KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

NGÀY THỨ HAI MƯƠI…

Hai mươi ngày qua, mạng xã hội đã bùng lên với biết bao sự kiện xã hội: danh sách thí sinh gian lận điểm thi, 3 vụ buôn bán hàng tấn ma túy… Lẫn trong bao nhiêu sự kiện đó, vụ dâm ô trẻ em với cái tên Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng không hề nguội hay chìm bởi những đợt sóng dư luận khác trùm lên.

NGÀY THỨ HAI MƯƠI…


1. Ngày thứ mười chín, nếu tính từ thời điểm Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh nhận được thông tin tố giác hành vi dâm ô tại thang máy chung cư Galaxy 9… Nhưng là ngày thứ hai mươi, nếu tính từ thời điểm vụ việc xảy ra (đêm 01/4/2019).
Hai mươi ngày qua, là hai mươi ngày đếm ngược. Một tâm lý căng thẳng, nóng lòng bao trùm hầu khắp mạng xã hội và dư luận nhân dân.
Hai mươi ngày qua, mạng xã hội đã bùng lên với biết bao sự kiện xã hội: danh sách thí sinh gian lận điểm thi, 3 vụ buôn bán hàng tấn ma túy… Lẫn trong bao nhiêu sự kiện đó, vụ dâm ô trẻ em với cái tên Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng không hề nguội hay chìm bởi những đợt sóng dư luận khác trùm lên.
Ngược lại, nó vẫn nổi cộm và càng đến hạn chót (20 ngày, tính từ ngày nhận được tố giác, cơ quan điều tra buộc phải ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố hình sự), sự việc càng bùng lên. Không chỉ là các phân tích, ý kiến chuyên gia mà hình ảnh của kẻ ấu dâm trẻ em xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và các đường phố, khu dân cư ở Đà Nẵng, một biểu thị cho thấy sự bức xúc, phẫn nộ cao điểm của người dân. Ngay Ủy ban Tư pháp - một cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng phải họp bàn “mổ xẻ” với sự hiện diện của lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương.

2. Khởi tố hay không khởi tố, đó không còn là ý chí của cơ quan tố tụng thẩm quyền ở địa phương. Không còn là ý chí của một cá nhân cụ thể nào. Đó đã là chí nguyện, là yêu cầu của người dân. Ấy là bởi hai lẽ: tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt tình dục trẻ em, đang diễn ra rất phức tạp, ám ảnh mọi gia đình và đây là vụ việc điển hình.
Thứ hai, chủ thể tội phạm là cựu lãnh đạo trong cơ quan bảo vệ pháp luật, đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc. Clip ghi nhận tại thang máy là bằng chứng hành vi phạm pháp “không thể chối cãi”, trong khi clip về một vụ dâm ô tương tự xảy ra trong ngõ hẻm tại Hà Nội đã được khởi tố, điều tra.

3. Ở một vụ việc điển hình như thế này, đã, đang có những hành vi lợi dụng để “mượn gió bẻ măng”, miệt thị chế độ, bôi nhọ nền tư pháp. Nhưng trước hết, cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh được sự nghiêm minh, khách quan trong thực thi luật pháp, chứng minh công lý không loại trừ bất cứ ai, ấy là cách rõ ràng nhất để yên dân, để phản bác lại các luận điệu vin cớ, miệt thị nói trên.
Khởi tố, đó mới chỉ là quyết định khởi đầu cho một quy trình tố tụng, còn khá dài để đi đến kết luận, phán xử. Nhưng quyết định khởi đầu đó cũng chính là quyết định có tính chất mấu chốt, tháo gỡ điểm nghẽn trong tố tụng và đặc biệt, nó tháo gỡ nút thắt vốn đang gây phẫn nộ dư luận hai mươi ngày qua.
Thay vào đó, là niềm tin được củng cố vào nền pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng./.
Đăng Minh

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ BẢN DI CHÚC TRONG LỊCH SỬ


Trong lịch sử hiện đại và trong số các vị lãnh tụ cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh là một người đặc biệt. Những người yêu chuộng tự do, hoà bình trên thế giới đều gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ.

GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ BẢN DI CHÚC TRONG LỊCH SỬ

Bạn bè quốc tế vẫn nói: người Việt Nam thật hạnh phúc vì có Bác Hồ. Dân mình, Đảng mình, nước mình tự hào về Bác, có Bác. Bác là chỗ dựa tinh thần, tình cảm, tâm linh và niềm tin tất thắng. Các thế hệ nguyện xứng đáng là con cháu, đồng chí và học trò tin cậy của Người.
Người đã hoàn thành đầy đủ sự nghiệp của đời mình, cũng chính là sự nghiệp của dân tộc Việt Nam và của cả loài người tiến bộ. Vượt lên tất cả, khi mất đi, Hồ Chí Minh không phải là một kỷ niệm của quá khứ, Người sống mãi. Người cùng những cống hiến và phẩm cách cao quý của mình gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác - Lênin - ánh sáng tư tưởng của thời đại trở nên diệu kỳ trong ký ức tất cả mọi thời đại. Cùng với thời gian, di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc “hiện nay và mai sau, không chỉ là của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn dành cho tất cả các dân tộc, các Đảng đấu tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dù ở châu Á, châu Âu hoặc bất cứ nơi nào trên các lục địa”.

1. Di chúc - Lời dặn lại đầy tâm huyết

Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX đã yên nghỉ 50 năm, song di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao hàm chứa trong từng trước tác của Người vẫn đang cùng dân tộc Việt Nam đồng hành trong những thiên niên kỷ mới. Một trong số những di sản đó chính là lời dặn lại đầy tâm huyết, tiếng nói khiêm nhường của một người cộng sản, thấm đẫm chất nhân văn, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và thời đại có giá trị vượt không gian và thời gian - Bản Di chúc lịch sử.
“Tài liệu tuyệt đối bí mật” được Người khởi thảo tại Hà Nội, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 (tháng 5/1965). Trong những năm tiếp sau đó, cũng vào dịp kỷ niệm ngày sinh, Người lại đọc, suy ngẫm, trăn trở để chỉnh sửa, bổ sung vào những “lời dặn lại” đặc biệt của mình, cho đến khi trái tim đó ngừng đập vĩnh viễn vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969.
Không chỉ suốt đời tận tụy, phấn đấu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, Hồ Chí Minh còn mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, cùng một thế giới hạnh phúc cho con người vào cõi vĩnh hằng. Chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn của mình, một Hồ Chí Minh khi còn anh minh, tỉnh táo đã dành mỗi ngày khoảng từ 1 đến 2 giờ của những ngày tháng 5 đẹp trời (từ năm 1965 đến năm 1969) để viết “Tài liệu liệu tuyệt đối bí mật” gửi lại cho mai sau. Và cũng trong những năm cuối của đời mình, một Hồ Chí Minh bộn bề công việc, đang bận lòng với nỗi đau trước mắt đã xót xa một nỗi đau chôn vùi trong lòng đất mẹ, bỗng về thăm tiền nhân, tưởng nhớ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, giữa những ngày miền Bắc đang chống chọi cùng mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ (1965). Thăm đền thờ, dừng lại hồi lâu đọc những dòng chữ trên văn bia, leo lên Thạch Bàn…người đầy tớ trung thành của nhân dân dường như đã lường trước được quy luật khắc nghiệt của tạo hoá. Tự ý thức một cách tích cực về bản thân mình, với phong cách ung dung, tự tại vốn bắt nguồn từ chỗ nắm được quy luật vận động của cuộc đời, biết rõ điều gì ắt sẽ qua đi, điều gì ắt sẽ đến và điều gì là trường tồn phải còn mãi, Hồ Chí Minh gửi những suy tư trĩu nặng của tiền nhân “là theo đức hiếu sinh để toàn vẹn cho sự sống còn của nhân dân” của mình vào những lời cuối cùng để lại cho hậu thế.
Giờ đây, mỗi khi lật giở lại những trang bản thảo, những bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc thiêng liêng như một Cương lĩnh hành động ngày nào, dường như vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Đó là những vấn đề quan trọng, cần thiết phải làm, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của một Đảng cầm quyền, đồng thời đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung, vì độc lập dân tộc và những tiến bộ xã hội. Đó cũng chính là những dòng chữ cuối cùng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, người chiến sĩ quốc tế nặng lòng vì Đảng, vì dân, vì tình đoàn kết giữa các Đảng anh em và các dân tộc đang đấu tranh cho công lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho “một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài”, Người hiến dâng cuộc đời mình cho cuộc chiến đấu vì phẩm giá và quyền của con người, cho sự giải phóng hoàn toàn. Trong tư tưởng và tình cảm của Người, nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý, nhân dân tiến bộ thế giới là anh em của nhau: “Tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến”. Vì vậy, Người và Di chúc của Người tuy kết tinh tư tưởng, văn hoá, tâm hồn, đạo đức Việt, song “vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân hay đế quốc”, nhằm thực hiện khát vọng làm người cao cả nhất.

