Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Cụ Nguyễn Đình Hương qua đời

Báo chí đưa tin khá nhiều và xúc động về trường hợp cụ Nguyễn Đình Hương qua đời. Cụ Hương năm nay 90 tuổi, quê Nghệ Tĩnh, được đánh giá là một vị “thanh quan” hiếm có.
Cụ Nguyễn Đình Hương qua đời
Điều làm mọi người tò mò khi lần lại tiểu sử của cụ Nguyễn Đình Hương, là vị thanh quan này tại sao trong suốt cả sự nghiệp của mình, lại chỉ nắm giữ nhiệm vụ duy nhất ở mảng tổ chức Đảng, và bảo vệ Đảng như vậy. Hơn 30 năm, cụ Lê Văn Lương và cụ Lê Đức Thọ luân phiên nhau giữ cương vị đứng đầu công tác Tổ chức Trung ương, thì cụ Hương đều được làm Phó, và tính cho đến đời vị Trưởng ban cuối cùng trong sự nghiệp của cụ Hương, là ông Hồ Đức Việt, thì cũng vẫn yên vị chức vụ là Phó.
Hơn 50 năm làm Phó bất kể ông Trưởng là ai, đó có thể được đánh giá là một kỷ lục đặc biệt.
Như vậy phải hiểu, cái chức vụ “Phó ban” của cụ Hương là Phó “xịn”, tức là ông nào làm Trưởng ban thì cũng cần phải có một ông Phó như cụ Hương để còn người thực việc thực, bên cạnh các phó khác... Phó nào cũng có thể thay, nhưng Phó này thì không thể, và chỉ điều này thôi cũng đủ để suy luận được về đạo đức, tính cách, tầm ảnh hưởng và trí tuệ của cụ.
❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️
Nói rộng ra một chút về thuật dùng người ở tầm vĩ mô của cổ nhân, với những tính cách mang màu sắc “ông đồ gàn” như cụ Nguyễn Đình Hương, cộng với bản tính thanh sạch tinh khiết và trí tuệ trải nghiệm đủ đầy, thì việc “dùng” họ là rất khó. Phàm ở đời, người trong sạch, ngay thẳng thì sẽ dễ sa vào bản tính ương bướng vì không sợ, không phụ thuộc ai, người trí tuệ tốt thì sẽ nảy ra kiêu hãnh không nghe ai, người cả đời tự tin không vấy bẩn thì sẽ không thích thú dính vào phe nhóm với ai. Quản được những người này đã khó, dùng được họ còn khó hơn. Nhưng nếu quản được, dùng được, thì cái giá trị họ mang đến sẽ là vô vàn, thậm chí có thể đi vào thiên cổ.
Quân vương đời xưa, luôn phải đau đầu với những bậc trung thần kiểu như thế này, phế đi thì không nỡ và không dám, nhưng dùng thì tức anh ách, vì rất khó điều khiển, rất khó để người ta thực tâm thực dạ thần phục mình.
Chu Nguyên Chương, thái tổ của Minh triều, từng nhận xét về Lưu Bá Ôn rằng, ta rất ghét kiểu trung lương như lão già này, luôn tự phụ bản thân không màng danh lợi, không ham tửu sắc, lánh xa quyền lực. Những kẻ này, dù có vâng dạ trước mặt ta, nhưng trong lòng đôi khi lại cười nhạo ta.
Những kiểu người như thế, cuối cùng đều rơi vào một đáp án chung về giải pháp dùng người cho tất cả các bậc quân vương từ xưa tới nay, đó là đặt họ vào vị trí phải đối đầu với tất cả đám quan lại còn lại, coi như biến họ thành một chốt chặn đúng nghĩa của hoàng đế trong việc lựa chọn người hiền, bài trừ kẻ xấu, chống phe nhóm bè đảng, vừa là chỗ để họ được sống và phát huy cái chữ liêm chính của bản thân, vừa gián tiếp bắt họ phải-phụ-thuộc vào hoàng đế.
Anh không thể thắng lợi trong đối đầu với tham quan, với lợi ích nhóm, nếu những nỗ lực của anh không được tôi xử lý. Giá trị sự nghiệp của anh có thành hay bại, phụ thuộc rất lớn vào quyết định của tôi sấp hay ngửa. Anh có thể ưỡn ngực với thiên hạ, với cổ kim, nhưng đối với tôi, anh vẫn phải luôn luôn cảm nhận được sự cần thiết và phụ thuộc.
❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️❇️
Triều đại nào, thời đại nào, dù có hủ lậu đến đâu, thì ở vĩ mô vẫn phải luôn luôn cần có những nhân tố như cụ Nguyễn Đình Hương. Đó là nhân tố đạn bắn không thủng, đó là nhân tố mà khi hoàng đế hay quan trên cần nghe một tiếng nói công minh chính trực, không quyền lợi đan xen, không phe nhóm tác động, không kiêng dè nể sợ, thì phải cho vời họ, lắng tai mà nghe họ.
Người làm quan đạt được độ như vậy từ xưa tới nay không nhiều.
Luận điểm này, có lẽ cũng đủ để giải thích được tại sao một nhân cách và tính cách và trình độ như cụ Nguyễn Đình Hương, lại cả đời gắn bó với công tác tổ chức, kiểm tra Đảng đến như vậy. Có lẽ Cụ sẽ hầu như không được bố trí, và dù có được thì cũng rất khó để phát huy tốt ở những cương vị khác, nhưng với lĩnh vực chốt chặn này, thì chắc chắn cụ sẽ là lựa chọn ưu việt nhất, bất kể cấp trên của Cụ có là ai đi chăng nữa!
Nghiêng mình vĩnh biệt Cụ, người con xứ Nghệ tiêu biểu, trường hợp "Phó quan" độc đáo hiếm có của Việt Nam.
M.D

0 nhận xét:

Đăng nhận xét