KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/02/1979 - 17/02/2019)

Bài 2: Lạng Sơn những ngày khói lửa

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17/02/1979 trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh.
Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.


40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/02/1979 - 17/02/2019)
Ông Nguyễn Văn Bình tại hang Đền Mẫu, Đồng Đăng, Lạng Sơn, nơi mà cách đây 40 năm là nơi trú ẩn của hơn 500 người dân trước quân địch

Cầm cự để chiến đấu đến cùng

Trong sử sách thị trấn Đồng Đăng ghi rõ: Năm 1979, tình hình biên giới với Trung Quốc diễn biến ngày càng phức tạp. Ngày 15/02/1979, phía Trung Quốc huy động 2 đại đội đánh chiếm một số điểm thuộc thị trấn Đồng Đăng và xã Bảo Lâm. Sáng sớm 17/02, thị trấn Đồng Đăng bị đánh chiếm… Bảo vệ Đồng Đăng, các chiến sĩ Đồn biên phòng 193 đã phối hợp với cảnh sát cơ động, đại đội công binh, Trung đoàn 12 cùng nhân dân xã Bảo Lâm nổ súng đánh trả quyết liệt. Lực lượng phòng thủ tại Đồng Đăng chưa được chi viện kịp, nhưng vẫn bám trụ trận địa cho tới ngày 22/02.
Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã phải chở bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn vào lỗ thông hơi giết hại nhiều thương binh và dân thường. Nhưng ác liệt nhất, phải kể đến cuộc bám trụ 3 ngày đêm tại hang Đền Mẫu của quân và dân thị trấn Đồng Đăng.
Trong cơn mưa nặng hạt những ngày giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, ông Nguyễn Văn Bình (nguyên là lính trinh sát, tiểu đội trưởng, trong sự kiện ngày 17/02/1979) đang giúp vợ và các con dọn dẹp vài chiếc ghế nhựa cũ kỹ sau buổi bán hàng ăn sáng dưới chân hang Đền Mẫu. Biết chúng tôi tìm đến ông để hỏi về cuộc chiến đấu biên giới cách đây 40 năm, ông Bình như “sống lại” thời khắc oanh liệt đó.
Cách đây tròn 40 năm, nhiều người cao tuổi ở thị trấn Đồng Đăng không ai không nhớ rạng sáng 17/02, khi mọi người đang ngon giấc thì bất chợt đạn pháo từ bên kia biên giới dội ầm ầm xuống thị trấn, khói mù mịt khiến nhiều người hoảng sợ. Ông Bình nhớ lại, lúc đó ông là tiểu đội trưởng đóng quân tại thị xã Cao Bằng nhưng vì bị ốm, ông Bình được đưa về tuyến dưới điều trị. Sau khi ra viện, ông Bình trở lại đơn vị, trên đường đi từ Hà Nội qua Đồng Đăng để lên Cao Bằng thì không ngờ tới Đồng Đăng (ngày 16/02/1979) cũng là thời điểm chiến sự nổ ra. Lúc 5 giờ sáng 17-2-1979, đạn pháo Trung Quốc bắn vào thị trấn đỏ trời.