2. Di chúc - Cương lĩnh xây dựng lại đất nước

Thâu thái những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại, Hồ Chí Minh luôn cởi mở tiếp thu để làm giàu vốn tri thức của bản thân mình không chỉ trở thành “một nhà tiên tri châu á báo trước công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức”, khổ đau, Người còn nhìn thấy và dặn lại trước những công việc cần thiết phải thực hiện để xây dựng lại một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai.
Trong Di chúc, khát vọng và niềm tin tất thắng của lãnh tụ Hồ Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp hoà bình thế giới dồn nén, chứa chất chỉ trong mấy lời, và niềm tin đó không phải chỉ được nhắc một lần: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” và dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người nhưng “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”, “đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà”. Theo Người, thắng lợi đó của dân tộc ta là vinh dự , vì “đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Tiếp đó, với phép xử thế của một nhà văn hoá lớn, là biểu tượng kết tinh truyền thống lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt có hàng ngàn năm văn hiến, Hồ Chí Minh “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, và thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Tuy nhiên, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, bằng dự cảm của riêng mình, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với sự trưởng thành ngày càng vững mạnh của Đảng - đội tiền phong của giai cấp và của dân tộc Việt Nam, nên đã dành những điều “trước hết nói về Đảng” và yêu cầu “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.
Ghi nhận nguồn sức mạnh nội lực làm nên sức mạnh của Đảng chính là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Người và tất cả mỗi người cán bộ, đảng viên của Đảng đều nhận thức được rằng: đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết và đoàn kết làm nên thành công, nên đã luôn cố gắng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tuy nhiên, cũng đã có những thời điểm, những con người, vì nhiều lý do khác nhau, đã quên đi lý tưởng và lời thề cộng sản, xa rời đạo đức cách mạng, phá hoại khối đoàn kết “muôn người như một” của Đảng. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, đồng thời, yêu cầu “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu, là yêu cầu bức thiết của Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng, mà còn là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, để Đảng trong sạch, khoẻ mạnh, để “dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Những lời dặn thiết tha, đậm chất nhân văn trong Di chúc chứa đựng những giá trị tư tưởng, tinh thần cao quý của cuộc đời Hồ Chí Minh, từ cuộc đời Hồ Chí Minh. Theo Người, dù đã có những đóng góp nhất định, song để thật sự trong sạch, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên phải hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, phải thấm nhuần và nâng cao “đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, và vượt lên hết thảy là phải sống với nhau có tình, có nghĩa, có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Và cũng theo Hồ Chí Minh, để rời xa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để làm mực thước cho dân, cán bộ, đảng viên nhất định phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình.
Song cũng theo Người, phê bình và tự phê bình phải trên cơ sở “tình đồng chí” thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho điều thiện sinh sôi, điều ác thui chột, để tiến bộ và vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách. Đó không phải không phải đập cho tơi bời, hả giận, đó chính là có lý, có tình, chân thành, thẳng thắn, là văn hoá Đảng, là bản chất tâm hồn và đạo đức dân tộc Việt mà Hồ Chí Minh mong mỏi và gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Sau những điều tâm huyết về Đảng, người cộng sản đầy kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã nhắc đến việc chăm lo lực lượng kế cận của cách mạng. Người dành những dòng thiết tha cho thế hệ trẻ, khen ngợi đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng và yêu cầu, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết, bởi không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức và có tài, sẽ không có những con người XHCN để xây dựng thành công CNXH và CNCS như Lênin từng khẳng định.
Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người. Bởi lẽ vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Người đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc với con người”. Người cũng chỉ rõ, khi đất nước đã trải qua những năm dài chiến tranh, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc đầy nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang, nên Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi. Những đề nghị của Người về miễn thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”... thực sự thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn.
Một Hồ Chí Minh đầy bao dung nhân ái, mà lòng thương yêu đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi đã dành tình thương yêu của mình cho hết thảy mọi người. Đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; những liệt sĩ, cha mẹ vợ con của thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ, những phụ nữ, những thanh niên xung phong,v.v..Và với họ, Người mong mỏi Đảng và các cấp chính quyền chăm lo, tạo điều kiện giúp họ được sống yên ổn, có công việc làm ăn thích hợp, để góp sức mình cho công cuộc xây dựng lại đất nước. Còn đối với những con người từng lầm lỗi, lạc đường, hoặc là nạn nhân của chế độ cũ (như trộm cấp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v..), Hồ Chí Minh tâm niệm, dù là ai, họ cũng mang dòng máu Việt, cũng có nguồn cội, nên lấy lòng nhân, khoan dung độ lượng, hướng về lẽ phải chân chính mong mỏi “cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Như một Cương lĩnh hành động của một Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ cách mạng được giao phó, những chỉ dẫn của Người trong “Tài liệu tuyệt đối bí mật”- không mang tính áp đặt, những vẫn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đồng tâm, đồng lòng thực hiện. Bởi rằng, đối với một Đảng cầm quyền, việc quan tâm đến những lợi ích thiết thực hàng ngày của mỗi người dân, cổ vũ họ, chia sẻ với họ, cũng chính là chăm lo đến quyền con người, phát huy quyền làm người của mỗi người. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, động lực để thực hiện khát vọng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là nhân dân lao động. Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau của Người trong Di chúc dành lại cho muôn đời con cháu mai sau thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích của cả cộng đồng. Đó cũng chính là sự biểu đạt đặc sắc của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, của nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh, suốt đời không mang danh lợi, chỉ khôn nguôi một hoài bão: Độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.

