KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Không thể xuyên tạc giá trị cao cả chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng

     Có những sự kiện lịch sử khi thời gian trôi về quá khứ càng xa thì ý nghĩa, giá trị của nó càng lớn lao. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (1975-1979) và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng của dân tộc Việt Nam là một trong những sự kiện như vậy.

     Việt Nam - Lào và Campuchia là ba nước nước láng giềng, trên cùng bán đảo Đông Dương có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung. Đặc biệt, 3 dân tộc đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

     Tuy nhiên, từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1970-1975) cho đến năm 1979, tập đoàn Pol Pot đã phản bội nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam-Campuchia. Trong nước, Pol Pot thực hiện chính sách diệt chủng; đồng thời chúng thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang (LLVT) Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979).

     Vừa qua, trong khi hai dân tộc Việt Nam-Campuchia vui mừng, phấn khởi kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, thì đây đó trên internet và mạng xã hội vẫn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc cuộc chiến tranh này. Họ tán phát luận điệu cũ rích: “Cuộc tấn công của quân đội Việt Nam (giải phóng Campuchia) là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã “lấn chiếm Campuchia cả trên đất liền và biển, đảo”... 

Không thể xuyên tạc giá trị cao cả chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng

     Vậy đâu là nguyên nhân cuộc chiến tranh này? Bản chất và ý nghĩa cao cả của cuộc phản công bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, diệt vong là gì? 

     Nguyên nhân của cuộc chiến tranh

     Theo nhiều tài liệu và chứng cứ còn lại, trong 3 năm (từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1978), chính quyền Pol Pot đã thực hiện chính sách chính trị, kinh tế, xã hội hoang dã: Hủy bỏ tất cả quyền con người, quyền công dân-từ quyền sống đến các quyền tự do tối thiểu. Để làm “trong sạch dân cư”, chúng đã thực hiện chính sách giết hàng triệu người một cách dã man (đập chết bằng cuốc, xẻng, mổ bụng, moi gan... ). Gần 3 triệu người Campuchia đã bị giết chỉ trong gần 3 năm. Chúng xóa bỏ mọi cơ sở xã hội của một nền văn minh (như xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ hàng hóa-tiền tệ) đẩy cả dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt vong, đồng thời xóa sổ cả nền văn hóa, văn minh của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm.

     Với Việt Nam, Pol Pot ra sức vu khống: “Việt Nam xâm lược, cướp đất, cướp đảo… của Campuchia”. Chúng kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, giết nhiều kiều bào Việt Nam; đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam-Campuchia. Pol Pot tuyên bố Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”, là “tai họa lớn nhất” của dân tộc Campuchia… Ngay sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tấn công đảo Phú Quốc (ngày 3-5-1975); tấn công đảo Thổ Chu (ngày 10-5-1975). Tại đây, chúng bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích, tập kích vào bộ đội biên phòng, tự tiện di dời cột mốc biên giới ở các tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Đắc Lắc…

     Cuộc chiến tranh này đã được chính quyền Pol Pot chuẩn bị bài bản với tham vọng có thể giành được chiến thắng. Chúng phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần, binh chủng. Cuối tháng 4-1977, Pol Pot điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam-thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam.

     Cuộc phản công tự vệ của quân và dân ta

    Không thể phủ nhận rằng, trong thời kỳ đầu của các cuộc tập kích, khiêu khích ở biên giới Tây Nam, chúng ta đã mất cảnh giác vì tin vào chính quyền Campuchia do Pol Pot-Ieng Sari cầm đầu. Việt Nam không nghĩ rằng một quốc gia láng giềng từng được quân dân Việt Nam giúp đỡ, hy sinh cả xương máu để họ có được độc lập dân tộc lại quay súng, giết hại nhân dân, giết hại đồng bào mình. Thế nhưng, khi bọn chúng đã lộ mặt là kẻ phản bội-thật sự mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì quân dân Việt Nam bằng quyền tự vệ chính đáng của mình đã giáng trả đích đáng.

     Đặc biệt, ngay sau khi Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia chính thức được thành lập (ngày 3-12-1978), đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng LLVT của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công-tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pol Pot. Ngày 7-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và LLVT của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot và chế độ diệt chủng ở Campuchia.