Nhà ông Bình cạnh hang Đền Mẫu, pháo bắn cạnh nhà ông, ông hô hoán gia đình và làng xóm chạy lên hang để tránh đạn, vì vội không ai mang theo thứ gì. Lên đến hang thì gặp một đại đội cảnh sát cơ động cũng đang đưa từng tốp người dân địa phương di chuyển lên để tránh đạn pháo của địch. “Lúc tới hang, thấy đại đội toàn tân binh, kinh nghiệm còn ít nên tôi nghĩ không lên Cao Bằng nữa mà ở trong hang cùng bà con. Đã chiến đấu thì ở đâu cũng chiến đấu. Sau đó, tôi xin sáp nhập vào đại đội công an này, lúc đầu các anh chưa chấp nhận, sau khi xem giấy tờ quân nhân và biết tôi là người địa phương nên được chấp nhận cùng đại đội chiến đấu và bảo vệ người dân...” - ông Bình nhớ lại.
Cho tới giờ, trong tâm trí của người lính năm xưa vẫn không quên hình ảnh gần 500 người dân với 120 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng trú tại hang Đền Mẫu trong 3 ngày (từ sáng 17/02 đến ngày 19/02), không chỉ có cái đói, cái khát bủa vây mà còn là súng đạn của quân địch rình rập, đe dọa. Ban ngày, ông Bình và các chiến sĩ thay nhau canh gác cửa hang để đảm bảo quân Trung Quốc không xâm phạm tới tính mạng người dân. Nói là canh gác nhưng người phải nằm, phải bò từng gang để cảnh giới quân địch. Cầm cự được đến hết ngày 17/02, sang ngày 18/02, ban đêm, ông Bình cùng vài chiến sĩ đã bò ra ngoài, men theo sườn hang xuống nhà dân để tìm thức ăn cho đồng bào. “Gần như tìm được cái gì có thể ăn là ăn, lạc (đậu phộng) sống, su hào sống, cơm nguội… miễn cầm cự càng lâu càng tốt. Trong hang không có nước uống, người cứ khô đi...” - ông Bình xúc động kể.
Sát cánh chiến đấu cùng ông Bình trong những ngày ở hang Đền Mẫu còn có Binh nhì Triệu Quang Điện, thuộc Đại đội cảnh sát cơ động. Trong hàng trăm con người ở trong hang, 2 ông là người thông thạo địa hình, xông xáo trong từng việc. Cách đây 40 năm, Binh nhì Triệu Quang Điện chưa đầy 20 tuổi nhưng vô cùng gan dạ. Chứng kiến quân địch có hỏa lực mạnh, biết mình không bắn xuể, ông Điện nhắc đồng đội phải tiết kiệm đạn để chuyển phương án tác chiến bắn tỉa. “Tới khoảng 11 giờ trưa, tôi và các chiến sĩ nghĩ rằng, phải tính viên đạn nào cho địch, viên nào bảo vệ người dân. Đồng đội tôi có người hy sinh ngay trước cửa hang, lập tức có người khác cầm súng lên thế chỗ. Cho tới ngày 18/02, toàn bộ thị trấn Đồng Đăng bị bao vây, biết tình thế nguy hiểm, anh em bảo nhau bắn tỉa sau lưng địch... Việc bảo vệ đồng bào mình là trên hết, song lúc đó đạn dược rất ít nên việc chọn phương án tác chiến nào vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm đạn được ưu tiên hàng đầu...”, ông Điện nhớ lại.

