KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

“CÀ PHÊ BIỆT ĐỘNG” - NHỮNG TRANG SỬ SỐNG ĐỘNG

———————————
Nhiều năm nay, cứ đến tháng Tư, nhiều người lại đến 3 quán “Cà phê Biệt động” để sống trong không khí lịch sử và trò chuyện với nhân vật lịch sử.




Tháng Tư năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả 3 quán cà phê này tạm đóng cửa gần như hết tháng. Rồi những ngày cận kề 30/4 nhất thì quán được mở cửa trở lại theo chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người yêu lịch sử lại có dịp tìm về địa chỉ đỏ này.

Lưu giữ lịch sử

Anh Trần Vũ Bình là con trai chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM), là nhà thầu khoán của Dinh Độc Lập trước năm 1975. Suốt 30 năm qua, với mong muốn lưu giữ lịch sử, nhất là lịch sử liên quan đến cha mình, đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, anh Bình tìm kiếm và mua lại nhiều ngôi nhà từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng. Sau đó, anh phục dựng lại nguyên mẫu, rồi mở cửa đón khách đến tham quan.

Đã có 3 căn nhà ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và 113A Đặng Dung, quận 1 từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 được anh Trần Vũ Bình sắp xếp, mua lại, dày công tìm kiếm hiện vật nguyên mẫu rồi mở thành quán cà phê di tích.

Các quán cà phê này đều mang tên "Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn", nhưng do các căn nhà đó đều là cơ sở của Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật và kể nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn nên lâu dần người dân gọi chung là “Cà phê Biệt động”.

Anh Trần Vũ Bình mong muốn lưu giữ những gì thuộc về lịch sử đúng như nó đã từng có: "Di tích có sao thì phải trả lại như vậy, giữ nguyên hiện trạng để những người trẻ và những người già đều được nhìn ngắm".

Quán ở số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, là ngôi nhà có hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Còn quán ở số 113A Đặng Dung, quận 1 là Hòm thư bí mật- Hầm nổi từ Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975. Quán này rất đặc biệt vì tồn tại ngay bên cạnh nhà Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng và đối diện Cao ốc Đại Hàn thời đó. Có lẽ cũng chính vị trí đặc biệt nguy hiểm này mà quân địch không thể ngờ đó là cơ sở cách mạng. Cho nên, sau năm 1968, hàng loạt cơ sở nội thành Sài Gòn của Biệt động Sài Gòn bị lộ, kể cả 3 căn nhà nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thì số nhà 113A Đặng Dung vẫn an toàn, tiếp tục hoạt động cho chiến thắng năm 1975.

Ở số nhà 113A Đặng Dung, từ căn hầm bí mật trong chiếc tủ áo, hòm thư bí mật là sự mưu trí của người chủ quán năm xưa hay toàn bộ 400 hiện vật là đồ dùng trong gia đình ở đô thành vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, được giữ nguyên trạng cho đến nay. Và mỗi hiện vật đó ít nhiều đều gắn với một câu chuyện nhỏ, đóng góp cho cách mạng, được giữ gìn và kể lại từ chính những người là con, là cháu, là thế hệ sau của các chiến sỹ “Biệt động Sài Gòn”.

Anh Võ Trọng Duy, cháu nội của một chiến sỹ biệt động năm xưa, hiện đang quản lý "Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn" ở số 113A Đặng Dung cho biết, anh đến với quán cà phê này là một cái duyên, rồi từ đây anh hiểu hơn, yêu hơn, tự hào hơn về những điều mà ông nội anh và đồng đội đã làm để góp phần vào chiến thắng quyết định năm 1975. Tình yêu và niềm tự hào ấy được anh gửi gắm trong những câu chuyện kể cho khách đến quán, vì thế mà lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên.

Đem lịch sử đến với mọi người

Khách đến “Cà phê Biệt động” ban đầu là để thưởng thức hai món cơm tấm- cà phê đặc trưng với hương vị Sài Gòn xưa, nhưng sau đó trở nên đam mê, cuốn theo những câu chuyện lịch sử. Khách đến với các quán này là những cựu chiến binh của cả hai phía, các tổ chức đoàn thể đi tìm hiểu lịch sử, nhưng đến nhiều và thường xuyên nhất là các bạn trẻ đang làm việc, học tập và sinh sống tại TPHCM.

Khưu Kim Quyên và Trần Lê Hoàn Hảo là hai trong số nhiều bạn trẻ từng tìm đến quán Cà phê Biệt động với mục đích ban đầu là do yêu cầu của việc học ở trường. Sau đó, dù đã học xong các môn có liên quan, các bạn vẫn đến quán vào những sáng cuối tuần, ngồi trong không gian nhỏ bé, gọn gàng, sạch sẽ và xưa cũ, uống cà phê và đọc sách lịch sử, trò chuyện để tìm hiểu thêm khi chủ quán rảnh rỗi.

