KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Hiển thị các bài đăng có nhãn Mạng xã hội Facebook. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mạng xã hội Facebook. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM MẠNG THỜI 4.0

Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi. Thông qua các trang mạng xã hội, các ứng dụng gọi và gửi tin nhắn miễn phí như zalo, Viber hay các trò games cùng vô vàn các trang mạng trên Internet, người dùng mạng dễ dàng trở thành miếng mồi cho các đối tượng xấu.

CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM MẠNG THỜI 4.0
Các đối tượng Kim Joo Hyeon, An Kwang Ho và Kim Hong Min.
Nạn nhân của chúng có thể là những người già hưởng lương hưu, cánh chị em “nghiện fây” hoặc những người đàn ông trụ cột trong các gia đình hay các cô bé cậu bé tuổi ô mai.
Tôi xin nêu ra đây con số, hiện Việt Nam có trên 30 nhà cái quốc tế tổ chức đánh bạc, cá độ bằng việc thiết lập hàng trăm trang web và đặt máy chủ tại nước ngoài để thấy, chỉ riêng lĩnh vực này thôi cũng đủ thấy, cờ bạc trên Internet phong phú, phức tạp và “chiều lòng” các con bạc thế nào.

Muôn hình vạn trạng

Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết: “Thông qua không gian mạng, nhiều đối tượng tiến hành lừa đảo qua tin nhắn rác, nhắn tin làm quen, gửi quà hoặc giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản; nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền tài khoản xã hội; mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy...”.
Ý kiến này đã phản ánh khá sinh động “đời sống” tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay. Đối tượng phạm tội đã tiếp cận 64 triệu người dùng Internet ở Việt Nam cực kỳ dễ dàng bằng chính hạ tầng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại.
Có thể tạm liệt kê ra đây các loại tội phạm công nghệ cao như: Tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng; lừa đảo qua mạng; game online trái phép, game cờ bạc; phim ảnh đồi trụy; trộm cắp tiền qua tài khoản ngân hàng; tấn công mạng; lừa đảo thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, huy động tài chính… Tội phạm công nghệ cao ngày càng đa dạng, phức tạp, dễ biến hoá và nạn nhân của chúng có thể bất ai.
Trưa ngày 22-4, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh lái xe trong cơ quan về việc, anh vừa nhận được cuộc gọi từ một người xưng là ở Viện Kiểm sát, bảo anh 16h đến TAND TP Hà Nội ở 42 Hai Bà Trưng để nhận giấy tờ liên quan đến giao dịch của anh tại Ngân hàng Agribank.
Nghe vậy, anh giật mình, bảo không có giao dịch gì với ngân hàng trên thì đầu dây bên kia yêu cầu cung cấp họ tên đầy đủ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà riêng… Anh răm rắp cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu.
Sau đó, người này bảo sẽ nối máy cho anh nói chuyện với đường dây nóng của Bộ Công an. Người đàn ông bên kia đầu dây nói rất dài nhưng chốt lại, sẽ thông báo kết quả cho anh sau khi xác minh.
Sau cuộc gọi, anh ngồi ngẫm lại thì thấy có gì đó không bình thường, bởi bản thân anh không vay nợ ngân hàng. Với lại, do công việc nên anh cũng tiếp xúc nhiều với cán bộ Công an, anh nghe giọng người đàn ông “đường dây nóng của Bộ Công an” giống giọng đọc truyện… ma. Chính chi tiết này khiến anh cảm thấy nghi ngờ nên gọi điện chia sẻ với tôi.
Thực tế, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân tích sự việc và giãi bày tâm sự với người xung quanh như anh lái xe này. Chẳng thế mà anh T, ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau một cuộc gọi của người tự xưng là Cảnh sát đã 2 lần chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người này 4,5 tỷ đồng.
Chuyện bắt đầu khi anh T nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện, bảo anh có bưu phẩm là lệnh bắt của Công an Hà Nội vì liên quan đến đường dây ma tuý, rửa tiền. Anh lên tiếng phủ nhận thì cô này nối máy với “anh Cảnh sát”.
“Anh Cảnh sát” yêu cầu anh T chuyển tiền đến tài khoản của cơ quan Công an, nếu không sẽ bắt giam. Sau khi xác minh, nếu anh không phạm tội cơ quan Công an sẽ trả lại. Anh T đã làm theo sự chỉ dẫn và đợi mãi không nhận được kết quả xác minh cũng như lời hứa trả lại tiền.
Giật mình, anh đến cơ quan Công an trình báo. Kết quả điều tra của cơ quan Công an cho thấy, tiền anh gửi vào hai tài khoản trên đã bị rút hết. Đứng tên chủ tài khoản không phải là cơ quan điều tra mà là hai người ở thành phố Đà Nẵng và Hà Nội.
Anh T không phải nạn nhân đầu tiên và duy nhất của chiêu lừa đảo này, nhiều người khác, đặc biệt là người cao tuổi có lương hưu, có tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh này.
Nhiều người, sau khi cuống cuồng gom góp tiền gửi vào tài khoản theo yêu cầu của chúng mới chợt tỉnh ngộ đi báo cơ quan Công an thì hầu hết, tiền đã bị chúng rút. Câu hỏi đặt ra là, nếu tìm được chủ tài khoản (mà việc này là đương nhiên), sẽ tìm ra thủ phạm.
Thế nhưng, một đồng chí Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cho chúng tôi biết, thường là khi tìm đến, những chủ tài khoản này không liên quan. Người thì khai rằng trước đó bị mất chứng minh nhân dân, người thì bảo được người lạ thuê mở tài khoản ngân hàng…
Thế nên, để bắt được đối tượng phạm tội trong tình huống này chẳng khác nào mò kim đáy bể và cũng bởi vì thế nên việc “đòi” lại tiền cho các nạn nhân cũng rất khó khăn.
Đã có thời gian, ở nhiều địa phương trên cả nước rộ lên tình trạng lừa đảo này nên cơ quan Công an phải phát đi thông báo trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao cảnh giác, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức.

Tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối diện với loại tội phạm này. Không gian mạng không giới hạn về không gian, thời gian và được thiết lập bởi những biên giới mềm nhưng không ít đối tượng phạm tội người nước ngoài lại chọn vùng lãnh thổ của Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội, nạn nhân chính là người cùng quốc tịch với chúng. Đây có lẽ cũng là điểm khác biệt của loại tội phạm thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Mới đây, ngày 18-4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp Cục Đối ngoại, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 3 công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tổ chức, điều hành đường dây đánh bạc trăm tỷ qua mạng Internet cho người nước ngoài đánh bạc.
Theo cơ quan Công an, 3 đối tượng Kim Joo Hyeon, An Kwang Ho, Kim Hong Min nhập cảnh vào nước ta với mục đích du lịch nhưng đã thuê server, đăng ký tên miền của nước ngoài, sau đó mua phương tiện, thuê nơi hoạt động tại Việt Nam để tổ chức thiết lập, quản trị website cho công dân Hàn Quốc đánh bạc, cá cược thể thao trên mạng Internet.
Từ tháng 11-2018 đến khi bị phát hiện, đã có hàng nghìn tài khoản chơi bạc và tham gia cá cược với số tiền khoảng 8,6 tỷ WON (tương đương 170 tỷ VNĐ). Hành vi của nhóm đối tượng này vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cá cược, xúc tiến thể thao của Hàn Quốc, gây ra nguy cơ mất an ninh, an toàn trên không gian mạng tại Việt Nam.
Cơ quan Công an đã thu giữ tại hiện trường 20 điện thoại di động, 9 thẻ ngân hàng, 37 máy tính để bàn, 2 máy tính xách tay, 1 Modem Internet, 7 thiết bị nhận mã OTP (Token key), nhiều thiết bị điện tử và tài liệu liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, đây là ổ nhóm người nước ngoài phạm pháp thứ 4 mà đơn vị này đã phối hợp với Công an Bà Rịa - Vũng Tàu khám phá thành công.
Sang Việt Nam, thành lập đường dây, thiết lập hạ tầng để lừa đảo công dân trong nước bằng hình thức giả danh người của cơ quan pháp luật, dọa nạt, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản. Nhóm đối tượng 21 tên, chủ yếu là người Thái Lan và nạn nhân của chúng cũng là công dân Thái Lan đã được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện vào năm ngoái.
Kết quả điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này sau khi đến Việt Nam đã thuê nhà ở TP Hồ Chí Minh, thiết lập tổng đài gọi điện trên nền Internet. Tại Việt Nam, chúng giả nhân viên bưu điện, ngân hàng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị điều tra do nghi ngờ phạm pháp. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, lập tức chúng rút hết khỏi tài khoản. Được biết, chúng đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi về nước và đã lừa đảo hàng triệu USD.
Mới đây nhất, ngày 20-4, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), lực lượng cảnh sát đã đột kích vào khách sạn Ba Nhất trên đường Nguyễn Tất Thành để bắt giữ 77 người có quốc tịch Trung Quốc vì sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.
Được biết, nhóm người này đã đến đây tạm trú từ cuối năm 2018. Tại hiện trường, cơ quan Công an phát hiện bên trong khách sạn lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ, và nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng chiêu giả danh nhà chức trách để gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản… 
* Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.(Theo Luật An ninh mạng)
* Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội:
- Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.
- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán.
- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Hành vi hướng dẫn người khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.(Theo Luật An ninh mạng)
Cao Hồng

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: TUNG TIN THẤT THIỆT, HẬU QUẢ NHÃN TIỀN


Chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn và xử lý nghiêm những người đăng tin giả mạo, gây ra sự bất ổn trên không gian mạng cũng như đảm bảo môi trường mạng an toàn chưa?
 
CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: TUNG TIN THẤT THIỆT, HẬU QUẢ NHÃN TIỀN
Chủ trang facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đăng thông tin đính chính tin thất thiệt về dịch tả heo châu Phi
Thông tin thịt lợn nhiễm sán của một facebooker sau khi đăng ít phút đã có 800 lượt chia sẻ và 300 lượt bình luận; Thông tin tiền giả số lượng lớn đang lưu hành tại địa phương do một tài khoản mạng xã hội đăng tải không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Cũng ở môi trường mạng, còn có cả chuyện mạo nhận cơ quan có thẩm quyền để định hướng dư luận…
Nước ta hiện có 64 triệu người sử dụng mạng Internet, 58 triệu tài khoản facebook nên những việc nêu trên gây nhiễu loạn thông tin, tác động xấu đến đời sống xã hội. Vậy chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn và xử lý nghiêm những người đăng tin giả mạo, gây ra sự bất ổn trên không gian mạng cũng như đảm bảo môi trường mạng an toàn chưa?

Báo động tình trạng đăng tin giả

Thịt lợn là loại thực phẩm chiếm vị trí gần như chủ yếu trong thực đơn của nhiều gia đình. Ngành chăn nuôi lợn vì thế cũng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà. Thế nhưng chỉ trong mấy tháng đầu năm Kỷ Hợi này, trên mạng xã hội lại có quá nhiều tin… vịt liên quan đến thịt lợn.
Cụ thể, truyền thông Nhà nước thông tin dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện vào dịp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi khiến nhiều người lo lắng. Từng ngày, thông tin các địa phương có dịch được ngành nông nghiệp công bố và cùng với đó là các biện pháp chặn dịch, chống dịch lây lan như tiêu huỷ, khoanh vùng dịch…Những tin tức về bệnh dịch được cập nhật thường xuyên đã giúp người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng chủ động trong phòng, chống dịch, không hoang mang.
Thế nhưng, trong bối cảnh cả xã hội đang nỗ lực phòng, chống và ngăn chặn tác động xấu của dịch thì fanpage có tên Đầm bầu Thời trang Mami lại gây nhiễu loạn xã hội vì đăng tin sai sự thật. Chủ trang mạng xã hội này tung tin, thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi tẩy chay thịt lợn. Thông tin khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, một số người đã chọn các thực phẩm khác thay thịt lợn.
Việc làm của trang Đầm bầu Thời trang Mami đã gây hiểu sai về dịch bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ chăn nuôi lợn. Trước thông tin sai sự thật và tác động xấu đến xã hội này, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đã yêu cầu chủ nhân của fanpage này đến làm việc để làm rõ những thông tin sai lệch trên.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra thông tin về kết quả nghiên cứu, rằng không có việc bệnh dịch lợn tả châu Phi lây sang người. Cơ quan chức năng sau đó đã xử phạt chủ nhân của trang bán hàng online này 20.000.000đ.
Cũng chọn thời điểm dư luận đang nóng rẫy để đăng tin vịt là trường hợp của facebooker Trịnh Thị Huế. Ngày 18-3, tài khoản Hue Trinh Thi đăng tin, hình ảnh về thịt lợn nhiễm sán ở chợ Lộc Phát, phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là thời điểm, tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang xảy ra việc phụ huynh tố bếp ăn nhà trường nhập thịt nhiễm sán và gây ra cơn sốt phụ huynh đưa trẻ hàng nghìn trẻ lên các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội xét nghiệm.
Thông tin này lập tức nhận được 300 lượt bình luận và 800 lượt chia sẻ. Điều này cho thấy, quá nhiều người đã đọc, đã tin vào tài khoản mạng xã hội này nên đã chia sẻ đến cộng đồng mạng. Thế nhưng, chỉ sau khi Thanh tra Sở Thông tin, Truyền thông tỉnh Lâm Đồng vào cuộc, thì những người trong danh sách bạn bè của Hue Trinh Thi trên facebook mới biết, họ đã bị “người bạn” này cho ăn … tin vịt.
Buồn hơn nữa là nhiều người trong số họ đã tin và chia sẻ nên chính họ đã góp phần làm tin xấu lan toả... Ngày 20-3, chủ nhân của tài khoản facebook Hue Trinh Thi là Trịnh Thị Huế bị Thanh tra Sở Thông tin, Truyền thông tỉnh Lâm Đồng xử phạt hành chính 10.000.000 đ.
Cũng vào trung tuần tháng 3 năm nay, nhiều chủ trang mạng xã hội ở vùng đất mũi Cà Mau đăng tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Việc này đã tạo nên hiệu ứng domino khiến cho thông tin sai lệch này lan rộng. Điều đáng nói là đại diện ngành chăn nuôi tỉnh này xác nhận, tại thời điểm tin thất thiệt đang lan tràn thì Cà Mau nói riêng và 13 tỉnh Đông Nam Bộ chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, mức độ tiêu thụ thịt lợn cũng gần như trở lại như trước đây, việc chăn nuôi của các hộ dân cũng dần ổn định. Để làm được điều này, cần có sự ra tay đồng bộ của các cơ quan hữu quan, người dân. Bởi, dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội.
Trong lúc đang có dịch bệnh, những thông tin liên quan được rất nhiều người quan tâm và có tác động rất lớn. Nếu là thông tin tích cực, sẽ giúp giảm thiểu tác hại của dịch bệnh, còn ngược lại thì gây hậu quả khôn lường. Chính vì thế, việc một số người dùng mạng xã hội vì muốn câu view, câu like, hay để được nổi tiếng, để bán được hàng … mà đăng tải thông tin sai sự thật là vô trách nhiệm.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang áp dụng quy định về xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử lý các trường hợp đăng tin sai sự thật, với mức phạt từ 10.000.000đ – 20.000.000đ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Luật An ninh mạng có hiệu lực ngày 01-01-2019 không quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Tuy nhiên, chúng tôi được biết hiện nay, Bộ Công an đang khẩn trương đề xuất xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng. Đây là việc làm cần thiết nhằm có thêm căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm những người đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Ngăn chặn thông tin xấu