Mở đường máu cứu đồng bào

Trong ký ức đầy sự kiện của mình, ông Bình vẫn thường kể chuyện cho các con cháu nghe về cuộc “giải cứu” hơn 500 người dân ở hang Đền Mẫu. Ông Bình tâm sự: “Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nếu không đánh giá kỹ, tìm hiểu kỹ đối phương sẽ dẫn đến thương vong rất lớn. Thực tế, sau 3 ngày trong hang, không ánh sáng, không thức ăn, không nước uống, sức lực đã dần cạn kiệt và phải tính phương án đưa đồng bào thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Sau vài ngày tìm hiểu, ông nắm được “điểm yếu” quân Trung Quốc là ban ngày chúng hùng hổ, đi đi lại lại quanh thị trấn với xe tăng yểm trợ, nhưng ban đêm chúng co cụm và thi thoảng chỉ bắn đạn chỉ thiên để dọa nạt”.
Chiều 18/02/1979, đại đội trưởng và chính trị viên đại đội cảnh sát cơ động bàn phương án đưa người dân trong hang ra vùng an toàn. Nhiều phương án được tính tới, trong đó có phương án đưa dân qua các khe núi hiểm trở để tránh quân Trung Quốc phát hiện (ông Bình gọi là yên ngựa). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và một vài lần thăm dò quân Trung Quốc thông qua các lần đi tìm thức ăn, ông Bình ngăn cản phương án đó, bởi nếu đi giữa 2 khe núi ắt sẽ bị phục kích ở hai bên. Đại đội trưởng và chính trị viên thắc mắc thì ông phân tích: “Tôi là người khu vực này, nếu đi qua đó sẽ có 2 khẩu 12 ly 7 đợi sẵn”. Do vậy, phương án rời hang phải thay đổi, buổi tối hôm đó, ông Bình và ông Điện trinh sát lại khu vực để xem chỗ nào không bị phục kích, trước khi quyết định đưa người dân ra ngoài. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhận thấy tình hình yên ả hơn, ông Bình và ông Điện đề xuất đưa đại đội cảnh sát và người dân bắt đầu ra khỏi hang từ chiều ngày 19/02. Lối đi men bờ suối để ra quốc lộ 1B tới huyện Văn Quan. Lúc này, mọi người đã bàn nhau: “Nếu trên đường đi bị địch đánh thì phải chia nhỏ từng tốp để mở đường máu đưa bằng được dân ra khỏi vòng vây”.
Quả thật, quân Trung Quốc rất đông, hỏa lực mạnh, án ngữ nhiều nơi và đoàn người không tránh khỏi bị phục kích. Ông Điện và ông Bình lúc đó lấy hết sức để cõng những người bị thương ra khỏi vòng vây, một số đồng đội ông hy sinh ngay trước mặt. Nén lại nỗi đau, ông Bình, ông Điện cùng các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu để đưa người dân về vùng an toàn. Trong thời gian từ chiều 19/02 đến sáng ngày 21/02, nhân dân mới đến được huyện Văn Quan. Lúc ra tới huyện Văn Quan, Trưởng ty Công an Đào Đình Bảng vỗ vai tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bình: “May quá, nhờ có đồng chí, nếu không thì đơn vị này không biết như thế nào”.
Trong cuộc giải vây đó đã có 13 chiến sĩ cảnh sát cơ động hy sinh. Sau này, khi nhắc lại sự kiện đó, Đại tá Triệu Quang Điện (nguyên Trưởng phòng Truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn) nói: “Chúng giết hết dân, phá nhà cửa, lúc đó mình chỉ nghĩ làm sao để cứu được bà con mình ra”. Sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, khi được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Điện vẫn cho rằng: “Là thanh niên 18, đôi mươi, đi cứu dân, giữ nước là trách nhiệm của người chiến sĩ”.
ĐỖ TRUNG - NGUYỄN QUỐC - VĂN PHÚC

40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/02/1979 - 17/02/2019)


Bài 1: Cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh nhân dân Việt Nam vừa kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước không lâu (1975), hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề. Chưa kể, nhân dân Việt Nam lại vừa phải trải qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống lại tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary. Do đó, đây là thử thách rất lớn đối với nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/02/1979 - 17/02/2019)