Hai bạn đều cho rằng, lịch sử mà được kể lại bởi một người nào đó có liên quan, trong một không gian gần giống như thời điểm nó diễn ra, quả thật rất thú vị và nhớ lâu: "Trước đó em chỉ tham khảo qua phim tài liệu, tranh ảnh. Đến với quán cà phê ở quận 3 thì em hình dung rõ nét hơn, cảm nhận khác biệt, đi vào lòng người. Em cảm thấy như được kết nối với thế hệ đi trước qua không gian quán cà phê".

Chuỗi di tích gồm những ngôi nhà từng làm cơ sở cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn là những trang sử sống động mà ở đó nhân chứng và vật chứng gắn kết với nhau cùng với rất nhiều câu chuyện hào hùng. Cà phê Biệt động là một hình thức thiết thực, hiệu quả để lịch sử và truyền thống cách mạng đến với mọi người một cách tự nhiên, sống trong lòng mọi người, nhất là giới trẻ./.

Ảnh 1: Di tích lịch sử Hòm thư bí mật - Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, quận 1, TPHCM được giữ gìn cẩn thận và hiện là một trong các quán "Cà phê Biệt động".

Ảnh 2: Sau giãn cách xã hội, quán cà phê ngay tại di tích mở cửa, đón khách hạn chế để đảm bảo phòng chống dịch.

Ảnh 3: Bên trong quán được bày trí nguyên trạng của những năm 1960-1975.

Ảnh 4: Chiếc tủ chính là Hầm nổi của ngôi nhà, được dùng suốt thời kỳ chiến tranh.

Viết Thanh

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

COVID-19: VUI THÔI ĐỪNG VUI QUÁ

Hồi đầu, khi hay tin dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), bất kỳ người Việt Nam cũng cảnh giác cao độ.
COVID-19: VUI THÔI ĐỪNG VUI QUÁ
Tổng cộng có 16 bệnh nhân và tất cả được chữa khỏi trong giai đoạn đầu tiên này. Hơn 3 tuần bình yên đã trôi qua.
Thời điểm ấy, nhiều người Việt thở phào, thậm chí lúc ấy nhiều người đã có tâm lý "xả ga" chờ công bố hết dịch.
↘️
Bùm. Bệnh nhân số 17 từ Anh về trên chuyến bay VN0054 vào ngày 02/3/2020.
Liên tiếp sau đó, thêm 251 bệnh nhân khác được ghi nhận.
Gần 2 tháng qua, nhiều người đã sống trong trạng thái hoang mang và lo sợ.
Nhiều địa phương, bệnh viện bị cách ly. Cả nước tiêu tốn không biết bao nhiêu nguồn lực trong gần 2 tháng mới tạm kiểm soát được tình hình.
6 ngày gần đây thì khác, mỗi ngày thấp thỏm chờ đợi bản tin 6 và 18 giờ từ Bộ Y tế.
Không ghi nhận ca nhiễm mới, số ca chữa khỏi ngày càng nhiều.
Ai cũng mừng. Và kéo theo đó là tâm lý chủ quan, muốn xả hơi.
↘️
Dịch trong phạm vi nội địa Việt Nam đã tạm lắng xuống.
Nhưng không ai dám chắc, trong cộng đồng không còn nguồn lây.
Đó là chưa kể, bên ngoài, dịch vẫn bủa vây ở các nước khác, chờ chực tái xâm nhập vào Việt Nam.
Xin lưu ý, trong làn sóng lần thứ 2, số ca nhiễm đã tăng gấp 15 lần so với lần 1.
Tính theo cách thô thiển, nếu để xảy ra đợt bùng phát lần 3, số ca nhiễm của Việt Nam, gấp 15 lần thêm, có thể lên tới ít nhất 4.000 người.
Khi đó, kịch bản của Singapore sẽ tái diễn ở Việt Nam.
Singapore từng duy trì số ca nhiễm dưới 1.000 rất lâu.
Nhưng sự chủ quan đã dẫn tới số ca lây nhiễm trong các cư xá công nhân, khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng tăng lên 4.000.
Và hiện nay, số ca mới tăng trên 1.000/ ngày. Singapore đã có số ca mắc hơn 10.000 người.
↘️
Xin lưu ý, trong số hơn 200 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, có ít nhất 6 bệnh nhân phải thở máy.
Vẫn tính theo cách thô thiển, nếu có 4.000 ca mắc, có thể sẽ cần 120 máy thở.
Còn nếu trên 10.000 ca mắc, sẽ cần hơn 300 máy thở.
Trên 10.000 ca mắc, ngành y tế Việt Nam sẽ rất khó đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ...
Nếu không giữ, từ 268 lên 4.000, rồi 10.000 và hơn thế nhanh lắm.
Giữ thì lâu, nhưng đổ vỡ sẽ rất nhanh...
↘️
Tôi cho rằng, trạng thái kiểm soát dịch lúc này của Việt Nam là tạm thời và cực kỳ mong manh.
Bởi trên thế giới, số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 15 ngày, lên 2,6 triệu người. Số ca tử vong cũng tăng lên 170.000 người.
Chắc bạn đã hình dung được, nếu để dịch bùng phát lần thứ 3 thì nguy cơ mất kiểm soát sẽ lớn thế nào. Giới hạn phòng dịch và điều trị của ngành y tế Việt Nam có thể đảm đương tới đâu.
Vì thế, mỗi người cần giữ tâm thế phòng dịch của giai đoạn 1 để tái khởi động cuộc sống an toàn cho chính mình, người thân và cộng đồng./.

