KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Hiển thị các bài đăng có nhãn Anh hùng lực lượng vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Anh hùng lực lượng vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

CUỘC ĐẤU PHÁO KHÔNG CÂN SỨC TRÊN ĐỒI E1

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”; những tấm gương anh dũng hy sinh “dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”….

CUỘC ĐẤU PHÁO KHÔNG CÂN SỨC TRÊN ĐỒI E1
Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu tặng quà gia đình chính sách trong một lần lên thăm xã Mường Păng, huyện Điện Biên.
65 năm đã trôi qua, những người lính khi đó đang độ tuổi đôi mươi nay đều đã qua tuổi bát tuần. Sau chiến tranh, những người lính lần lượt ra quân và trở về với cuộc sống đời thường, nhưng trong tất cả họ vẫn luôn tâm niệm: Là Chiến sĩ Điện Biên, là Cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở…
“Không ai muốn chiến tranh để trở thành Anh hùng, nhưng khi có chiến tranh, thì cả nước cùng bảo nhau cầm súng. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, tất cả để chúng ta có cuộc sống độc lập, tự do…” - Đại tá, Anh hùng LLVT (lực lượng vũ trang) Phùng Văn Khầu mở đầu câu chuyện khi tiếp chúng tôi.
Đã 65 năm trôi qua, người lính mưu trí, dũng cảm, một mình với khẩu sơn pháo đánh địch khi đó đang độ tuổi đôi mươi nay đã gần 90 tuổi, song những ký ức trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - về 36 ngày đêm chiến đấu trên đồi E1 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Phùng Văn Khầu, dân tộc Nùng, xã Đức Hùng, huyệnTrùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Nhớ lại những ngày cuối năm 1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, được sự động viên khích lệ của cha, ông đã cùng với bao thanh niên khác trong bản rời quê hương Trùng Khánh đến thị xã Cao Bằng tìm gặp bộ đội cách mạng.
Sau khi đăng tuyển nhập ngũ, ông xin vào Bộ đội Pháo binh bởi một suy nghĩ đơn giản “bộ binh có súng nhỏ bắn một phát chỉ được một tên địch thôi, còn pháo binh bắn một phát nhưng diệt được nhiều tên địch, đất nước sẽ mau hết giặc và sớm được giải phóng”…
Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, sau khi quân ta giành được thắng lợi đợt 1, ngày 18/3/1954, Đại đội Sơn pháo 755 của Đại tá Phùng Văn Khầu đang đóng quân tại đồn Vàng (Phú Thọ) được lệnh hành quân gấp lên tham gia Chiến dịch.
Như bao người lính khác, ông vui mừng hò reo vì có cơ hội được ra trận, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu giải phóng quê hương, trái ngược hẳn cái cảm giác xốn xang, bứt rứt, đứng ngồi không yên mỗi khi nghe tin từ chiến trường báo về…
“Đại đội tôi có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội 9 người) được cấp 3 khẩu pháo 75 ly, mỗi khẩu nặng gần 500kg, tầm bắn xa nhất là 6km. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, đơn vị phải tháo rời ra từng mảnh, chia cho 27 người khuân, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của tôi phải gấp rút vào trận địa, tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp 3 lần bình thường. Sau 6 ngày hành quân, đến tối 20-3, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự chiến đấu...” - ông Khầu nhớ lại.
Đồi E1, nơi chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt nằm ở phía Đông Bắc trung tâm Mường Thanh, cạnh đường 42, đường Tuần Giáo vào Điện Biên. Quân Pháp đặt đồi E1 là cứ điểm quan trọng trong cụm cứ điểm phòng ngự tuyến 2 sau cụm Him Lam. E1 nằm sát đường 42, từ Him Lam qua E1 xộc thẳng vào trung tâm Mường Thanh. E1 được quân Pháp xây dựng thành một cứ điểm rất mạnh trong phòng ngự không khác gì Him Lam, có hệ thống giao thông hào bao quanh nối dọc, ngang rất cơ động trong tác chiến.