Trên mạng xã hội gần đây không chỉ xuất hiện những hoang tin mà mới đây, còn xuất hiện cả hiện tượng mạo danh cơ quan nhà nước để đăng tải thông tin, định hướng dư luận. Đó là hồi tháng 3, khi dư luận đang quan tâm đến dự thảo văn bản luật liên quan đến nước mắm thì trên mạng xã hội facebook xuất hiện tài khoản Ban Tuyên Trung ương.
Tài khoản này đăng thông tin “cảnh giác với chiêu trò bảo vệ nước mắm truyền thống, để phá hoại nền sản xuất nước nhà”. Khi tài khoản này xuất hiện, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, cơ quan này không có tài khoản nêu trên, yêu cầu cơ chức năng xác minh làm rõ và chỉ ra trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ phải xoá tài khoản mạo danh.
Mặc dù ngay sau đó, tài khoản này đã bị xoá, tuy nhiên trong thời gian tồn tại, những nội dung đăng tải trên tài khoản này đã có những ảnh hưởng xã hội nhất định. Bởi bối cảnh nó xuất hiện là lúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra dự thảo Nghị định tiêu chuẩn nước mắm.
Trong dự thảo này, có nội dung gây tranh cãi về nước mắm truyền thống và nước chấm. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề này, tạo nên những luồng ý kiến trái chiều gay gắt. Lợi dụng việc này, có kẻ đã giả mạo Ban tuyên giáo Trung ương để đưa ra ý kiến “chỉ đạo” nhằm gây hiểu lầm, kích động, nhiễu loạn…
Rõ ràng, dã tâm phá hoại của kẻ lập ra tài khoản giả mạo thể hiện rất rõ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng giả mạo cơ quan Nhà nước tuy không nhiều, nhưng như ví dụ vừa nêu thì rõ ràng là có xảy ra trong thực tế. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, để hạn chế tình trạng này, cần phải đảm bảo việc:
(1) Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và chính quyền các cấp chủ động công tác thông tin tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc nội bộ trên không gian mạng với nhiều nội dung và hình thức; định hướng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đưa tin báo chí và xử lý nghiêm minh các trường hợp phóng viên vi phạm pháp luật, vi phạm tôn chỉ, mục đích của nghề báo.

Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đúng đắn chủ trương, chính sách, pháp luật, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng pháp luật những vụ việc có liên quan đến quyền lợi của người dân.
(2) Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
(3) Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, Ngành, địa phương liên quan trong cung cấp thông tin đối ngoại, đặc biệt là thông tin về các vụ việc thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Đối với hành vi đưa tin sai, thất thiệt trên không gian mạng, Điều 8, Điều 16, Luật An ninh mạng có quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi này. Đây được coi là căn cứ quan trọng để hạn chế cũng như xử lý những vi phạm có tính chất như trên.
(còn nữa)
Luật An ninh mạng điều chỉnh hành vi thông tin không chính xác trên không gian mạng, cụ thể:
- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (trích Điều 8).
- Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. (Trích Điều 16).
Cao Hồng

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

AI ĐANG NHÌN BẠN QUA MÀN HÌNH???


Bỗng một ngày đẹp trời, tài khoản Facebook nghìn theo dõi (follow) hoặc trang Fanpage nghìn like/status của bạn bỗng nhiên không đăng nhập được và bạn phản hồi với Facebook thì không có trả lời. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? 
AI ĐANG NHÌN BẠN QUA MÀN HÌNH???

Khởi kiện Facebook được không? Tất nhiên là không thể! Vì với Facebook, bạn không phải là KHÁCH HÀNG, bạn không trả tiền cho Facebook, bạn chỉ là NGƯỜI DÙNG.
Vậy Facebook là miễn phí thì sao có tiền đầu tư hơn 900 máy chủ ở Việt Nam và hàng năm thu ở Việt Nam 235 triệu USD? Đơn giản là như thế này: Facebook tạo cho chúng ta một sân chơi, nơi bày tỏ cảm xúc và chia sẻ những gì liên quan đến cuộc sống của chính mình. Để sử dụng những dịch vụ của Facebook, chúng ta cung cấp cho ứng dụng này nhiều quyền như Facebook được quyền sử dụng micro, máy ảnh của điện thoại, máy tính và sử dụng những công cụ này để thu thập những thông tin về chúng ta. Cùng với đó, Facebook sẽ phân tích xem ta đang quan tâm gì thông qua việc giám sát những bài viết mà chúng ta chia sẻ, những gì ta bình luận, những bài viết ta bày tỏ cảm xúc và kể cả thông qua những cuộc nói chuyện của chúng ta.