BÁN NƯỚC BẰNG GIÁ BAO NHIÊU

Có một cái loại người, cứ luôn hô hào rằng ta đây yêu nước hay quan tâm tới vận mệnh dân tộc. Nhưng lại mang tư tưởng nô lệ, luôn mong ngóng ngoại bang đến cứu vớt, rồi khúm núm, cúi mình, trông chờ vào tình thương rởm đời, khát khao được ban phát thứ hòa bình giả tạo.

"Dân miền Nam, dân Sài Gòn không cần giải phóng, đang sướng chết mẹ, nhìn thằng Hàn Quốc xem, theo Mỹ và bây giờ giàu như thế đó".

Họ thực sự chấp nhận rằng, chỉ cần "sướng" thì tất cả những gì thuộc về phạm trù độc lập dân tộc, tự chủ, tự lực tự cường hay câu chuyện thống nhất có lẽ không còn quan trọng nữa. Rồi rằng những ai theo cộng sản thì về phương Bắc, những ai theo cộng hòa thì về Nam. Một giả sử được đặt ra, nếu vậy, thì Bắc Việt sẽ như Triều Tiên bây giờ, Nam Việt sẽ là một phiên bản tương tự như Hàn Quốc hiện tại.

"Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai" - Ngạn ngữ Pháp.

Mình thấy ghê tởm, bực bội khi nói chung một thứ ngôn ngữ cùng với loại người ấy.

Như cụ Phan Châu Trinh viết: "Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi trừ hại, tự cường tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ thế lực ngoài tràn vào mà thôi". Đến giờ, những lời cụ nói vẫn còn nguyên những giá trị.

Một bài học khác, cho hai chữ "đồng minh", Nguyễn Văn Thiệu chua cay nói: "Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam Cộng Hòa đánh một mình thì làm sao ăn. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa…”.

Hãng thông tấn AP công khai tệp tài liệu nói về chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có đoạn Nguyễn Văn Thiệu từng đề nghị Mỹ ném bom tan nát miền Bắc, và rồi Mỹ làm theo điều đó bằng chiến dịch Linebacker II với mục tiêu: "Đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá". Báo L'humanité của Pháp bình luận: "Ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những viên tướng Pháp phản bội cũng không dám đề nghị Đức Quốc Xã tàn phá Paris để ngăn liên quân Anh - Pháp. Thế mà nay Thiệu lại muốn Mỹ ném bom tàn phá đất nước mình".

Nhiều người chẳng nhẽ đã lãng quên, người Mỹ và đồng minh đã làm gì trên mảnh đất của người Việt Nam. Rồi nhắc lại chuyện Biển Đông chẳng hạn, nhiều người luôn mong ngóng Mỹ hay phương Tây nhảy vào, nghĩ rằng những quốc gia ấy sẽ hợp lực "đánh Trung Quốc" rồi trả Hoàng Sa, Trường Sa lại cho Việt Nam. Trời ạ, lại nhắc đến câu chuyện năm 1974, khi Mỹ cấm quân đội Việt Nam Cộng Hòa không được tái chiếm Hoàng Sa, trực tiếp dâng Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Tại sao Bắc Việt có thể nhận viện trợ từ Liên Xô hay khối các nước xã hội chủ nghĩa chứ không chấp nhận dù chỉ một người lính ngoại quốc tham gia vào chiến trường miền Nam? Vì phía thượng tầng luôn duy trì một quan điểm và lập trường rằng, đây là cuộc chiến của người Việt với người Mỹ, chứ không phải là cuộc chiến tranh của các phe phái.