Cứ khoảng 3m giao thông hào, trên mép hào có một hố đựng sẵn vài chục quả tạc đạn màu vàng, các ụ súng máy, hầm hào thiết bị vững chắc, nóc hầm lát những khúc gỗ to đường kính 20 - 40 cm, trên xếp những bao cát, đất rất dày, rất khó phá bằng đạn pháo. Từ E1 có thể quan sát, phát hiện khống chế mọi hoạt động tiếp cận của ta từ phía đường 42 vào và là lá chắn bảo vệ an toàn cho trận địa pháo và sân bay Mường Thanh của địch…
Chính vị trí quan trọng như vậy nên trận chiến đấu ở đồi E1 luôn trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, đã là người lính chiến đấu ở đây, chắc chắn ai cũng phải “bền gan, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm”.
Theo Đại tá Phùng Văn Khầu, trận địa pháo của địch nằm bên cạnh sông Nậm Rốm, cách khẩu đội ông khoảng 250m. Đài quan sát bổ trợ của ta nằm trong tầm bắn của xe tăng địch cách đó chưa đầy 300m, cùng với phi pháo, chúng xới tung nhiều lần khiến chiến sĩ bị thương vong tưởng không trụ nổi.
Các trận địa cối và cả các trận địa của đại đội sơn pháo của ông cũng không nằm ngoài tầm bắn của tăng địch, luôn luôn trong tình thế hiểm nguyên ác liệt, sau nhiều lần bị bắn trúng, thương vong gần hết. Người đồng đội còn lại là Khẩu đội phó kiêm pháo thủ Lý Văn Pao cũng bị trúng đạn, mất đi bàn chân trái…
Cuối cùng, đại đội sơn pháo chỉ còn lại mỗi Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ Phùng Văn Khầu. Dù bị thương, ông vẫn cùng với đài quan sát kiên cường bám trụ chiến đấu đến cùng, quần nhau với địch.
Một trận đấu pháo diễn ra không cân sức, vô cùng ác liệt, nhưng bằng sự dũng cảm, mưu trí, khẩu đội sơn pháo của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt hoàn toàn cụm hỏa lực, trận địa pháo của địch với 4 lô cốt, 5 khẩu 105 ly, 6 khẩu đại liên, một kho đạn và nhiều sinh lực địch, phục vụ chi viện đắc lực cho bộ binh ta tiến công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm cho đến giờ toàn thắng, 17h ngày 07/5/1954 lịch sử…
“Mỗi lần thấy đồng đội nằm xuống, được đưa về tuyến sau, tôi càng thấy mình cần phải quyết tâm cao hơn, dồn hết tâm trí vào nòng pháo để bắn hạ từng mục tiêu địch. Sau khi anh Pao bị thương, không thể chiến đấu được, lúc đó chỉ còn lại mình tôi, tình thế cấp bách, tôi gắng sức một mình thao tác từ quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò…” - giọng ông Khầu đầy nhiệt huyết, sinh động khiến chúng tôi mường tượng, cảm nhận trận chiến khốc liệt đó diễn ra ngay trước mắt.
Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ Phùng Văn Khầu cùng một số đồng chí đã vinh dự được đại diện cho lực lượng tham gia chiến dịch, lên chiến khu Việt Bắc báo công với Bác Hồ. Tại đây, pháo thủ Phùng Văn Khầu được Bác ôm hôn, tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Ngày 31/8/1955, ông và một số đồng chí khác được gặp Bác Hồ lần thứ hai và vinh dự được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Vậy là đã 65 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…, chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù trong tâm trí người Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Phùng Văn Khầu vẫn vẹn nguyên. Khóe mắt ông cay cay, ông cười vui trong khi những giọt nước mắt trực trào rồi lăn dài trên má, rồi ông bảo, không bao giờ quên được hình ảnh ngày chiến thắng 07/5/1954, khi cờ trắng, vải trắng của địch giơ cao trên đầu dọc khắp các chiến hào - “Tất cả chúng tôi cùng sung sướng hô vang: Chiến thắng! Chiến thắng rồi, Hồ Chủ tịch muôn năm!”…
Thảo Vy