AI ĐANG NHÌN BẠN QUA MÀN HÌNH???
Chúng ta cung cấp cho Facebook quyền truy cập micrô, máy ảnh, vị trí... mà không hề hay biết!
Năm 2016, khi bộ 6 mặt biểu cảm (reactions) của Facebook ra đời, cảnh sát Bỉ cũng đã từng cảnh báo công dân của họ: đừng dùng bộ biểu cảm này vì nó sẽ giúp Facebook đoán được suy nghĩ của bạn, biết rõ bạn là con người thế nào và sẽ dùng nó để thao túng cuộc sống của bạn. Bảng tin của bạn sẽ được hiển thị theo định hướng của Facebook và rồi bạn sẽ phát triển theo hướng mà Facebook định sẵn. Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia quảng cáo đã khẳng định: thay vì phải ngồi dự đoán người dùng có thích mẫu quảng cáo nào không - chính những cảm xúc đã giúp Facebook dễ dự đoán người ta muốn gì hơn là nút "like" khô khan ngày xưa.
Hãy thử suy nghĩ lại, bạn đã từng ngạc nhiên khi mà thông tin lúc bạn chat với người khác hay những thứ bạn tìm kiếm đều được biến thành những "mẫu quảng cáo" trên bảng tin? Hoặc khi bạn ngồi cà phê tán gẫu với bạn bè về một món ăn, một chiếc điện thoại, một địa điểm bất kỳ nào đó... thì chỉ sau vài phút, ứng dụng Facebook sẽ “vô tình” chọn lọc ra những cửa hàng đang bán những sản phẩm mà bạn đã thảo luận?
Dựa vào những gì Facebook thu thập được, Facebook trở thành kẻ biết rõ ta thích gì còn hơn chính bản thân mình. Những nhà bán hàng sẽ trả tiền cho Facebook để Facebook hiện quảng cáo sản phẩm của họ vào bảng tin của đúng người đang cần nó. Hiệu quả bán hàng sẽ khác xa việc quảng cáo tràn lan mà không được mấy người quan tâm. Và đây chính là nguồn thu vô tận của Facebook.
Facebook miễn phí, và chúng ta (hay chính xác hơn là thông tin cá nhân của chúng ta) chính là hàng hóa trong dịch vụ “miễn phí” đó.
Thành Nam

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

VỀ VIỆC FACEBOOKER DÂN CHỦ VIỆT NAM BỊ XÓA TÀI KHOẢN


Trong vài ngày qua, một số tài khoản facebook của những kẻ phản động ở Việt Nam bị tạm khóa hoặc xóa vĩnh viễn. Hành động này được cho là xuất phát từ tập đoàn facebook nhằm ngăn chặn những thông tin xấu, thông tin độc hại do các tài khoản này phát tán.

VỀ VIỆC FACEBOOKER DÂN CHỦ VIỆT NAM BỊ XÓA TÀI KHOẢN

Một nhà dân chủ sau khi bị khóa tài khoản, không có đất làm ăn đã kêu gào cùng đồng bọn: “Facebook báo là "Bạn đã bị vô hiệu hóa vì vi phạm quy định cộng đồng". Tôi thật sự rất buồn và rất giận vì nó như một tài sản tinh thần của tôi”.

Không có lửa làm sao có khói, không có lý gì tự nhiên facebook tự động khóa hay xóa tài khoản riêng tư của một cá nhân, chắc chắn đó phải do hành động thiếu chuẩn mực và vi phạm quy định của facebook.

Hành động này của facebook xuất phát từ quá trình theo dõi lâu dài và việc report (báo cáo) từ chính cộng động mạng về những thông tin do các tài khoản xấu phát tán. Hầu hết các tài khoản này đều đăng tải nhiều thông tin có nội dung sai sự thật, bịa đặt với mục đích bôi xấu danh dự của cá nhân, hạ thấp uy tín của chính quyền các cấp ở Việt Nam. Việc khóa hay xóa tài khoản dựa trên những report của nhiều tài khoản và việc kiểm chứng lại của chính công ty facebook. Như "Doanh nhân phản quốc" Lê Hoài Anh là một trong khoảng hàng chục hot Facebooker bị xóa hoặc khóa tài khoản không phải vì các bài viết chống chính quyền Việt Nam mà bởi y đã tham gia làm quản trị cho hàng chục facebook ấu dâm; hoặc những người có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người theo dõi và chuyên viết những bài viết về chính trị, xã hội nhưng từ góc nhìn tiêu cực, một chiều, vô căn cứ và cổ suý bạo lực, khủng bố, bôi nhọ cá nhân hoặc các vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng khác, như: Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Ngọc Chu, Trương Châu Hữu Danh, Hoàng Dũng, Mạnh Kim, Trần Quốc Quân, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Trung Quân... Tên Nhà văn phản quốc Trần Quốc Quân đang lưu vong ở Warsaw, CH Ba Lan cũng đã xác nhận với BBC rằng y đã bị xoá tài khoản Facebook đã bảy lần.