     Ngày nay, nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng ta rút ra nhiều ý nghĩa cao cả:

     Trước hết, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ luôn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của quân dân ta. Trong bất cứ tình huống nào, quan hệ quốc tế nào, chúng ta cũng không được thiếu cảnh giác trong sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, giải thích sự kiện quân dân ta không giáng trả ngay bè lũ Pol Pot, nhiều đồng bào, cựu chiến binh ta nói rằng: Khi đó chúng ta nghĩ rằng không có chuyện quân đội Campuchia lại tấn công Việt Nam.

     Mặc dù tình hình quốc tế và khu vực đã có những chuyển biến khác với thời kỳ "Chiến tranh lạnh" (1945-1991), tuy nhiên Việt Nam và Biển Đông là một trong những vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ở khu vực này có thể dùng các phương thức khác nhau để giành giật quan hệ quốc tế… Điều này có thể dẫn đến những xung đột giữa các nước nhỏ trong khu vực. Đây là một thực tế đã diễn ra trong lịch sử mà Việt Nam không thể không quan tâm.

     Thứ hai, các sự kiện diễn ra trong cuộc chiến tranh này đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về cuộc chiến tranh, nhất là luận điệu “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”. Thực tế cho thấy, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Đồng thời cũng là cuộc chiến đấu bảo vệ sinh mạng-quyền con người của cả hai dân tộc Campuchia và Việt Nam; là cuộc chiến tranh chính nghĩa-cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, giáng trả kẻ thù xâm lược, ngoài ra không có mục tiêu nào khác.

     Về nguyên nhân quân đội Việt Nam không rút về nước ngay trong năm 1979, Thủ tướng Hun Sen kể rằng: “Sau chiến thắng ngày 7-1-1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết”, “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế...”(1).

     Thứ ba, về quan hệ Việt Nam - Campuchia, cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của quân dân ta đã đồng thời giáng đòn quyết định đánh sập chế độ diệt chủng ở Campuchia, ngoài ra không có mục tiêu nào khác. Chiến thắng của quân dân ta cũng có thể nói là chiến thắng của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia, khôi phục lại tình đoàn kết hữu nghị vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Thủ tướng Hun Sen từng kể rằng: Trước tình hình đó (nạn diệt chủng), ông đã quyết định chạy sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước. Khi ấy, ông được biết thông tin một số người dân Campuchia cũng đã rời quê hương sang Việt Nam lánh nạn. Ông tin Việt Nam, vì đây là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”.

     Thủ tướng Hun Sen còn khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì Bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”(2).

     Chế độ diệt chủng Pol Pot không chỉ là một thảm họa với dân tộc Campuchia mà còn là một nguy cơ lớn đối với dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, giúp nhân dân Campuchia giải phóng "cũng là mình tự giúp mình”. Với mọi kẻ thù xâm lược, cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là một thông điệp đanh thép của nhân dân Việt Nam. Bất cứ kẻ thù nào, nếu có dã tâm xâm lược Việt Nam, chúng sẽ bị giáng trả với toàn bộ sức mạnh tinh thần, trí tuệ và vật chất.
CAO ĐỨC THÁI

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM (07/01/1979 - 07/01/2019)


Sau 30/4/1975, nhân dân Việt Nam và Campuchia những tưởng được sống trong hòa bình, nhưng tập đoàn Pol Pot, Iêng Xa ry đã gây họa diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM (07/01/1979 - 07/01/2019)

Quân và dân ta đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, đập tan các hành động xâm lược; đồng thời đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 07/01/1979.
“10 ngày sau khi tiếp quản vào 30/4/1975, chúng tôi đã lại phải cầm súng đánh đuổi quân Pol Pot tràn lên định chiếm đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) không được rời tay súng, kể cả khi đất nước đã thống nhất” - Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nhớ lại.