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo



Ngày đó có một người con gái Đất Đỏ, tuổi vừa trăng tròn đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cuộc đời chị đã trở nên bất diệt với những huyền thoại để đời sau ghi nhớ. Chị là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng của nước Việt.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo


Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1947 khi mới 14 tuổi, chị gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo


Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.

Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội". Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị đã thét vào mặt y: "Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!". Tiếp đó là tiếng hô: "Đả đả thực dân Pháp!". "Kháng chiến nhất định thắng lợi!".

Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo. Ngày 23/01/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh...

Lời nói đanh thép trước lúc hi sinh

Bốn giờ sáng ngày 23/01/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng: "Bây giờ cha rửa tội cho con". Chị gạt phắt lời viên cha cố: "Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội...". Ông ta kiên nhẫn thuyết phục: "Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?". Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời: "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước".

Đã được mật báo về hành động anh hùng của Võ Thị Sáu và cả ngày giờ giặc Pháp hành hình chị - một nữ tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo từ trước tới thời điểm ấy, hàng ngàn trái tim những người tù chính trị từ banh I đến banh II đã thổn thức suốt đêm. Khi lắng nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả anh em cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.

Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: "Còn yêu cầu gì trước khi chết?". Chị nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!". Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình và tiếng hô ra lệnh cho toán lính lên đạn của tên đội trưởng lê dương. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hét lên: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Tiếng thét của chị làm bọn đao phủ chùng tay, bảy tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt chị trừng trừng nhìn chúng. Tên đội trưởng lê dương không tổ chức bắn loạt đạn thứ hai. Hắn rút súng ngắn lầm lũi bước lại gí vào mang tai chị, bóp cò...

Sau đó, chiến công và nhất là hành động anh hùng lẫm liệt trước kẻ thù của Võ Thị Sáu - người con gái Việt Nam anh hùng - đã được truyền tụng không chỉ trong các banh tù mà còn vào đến phòng ngủ của bọn chúa đảo, chức sắc và các gia đình trên toàn Côn Đảo...

Huyền thoại bất tử và sự linh thiêng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Do cảm phục người con gái anh hùng, ngay tối hôm 23/01/1952, kíp tù làm thợ hồ ở khám 2, banh I đã tìm cách đúc một tấm bia bằng xi măng đề rõ họ tên, quê quán, ngày hy sinh đặt ở đầu mộ chị. Sáng hôm sau hay tin, tên chúa đảo Jarty đích thân dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ.

Tưởng thế là đã xóa bỏ được uy linh của Võ Thị Sáu, Jarty không ngờ, sáng hôm sau, mộ chị lại được đắp cao hơn trước và một tấm bia bằng ximăng khác lại được dựng lên trang trọng. Jarty lồng lên, ra lệnh cho giám thị trưởng Passi chỉ huy 20 tên tay sai, mang 10 bó roi mây đến khủng bố kíp tù thợ hồ. Chúng lôi từng người ra đánh, người lủng đầu, rách lưng đổ máu... nhưng không ai hé răng khai báo. Sau trận ấy, nhiều tù nhân phải nằm bệnh xá, những người bị tình nghi phải nằm xà lim. Nhưng những người còn đi làm khổ sai vẫn lén giấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại mộ chị Sáu.