Vay tiền thì có thể trả, nhưng nợ máu thì rất khó.

Rồi chẳng hiểu nổi, ừ thì biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đấy, nhưng lại cầm cờ Mỹ, giương biểu ngữ tiếng Anh, hóa trang thành Wonder Woman hoặc tượng nữ thần tự do. Họ mong ngóng người Mỹ sẽ ban phát điều gì nữa?

Mình có một người bạn tại công ty cũ, trong một buổi ăn nhậu nói rằng, như Philippines chẳng hạn, không cần phải bạo lực cách mạng, đánh nhau khổ ải mà cũng độc lập được đó thôi. Mình bảo, vậy thì giờ thì Philippines có gì, giương mắt ếch nhìn Trung Quốc chiếm bãi cạn, đánh mắt qua Mỹ nhờ cậy thì Mỹ...kệ vì đã thỏa thuận cho Trung Quốc cái bãi cạn đó rồi, cái tư tưởng đợi ban phát thì làm sao mà tự chủ được.

Còn Việt Nam thì sao: "Cút ngay không chúng tao bắn chết".

Rồi chuyện Hàn Quốc chẳng hạn, mỗi khi Triều Tiên thử tên lửa là lại cuống cuồng tìm đến phía Mỹ quan ngại. Hay như một cuộc họp bàn về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tại Hà Nội hay Singapore, lại chỉ có đại diện phía Triều Tiên và Hoa Kỳ. Câu hỏi được đặt ra: Người Hàn Quốc ở đâu? - Ở nhà và ngóng chờ chứ sao nữa, vì người Hàn, từ lâu rồi, không còn có quyền quyết định vận mệnh dân tộc của họ nữa.

Mình biết rằng đa phần người Việt ghét Trung Quốc, vì người Trung Quốc đã bao nhiêu lần đưa quân xuống phía Nam, đô hộ và giết hại người Việt. Nhưng người Mỹ hay đồng minh cũng mới gây ra cuộc chiến khiến hàng triệu người Việt mất mạng, lãnh thổ chia cắt đấy thôi. Bài học Trung Quốc luôn phải nhớ nhưng bài học Mỹ thì cũng chẳng được phép quên.

Bảo yêu nước mà lại mong chờ, ỷ lại vào ngoại bang, đấy mà là yêu nước à? Đấy là bán nước rồi.

Lan Phương

Ảnh: Britannica

GỬI NHỮNG CÔNG DÂN VIỆT NAM TẠI MỸ SẮP VỀ NƯỚC

Theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ – Hà Kim Ngọc cho biết, ngày 10-4 vừa qua, ông đã tham gia chương trình trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ với Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Tại buổi trao đổi đã có khoảng 1.000 công dân và sinh viên Việt Nam tại Mỹ đăng ký về nước bằng máy bay thương mại của Việt Nam.



Muốn về quê hương đất mẹ Việt Nam để được “chở che” cũng là nguyện vọng rất chính đáng. Họ là con dân của nước ta, là đồng bào ta. Vậy nên dù biết là để họ về nước thì nguy cơ số ca nhiễm tăng lên, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là điều rất khó đoán định. Tuy nhiên, chúng ta không thể đứng nhìn con em mình chịu nguy hiểm khi ở lại Mỹ, trong thời điểm mà đất nước này đã mất khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Nếu không may lây nhiễm corona thì nguy hiểm đến tính mạng vì hiện nay, các cơ sở y tế Mỹ rơi vào tình trạng quá tải. Người chết rất nhiều. Mở rộng vòng tay đón công dân về nước là điều chúng ta phải làm, điều này thể hiện tình đồng bào của chúng ta.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng một số du học sinh khi về nước không chịu cách li, chê bai khu cách li, thậm chí là kêu gào, đòi hỏi và không chấp hành nghiêm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng như trước đây. Thiết nghĩ là ta phải yêu cầu họ viết bản cam kết trước khi cho về nước; nếu vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ khả năng sẽ xử lý hình sự.

Hi vọng 1000 con người này khi về đến Việt Nam sẽ chấp hành nghiêm, không lên giọng thượng đẳng kiểu “cô chiêu, cậu ấm”; nếu không cam kết thì mời ở lại Mỹ. Ta thương họ nhưng họ phải biết thương ta. Những người thực hiện công tác phòng chống dịch đã mệt mỏi, khổ sở lắm rồi, đừng hành hạ họ thêm nữa. Nếu không chấp hành nghiêm thì phải có biện pháp mạnh.

Qua đây, rất mong mọi người hãy gửi những thông tin này đến những nơi cần đến. Để khi họ trở về không là gánh nặng cho đất nước.