Chính vì những hành động thiếu chuẩn mực, phát tán thông tin sai sự thật nên có đề nghị trực tiếp với facebook cũng vậy thôi: “Tôi có liên hệ với Help Center (Trung tâm trợ giúp) của Facebook nhưng họ không bao giờ trả lời. Tôi đã tìm hiểu tiêu chuẩn cộng đồng của họ và tôi thấy tôi không vi phạm điều nào cả. Tôi chỉ muốn biết tôi đã vi phạm ở bài viết nào, nhưng Facebook không trả lời”.

Trong những năm gần đây, một số tài khoản của người dùng tại Việt Nam thường xuyên đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, kích động tư tưởng xấu trong xã hội, làm ô nhiễm không gian mạng. Nhiều cá nhân đã bị xử lý về hành chính và hình sự về cùng hành vi đó. Sự thiếu kiểm soát trong quản lý của công ty facebook đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật Việt Nam.

Bị xóa hay khóa tài khoản facebook là điều mà giới hoạt động dân chủ Việt Nam không hề muốn bởi đây là mảnh đất làm ăn của bọn chúng, ít bị chính quyền kiểm soát nhất và thu được nhiều lợi ích từ việc kích động chống phá Việt Nam.

Những tài khoản đã và đang bị khóa, bị xóa đều rất xứng đáng, hình thức xử lý của facebook hoàn toàn xứng đáng với hành vi của những chủ tài khoản đó đã thực hiện. Việc làm này cũng phù hợp với luật an ninh mạng của Việt Nam với mục tiêu làm trong sạch không gian mạng cho mọi người sử dụng. Nếu không thay đổi tư tưởng và bài trừ những thông tin sai trái thì sẽ có nhiều tài khoản bị khóa trong tương lai.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

TẤN CÔNG MẠNG ẢNH HƯỞNG TỚI 50 TRIỆU TÀI KHOẢN CỦA FACEBOOK


Ngày 28/9, Facebook thông báo mạng xã hội này gần đây đã phát hiện ra một vụ tấn công mạng ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu tài khoản. Đây là rắc rối mới nhất mà Facebook gặp phải trong năm nay. 


TẤN CÔNG MẠNG ẢNH HƯỞNG TỚI 50 TRIỆU TÀI KHOẢN CỦA FACEBOOK

Trong thông báo, Facebook cho biết các tin tặc đã khai thác tính năng “View As” để tiến hành vụ tấn công. 
Facebook khẳng định đã thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề an ninh này, cũng như thông báo với các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, để giải quyết vụ tấn công mạng trên, Facebook cũng đã tiến hành quá trình cài lại tài khoản, trong đó khoảng 90 triệu tài khoản của mạng xã hội này đã tự động thoát ra và người dùng phải tự đăng nhập lại.
Thông báo của Facebook cho biết mạng xã hội này chưa phát hiện ra được thủ phạm tiến hành vụ tấn công và tin tặc tới từ đâu.

Facebook, mạng xã hội có khoảng 2,2 tỷ tài khoản hoạt động hàng tháng, cũng cho biết hiện chưa thể xác định xem liệu những kẻ tấn công có sử dụng bất hợp pháp những tài khoản nào hay những thông tin cá nhân nào đã bị đánh cắp.
Cùng ngày, trong cuộc gọi trực tuyến với các phóng viên, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Facebook, ông Mark Zuckerberg đã thừa nhận vụ tấn công mạng mới nhất mà mạng xã hội này gặp phải là “một vấn đề an ninh thực sự nghiêm trọng”.
Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công mạng mới nhất được Facebook công bố, cổ phiếu của mạng xã hội này đã giảm 3% giá trị trong phiên giao dịch chiều 28/9 tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

CEO Facebook: Chúng tôi không bán thông tin người dùng


Trong phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ, Mark Zuckerberg một lần nữa thừa nhận sai lầm và xin lỗi người dùng.

Hôm qua, CEO Facebook - Mark Zuckerberg tham gia phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ kéo dài gần 5 giờ. Zuckerberg phải trả lời câu hỏi từ 44 thượng nghị sĩ về việc làm cách nào mạng xã hội lớn nhất thế giới có thể được quản lý sát sao hơn.

CEO Facebook: Chúng tôi không bán thông tin người dùng
Mark trả lời câu hỏi của 44 thượng nghị sỹ Mỹ sau bê bối lộ dữ liệu người dùng. Ảnh: AFP
Anh tiếp tục xin lỗi về hàng loạt vấn đề của Facebook gần đây, từ an toàn dữ liệu cá nhân đến sự tác động của nước ngoài lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. “Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù nghịch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng” - anh cho biết đầu phiên điều trần - “Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”.

Trong buổi điều trần, các thượng nghị sỹ thẳng thắn chất vấn ông chủ Facebook về việc an toàn thông tin dữ liệu của người dùng. Khi được Thượng nghị sĩ Edward Markey hỏi về việc Zuckerberg có thừa nhận thông tin của người dùng bị chia sẻ và bị bán, Mark Zuckerberg ngay lập tức phủ nhận. “Nhưng tôi muốn làm rõ điều này trước, đó là chúng tôi không bán thông tin của người dùng”, Mark khẳng định. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin là “có” và ông chủ Facebook cho biết, từ đầu họ đã nói với người dùng về việc chia sẻ thông tin trong “điều khoản dịch vụ”.