Không ai nhớ hết có bao nhiêu tấm bia bằng ximăng được dựng trên mộ chị. Và, cũng không biết có bao nhiêu lệnh của bọn chúa đảo, gác ngục, phái tay sai ra đập mộ Võ Thị Sáu. Nhưng bọn chúng không sao hiểu nổi, cứ mỗi lần chúng đập bia, phá mộ chị, thì sau đó bia mộ chị Sáu lại hiện lên như trước. Họ bắt đầu lan truyền rằng: "Cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá được mộ của cô", và còn đồn rằng: "Cô đã hiện về, cô sẽ vặn cổ những tên hỗn láo...", và những chuyện như huyền thoại về chị Sáu bắt đầu truyền đi.

Một điều trùng hợp mà không ai lý giải được là những tên hỗn láo trực tiếp chỉ huy phá mộ chị, hoặc trực tiếp đập bia mộ chị thì vài hôm sau đã chết "bất đắt kỳ tử", hoặc khùng khùng, điên điên. Thấy thế, bọn gác ngục và lũ tù gian bắt đầu chùn tay. Cũng từ đây bọn cai tù, gác ngục và kể cả vợ con họ khi nhắc tới điều gì đều không thề: "Có trời đất quỷ thần", mà thề: "Có cô Sáu chứng giám". Lời thề ấy đến cả tên chúa đảo cũng phải thốt ra.

Từ đó, không chỉ riêng các tù chính trị mà cả những tù thường phạm, vợ con gác ngục, binh lính, công chức... mỗi lần đi ngang qua nghĩa trang Hàng Dương đều không quên đặt một viên đá, hay cắm một bông hoa, thắp một nén hương lên mộ chị. Thế nên phần mộ chị và tấm bia bằng ximăng đã không mất đi mà cứ cao dần, tồn tại cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là tấm bia thứ nhất được đặt ở bên phải phía trước ngôi mộ mới được xây dựng lại khang trang hiện nay.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo

Tấm bia thứ hai màu trắng và cùng ở phía trước, nhưng bên trái ngôi mộ với các dòng chữ khá rõ: "Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23/1/1952" cũng là một chuyện hiếm có.

Chuyện là, năm 1960 khi Tăng Tư ra Côn Đảo nhận chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Côn Đảo, vợ y đang mắc chứng bệnh nan y. Nghe chuyện về Võ Thị Sáu, vợ chồng y đã âm thầm lập bàn thờ chị Sáu trong nhà, làm thần hộ mệnh và cầu mong chị phù hộ cho vợ y tìm được thầy thuốc chữa khỏi bệnh. Năm 1964, Tăng Tư lên chức tỉnh trưởng, vợ y khỏi bệnh. Vợ chồng Tăng Tư liền làm lễ tạ và gieo quẻ xin phép được trùng tu ngôi mộ của chị Sáu. Rồi vợ Tăng Tư về ngay Chợ Lớn đặt tấm bia có khắc rõ là: "Liệt nữ Võ Thị Sáu..." và tổ chức buổi lễ long trọng đặt bia trên mộ chị.

Tấm bia thứ ba bằng đá đen với những dòng chữ phủ nhũ vàng: "Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu sanh năm 1933..." được đặt ở vị trí trung tâm trang trọng nhất trên mộ phần của chị, đó là tấm bia với danh nghĩa Nhà nước và nhân dân ta ghi công chị - người con gái Việt Nam bất khuất anh hùng.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo

Tấm bia thứ tư bằng đá, phía sau tấm bia này là một phiến đá hoa cương hình tròn đường kính gần hai mét. Nó vừa làm nền rất bề thế, hài hòa cho phía sau phần mộ, vừa tượng trưng cho ý chí hiên ngang của chị Võ Thị Sáu khi ở tuổi 17. Cũng còn một ý nghĩa là chị mãi mãi vẫn trẻ đẹp và sống mãi cùng non sông gấm vóc như ánh trăng rằm.

Bôi nhọ Anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu, những kẻ bán rẻ nhân cách mua gì?


Cũng như trường hợp của ông Phan Huy Lê khẳng định Anh hùng Lê Văn Tám không có thật, cũng với chiêu bài “lấp đầy khoảng trống lịch sử” một số nhà văn, nhà thơ đã diễn một trò không thể xấu xa hơn: Bôi nhọ hình tượng Anh hùng Võ Thị Sáu.