Nguồn : TDTQ

ĐẤT MẸ GIANG TAY
( Xin gởi đến những đứa con xa xứ lầm đường lạc lối, luôn chống phá quê hương đất nước. Xin lỗi các Việt kiều yêu nước chân chính và các cháu du học sinh nhé )

Đất nước nghèo các con bỏ quê hương
Theo ngoại bang "thiên đường và dân chủ"
Hầu hạ người ta cuộc sống cũng no đủ
Phận đu càng còn chửi Mẹ Việt Nam

Cứ tưởng đây là cuộc sống thiên đàng
Chê đất Mẹ nghèo hèn và lạc hậu
Bỗng một ngày mây đen phủ toàn cầu
Chúng mới biết Việt Nam mình bừng sáng

Ngạn ngữ Việt Nam tôi nhắc câu cho bạn
"Trong cơn hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau"
Dịch cô vi đang tàn sát châu Âu
Văn minh ở đâu để con người tự chết

Bố Mẹ, Ông Bà ốm đau bỏ hết
Chỉ ưu tiên đứa khỏe, đứa lành
Đứa thượng lưu, hay những kẻ lưu manh
Còn tất cả dân tình cho cỏ rác

Với Việt Nam chúng ta lại khác
Đất Mẹ giang tay đón các con lầm lạc
Bởi tình người ta quý hơn tiền bạc
Cho dù con đã ngược đãi Mẹ Cha

Về đi con Tổ Quốc mới là nhà
Là dòng máu tiên rồng ta đó
Da ta vàng máu chúng ta vẫn đỏ
Như màu cờ Tổ Quốc của ta

Việt Nam ơi trải bốn ngàn năm qua
Chưa bao giờ bị kẻ thù khuất phục
Cớ làm sao các con phải chịu nhục
Chui gầm bàn, luồn cúi ngoại bang

Việt Nam ta lịch sử đã sang trang
Nắng đã trải vàng cả ba miền đất nước
Hỏi cường quốc mấy nước nào làm được?
Như Việt Nam đất Mẹ anh hùng

Về đi con Tô Quốc thật bao dung
Tuy thiếu thốn chúng ta cùng chia sẻ
Về đây con với Ông Bà Cha Mẹ
Có Đồng Bào san sẻ yêu thương!

Lan Hương

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

MỘT PHA KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN SIÊU TO KHỔNG LỒ!!!


Mới đây trong một Video quảng cáo của hãng sữa đậu nành Fami, công ty này đã âm thầm khẳng định chủ quyền một cách "rất nhẹ nhàng" khi đưa hình ảnh bản đồ Việt Nam cùng 2 quần đảo thân thương lên sóng.
Không những thế, tên quần đảo không chỉ là ký hiệu nhỏ thông thường mà là 2 chữ TRƯỜNG SA. HOÀNG SA to như thế này luôn này. Thế mà có "ông hàng xóm" cứ nhận vơ như thật ấy.


Như Ngọc

NHỮNG BỨC ĐIỆN LỊCH SỬ TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1975


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta; không những ghi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NHỮNG BỨC ĐIỆN LỊCH SỬ TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1975

Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng đã tạo ra bước ngoặt mới; Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc”[1].
Thời cơ chiến lược đã đến, đúng 18 giờ 00 ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở.... và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”[2].
Ngày 07-4-1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”[3].
Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chỉ thị: “Nắm chắc thời cơ chiến lược mới tranh thủ thời gian cao độ nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”[4].
 Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và quyết định: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”[5]. Sài Gòn - Gia Định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu và cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng của ta.
Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Trong Điện gửi Trung ương Cục miền Nam, 15 giờ 30 ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị. “…Sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”[6].
Ngày 26-4-1975, Bộ Chính trị họp yêu cầu chuẩn bị mọi mặt từ Bộ Thống soái tối cao đến Bộ tư lệnh và các đơn vị ở chiến trường trọng điểm. Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Sau khi kiểm tra lại lần cuối việc chuẩn bị cho trận đánh quyết định, cuộc họp kết thúc trong không khí náo nức, phấn khởi, quyết tâm, sẵn sàng đón tin chiến thắng.
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính Trị đã gửi bức điện khen ngợi: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định thân mến. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc”[7].
Vậy là hai chiến dịch có hai cách đánh khác nhau. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm của ta là: “Đánh chắc, tiến chắc”, thì trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương châm chỉ đạo là: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Dù là hai cách đánh khác nhau nhưng đều đi đến thắng lợi cuối cùng đánh đổ hai thực dân đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó là minh chứng cho truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; quyết không cam chịu làm nô lệ; quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc.
45 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới./.