Nhưng các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn chưa dừng lại ở đó. Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal giơ lên tấm bảng có các điều khoản dịch vụ mà Aleksandr Kogan đã sử dụng, trong đó có nội dung “Facebook đã được thông báo về việc Kogan có thể bán thông tin có được” và hỏi Zuckerberg đã đọc thỏa thuận chưa. Sau đó, Zuckerberg thừa nhận “chưa đọc hết”.

Với câu trả lời thật thà này, Thượng nghị sĩ Blumenthal cho rằng Zuckerberg mâu thuẫn với “điều khoản dịch vụ” mà chính mình và Facebook đã đưa ra. Ông cho rằng Facebook đã “cố ý không biết” Kogan vi phạm điều khoản và đã tối đa hóa lợi nhuận từ chính vấn đề bảo mật này.

CEO Facebook: Chúng tôi không bán thông tin người dùng
CEO Facebook - Mark Zuckerberg trong buổi điều trần. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Fischer hỏi: “Các anh lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Có phải các anh lưu tất cả những gì chúng tôi click?" Trả lời câu hỏi này, Zuckerberg thừa nhận: “Đúng, chúng tôi lưu trữ chúng”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Richard J. Durbin hỏi Zuckerberg có thoải mái khi chia sẻ tên của khách sạn mình đã qua đêm rồi việc có sẵn sàng chia sẻ tên những người mà mình đã nhắn tin trong tuần.

“Không. Tôi có lẽ sẽ không chọn làm điều công khai như thế ở đây" - ông Zuckerberg thừa nhận.

Ngay lập tức, ông Durbin nói đây chính là điều mà họ quan tâm. Theo ông, cần phải có giới hạn về quyền riêng tư ở Facebook. “Bao nhiêu dữ liệu của nước Mỹ hiện đại như tên, lời phát biểu, các kết nối mọi người trên thế giới đã bị các ông bán đứng”, thượng nghị sỹ này chất vấn.

Theo giải thích của Zuckerberg, Facebook chia nội dung làm hai loại: một là do người dùng tự ý đăng tải, chia sẻ và một còn lại là do Facebook hoàn toàn kiểm soát. “Kiểm soát” theo đại diện mạng xã hội này là những dữ liệu liên quan tới ứng dụng và quảng cáo.

Zuckerberg cũng tỏ sự đồng tình khi một số thượng nghị sỹ đặt vấn đề nên xem xét một phiên bản Facebook không có quảng cáo mà người dùng phải trả tiền để sử dụng. 

Tuy nhiên, đại diện của Facebook khẳng định “sẽ cân nhắc” và nói với nghị sỹ Orrin Hatch rằng sẽ luôn có một phiên bản miễn phí của Facebook.

CEO Facebook: Chúng tôi không bán thông tin người dùng
Phiên điều trần lần đầu trước Quốc hội Mỹ được cho là thử thách khó khăn nhất của Mark Zuckerberg từ trước tới nay.
Trong phiên điều trần, Mark Zuckerberg phủ nhận việc Facebook độc quyền và khẳng định họ là một hãng công nghệ, chứ không phải truyền thông. Anh cũng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty - sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo đúng mục tiêu. “Chúng tôi cho rằng đưa ra một dịch vụ được quảng cáo hỗ trợ là phù hợp nhất với sứ mệnh kết nối mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn có một dịch vụ miễn phí mà ai cũng có thể dùng được”, anh nói.

Zuckerberg được đánh giá khá bình tĩnh trong buổi điều trần. Reuters nhận xét Zuckerberg cố né các cuộc đối thoại tập trung vào luật mới và không đưa ra lời hứa hẹn mới.

Và nhà đầu tư hoan nghênh các câu trả lời của anh. “Zuckerberg mang đến tinh thần hòa giải” - Mariann Montagne - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Gradient Investments nhận xét, “Cổ phiếu tăng theo các bình luận của cậu ấy”.

“Tổ chức một buổi điều trần chung giữa các hội đồng thế này đã là điều phi thường. Còn phi thường hơn khi chỉ có một CEO trả lời câu hỏi của gần nửa thượng nghị sĩ Mỹ”, John Thune - Chủ tịch Hội đồng Thương mại Thượng viện Mỹ cho biết.

Sau phiên điều trần, cổ phiếu Facebook hôm qua tăng tới 4,5% lên hơn 165 USD - cao nhất trong gần 3 tuần qua. Mức tăng ngày của mã này cũng là lớn nhất kể từ tháng 4/2016.

Buổi điều trần được tổ chức sau gần một tháng scandal lộ thông tin người dùng Facebook nổ ra. Cambridge Analytica - tâm điểm của scandal này - là một công ty dữ liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Họ đã tiếp cận được thông tin từ khoảng 87 triệu người dùng Facebook mà những người này không hề biết.