Bôi nhọ Anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu, những kẻ bán rẻ nhân cách mua gì?

Ngày 10/3/2017, trên mạng Youtube xuất hiện một clip lạ. Đó là một bữa tiệc sang trọng trong một nhà hàng sang trọng do nhà văn cao tuổi Nguyên Ngọc đứng đầu, nhà phê bình “nổi tiếng” Phạm Xuân Nguyên cùng với một số nhà văn, nhà thơ khác. Bên một chai rượu ngoại đắt tiền, các nhà văn, nhà thơ đem những chuyện nhặt nhạnh qua lời người này người kia để bôi nhọ Anh hùng Võ Thị Sáu. Người lĩnh xướng cho cái hợp xướng súc vật này là một nhà thơ vốn cũng từng được bạn đọc yêu mến, nhà thơ Nguyễn Duy.

Bôi nhọ Anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu, những kẻ bán rẻ nhân cách mua gì?

Câu chuyện của họ gồm những gì? Đó là lời kể chuyện của một người, tự xưng là chị của Anh hùng Võ Thị Sáu, lời kể của bà bán hàng ở chợ, của nông dân nào đó. Tất cả những gì đưa ra đều không được xác minh, không đủ để làm chứng cứ hợp pháp và càng không đủ tiêu chuẩn khoa học để coi là một chứng cứ sử học. Vậy mà các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hý hửng lắm, kẻ tung, người hứng. Họ kết luận Anh hùng Võ Thị Sáu bị… điên, bị… chập. Có chập, có điên thì mới ném lựu đạn diệt ác ôn chứ, nếu không điên thì như các nhà văn, nhà thơ đây, hưởng hết tài trợ này nọ, rồi ngồi nhà hàng sang trọng mà uống rượu ngoại. Có người còn bật ra một câu đáng để phỉ nhổ: Hóa ra cả dân tộc đi phụng thờ một con điên. Có nhà thơ còn phát biểu: Chỉ có tâm thần lúc bị mang đi bắn còn cài hoa lên tóc…

Cũng cần nhắc lại sự thật về Anh hùng Võ Thị Sáu. Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sống ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 12 tuổi, các anh trai của chị đều tham gia cách mạng, chính mắt chị cũng đã chứng kiến cảnh quân Pháp và “Việt gian” giết người, tàn phá quê hương mình. Vì vậy, giống như các anh mình, chị đã tham gia vào các hoạt động bí mật ở địa phương.

Mới 14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia Việt Minh trốn lên ở trên chiến khu chống Pháp. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong làm liên lạc, tiếp tế. Về Đất Đỏ, chị dùng lựu đạn giết một sĩ quan Pháp và làm bị thương 23 lính, sau đó chị ở lại Bà Rịa làm nhiệm vụ điều tra tình hình địch và tiếp tế cho chiến khu.

Năm 1950, Võ Thị Sáu bị bọn tay sai cho Pháp bắt sau khi đã ném lựu đạn giết chết 2 chỉ điểm viên của quân Pháp là Cả Suốt, Cả Đay. Tại phiên tòa đại hình lúc mới 16 tuổi, Võ Thị Sáu đã nói: “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Và khi quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: “Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản”, chị thét lớn: “Ta còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó là tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

Tòa án binh kết án tử hình chị vào tháng 4/1951. Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, Quốc gia Việt Nam đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Dù các luật sư biện hộ cho chị đã phản đối án tuyên này với lý do chị chưa đủ 18 tuổi, nhưng án tử hình vẫn được thực thi. Trước khi bị đưa ra hành án, chị bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì chính quyền Pháp và Quốc gia Việt Nam không dám công khai thi hành bản án đối với chị, họ đã lén lút đem chị đi xử bắn. Một giai thoại kể khi nhóm đao phủ bảo chị quỳ xuống, chị quát lại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.