CHÚ THÍCH:
[1] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb CTQG - Sự Thật,  H, 1991, tập 2, tr.178.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.90.
[3] Theo Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, H, 2006.
[4] Đại tướng Hoàng Văn Thái - Những  năm tháng quyết định, Nxb QĐND, H, 1990, tr.210.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.90.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr.167.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.90-91.

TRƯỜNG SA, THÁNG 4 LỊCH SỬ - HAI LIỆT SĨ ĐẦU TIÊN Ở TRƯỜNG SA


'Để treo được ngọn cờ cách mạng lên Trường Sa, chúng ta đã hi sinh hai người. Một người hi sinh ngay tại đảo Song Tử Tây. Một người bị thương, theo tàu về đất liền và hi sinh'.


Cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng, chứng nhân ở Trường Sa tháng 4 lịch sử năm 1975, ngậm ngùi kể lại.

Đó là liệt sĩ Tống Văn Quang và Ngô Văn Quyền.

Không một bức ảnh để thờ

45 năm trước, khi đi Trường Sa, ông Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5. "Khi đánh đảo, lực lượng hỏa lực DKZ của chúng tôi đi cùng để hỗ trợ cho ba mũi đặc công của hải quân. Quang trong mũi đổ bộ đầu tiên. Cậu ấy là khẩu đội trưởng DKZ", ông Ạp cho hay.

Cuộc chiến kéo dài 30 phút rất ác liệt, hạ sĩ Tống Văn Quang hi sinh năm anh mới 22 tuổi.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quế kể giây phút tiễn biệt người đồng đội mới biết tên sáng 14-4-1975: "Lúc đó gần sáng rõ rồi. Anh em tổ chức chôn cất cậu ấy ngay Song Tử Tây, định sau này đưa về. Đồng đội lấy tăng võng bọc lại rồi đào huyệt cát chôn chứ lúc đó không có quan tài đâu. Anh em trên đảo nổ súng chia buồn, tiễn biệt đồng đội".

Chúng tôi tìm trong bản trích lục thông tin về quân nhân hi sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và hiện ra những dòng thông tin về liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa: liệt sĩ Tống Văn Quang sinh năm 1949 (tuổi thật là sinh năm 1953 - PV) tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Nhập ngũ tháng 5-1972. Ngày đi B: tháng 8-1972. Đơn vị: C12, D6, E38, F2 (Quân khu 5). Cấp bậc: hạ sĩ. Ngày hi sinh 14-4-1975, trong trường hợp: chiến đấu. Nơi hi sinh: đảo Song Tử Tây.

Mong muốn tìm hiểu về người liệt sĩ ấy, chúng tôi tìm về quê hương anh. Bắc Thái là tỉnh cũ. Xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ giờ thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Hai cụ thân sinh liệt sĩ Quang đã mất từ lâu. Ông Tống Văn Ngọc, 73 tuổi, anh trai liệt sĩ Quang, cho biết anh Quang là con thứ năm.

"Chú Quang đẻ được ba ngày thì bố mất. Nhà tôi có hai người đi bộ đội. Tôi đi chiến trường B3 tháng 4-1966. Tôi vừa về thì chú Quang đi", ông Ngọc nói.

Người chị dâu của liệt sĩ Quang xúc động kể: "Tôi và mẹ chồng đồ xôi gánh đến đơn vị tiễn chú Quang thì nghe nói đơn vị đã hành quân đến ga Đồng Quang trú chân. Hai mẹ con lại tất tưởi chạy đến nhưng cũng không kịp.

Chú Quang đi bộ đội từ năm 1972 rồi đi một mạch. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi đi chiến đấu không có tin tức, thư từ gì. Đến khi chú ấy hi sinh gia đình nhận giấy báo tử mới biết...".

Tuổi 20 hi sinh ở Trường Sa

Người thứ hai hi sinh ở Trường Sa tháng 4-1975 là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, 20 tuổi, chiến sĩ đặc công của trung đoàn đặc công hải quân 126.

Mấy chục năm nay, ông Đào Mạnh Hồng (69 tuổi, hiện sống ở TP Hải Phòng) không dám tìm gặp thân nhân liệt sĩ Quyền.

"Khi đưa con người ta từ Bắc vào Nam chiến đấu thì mình đưa đi, nhưng khi con người ta hi sinh thì mình không biết. Đến chỗ chôn ở đâu mình cũng không biết. Về gặp gia đình cậu ấy, tôi biết ăn nói thế nào...", người cựu binh thở dài.

45 năm trước, đánh đảo Song Tử Tây, ông Đào Mạnh Hồng là phân đội trưởng phân đội 1 (đại đội 1 - trung đoàn đặc công hải quân 126) và thân thiết nhất với hạ sĩ Quyền. Chiến trận Song Tử Tây kéo dài 30 phút nhưng 15 phút đầu rất ác liệt.

"Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Đáng lẽ viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước thì Quyền đi sau phát hiện đối phương trong giao thông hào giơ súng nhô ra, cậu ấy lao lên đỡ đạn cho tôi...", người cựu chiến binh rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc không thể quên ấy.

Tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền bị một viên đạn găm vào bụng vẫn cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. "Mấy phút sau quay lại, tôi hỏi thì Quyền bảo em không sao. Thấy Quyền bị thương, tôi để cậu ấy nằm nghỉ, còn mọi người thu dọn chiến trường", ông Hồng kể tiếp.

45 năm đã trôi qua, người cựu chiến binh giải phóng đảo nhớ mãi đêm trước khi chia tay người em, người đồng đội thân thiết về đất liền.

"Tôi và Quyền trải võng ra trong hầm vòm, nằm cạnh nhau tâm sự. Quyền nói sau này chiến tranh kết thúc, anh em mình giao lưu thường xuyên chứ các đồng đội kia ở xa quá chắc ít gặp. Tôi bảo đời quân ngũ mình chỉ có một thời điểm nhất định thôi. Sau này trên quãng đường còn lại, anh em mình thế nào cũng gặp nhau", ông Hồng kể.

Ngày hôm sau, hạ sĩ Quyền theo tàu chở hàng binh về Đà Nẵng. Lúc này anh đau đến nỗi không đi được. Ông Hồng phải bế ra xuồng để đưa lên tàu.

"Lúc đó tôi ôm Quyền khóc - ông Hồng xúc động nhớ lại giây phút chia tay mà không ngờ là lần gặp nhau cuối cùng. Tôi bảo em cứ an tâm điều trị, anh em mình sẽ gặp lại nhau khi cùng tiến vào Sài Gòn. Nó còn cười bảo: các anh cứ yên tâm ở lại. Em khỏe là theo đơn vị chiến đấu ngay".

Một tháng sau khi về Sài Gòn, ông Hồng mới biết hạ sĩ Ngô Văn Quyền đã hi sinh. "Không ai nghĩ Quyền sẽ hi sinh. Nhưng nó lại hi sinh...", người cựu binh bần thần nói.

"Chúng tôi nghe đồng đội anh Quyền kể chỉ còn 35 hải lý nữa vào đến Đà Nẵng thì tàu bị chết máy. Nếu suôn sẻ thì ba ngày về đến đất liền, nhưng tàu chết máy mất sáu ngày mới vào đến bờ.

Dọc đường anh tôi cứ gọi tên bố mẹ, các em, rồi anh hát những bài hát quê hương Hải Phòng. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, máu chảy nhiều quá, anh hi sinh khi chưa kịp vào bệnh viện...", ông Ngô Văn Đại, em trai liệt sĩ Quyền, xúc động kể.

Bà Ngô Thị Huế, 62 tuổi, em gái liệt sĩ Quyền, rưng rưng hồi tưởng người anh đã khuất: "Anh Quyền hiền lành, học giỏi lắm. Từ lớp 1 đến lớp 7 năm nào cũng đứng đầu lớp. Anh đi học về là ra đồng chăn trâu, 13 - 14h mới về.

Nhà chỉ có bát cơm nguội phần anh. Sau này anh đi làm thuê trên Lào Cai, mỗi lần về là tắm rửa cho các em. Làm thuê mấy năm, có lệnh nhập ngũ là anh đi". Và rồi anh Quyền của bà đã đi mãi không về...


Anh Ngô Văn Quyền (bên phải) chụp cùng bạn thân Nguyễn Đắc Lưu khi còn huấn luyện ở Quảng Ninh
Liệt sĩ Tống Văn Quang đã được chuyển mộ về đất liền năm 1985.






Như Ngọc

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

VỤ TRỤC LỢI TẠI CDC HÀ NỘI: CẦN XỬ LÝ NGHIÊM

Ngày 22/4, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222 BLHS xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị có liên quan... Cùng với đó cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 07 bị can: 
1. Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc CDC Thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. 
2. Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội. 
3. Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST). 
4. Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. 
5. Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech. 
6. Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. 
7. Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội. 