3. Di chúc - lời dặn khiêm nhường của người cộng sản

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, Người còn “là một nhà cách mạng trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản và đã đóng góp to lớn vào sự đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa, vào việc củng cố và phát triển phong trào cộng sản”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực, Người còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thuỷ chung, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Khơ rútxốp trong Hồi ký của mình từng viết: Hồ Chí Minh là “vị thiên sứ cách mạng”, là “vị thánh cộng sản”, bởi những hoạt động không mệt mỏi của Người cho phong trào cộng sản quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên, trong Di chúc, khi viết về phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng thế giới. Người đã từng nhiều lần cảnh báo sự không quan tâm đúng mức về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa với phong trào cách mạng vô sản ở chính quốc tại các diễn đàn quốc tế; Người cũng từng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình, hết lòng hàn gắn những mâu thuẫn trong phe XHCN, bởi Người nhận thức sâu sắc rằng: Mối bất hoà, mâu thuẫn Xô -Trung và sự rạn nứt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là một tổn thất to lớn của sự nghiệp cách mạng thế giới. Theo Người, những bất đồng, chia rẽ đó không chỉ làm giảm đi nguồn sức mạnh của sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mà còn chia rẽ khối đoàn kết, nhất trí của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới; đồng thời tạo điều kiện để đế quốc Mỹ lợi dụng tình hình, mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương và sự không thống nhất trong hành động ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Do đó, trước khi đi xa, Hồ Chí Minh đã rất đau lòng trước những tồn tại đang diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Và cũng biết rằng mình không thể tiếp tục làm vị “thiên sứ cách mạng”, Hồ Chí Minh đã gửi những ưu phiền vào Di chúc và mong ước: đó là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, để “góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết” quý báu giữa các đảng anh em. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả đó, “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”.
Khiêm nhường trong vị thế một nguyên thủ quốc gia, một Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trên cương vị một lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Bao giờ và ở đâu, cũng vẫn ngời sáng một Hồ Chí Minh tấm gương của đạo đức cách mạng, chí công vô tư. Phút cuối của đời mình, sau khi dành tâm tư, tình cảm cho Đảng, cho dân, cho phong trào cách mạng thế giới, ung dung và thư thái, Người để lại mấy dòng cuối cùng trong Di chúc để viết về việc riêng của mình.
Trước Hồ Chí Minh, lịch sử thế giới đã có nhiều bản Di chúc. Nhà khoa học Noben của Thụy Điển trước khi từ giã cõi đời di chúc lại: Toàn bộ tài sản của ông sẽ được gửi vào nhà băng quốc tế. Số tiền lãi dành tặng thưởng cho những cá nhân có đóng góp cho hoà bình và sự tiến bộ của nhân loại. Nhà thơ Ba Lan Ađam Mắcxkiêvích mong muốn, quả tim dù đã ngừng đập của ông sẽ được đưa về Thủ đô Vácxava, với mong ước giản dị: để nó được sống mãi cùng nhịp đập của hàng triệu triệu trái tim người dân Ba Lan. Vua Lý Nhân Tông- một anh quân thời Lý, vốn sống kiệm ước, khi sắp mất cũng có lời di chúc thật khiêm nhường: Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, làm sao khi chết đi lại để cho nhân dân mình mặc sơ gai, sớm tối khóc than,…vì vậy, việc an táng cần phải tiết kiệm, không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay cạnh Tiên đế.
Một Hồ Chí Minh suốt đời yêu thương nhân dân, vốn giản dị, rất “sáng mà không chói”, khi ra đi, tiếc nuối lớn nhất của Người là “suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Vì vậy, Người mong “chớ nên tổ chức linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và yêu cầu được hoả táng. Sau đó ba phần tro cốt của Người để vào 3 hộp sành, như tình yêu thương tha thiết của Người dành cho đồng bào ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam...
Sau Hồ Chí Minh, một trong những người bạn thân thiết của Người, nguyên Thủ tướng Chu Ân Lai trước khi vĩnh biệt thế giới đã dặn lại rằng: Khi mất đi, ông muốn được hoả táng. Tư tưởng và tình cảm ông dành cho đất nước, nên mong muốn tro cốt của mình sẽ được nhồi vào đại bác, bắn đi bốn phương tám hướng, để ông được sống cùng non nước Trung Hoa rộng lớn. Và Đức Giáo hoàng John Paul II, trong di chúc của mình cũng dặn lại: Ta không có sản vật gì lưu lại…và xin được “chôn táng dưới đất, chứ không phải trong thạch mộ nổi”.
Vậy là, dù sinh ra ở những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, làm những công việc khác nhau, nhưng giữa họ đều có một điểm chung nhất, đó chính là tư tưởng, tình cảm và tấm lòng của những người con luôn hướng về quê hương đất nước, về con người, hướng về những điều tốt đẹp, thức tỉnh mọi tâm hồn. Với ý nghiã đó, những điều Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc chứa đựng giá trị tư tưởng và tinh thần, kết tinh từ cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của một con người “đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống”. Tư tưởng và tình cảm đó không chỉ mang lại sự đổi đời cho một dân tộc Việt Nam, mà còn đem lại niềm tin tưởng mãnh liệt và khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp cho tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do, công lý trên toàn thế giới, vì vậy, “Di chúc của Người đặc biệt có ý nghĩa đối với các lực lượng cách mạng và toàn thế giới tiến bộ”.
Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần. Dùng những ngôn từ giản dị nhất để biểu đạt cái lớn lao của tư tưởng, Di chúc Hồ Chí Minh “là một áng văn tuyệt bút” không dài, là những lời cuối đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và thời đại, hội tụ trong đó hoài bão và tình cảm của một nhà văn hoá lớn. Phản ánh tâm hồn một nhà cách mạng nhân đạo; trí tuệ, tư tưởng của một nhà hoạt động cách mạng phi thường; lòng vô tư tuyệt đối, tình yêu của Người đối với nhân dân, với thiên nhiên trong Di chúc không có gì so sánh nổi. Và dường như lời cuối của một con người biết nói lên những lời cần nói vào mỗi giai đoạn lịch sử, những lời nói giản dị, đúng mức, không văn hoa nhưng khắc sâu vào trái tim, khối óc của từng người, diễn đạt điều mà mọi người cảm thấy sâu xa nhất trong lòng mình nhưng chưa diễn đạt được, đều hội tụ trong bản Di chúc lịch sử của Hồ Chí Minh.
Mỗi điều Hồ Chí Minh trăn trở, dặn lại trong Di chúc đều chứa chan tấm lòng một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, với quê hương đất nước, phản ánh tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con ưu tú của dân tộc Việt; hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn của người dân Việt; hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết, bình dị mà vĩ đại, dân tộc mà thời đại. Đó là di sản bất hủ, đậm đà bản sắc dân tộc và thời đại, “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” Hồ Chí Minh gửi lại cho các thế hệ mai sau. Cuộc đời Người, với những gì Người đã đi, đã đến và chiến thắng; với tất cả những gì Người đã làm, đã nêu gương và để lại, có lý và có tình, sẽ sống mãi qua các thời đại.
Dù Người đã đi xa, song trên các trang của lịch sử, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn sẽ vinh quang chói lọi như sao Bắc đẩu. Mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, Người và bản Di chúc gửi lại “tiếp tục là nguồn cảm hứng” cho hậu thế, “để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”./.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

XỬ LÝ NGHIÊM SAI PHẠM, TRẢ LẠI SỰ TRONG SẠCH CHO MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC

Vụ việc gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia tại các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong những ngày qua lại đang nóng lên trên các mặt báo cũng như mạng xã hội.