Trận đầu Tuy Đức

Tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có chiều dài 1.137 km, đi qua 10 tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Thời kỳ sau giải phóng, một số đơn vị quân chủ lực và địa phương chuyển nhanh sang làm kinh tế. BĐBP vừa mới triển khai đã phải gánh vác nhiệm vụ quản lý biên giới - địa bàn, giữ trật tự an ninh và chiến đấu vũ trang bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc.
Từ đầu tháng 5/1975, trên biên giới đoạn Hà Tiên - Tây Ninh, lính Pol Pot liên tiếp xâm phạm lãnh thổ ta gây ra những cuộc xung đột và tội ác. Cuối 1975 đầu 1976, lính Pol Pot tăng cường xâm lấn vùng tây sông Sa Thầy, nam đường 19 thuộc tỉnh Kon Tum. Đêm 03/01/1976, chúng tràn sang làng Xộp (xã Mo Ray, H.Sa Thầy, Kon Tum) đốt hết nhà cửa, cướp phá tài sản và bắt đi 130 dân làng. Đến tháng 6/1976, Pol Pot tăng cường lực lượng ra sát biên giới, xâm canh lấn đất ở các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh… và thực hiện các hành động khiêu khích như bắn vào đội tuần tra, uy hiếp nhân dân đang đi lại làm ăn gần đường biên, tập kích, đốt phá, bắt cóc, gài mìn gây sát thương… Đặc biệt, đêm 25/02/1976, lính Pol Pot bất ngờ tập kích vào Đồn BP số 8 - Đắk Lắk (nay là Đồn BP cửa khẩu Bu Prăng nằm ở H.Tuy Đức, Đắk Nông), buộc bộ đội ta phải nổ súng đánh trả, đuổi sang bên kia biên giới. Trong tháng 3 và 4.1976, Pol Pot thường xuyên cho lực lượng bí mật sang trinh sát khu vực đóng quân của đồn 8, bắn súng khiêu khích. Ngày 25/6/1976, chúng tấn công chốt C3 làm 3 chiến sĩ bị thương…
“Khu vực quản lý của Đồn BP số 7 (nay là Đồn Tuy Đức, Đắk Nông) và Đồn 8 (nay là đồn Bu Prăng, Đắk Nông) được bọn Pol Pot chọn làm đột phá khẩu cho cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Đây là nơi có diễn biến tranh chấp và xung đột vũ trang sớm nhất toàn tuyến” - Thiếu tướng Trương Văn Thanh nói và kể: Ngày 05/01/1977, lính Pol Pot phục kích bắn M79 vào đội tuần tra của đồn làm 1 chiến sĩ hy sinh, 1 người khác bị thương nặng. Rạng sáng 14/01/1977, đồng loạt 2 tiểu đoàn bộ binh địch bao vây, tấn công 2 đồn nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt, phải rút về bên kia biên giới. Phía ta có 9 chiến sĩ hy sinh và 15 bị thương nặng, nhà cửa hư hại… Riêng đồn 7 (Tuy Đức) mất chốt phòng ngự và phải trưa hôm sau bộ đội mới phản kích lấy lại chốt…

Máu đổ dọc đường biên

Đêm 30/4/1977, các sư đoàn chủ lực Pol Pot đồng loạt tấn công các đồn, trạm BP và 13/13 xã biên giới của tỉnh An Giang. Tại chốt Mương Hội Đồng của Đồn BP Bắc Đai (Nhơn Hội, An Phú), 8 chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ở trạm Tịnh Biên thuộc Đồn BP Tịnh Biên (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) trên chốt lộ 2 đi Tà Keo, 10 cán bộ chiến sĩ quả cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và đều ngã xuống… Mãi tới ngày hôm sau, lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực mới chi viện, đẩy địch ra khỏi biên giới.
Trong trận đầu tại An Giang, 26 BĐBP hy sinh, 75 người bị thương. Bọn Pol Pot cũng đã giết hại 228 người dân, làm bị thương 359 người, đốt cháy 444 nóc nhà. Ở xã Phú Hội (H.An Phú, An Giang) có 15 gia đình bị chúng giết cả nhà bằng những cách dã man, tàn ác nhất…
Ngày 18/9/1977, địch mở các đợt tấn công cấp sư đoàn vào hầu hết tuyến biên giới Đồng Tháp. Đêm 25.9.1977, chúng huy động 2 sư đoàn chủ lực, 2 sư đoàn dự bị, 8 tiểu đoàn địa phương với sự yểm trợ của pháo hạng nặng đồng loạt tấn công toàn diện tuyếnbiên giới Tây Ninh. Trong trận này, Đồn BP Xa Mát bị bao vây suốt 11 ngày. Bộ đội đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ được hàng trăm hộ dân, diệt 114 địch. 10 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương…
Ngày 05/12/1977, lực lượng vũ trang ta đồng loạt phản công, đẩy địch về bên kia biên giới, nhưng Pol Pot lại tăng cường 12 sư đoàn mở các đợt tấn công lấn chiếm. Rạng sáng 17/3/1978, một trung đoàn lính Pol Pot luồn sâu, bất ngờ tấn công vào khu vực Bù Đốp (Bình Phước). Lính Pol Pot đánh vào thôn 6, xã Thiện Hưng, mũi khác vào ấp Xa Trạch, xã Hưng Phước (thời điểm trước khi Hưng Phước tách ra thành 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện) và thảm sát dân thường hết sức dã man. Đi tới đâu, chúng đều chém giết, đốt phá, tàn sát không sót một ai, từ người già đến trẻ em. 247 người bị giết hại, 291 nóc nhà và khoảng 14 tấn lương thực bị thiêu rụi…