Scandal đã làm cổ phiếu Facebook lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD và khiến mạng xã hội này bị giới chức hai bên bờ Đại Tây Dương tăng cường giám sát. Một số còn kêu gọi Zuckerberg từ chức CEO. Scandal này một lần nữa dấy lên mối lo về ảnh hưởng của Facebook với an toàn dữ liệu cá nhân trên toàn cầu. Tối nay, Zuckerberg sẽ còn một phiên điều trần nữa với Hạ viện Mỹ.

Hà Thu/VNE (theo CNN/Reuters)

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Facebook đã thành ‘quái vật’ vượt tầm kiểm soát?

Hôm 25/9, tờ Los Angeles Times (Latimes) đã đăng tải một bài bình luận cho rằng Mark Zuckerberg đã xây dựng Facebook thành “một con vật kếch xù” mà không biết sức mạnh của nó đã vượt tầm kiểm soát.


Theo Latimes, khi nói đến kinh doanh, không thể phủ nhận người đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg là một người nhìn xa trông rộng. Tuy nhiên, những khả năng xuất chúng của Mark Zuckerberg đã bị lung lay khi những vấn đề xã hội và văn hóa ở thế giới thực rò rỉ vào Facebook.
Sau khi có những tranh luận về việc những tin tức giả mạo trên Facebook đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016, nhiều người cho rằng ông Zuckerberg dường như chưa nhận ra được sức mạnh thực sự của Facebook.
Hôm 24/9, tờ Washington Post đưa tin, ông Barack Obama khi còn là Tổng thống Mỹ đã từng cảnh báo Zuckerberg về những tác động mà Facebook có thể gây ra khi để lan truyền những thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đáp lại, Zuckerberg nói với ông Obama rằng tin tức giả mạo không có nhiều trên Facebook.
Ông Zuckerberg cũng từng khẳng định, ý tưởng Facebook và các thông tin giả mạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ 2016 là điên rồ.
Không chỉ vậy, mới đây thôi, Facebook đã mất cảnh giác khi để một số người đăng quảng cáo có ý bài xích người Do Thái. Những người điều hành Facebook đã không hay biết về vụ việc cho tới khi một tờ báo phát hiện ra.
Nhiều nhóm khủng bố được xuất hiện rất lâu trên Facebook để tuyên truyền những nội dung cực đoan trước khi bị đẩy ra khỏi nền tảng này. Thậm chí đã xuất hiện nhiều trường hợp người dùng sử dụng Facebook để đăng trực tiếp những hành vi bạo lực. Nói cách khác, những khía cạnh tăm tối nhất của nhân loại đã chiếm được một “miếng đất” trên Facebook.
Jennifer Stromer-Galley, giáo sư nghiên cứu thông tin tại Đại học Syracuse cho hay: “Họ rất giỏi trong kinh doanh, nhưng thực sự tồi tệ khi không nhận ra được ảnh hưởng của Facebook đối với xã hội. Có thể hiểu rằng công ty này đã quá lớn và phức tạp nên có những nơi không được chú ý đến”.
Theo Latimes, cho đến nay, Facebook đang phải chạy theo để “chữa cháy” mỗi khi có vấn đề gì đó phát sinh nhằm giảm bớt sự chỉ trích hay các cuộc tranh luận về vai trò của Facebook trong xã hội.
Các chuyên gia cho rằng nhiều công ty công nghệ Mỹ đang quen với việc gây lỗi trước rồi xin lỗi sau với lý do họ đang sở hữu công nghệ phức tạp và mô hình kinh doanh mới mẻ.
Bà Valerie Alexandra, một giáo sư kinh tế tại bang San Diego cho hay: “Một trong những cách giải thích phổ biến nhất mà chúng ta nghe được từ ngành công nghệ cao là họ đang kinh doanh một ngành mới hay đang điều hành một công nghệ hiện đại phức tạp nên rất khó kiểm soát”.
Bà nói thêm: “Nhiều người cho rằng vì internet và các nền tảng truyền thông xã hội đang ở giai đoạn tương đối mới và đang phát triển nên vẫn còn rất nhiều khu vực màu xám, nơi những thứ hợp pháp và bất hợp pháp, đạo đức và phi đạo đức vẫn còn bị lẫn vào nhau”.
Trước những vấn đề phát sinh, mhiều người đang kêu gọi coi Facebook là một công ty truyền thông chứ không phải là một mạng xã hội nhằm buộc Facebook phải thực hiện các tránh nhiệm pháp lý đối với những nội dung xuất hiện trên mạng xã hội này. Một số nghị sĩ còn đang cân nhắc cho ra đời một dự luật đòi hỏi Facebook phải minh bạch hơn đối với các quảng cáo mang tính chính trị.
Sarah T. Roberts, giáo sư nghiên cứu thông tin tại Đại học California, Los Angeles cho hay: “Các công ty công nghệ không thiếu tầm nhìn, không thiếu sự sáng tạo để tạo ra doanh thu. Nhưng tầm nhìn của họ sẽ bị cản trở khi có sự can thiệp từ bên ngoài hay những hành vi sử dụng bất chính khác”.
Theo ông, Zuckerberg cần phải thuê thêm các nhà khoa học xã hội chứ không phải là các kỹ sư nếu muốn tránh những tranh cãi tương tự trong tương lai.
Theo ICTNEWS