Phải khẳng định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã có sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau Đại thắng mùa xuân (30/4/1975), giang sơn liền một dải, khi mối quan hệ của ta với Liên Xô khăng khít hơn..., Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, tăng lên 873 vụ năm 1977 và 2.175 vụ năm 1978), gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt, khi thấy tập đoàn phản động Pôn Pốt bị quân dân Việt Nam trừng trị và bị nhân dân Campuchia (với sự giúp sức của quân tình nguyện Việt Nam) vùng lên đánh đổ, để đỡ đòn Pôn Pốt, đồng thời khích lệ Mỹ và các thế lực phản động khác tiếp tục chống phá cách mạng hai nước Campuchia và Việt Nam, ngày 17/02/1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài hơn 1.400km.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp ở biên giới phía Bắc, tháng 12/1978, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp, ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh “sẵn sàng mọi mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra”. Tiếp đó, ngày 06/01/1979, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, nêu rõ: “Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn tuyến biên giới, bảo đảm sẵn sàng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào”. Hai ngày sau, ngày 08/01/1979, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu, nêu rõ: “Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía Bắc, các quân chủng: Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất…”.
Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của ta, dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Trung Quốc, từ 3h30’ ngày 17/02/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai; hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Giang.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 18/02/1979, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc, trong đó kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trên cơ sở Tuyên bố của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trên mặt trận Lạng Sơn (Quân khu 1), các lực lượng vũ trang địa phương nhanh chóng chặn đánh các mũi tiến công của quân bành trướng.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sử dụng lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 trực tiếp chiến đấu và điều động một bộ phận lực lượng của các quân khu, các tỉnh phía sau lên tăng cường. Điển hình là Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và điều động Sư đoàn Bộ binh 327 (Quân khu 3), Sư đoàn 337 (Quân khu 4) cơ động lên Quân khu 1; điều động 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương TP Hà Nội lên mặt trận Lạng Sơn, 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương Hải Phòng đến mặt trận Quảng Ninh và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hà Sơn Bình lên mặt trận Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, đầu tháng 3/1979, Quân đoàn 2 nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng từ Campuchia về tập kết ở khu vực phía Bắc Hà Nội bí mật, an toàn, sẵn sàng bảo vệ biên giới phía Bắc.
Về phía Trung Quốc, tính đến đầu tháng 3/1979, trên dọc tuyến biên giới phía Bắc, đối phương đã chiếm được các thị xã: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường, Phố Lu, Sa Pa và một số thị trấn trên vùng biên giới. Nhằm ngăn chặn sự mở rộng tiến công xâm lược của Trung Quốc, ngày 05/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên lực lượng để bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, hàng triệu người, chủ yếu là thanh niên ở hầu khắp các tỉnh, thành phố đã tình nguyện đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, ra mặt trận, lên tuyến trước xây dựng trận địa chống quân thù. Nhiều đoàn viên, thanh niên ở Hà Nội và các địa phương khác đã viết đơn tình nguyện lên biên giới để được trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, chấp hành Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, trên hai hướng Quân khu 1 và Quân khu 2, toàn quân và toàn dân đã tích cực chuẩn bị, tăng cường tổ chức lực lượng, củng cố và xây dựng thêm một số đơn vị, sẵn sàng chiến đấu, tập trung cho phản công đánh bật quân Trung Quốc ra khỏi biên giới Tổ quốc. Trước những tổn thất lớn về lực lượng và bị dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ, ngày 05/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Với truyền thống nhân nghĩa và lòng mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc được yên ổn rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước.
Ngày 07/3/1979, Báo Nhân Dân đăng Xã luận nêu rõ thắng lợi của quân và dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Bọn xâm lược không thể đùa giỡn với ý chí của chúng ta, càng không thể đùa giỡn với sức mạnh bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam chúng ta”. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ ngày 17/02 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự... của quân bành trướng.
Không thành công với mục tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh” do bị sự kháng cự quyết liệt của quân ta và thiệt hại nặng nề, trong quá trình rút quân, quân Trung Quốc đã phá hoại nhiều thị trấn và các thị xã: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; phá hủy nhiều đường sá, cầu cống… Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chủ trương “để cho địch rút quân và ngừng triển khai cuộc phản công, nhưng tiếp tục dùng lực lượng tại chỗ đánh nhằm hạn chế các hoạt động phá hoại của địch, thúc đẩy chúng rút nhanh hơn”. Đến ngày 18/3/1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc cơ bản quân Trung Quốc đã rút khỏi đất Việt Nam.
Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 là dịp để tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, phấn đấu vươn lên xây dựng một Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời! 

VŨ THÀNH TRUNG (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)