XỬ LÝ NGHIÊM SAI PHẠM, TRẢ LẠI SỰ TRONG SẠCH CHO MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC

Điều đặc biệt khiến dư luận bức xúc là sau khi danh sách những thí sinh được nâng điểm được công khai, trong số đó có trường hợp kỷ lục được nâng khống tới 26,5 điểm để trở thành thủ khoa của Trường Sĩ quan lục quân, trong khi điểm thực chất của thí sinh này chỉ vỏn vẹn 1 điểm cả ba môn.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định có 222 thí sinh bị phát hiện gian lận điểm trong kỳ thi vừa qua, trong đó  có 114 thí sinh tỉnh Hà Giang, 64 thí sinh tỉnh Sơn La và 44 thí sinh tỉnh Hòa Bình. Bằng việc sửa điểm, nhiều trong số những thí sinh đó đã trở thành thủ khoa, á khoa và lọt vào top đầu tại một số trường đại học danh giá.
Sự chiếm chỗ của những trường hợp gian lận này cũng đồng thời tước đoạt đi cơ hội của ngần ấy thí sinh đủ năng lực, thậm chí có cả những nhân tài khắp các địa phương trong cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc xử lý đối với những trường hợp thí sinh được phát hiện gian lận điểm trúng tuyển vào các trường đại học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thậm chí tại một số trường thí sinh được nâng điểm vẫn đang theo học do xác định số điểm thực chất sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển hoặc thí sinh đã sử dụng tổ hợp điểm những môn khác để xét tuyển.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục là sự nghiệp trồng người, đào tạo thế hệ nhân tài cho đất nước phải đảm bảo cả tài và đức, liệu chúng ta có chấp nhận những chủ nhân tương lai của đất nước đã có hành vi gian lận ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Cho đến thời điểm này, lực lượng Công an đã khởi tố 3 vụ án về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khởi tố, bắt giam nhiều cá nhân có liên quan đến quá trình tham gia chấm thi, quản lý bài thi, đề thi tại các địa phương Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm khắc trên tinh thần kiên quyết, khách quan và triệt để. Đối với các trường hợp thí sinh dự tuyển vào các trường CAND, trả lời phóng viên Lãnh đạo Cục Đào tạo - Bộ Công an đã cho biết: Đã trả 53 thí sinh gian lận điểm tại hai địa phương Sơn La và Hòa Bình trúng tuyển vào các trường CAND về địa phương để xử lý theo quy định.
Nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả các học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển và xử lý nghiêm bất kể điểm thực chất sau khi trừ điểm nâng có đạt điểm chuẩn vào các trường CAND hay không.
Đồng thời để ngăn chặn và hạn chế tình trạng gian lận trong thi cử, hiện Bộ Công an cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh vào các trường CAND.
Mục tiêu của đề án này là sẽ đưa ra các quy định mang tính đặc thù nhằm tuyển chọn được những người có năng lực, năng khiếu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cũng như hạn chế tình trạng gian lận khi thi tuyển vào các trường CAND.
Câu hỏi mà dư luận đang hết sức quan tâm là các cơ quan chức năng xử lý như thế nào đối với những thí sinh sai phạm và cả những người có liên quan, trong đó có phụ huynh của những thí sinh đã được nâng điểm.
Rõ ràng là những hệ lụy tiêu cực liên quan đến gian lận trong kỳ thi PTTH Quốc gia năm 2018 vừa qua để lại những hậu quả rất nặng nề. Những sai phạm đó đã làm ảnh hưởng đến một kỳ thi công bằng và nghiêm túc về sự trong sạch cần phải có của môi trường giáo dục.
Chỉ bằng cách xử lý một cách toàn diện, kịp thời và nghiêm khắc tất cả những sai phạm mới có thể lấy lại được lòng tin trong xã hội đặc biệt đối với các học sinh và phụ huynh khi một mùa thi mới sắp đến gần./.
Yên Trung

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

ĐỪNG LẦM TƯỞNG ĐỂ TỰ PHÁ HOẠI BÌNH YÊN CỦA CHÍNH MÌNH

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chiêu thức thường được các thế lực thù địch tận dụng tối đa nhằm làm sụp đổ một quốc gia là tìm cách bôi nhọ chế độ xã hội hiện tại, thổi phồng những mặt trái của xã hội đó để gây tâm lý bất mãn rồi kích động sự phản kháng trong xã hội.

 Những vụ việc cụ thể, có tính cá biệt, những sai phạm của cá nhân, thường được nâng lên thành bản chất của chế độ xã hội. Đáng tiếc là vẫn có không ít người nhẹ dạ, thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn, không tự phát hiện được sự thật đằng sau những luận điệu kích động đó, họ vô tình tự cướp đi bình yên của chính mình.

Ngộ nhận và bất mãn dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Trong xã hội hiện nay, chúng ta không khó để nhận ra có những người rất hay than trách cuộc sống, nghi ngờ mọi thứ xung quanh, cho rằng mọi thứ đều xấu xa, tự cảm thấy mình chịu nhiều bất công, từ đó oán trách chế độ xã hội. Họ nhìn xã hội qua lăng kính màu đen nên mọi thứ xung quanh đều trở nên đen tối. Khi kinh tế phát triển họ nói rằng phát triển không thực chất, phải đánh đổi môi trường, lợi ích vào túi một số ít người. Khi một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số vụ tham nhũng bị phát giác, xử lý nghiêm theo pháp luật, thì họ cho rằng như thế là chưa đủ, mà thậm chí phải "đập chế độ này đi xây lại vì cả hệ thống tham nhũng". Khi một vài trường học xảy ra bạo lực học đường, thì họ kết luận cả nền giáo dục là bỏ đi. Thậm chí khi bóng đá Việt Nam giành được nhiều thành tích, nhiều chiến thắng vinh quanh ở tầm châu lục và vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, họ cũng cho rằng đó là may mắn, rồi chỉ là thành tích của một lứa cầu thủ, một huấn luyện viên, còn cả nền bóng đá vẫn tồi tệ...