Vào 7 giờ sáng ngày 23/01/1952, Võ Thị Sáu bị xử bắn tại Côn Đảo. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm ngày 22, Võ Thị Sáu hát cho bạn tù nghe những bài ca cách mạng như: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hồng binh… Khi nghe thấy bước chân đao phủ giải Sáu đến nơi hành hình, tất cả anh em trong ngục đứng dậy hát bài "Chiến sĩ ca" - bài hát dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.

Trước khi bị bắn, cố đạo làm lễ rửa tội. Ông nói: “Hãy để cha rửa tội cho con”. Chị từ chối lời cha cố: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội”. Cố đạo thuyết phục: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt chánh án, trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Ra đến pháp trường, chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”. Nói xong, Võ Thị Sáu hát bài Tiến quân ca. Khi lính xử bắn lên đạn, chị ngừng hát và hô vang những lời cuối cùng: “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Lúc Anh hùng Võ Thị Sáu hy sinh có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có những tù nhân lúc đó đang thụ án tại Côn Đảo. Tài liệu vụ án, ngay cả phía thực dân Pháp cũng khẳng định những hành động cũng như ý chí diệt thù, ý chí cách mạng của Anh hùng Võ Thị Sáu. Vậy những tài liệu của chính thực dân Pháp, lời kể của những người đã sống, chiến đấu và tù ngục cùng chị Sáu là đúng hay những nhận định của một lũ ám tượng phản cách mạng là đúng? Hay tòa đại hình Pháp đưa ra tòa xử cả thiếu niên tâm thần? Những câu hỏi quá dễ trả lời. Vậy mà xót xa thay, những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình từng được người đọc yêu mến lại có thể có hành vi “nhảy bàn độc” phủ nhận tất cả sự thật để mong một cơn mưa móc nào đó trên chuyến tàu ảo vọng.

Cũng cần nói rõ, những lời bình luận về Anh hùng Võ Thị Sáu không phải bây giờ mới có. Các trang mạng phản động đã tạo ra cốt truyện xuyên tạc, rồi truyền bá nhằm mục đích chống Đảng chống Nhà nước từ cách đây mấy năm. Lại thêm nữa, có một ông Giáo sư được phong hàm hẳn hoi, Giáo sư Mạch Quang Thắng, bất chấp các chứng cứ lịch sử cũng đã lên mạng bày tỏ quan điểm này. Và bây giờ, những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lấy tên mình hòng thêm sức nặng cho những lời bôi nhọ này. Dĩ nhiên, những lời nói của họ không thể thay đổi được lịch sử, chỉ là chỉ dấu cho sự mất nhân cách của họ.

Dư luận chỉ băn khoăn một điều, trong số các nhà văn nhà thơ ấy, ông Nguyên Ngọc, Viện trưởng Viện Phan Châu Trinh đang chuẩn bị tiêu mấy chục tỷ ngân sách cho một dự án Quảng Nam địa chí từ ngân sách tỉnh Quảng Nam. Còn ông Phạm Xuân Nguyên, là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, mỗi năm tiêu tiền ngân sách nhiều tỷ đồng và chính ông ấy cũng nhận lương cùng như nhiều khoản khác mỗi tháng hàng chục triệu đồng từ ngân sách. Cả vị GS Mạnh Quang Thắng nữa, chúng tôi không hiểu nổi tại sao một người có nhân cách thế này, học lực thế này mà vẫn được giảng dạy tại một trường đào tạo cán bộ cao cấp nhất đất nước, hưởng lương cao, nhiều ưu đãi. Dư luận không chấp nhận những người thiếu nhân cách, vừa tiêu tiền thuế của nhân dân vừa chửi trả lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Theo chúng tôi, cần khẩn cấp đưa những người này ra khỏi vị trí họ đang chiếm giữ hoặc tốt nhất đưa họ vào viện tâm thần.