhiên, Sang cùng nhiều bị cáo khác đứng ra hô hào, cầm cờ kích động người dân tiếp tục chặn xe, chống đối lực lượng chức năng. Không dừng lại, chúng còn ném nhiều vật cứng về lực lượng chức năng, đập phá hư hỏng 4 môtô và ôtô công vụ, nhiều cảnh sát bị thương.

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để được sớm trở về với gia đình. Tuy nhiên nhận định vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường huyết mạch quốc gia, ảnh hưởng an ninh xã hội... nên HĐXX tuyên phạt mức án trên.

Trong sự việc ở Phan Rí Cửa, còn có một số người khác có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như Hủy hoại tài sản nhà nước, Chống người thi hành công vụ... được tách ra điều tra, xét xử riêng.

Trước đó, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, ngày 10 và 11/6, nhiều người đã tràn vào trụ sở UBND Bình Thuận và Sở Kế hoạch - Đầu tư đập phá, đốt nhiều xe máy, ôtô. Tại thị trấn Phan Rí Cửa, những người quá khích đã chặn xe trên Quốc lộ 1, đốt hàng loạt ôtô ở trong trụ sở PCCC. Sự việc khiến hàng chục cảnh sát bị thương.

Hôm 12/7, bảy người gây rối trước trụ sở UBND Bình Thuận đã lĩnh từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam.

Ngoài Bình Thuận, các địa phương lân cận như TP HCM, Đồng Nai, Long An... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người đã bị khởi tố về các hành vi Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ.

Khởi tố, bắt tạm giam người đưa chìa khóa nơi giữ bài thi ở Hà Giang


Chiều 23/7, Đại tá Lê Văn Canh, Trưởng Phòng Tham mưu - Người phát ngôn Công an tỉnh Hà Giang cho biết Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can số 06/QĐ-KTBC ngày 23/7/2018 và Lệnh bắt tạm giam số 05/LBBC ngày 23/7/2018 đối với Nguyễn Thanh Hoài, sinh ngày 19/01/1969 tại huyện Vị Xuyên, hiện thường trú tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với thời gian 3 tháng theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Khởi tố, bắt tạm giam người đưa chìa khóa nơi giữ bài thi ở Hà Giang
Cơ quan ANĐT tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hoài
Theo kết quả điều tra xác minh ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho Vũ Trọng Lương trái với quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Trước đó ngày 19/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.

Khởi tố, bắt tạm giam người đưa chìa khóa nơi giữ bài thi ở Hà Giang
Trước đó cơ quan ANĐT đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Trọng Lương 
Ngày 20/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Vũ Trọng Lương, sinh ngày 24/10/1978 tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, hiện thường trú tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang (Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với thời gian 3 tháng.

Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Vũ Trọng Lương được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang phân công sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án, Lương đã tải đáp án về và lưu trong máy. Quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện trong máy điện thoại của Lương có nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh và mức điểm.

Với thời gian hơn 2 giờ (từ 12 giờ đến 14 giờ 38 phút ngày 27/6), Lương đã chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng khảo thí.

Trong thời gian này, Vũ Trọng Lương đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án. Quy trình thực hiện mất khoảng 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.

Thống kê cho thấy, có 102 bài thi Toán đã chênh từ 0,1 đến 8 điểm; 85 bài thi Vật lý chênh từ 1 đến 7,75 điểm; 56 bài thi Hóa học chênh lệch từ 1 đến 8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài thi chênh từ 1 đến 4,25 điểm; môn Lịch sử và tiếng Anh lần lượt có 9 và 52 bài thi đã chênh lệch từ 1 đến đến 7,8 điểm.

Kết quả cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với thí sinh chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.

Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật./.

Theo TTXVN