ĐỪNG LẦM TƯỞNG ĐỂ TỰ PHÁ HOẠI BÌNH YÊN CỦA CHÍNH MÌNH
Cơ sở hạ tầng phát triển, chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Thực tế trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những người bi quan và bất mãn. Điều này là kết quả, là ảnh hưởng từ xuất phát điểm của mỗi người; từ quá trình giáo dục, từ những kết quả công việc và cuộc sống cho đến cách tiếp nhận, phân tích thông tin của mỗi người và quan trọng là cách tự xác định tâm thế, vị trí của mỗi người đối với cuộc sống. Chúng ta có thể gặp không ít người có đời sống vật chất đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi... nhưng vẫn bất mãn với cuộc sống, vẫn thấy nhiều người hơn mình, vẫn thấy mình thiệt thòi. Từ những bất mãn so bì đó, thay vì nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho bản thân như mong muốn, thì họ lại quay ra oán trách, thậm chí chửi bới, bôi nhọ chế độ xã hội.
Những lúc bình thường thì tâm thế của kiểu người nêu trên gây tiêu cực cho chính bản thân họ và xã hội. Nhưng khi mà cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” diễn ra rất quyết liệt, có nhiều sắc thái mới thì việc tồn tại trong xã hội kiểu người nói trên sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch hướng tới, lôi kéo, nhằm đạt được mục đích là gây bất ổn xã hội, thậm chí gây rối loạn xã hội, tiến tới lật đổ chế độ.
Để nói về điều này, cần phải nhìn lại giai đoạn vừa qua của lịch sử thế giới đã chứng kiến những kết cục đau lòng từ sự ngộ nhận, lầm tưởng của một lớp người trong xã hội. Năm 2011, các cuộc biểu tình có cái tên rất mỹ miều là “Mùa xuân Ả Rập” đồng loạt nổ ra tại một số quốc gia Bắc Phi, Trung Đông, như: Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen, Libya, Iraq, Syria... Các cuộc biểu tình này đã dẫn tới bạo động chống chính phủ, lan nhanh như một bệnh dịch khiến chính phủ ở một loạt nước như Ai Cập, Libya, Tunisia, Yemen bị lật đổ, xã hội hỗn loạn... Các nước Syria, Yemen chìm trong nội chiến. Theo ước tính đến năm 2016, “Mùa xuân Ả Rập” và các cuộc nội chiến từ hậu quả của nó đã làm Syria, Lybia, Iraq bị tàn phá, khoảng 500.000 người chết, hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, phải chạy tị nạn sang các quốc gia khác.
Nguyên nhân dẫn tới biểu tình và bạo động là những vấn đề xã hội đã tồn tại trong các quốc gia nêu trên chậm được cải thiện, những vấn đề tư tưởng, những ấm ức, bất mãn, tâm lý bị thiệt thòi của một bộ phận người dân không sớm được giải tỏa và tìm biện pháp khắc phục. Cùng với đó là sự can dự, giật dây của các nước phương Tây, tiếp sức bằng tiền và vũ khí cho các nhóm chống đối, kích động, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình. Đó là vì các nước phương Tây muốn thay đổi các chế độ trái mắt họ, vì lợi ích của họ. Kết quả của “Mùa xuân Ả Rập” là một thứ mùa xuân chết chóc, hỗn loạn, tan vỡ, ly tán, vợ mất chồng, cha mất con, người dân mất nhà cửa, đất nước tan hoang. Những nhà lãnh đạo bị phương Tây gọi là những “nhà độc tài” đã bị lật đổ, để rồi thay thế vào đó là nhiều nhóm quyền lực mới nổi lên bắn giết nhau, bất chấp mạng sống của người dân để giành quyền lực. Nhiều người dân Ả rập đã hối tiếc, muốn mọi thứ trở lại giai đoạn “tiền Mùa xuân Ả Rập”.
Nhìn người để nghĩ tới ta. Đất nước Việt Nam hiện được đánh giá nằm ở nhóm quốc gia có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới. Chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ đời sống của người dân đang đi lên theo thời gian. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tính từ năm 2014 tới nay, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Tất cả vấn đề xã hội, vấn đề về môi trường, phát triển bền vững đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được đặc biệt quan tâm và thực hiện thực chất, quyết liệt. Thế nhưng tất cả những thực tế rõ ràng đó, những con người có con mắt thiếu khách quan vẫn cố tình không thừa nhận.

Liệu có một xã hội hoàn hảo hay không?

Để nhận thấy sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề trong xã hội, có thể nhìn sang quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là nước Mỹ. Năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương, tàn phá một số vùng của nước Mỹ, làm 22 người chết và thiệt hại 11 tỷ USD. Điều đáng nói, sau cơn bão này, người dân Mỹ mới nhận ra những điều bất ổn trong xã hội mình. Đó là nhân việc bão quét sạch mọi thứ, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán với mức cắt cổ để kiếm lợi. Máy phát điện từ 250 USD tăng lên 2.000 USD; nước đá từ 2 USD được nâng lên 10 USD; một gia đình muốn dọn hai cây đổ vào nóc nhà thì phải trả giá là 23.000 USD (khoảng 530 triệu VNĐ). Đỉnh điểm là câu chuyện một cụ bà 70 tuổi chạy bão với người chồng và cô con gái khuyết tật đã phải trả 160 USD (khoảng 3,7 triệu VNĐ) một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 USD. Tờ USA Today khi đó đã bức xúc chạy dòng tít: “Kền kền sau bão” để phê phán thực trạng lợi dụng thảm họa, lợi dụng sự khổ đau của người khác để ép giá cắt cổ. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là một số nhà kinh tế tại Mỹ lại phản đối tờ USA Today và cho rằng việc tăng giá như thế là bình thường, vì trong một nền kinh tế thị trường có quy luật cung cầu, cầu tăng mà nguồn cung giảm thì ắt giá sẽ tăng, chứ không có khái niệm “giá cắt cổ”.
Nhìn vào sự việc trên để thấy sự khác biệt ở Việt Nam. Khi xảy ra những trận thiên tai, bão lũ, thảm họa ở bất kỳ khu vực nào thì cả nước đều quan tâm, theo dõi, lo lắng rồi chung tay, quyên góp cùng địa phương đó kịp thời khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Các lực lượng chức năng, trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt, được huy động để giúp đỡ người dân khẩn trương thu hoạch mùa màng, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vườn ruộng, đường xá, trường học, bệnh viện sau bão. Các hoạt động ấy vừa là nhiệm vụ được cấp trên giao phó nhưng cũng xuất phát từ trái tim. Bởi dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam là một xã hội hướng thiện, yêu thương đùm bọc nhau đã là truyền thống từ xưa tới nay: “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Khi nền kinh tế phát triển thường sẽ kéo theo những sự phát triển không đồng đều vì đặc điểm địa lý, lợi thế của mỗi vùng miền, rồi khả năng của mỗi con người cũng khác nhau. Nhận thấy nguy cơ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm để thiết kế các chế độ, chính sách thúc đẩy sự phát triển của vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ người nghèo vươn lên theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở một xã hội phát triển như Nhật Bản, được coi là hình mẫu của nhiều quốc gia, thế mà trong nhiều tác phẩm của mình, ông Inamori Kazuo, một doanh nhân, một nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản vẫn nhiều lần phê phán, tỏ ý thất vọng vì xã hội và con người Nhật Bản hiện nay đang bị thoái hóa về đạo đức, một xã hội dần trở nên bị lũng đoạn bởi nhiều thói xấu như tham nhũng, ích kỷ, thiếu tử tế... Do đó có thể thấy, ở bất cứ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng không bao giờ có sự hoàn hảo. Tất cả quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều mãi mãi chỉ trên con đường để vươn tới sự hoàn hảo. Và muốn vươn tới tiệm cận sự hoàn hảo đó thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, khách quan về mọi thứ xung quanh mình. Thay vì oán trách tại sao ai đó không làm điều tốt cho mình, tại sao mình không được hưởng những điều tốt đẹp hơn thì nên tự nỗ lực hơn nữa trong công việc và cuộc sống.
Đất nước Việt Nam đang trên con đường phát triển, do đó còn nhiều vấn đề đặt ra, còn những mặt trái trong xã hội. Vì vậy, muốn đất nước phát triển thì mọi người cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận đúng mọi vấn đề xung quanh mình, nỗ lực đóng góp sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đừng vì những mặt trái hiện có trong xã hội mà thất vọng, chán nản, để rồi dễ bị lợi dụng, bị kích động, tự mình phá hoại sự ổn định của đất nước mình, sự bình yên, hạnh phúc của bản thân mình.
HỒ QUANG PHƯƠNG

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.