Người anh hùng Đồn Vĩnh Xương

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang, cứ mỗi khi nhớ lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam là nhắc đến đồng đội mình: Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Long (SN 1959) ở xã Tây An, Tiền Hải, Thái Bình. Thông minh học giỏi nhưng 17 tuổi anh Long tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào Đồn BP Vĩnh Xương (An Giang) đúng thời điểm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Ngày 27/2/1978, lính Pol Pot ồ ạt đánh chiếm trạm kiểm soát của đồn nằm ở kinh Năm Xã, Hoàng Kim Long vác ĐKZ bắn liên tục 21 quả đạn, dập tắt 4 hỏa lực đại liên và 12 li 7, bắn chặn các cánh quân của địch, giữ vững vị trí tiền tiêu.
Ngày 14/4/1978, cả lữ đoàn Pol Pot đánh vào các vị trí của trạm và Đồn BP Vĩnh Xương ở khu vực chùa Thầy Bảy. Trong trận này, địch dùng cối 120, ĐKZ, pháo 105, 130 li đánh suốt 3 ngày đêm và vây 3 mặt khiến bộ đội bắn gần hết đạn. Đến ngày 18/4/1978, lính Pol Pot bố trí hỏa lực ở cánh đồng bắn vào chốt.
Phát hiện chỗ yếu của địch là để lộ mục tiêu trên đồng trống, Hoàng Kim Long đã dùng ĐKZ liên tục cơ động diệt 4 hỏa điểm của địch, trong đó có 2 đại liên, 2 khẩu 12 li 7. Khi bắn tới quả đạn thứ 17 tiêu diệt thêm 2 khẩu ĐKZ và đang lắp quả đạn thứ 18 thì anh Long trúng đạn, hy sinh ở tuổi 19. “Khi trận chiến đấu kết thúc, toàn đơn vị đã lao tới ôm lấy anh và khóc. Nếu không có Long, chúng tôi thương vong rất nhiều”, đại tá Phong nhớ lại và kể: “Tự nguyện làm xạ thủ ĐKZ 82, anh Long mày mò nghiên cứu, tìm cách bắn ĐKZ không chân (ứng dụng) ở mọi địa hình, mọi điều kiện.


Khẩu ĐKZ 82 do anh cải tiến bắn rất chính xác, đỡ tốn đạn mà hiệu suất diệt địch cao. Vừa có kỹ thuật giỏi, vừa có lòng dũng cảm cộng với lối đánh táo bạo, linh hoạt, anh đã làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Từ tháng 7/1977 - 4/1978, anh Long chiến đấu 35 trận, diệt 9 cụm hỏa lực và 50 tên địch”.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM - NỖI OAN 30 NĂM

Tính từ khi quân Pol Pot gây hấn biên giới Việt Nam cho đến ngày sự thật được phơi bày khi những kẻ cầm đầu Khmer đỏ bị xét xử là hơn 30 năm (1975 - 2006).