Quang cảnh sang trọng của khách sạn Cửu Long ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay chính là phiên bản của rạp xinê Majestic cách đây hơn nửa thế kỷ, nơi đã ghi lại chiến công vang dội của 4 cô gái cảm tử Sài Gòn thuộc trung đội Minh Khai, Quyết tử quân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong trận tập kích vô cùng táo bạo tại đây ngày 10/6/1948, 50 sĩ quan Pháp chết và bị thương trong đó có 2 quan năm và tên mật thám Albert.

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.
Nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Kim Dung thời trẻ.
Thời đó, rạp chiếu bóng này sang trọng vào bậc nhất Sài Gòn, có máy điều hòa nhiệt độ và được canh gác rất nghiêm ngặt bởi rạp chủ yếu dành cho sĩ quan và thủy binh Pháp. Bọn này là đối tượng tác chiến số một của biệt động thành vì diệt “sinh lực cao cấp” của thực dân Pháp ngay tại nội thành Sài Gòn sẽ làm rung động quân địch và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Nhiệm vụ quan trọng đó, Ban công tác thành giao cho trung đội Minh Khai thực hiện, trực tiếp là 4 chiến sĩ: Bùi Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Mạc Thị Lan (Huệ nhỏ). Trong số này Huệ lớn tuổi nhất (27 tuổi), Dung nhỏ nhất (15 tuổi). Cách thức tấn công: dùng lựu đạn đánh trực tiếp.
Được cơ sở mật báo tối thứ 5 (10/6/1948) rạp Majestic chiếu phim “Vĩnh biệt người yêu” cho bọn Pháp coi, trung đội Minh Khai quyết định hành động theo kế hoạch đã được cấp trên chấp nhận.
Vé đã mua sẵn, chính trị viên (Huệ lớn) bí mật trao cho các chiến đấu viên tại một tiệm may đường Võ Thị Sáu. Tới giờ, bốn chị y trang lộng lẫy, thơm ngát nước hoa, ngồi trên xe tay từ các hướng tới Majestic “xem phim”. Huệ “nhỏ” không trực tiếp đánh chỉ làm nhiệm vụ cảnh giới. Cô dắt theo một bé trai 10 tuổi để đánh lạc sự chú ý của lính gác.
Bốn cô gái lịch lãm lần lượt vào rạp, không quên mời lính ăn kẹo và mở bóp đầm cho chúng kiểm tra. Chúng có biết đâu những quả lựu đạn bé xíu nằm ngay ở dưới đáy bóp mà các nữ chiến sĩ đã khéo léo nắm chặt khi nâng lên ngay mặt chúng kèm theo nụ cười tình tứ xã giao. Dung và Huệ đi bên phải, Lan và Thanh đi bên trái ung dung vào đúng chỗ ngồi ghi trên vé. Những hàng ghế hạng sang phía sau, các sĩ quan và thủy binh Pháp đã yên vị. Ba cô lấy lựu đạn sẵn sàng rút chốt.
Đèn tắt, cuốn phim phụ trình chiếu trên màn ảnh vừa ngừng, không gian mờ tối. Đã tới giờ qui định, khi màn ảnh vừa chuyển sang phim chính, Kim Dung tung ngay quả lựu đạn vào quân Pháp ở phía sau. Tiếng nổ kinh hoàng chưa dứt thì tiếp liền hai quả của Thanh và Lan là rạp phim rung lên. Trong màn khói mù mịt và tiếng kêu la náo lọan, các cô gái lấy khăn tẩm sẵn nước hoa lau tay rồi chùi lên tóc xóa ngay mùi tanh của gang lựu đạn rồi nhập vào đám người đang hỗn loạn.
Nhân lúc lộn xộn, Thanh làm bộ sợ hãi bám vào một phụ nữ thoát ra ngoài và gọi xích lô về nhà. Huệ nhỏ bị miếng lựu đạn trúng gần mắt cá chân giả vờ kêu khóc và lôi em bé ra khỏi rạp, bọn cảnh sát không nghi ngờ gì. Kim Dung ra đến sát cửa thì cánh cửa sắt phía ngoài đóng chặt lại, Huệ cũng bị kẹt trong rạp. Cảnh sát được huy động đến bao vây chặt và mở cuộc điều tra tại chỗ. Trước lúc đi chiến đấu, các cô đã giao ước với nhau là sau khi vụ nổ xảy ra thì không ai được nhìn nhau.
Sau khi xe cứu thương chở hết những người bị thương vong vào các bệnh viện Grall (nay là Nhi đồng 2), Chợ Rẫy, địch buộc mọi người ngồi đúng vào chỗ của mình trên vé và bắt đầu xét hỏi từng người. Kim Dung nhanh trí lượm được một chiếc vé đổi ngay chỗ ngồi phía sau chỗ quả lựu đạn nổ. Chúng xét hỏi vài câu không thấy gì nghi vấn nên cho cô ra về. Huệ ngay thật ngồi lại chỗ cũ bị bắt tại trận cùng mấy người bị tình nghi đưa về bót Catinat.
Do có kẻ khai báo (có thể người chở xích lô đưa Thanh về nhà hôm đó là mật thám), ít lâu sau, số chị em trong đội nữ Minh Khai lần lượt bị địch “bắt nguội”. Qua nhiều lần tra tấn cực hình tại bót Catinat, các cô vẫn giữ được khí tiết. Chúng giải các cô sang Khám Lớn - Sài Gòn để chờ ngày đưa ra tòa xét xử.
Sau nhiều lần lấy cung, tháng 6/1949 địch đưa vụ Majestic ra xử và kết án:
* Bùi Thị Huệ - tử hình.
* Nguyễn Thị Đào 20 năm tù khổ sai (Đào không đánh trận này nhưng Thanh còn có tên là Đào nên chúng bắt nhầm).
* Nguyễn Thị Kim Dung 10 năm tù khổ sai.
Các can phạm đều chống án, địch cũng chống án vì cho xử như thế là quá nhẹ đối với các phần tử Việt Minh vô cùng nguy hiểm đã gây thiệt hại trầm trọng cho quân đội Pháp quốc.
Ở Sài Gòn dậy lên một làn sóng phản đối Tòa án Pháp xử ba phụ nữ Việt Nam quá nặng, trong đó Kim Dung còn tuổi vị thành niên. Ủy ban kháng chiến hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn và Trung tướng Nguyễn Bình gửi lời khen ngợi và tuyên dương công trạng Trung đội Minh Khai.
Sau một năm biệt giam trong Khám Lớn, ba cô được giảm án, nghĩa là không có ai bị án tử hình.

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.
Dù có tuổi, nhưng bà Dung vẫn giữ được nhan sắc một thời.
Trận đánh làm nức lòng người dân Sài Gòn yêu nước và gây chấn động mạnh trong quân Pháp. Và dư vang của nó còn đi qua nhiều thế hệ. Bốn cô gái cảm tử năm xưa, người trở về đời thường, người trở thành giảng viên đại học Kim (cô Kim Dung), người trở thành dược sĩ cao cấp (cô Thanh)... Nay các cô đã về hưu và trở thành bà nội, bà ngọai nhưng trận Majestic vẫn ngời lên trong tâm tưởng như một dấu son lịch sử kháng chiến của Sài Gòn - Chợ Lớn anh hùng!
Thu Lê

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI, QUY TỤ SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT

“Dù ai đi ngược, về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười, tháng Ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ ở Việt Nam. Từ bao đời nay, ngày Giỗ Tổ trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, của mọi người con đất Việt hướng về tổ tông, nguồn cội, tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên.

HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI, QUY TỤ SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT
Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Hằng năm, cứ vào dịp mồng Mười tháng Ba, con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước và từ nhiều nước trên thế giới lại hướng về đất Tổ - Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều địa điểm linh thiêng ở các tỉnh, thành phố để dâng hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng.
Hạnh phúc của một dân tộc không thể thiếu cội nguồn, giang sơn và hòa bình. Chúng ta thật tự hào có cội nguồn bền vững. Sáng tỏa mấy nghìn năm nay hình tượng Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ cùng 18 đời Vua Hùng luôn khắc sâu trong tâm khảm người dân. Chúng ta có giang sơn hùng vĩ, núi non trùng điệp, ruộng đồng, biển rộng bao la... do ông cha để lại. Và, sau nhiều cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang, đất nước ta đã có hòa bình. Những gì có được hôm nay là vô giá, tính từ mỗi tấc đất, thước biển, mỗi ngày bình yên, từng công trình dựng lên trên mảnh đất còn không ít dấu tích chiến tranh. Bỗng nhớ biết bao lời Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người người hành hương về nguồn cội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều địa điểm thờ cúng, tưởng niệm các Vua Hùng ở các địa phương. Là con dân đất Việt, ai cũng nhớ ngày Giỗ Tổ và luôn mang trong mình truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được truyền từ đời này qua đời khác. Không chỉ ở trong nước, Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới.
 Giỗ Tổ Hùng Vương hội tụ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đất nước, đặc biệt là sự kết nối, hội tụ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc với tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nghĩa đồng bào thật cao cả! Chúng ta, dù ở đâu, làm gì cũng đều là con Lạc, cháu Hồng. Các Vua Hùng là điểm tựa tinh thần bất tử của dân tộc đã mấy nghìn năm. Hướng về cội nguồn là hướng về đất nước, cùng chung khát vọng, chung sức đồng lòng, đoàn kết toàn dân tộc để dựng xây giang sơn gấm vóc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Lời non sông vang vọng, lan tỏa từ đất Tổ linh thiêng. Núi Nghĩa Lĩnh không cao, nhưng muôn đời là biểu tượng của sự quy tụ, đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân đến đây, hoặc chưa có dịp về đây, đều thành kính thắp nén hương thơm cùng bánh chưng, bánh giầy dâng lên Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng, với lòng thành kính, biết ơn, lòng yêu nước, thương nòi; nghĩ và làm những điều tốt đẹp cho đất nước, cho dân tộc. Hận thù, ngăn cách, chia rẽ không bao giờ là mong muốn của tổ tông. Hòa hợp, đoàn kết muôn người mới là điều cao cả. “Thương người như thể thương thân”, đó là minh triết sống, là truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc có từ lâu, từ thuở dân đi cấy, vua đi cày, từ thời những cánh chim Lạc bay qua các thửa Lạc điền dưới chân đồi bát úp. Xưa xa, nhưng cũng rất gần!
Cần tiếp tục làm tốt việc giáo dục, hun đúc, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ, tạo sức lan tỏa hơn nữa của Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày lễ trọng đại của dân tộc, ngày Quốc lễ của Việt Nam. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hành trình hướng tới tương lai tươi sáng luôn đồng hành với sự quy tụ, đoàn kết dân tộc vững bền. Đó cũng chính là tinh thần bất diệt của Giỗ Tổ Hùng Vương./.
NGUYỄN HỮU QUÝ

HIỂU THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC ĐỂ Ý THỨC VỀ VIỆC GIỮ NƯỚC


Cứ mỗi dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hằng năm, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về thời đại khai sinh lập quốc, ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của ông cha, tiên tổ…

HIỂU THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC ĐỂ Ý THỨC VỀ VIỆC GIỮ NƯỚC
GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xung quanh thời đại Hùng Vương và việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc. 

PV: Thưa Giáo sư, dưới góc độ nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, xin Giáo sư cho biết truyền thuyết về Hùng Vương được hiểu như thế nào?

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Câu chuyện Hùng Vương là vấn đề rất lớn, rất căn bản của lịch sử Việt Nam. Trước đây nhiều người vẫn tin Hùng Vương dựng nước chỉ thuần túy là một truyền thuyết, một huyền thoại, mà không hiểu được cái lõi lịch sử của nó…
Nhưng thực ra cũng từ rất sớm tổ tiên chúng ta đã bước đầu giải mã huyền thoại này và đưa thời đại Hùng Vương vào trong các bộ sử chính thức đầu tiên. Bằng chứng là sách “Việt sử lược” đời Trần đã dành một mục để nói về thời đại Hùng Vương, An Dương Vương.
Đặc biệt, sang thế kỷ XV, khi làm bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê đã chính thức đưa thời kỳ Hùng Vương dựng nước vào trong bộ Quốc sử đời Lê. Các nhà chép sử đời sau càng ngày càng làm sáng rõ hơn vị trí và ý nghĩa của thời đại dựng nước đầu tiên, đến đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu còn xác định hết sức rõ ràng rằng Hùng Vương là Thủy tổ dựng nước rồi tiếp đến Ngô Quyền là Tổ Trung hưng đất nước…
Tuy nhiên, những tiến bộ trong nhận thức này vẫn chủ yếu trên cơ sở phân tích, đánh giá các nguồn tư liệu thư tịch, mà tư liệu thư tịch thì xuất hiện muộn hơn thời đại Hùng Vương dựng nước nhiều, nên người đọc sử vẫn có quyền hoài nghi độ xác thực của nó.
Phải đến cuối những năm 1960 (1968-1970), dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước ra đời do GS Viện sĩ Phạm Huy Thông chủ trì, với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở cả trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như lịch sử cổ đại, địa lý lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học lịch sử, cổ nhân học, địa chất học, sinh vật học… trong đó lấy khảo cổ học thời đại kim khí (đồ đồng, đồ sắt) làm trung tâm cốt lõi. Kết hợp tất cả các nguồn tư liệu (di tích, di vật, thư tịch cổ, truyền thuyết, phong tục thờ cúng, văn hóa dân gian, phương ngữ, địa danh… ở các địa phương), chúng ta đã giải mã, tìm ra được sự hợp lý và thống nhất của tất cả các nguồn tư liệu, làm cơ sở chứng minh một cách thuyết phục thời đại Hùng Vương dựng nước là thời đại có thật trong lịch sử Việt Nam, nó nằm trong khung niên đại của văn hóa Đông Sơn.
Hay nói một cách khác là quá trình hình thành nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương nằm gọn trong giai đoạn Văn hóa Đông Sơn, thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt trên đất Việt Nam.
Từ đấy trở đi, Việt Nam càng ngày càng đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Đặc biệt việc nghiên cứu này đã tranh thủ được sự ủng hộ của các chuyên gia quốc tế và nhất là sự hỗ trợ của khoa học công nghệ hiện đại nên đã chứng minh được một cách rõ ràng, đầy đủ và hoàn toàn thuyết phục về một thời đại dựng nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà không ai có thể phủ định được.

PV: Chúng ta vẫn thường nghe về “lịch sử 4.000 năm dựng nước”. Vậy thời đại Hùng Vương có phải cũng nằm trong giai đoạn đầu tiên đó không, thưa giáo sư?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Cần phải nói rằng, trong dân gian hay cả trong giới nghiên cứu cũng có các quan niệm về thời điểm khởi đầu của lịch sử đất nước không thật giống nhau.
Theo quan niệm thông thường là từ khi có con người xuất hiện trên phạm vi lãnh thổ đất nước hiện nay là đất nước có sử từ thời điểm đó; còn một quan niệm chính thức của giới nghiên cứu thì chỉ khi nhà nước sơ khai đầu tiên xuất hiện thì coi đó là thời điểm mở đầu của lịch sử đất nước (với tư cách là lịch sử của quốc gia dân tộc), còn trước đó gọi là thời nguyên thủy, chưa có giai cấp, chưa có nhà nước và Khảo cổ học gọi là thời Tiền sử.
Trước đây chúng ta hay nói, nước ta có 4.000 năm lịch sử, vì chúng ta tin theo cách tính toán của các cụ đời xưa rằng Hùng Vương dựng nước cách đây 4.000 năm.
Thật ra cách chọn 4.000 năm cũng là cách chọn đại khái theo truyền thuyết, còn trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (tất nhiên cũng dựa theo truyền thuyết) thì cho rằng Kinh Dương Vương bắt đầu dựng nước vào năm 2.879 trước Công Nguyên (TCN), tính đến nay (2019) thì đã có đến 4898 năm.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên là tính toán của các cụ đời trước chỉ cho chúng ta một ý niệm về lịch sử dựng nước lâu đời của tổ tiên ta, chứ không cho chúng ta một niên đại chính xác.
May thay, sách “Việt sử lược”, bộ sử thời Trần còn ghi lại được: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (698-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Niên đại Hùng Vương lập nước Văn Lang được “Việt sử lược” xác định là xấp xỉ 2.700 năm cách ngày nay. Niên đại này gần như trùng khớp với mốc mở đầu của văn hóa Đông Sơn.
Theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thì nhà nước chỉ có thể ra đời khi phân hoá giai cấp đã phát triển đủ độ chín muồi. Mà phân hoá giai cấp chỉ phát triển cao trên nền tảng năng suất lao động và kinh tế phát triển. Năng suất lao động phát triển trên cơ sở sự thay đổi của công cụ sản xuất.
Các nhà nước sơ khai trên thế giới thường ra đời ở giai đoạn thời kỳ đồ sắt, đây là quy luật có tính phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ở giai đoạn văn hoá Đông Sơn mới có sự phân hoá giai cấp, phân hoá xã hội nhưng chưa đủ độ chín muồi cho sự ra đời của nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc này còn có hai yếu tố thúc đẩy nhà nước ra đời sớm hơn là nhu cầu đoàn kết chống ngoại xâm và nhu cầu trị thủy, làm thuỷ lợi của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng lưu vực sông Hồng. Các nhà khoa học đã chứng minh nhà nước ta chỉ ra đời ở thời kỳ văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.700-2.500 năm, không thể đẩy lên trước Đông Sơn được (vì xã hội thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun chưa vượt ra khỏi loại hình xã hội nguyên thủy).
Niên đại mà chúng ta đang bàn ở đây hoàn toàn đúng với ghi chép của “Việt sử lược” và cũng phù hợp với các nguồn sử liệu khác mà chúng ta biết đến cho đến thời điểm hiện nay. Do đó, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để kết luận rằng, nhà nước Văn Lang của Vua Hùng ra đời sớm nhất cách chúng ta khoảng 2.700 năm.

PV: Như vậy, thời đại Hùng Vương trong truyền thuyết cũng gắn liền với thời đại dựng nước trong lịch sử Việt Nam. Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của thời đại dựng nước trong tiến trình lịch sử dân tộc?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Thời đại dựng nước có vị trí, ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Bởi vì chúng ta có một lịch sử dựng nước rất huy hoàng, sớm có truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tiên tổ đã đem lại cho ta quê hương, đất nước này, đó cũng là nguồn sức mạnh lớn lao để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi đất nước bị rơi vào ngoại bang, kẻ thù xâm lược thì nguyện vọng, quyết tâm lớn nhất của cả dân tộc là giành lại đến cùng nền độc lập tự do. Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu Công nguyên, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thì lời thề là: “rửa sạch nước thù”“nối lại nghiệp xưa họ Hùng”. Tức là phải chiến đấu đến cùng để tiêu diệt bọn cướp nước, giành lại giang sơn đã bị bọn xâm lược giày xéo.
Hay chỉ hơn một tuần nữa TP Hà Nội sẽ làm lễ kỷ niệm 1.080 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa. Sau đại thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền quyết định mở nước, xưng vương và định đô Cổ Loa là để nối lại quốc thống, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời đại các vua Hùng vua Thục.
Có thể nói, thời đại dựng nước đầu tiên là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn trùng hiểm họa của cả nghìn năm Bắc thuộc, đã và sẽ mãi mãi là nguồn lực tinh thần, vật chất vô cùng tận để chúng ta xây dựng và bảo vệ đất nước thiêng liêng được khởi lập từ thuở vua Hùng dựng nước Văn Lang.
Năm 1942 khi về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã viết cuốn “Lịch sử nước ta”, trong đó câu đầu tiên Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Phải hiểu rõ gốc tích nước nhà thì mới có nguồn lực, sức mạnh để chiến đấu, hy sinh vì sự trường tồn của đất nước…
Năm 1954, tại sườn núi Nghĩa, dưới mái Đền Hùng, khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây có thể coi là tuyên ngôn kết tinh lịch sử, sức sống của thời đại Hùng Vương. Đất nước này là đất nước của tổ tiên, do tổ tiên chúng ta dựng nên, cho nên chúng ta phải quyết giữ bằng mọi giá.
Và tinh thần của con người Việt Nam suốt trường kỳ lịch sử luôn như vậy. Thời đại dựng nước luôn là biểu tượng cao nhất của Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là cội nguồn sức sống Việt Nam, sức mạnh Việt Nam…

PV: Hiểu về thời đại dựng nước, chúng ta càng ý thức hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Phát huy giá trị lịch sử văn hoá của thời đại dựng nước là câu chuyện rất lớn. Thực tế cho thấy, thời đại nào phát huy được thì thời đại đó phát triển và hùng mạnh. Cũng cần phải thấy rõ nhu cầu ngày càng cao của việc bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản lịch sử văn hoá thời đại dựng nước đầu tiên của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Tôi cũng hy vọng các nhà chiến lược, đặc biệt những người làm chiến lược về giáo dục của Việt Nam cần nhận rõ hơn vị trí, vai trò của sử học. Đặc biệt sử học của thời đại dựng nước trong chương trình đào tạo ở các bậc học, từ khi học sinh bắt đầu học phổ thông cho đến đại học và sau đại học.

PV: Nhìn rộng ra ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ 10/3, theo Giáo sư chúng ta có thể thu nhận được bài học gì trong thời đại ngày nay?

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Thời đại Hùng Vương và lễ Giỗ Tổ nhắc ta về những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt, cũng như ý thức trách nhiệm trước sự bảo tồn và phát huy các giá trị vĩnh cửu của dân tộc. Đó là truyền thống yêu nước - cội nguồn sức mạnh của dân tộc.
Mà yêu nước tức là phải tìm mọi cơ hội, bằng mọi cách, bằng mọi giá góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, để đất nước ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp. Ngược lại, quan liêu, lãng phí, tham nhũng (nhất là tham nhũng chính sách)… chỉ làm suy giảm và khánh kiệt mọi nguồn lực phát triển đất nước. Cả tiền nhân và hậu thế đều không thể dung tha cho loại phạm tội này.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!