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM - NỖI OAN 30 NĂM
Quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia
 Sau sự kiện 30/4/1975, quân Pol Pot đã tiến hành xâm lấn biên giới Việt Nam mà đầu tiên là đảo Phú Quốc (04/5/1975) rồi tới đảo Thổ Chu, giết chết 500 thường dân. Chúng gây ra hàng loạt cuộc thảm sát nhân dân biên giới Việt - Cam.
Tháng 4/1977, quân Pol Pot tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường.
Tới ngày 25/9, 4 sư đoàn quân Pol Pot đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích.
Tính từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Chủ trương của quân Pol Pot là “chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.
Ngày 31/12/1977 Việt Nam đưa vào Campuchia 6 sư đoàn bộ binh đánh sâu vào đất Campuchia giải thoát cho một số cán bộ quan trọng của Campuchia trong đó có Thủ tướng tương lai Hun Sen. Cuộc tấn công này được xem là lời “cảnh cáo” cho chính quyền Khmer Đỏ.
Việt Nam đề nghị đàm phán nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot nhiều lần từ chối, và giao tranh lại tiếp diễn. Từ tháng 12/1977 đến tháng 6/1978, hơn 30 vạn thường dân Việt Nam phải di tản vào sâu trong nội địa.
Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, chính quyền Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Trước tình hình đó Việt Nam bắt đầu đánh trả với lực lượng được chỉ huy bởi tướng Lê Trọng Tấn:
+ Bộ binh: Quân đoàn 2 (Sư 304, 325), Quân đoàn 3 (Sư 10, 31, 320, 302), Quân đoàn 4 (Sư 7, 9, 341, 2 - Lữ đoàn 22 thiết giáp, Lữ đoàn 24 pháo binh, Lữ đoàn 25 công binh), Quân khu 5 (Sư 307, 309 - Lữ đoàn đặc công 198), Quân khu 7 (Sư 5, 302, 303, Trung đoàn đặc công 117, Trung đoàn 262 pháo binh, Trung đoàn 26 thiết giáp, Trung đoàn công binh E25 QK7), Quân khu 9 (Sư đoàn 4, 330, 339);
+ Hải quân: Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101;
+ Không quân: Đoàn 901 không quân (Sư đoàn không quân 372, Trung đoàn 921) + Và hơn một vạn quân thuộc Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia (UFNSK) (là Chính phủ kháng chiến được thành lập bởi Hun Sen).
Từ tháng 6/1977 đến tháng 12/1978, quân tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 lính khác. Kết thúc cuộc chiến, quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt hơn 10 vạn quân Pol Pot.
 Đến ngày 07/01/1979, Phnom Penh được giải phóng nhưng 10 năm sau, cuộc chiến tranh mới kết thúc, hơn 3 triệu dân Campuchia chết dưới nạn diệt chủng của Pol Pot. Cuộc chiến kết thúc với thiệt hại của Việt Nam là khoảng 50 - 55 ngàn quân nhân hi sinh hoặc mất tích và 200 ngàn người bị thương, hơn 55 ngàn dân thường chết hoặc bị thương (riêng tỉnh Bình Định đã có gần 10 ngàn liệt sĩ).

Cái nhìn của quốc tế và khó khăn của Việt Nam

Các đợt tấn công của quân Pol Pot mang tính chất xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
- Cuộc chiến biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng theo điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đây là cuộc chiến nhân đạo giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và giúp họ xây dựng chính quyền Campuchia mới.
Quan điểm của quốc tế: Ngoài Liên Xô ra thì cả khối XHCN và khối TBCN đều ủng hộ chính quyền Khmer đỏ và cho rằng Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia.
Phương Tây và Trung Quốc đều viện trợ nhân đạo cho chính quyền Khmer đỏ mà trong đó chính Trung Quốc là nước viện trợ tích cực nhất cho chính quyền Khmer đỏ (nếu không muốn nói chính Trung Quốc đã hậu thuẫn cho chính quyền Khmer đỏ tấn công Việt Nam).
Phương Tây mà đứng đầu là Mỹ đã tuyên truyền: Việt Nam đang “thuộc địa hóa” Campuchia theo thuyết “chủ nghĩa bành trướng của cộng sản” mà họ nêu lên vài thập kỉ trước. Họ gọi Việt Nam là Đế chế Cộng sản ở Đông Dương, rằng Hà Nội muốn thành lập một Liên bang Đông Dương và lãnh đạo 3 nước Đông Dương.
Trong khi đó, chính phủ Lào vẫn giữ tính trung lập (sau này trong cuốn Red Brotherhood at war - Chân lý thuộc về ai, tác giả có nói đó là “sự lu mờ của chủ nghĩa cộng sản trung lập” để chỉ Chính phủ Lào).
Chính phủ Thái Lan thì không công nhận cuộc chiến của Việt Nam, đến năm 1982 thì bắt đầu xung đột với quân tình nguyện Việt Nam ở biên giới Thái-Cam, để Khmer đỏ đóng quân ở đấy và nhận viện trợ từ Phương Tây và Trung Quốc, đến năm 1988 thì chấm dứt.
Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Trần Quang Cơ có đoạn: ngoài Trung Quốc và Singapore, tất cả các thành viên trong cuộc họp ngày 16/8/1989 đều thừa nhận hành vi diệt chủng của Khmer Đỏ.
Và theo cựu ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan thì lúc đó Mỹ cảnh báo Singapore rằng sẽ có “máu đổ trên sàn nhà” nếu Singapore không chịu ủng hộ Khmer Đỏ, nói cách khác Singapore bị Mỹ ép phải ủng hộ Khmer Đỏ để bảo vệ lợi ích tối cao của Mỹ.

Khó khăn của Việt Nam.

Về kinh tế: Cùng với việc hậu thuẫn cho chính quyền Khmer đỏ xâm lược Việt Nam, từ năm 1976 Trung Quốc đã ngừng gói viện trợ không hoàn lại 500.000 tấn gạo hàng năm và cắt việc cung cấp hàng tiêu dùng. Khó khăn càng nhiều khi các nước khác viện trợ nhỏ giọt và tiếp đó là lũ lụt năm 1978 - trận lụt lớn nhất trong 60 năm làm cho kinh tế Việt Nam kiệt quệ.
Phương Tây sau đó chỉ còn Pháp viện trợ số lượng ít, các nước tư bản khác vẫn chờ phản ứng của Mỹ (mà Mỹ lại siết chặt cấm vận).
Khó khăn đã khiến khẩu phần ăn trong nước bị giảm xuống 1kg gạo/tháng, kể cả quân tình nguyện trên đất Campuchia cũng bị cắt giảm như vậy. Mặc dù vậy, năm 1979 Việt Nam vẫn viện trợ cho Cộng hòa Nhân dân Campuchia 120.000 tấn lương thực.
Về chính trị - quân sự: Trung Quốc bắt đầu gây hấn ở Biển Đông và các tỉnh phía Bắc Việt Nam mà đỉnh điểm là cuộc xâm lược toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 1979 và sau đó là “Sự kiện Gạc Ma” năm 1988.
Tháng 4/1981 Việt Nam đã thể hiện việc sẵn sàng rút tất cả quân tình nguyện khỏi Campuchia nếu Trung Quốc ký một hiệp ước không xâm lược Việt Nam, Lào và Cộng hoà nhân dân Campuchia. Nhưng Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận đề nghị trên.
Chiến tranh kết thúc: Tính đến năm 1986 thì lực lượng Khmer đỏ hầu như tan rã nhưng Việt Nam vẫn duy trì hàng rào quân sự tại biên giới Lào-Campuchia với 150 ngàn quân. Tới tháng 9/1989 thì rút hoàn toàn về nước. Năm 1992 - 1993 thì lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Campuchia tạm thời quản lý đất nước này.
Tháng 12/1999, Ta Mok và các thủ lĩnh còn lại đầu hàng, Khmer Đỏ trên thực tế chấm dứt sự tồn tại.
Năm 2006 phiên tòa xét xử tội ác Khmer đỏ được thành lập, ngày 26/7/2011 phiên tòa xét xử phiên đầu tiên. Cuộc chiến 10 năm của Việt Nam có kết quả.

Và trên hết, thế giới đã nợ Việt Nam một lời xin lỗi.