VỤ TRỤC LỢI TẠI CDC HÀ NỘI: CẦN XỬ LÝ NGHIÊM

Theo đó quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã có hành vi câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm dụng cụ xét nghiệm COVID-19 (Hệ thống Realtime PCR tự động) lên gấp nhiều lần, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tiếp tục tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật. 
CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn Hà Nội. Là đơn vị thuộc tuyến đầu trong phòng chống Covid-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh lẽ ra đây phải là nơi mang lại cho người dân niềm tin yêu, trân trọng. Thế nhưng sự suy thoái của một số cá nhân đã đi ngược lại tinh thần chống dịch chung của cả xã hội. 
Ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước đã sớm xác định “chống dịch như chống giặc” với sự đồng lòng, chung sức của mọi tầng lớp Nhân dân, quyết đẩy lùi đại dịch Covid-19 thì sự việc trên lại càng không thể chấp nhận. Rõ ràng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng không chỉ quy định pháp luật, mà trong thời điểm này, về mặt đạo đức xã hội thì đó còn là sự táng tận lương tâm của những kẻ tham lam và vô cảm. Trong khi những cụ già, những em nhỏ sẵn sàng quyên góp từng thứ nhỏ nhất, góp vào công cuộc phòng chống dịch thì những người “có ăn có học”, nắm quyền hành trong tay lại lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để vơ vét làm của riêng. 
Đây chỉ là sai phạm của một số cá nhân, dĩ nhiên chúng ta không thể quy chụp hay phủ nhận những nỗ lực chung của toàn ngành Y tế Thủ đô trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính vì vậy, cần phải có bản án nghiêm trị, thích đáng đối với các đối tượng thoái hóa, biến chất, tham nhũng trong chống dịch này để răn đe và làm gương./. 



Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

ĐIỀM TĨNH TRONG CƠN BÃO, ĐÓ LÀ VIỆT NAM

————————————
Giữ được tâm thế bình thường ở mức cao nhất có thể trong bối cảnh cả thế giới đảo lộn bất thường vì COVID-19, đó chính là điều phi thường mà Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến với dịch bệnh. Điềm tĩnh trong bão, đó là Việt Nam.

Trong mọi chỉ đạo về chống dịch bệnh COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn lưu ý, “không chủ quan nhưng cũng đừng hốt hoảng”. Kể cả vào lúc gay cấn nhất, khi kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng chống đại dịch, ông cũng vẫn nhấn mạnh, “không quá hốt hoảng”.

Là nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, để không hốt hoảng, thực sự phải là “thần kinh thép”.

Với khoảng 11 nghìn học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc; 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam; hằng năm có khoảng 5 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Việt Nam và khoảng 15 nghìn lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Trung Quốc “bùng phát” dịch bệnh, cũng là “tiếng sét giữa trời quang” với Việt Nam.

Tuần cuối của tháng 1, hai ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam là người Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cái tết âu lo. Triệu tập cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngay trong chiều mùng 3 tết, Thủ tướng chính thức phát đi mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc”.

Ngay từ lúc ấy, Chính phủ đã xác định “chống giặc” nhưng vẫn phải duy trì một nhịp độ sống bình thường, không để đất nước rơi vào trạng thái “hốt hoảng”. Các kế hoạch phát triển kinh tế vẫn được thúc đẩy quyết liệt. Việc đóng cửa biên giới Việt - Trung để chống dịch bệnh cũng được cân nhắc rất kỹ, bởi kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất và đến nay là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đầu tháng 2, Chính phủ quyết định đóng cửa một phần biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng chỉ trong vòng 3 tuần, quyết định này được nới lỏng, tạo điều kiện cho dòng hàng hóa lưu thông. Trong hoàn cảnh dịch bệnh như vậy, Việt Nam chưa phải tiến hành cuộc giải cứu nông sản nào ở quy mô lớn, có thể xem như là một chiến công.

Đi cùng với đó, không có làn sóng dịch bệnh nào “nhập khẩu” từ Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việt Nam có được ba tuần “nói không” với dịch bệnh, kéo dài từ trung tuần tháng 2 đến hết tuần đầu của tháng 3.

Dịch bệnh trở lại và lần này do từ các nước phương Tây. Đây là thực tế không thể tránh khi Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu rộng nhất thế giới, với 128 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam và lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thường xuyên đạt con số từ 13 đến trên 15 triệu lượt trong những năm qua.

Tháng 3 sẽ đi vào lịch sử thế giới khi lãnh đạo của các quốc gia siêu cường đều gọi dịch bệnh này là thảm họa kinh hoàng nhất kể từ sau Thế chiến II. Chỉ trong vài tuần, đã có hơn 2 triệu người dân ở hầu khắp quốc gia bị nhiễm bệnh và virut Corona đã đoạt mạng của hơn 145 nghìn người.
Có một Việt Nam vẫn khá điềm tĩnh giữa lòng bão táp. Ở Việt Nam, nhiều con đường trở nên vắng vẻ hơn bình thường đều là do người dân tự giác hạn chế ra đường, còn yêu cầu của Chính phủ đưa ra chỉ ở mức khuyến cáo. Thậm chí, khi chính quyền một số địa phương “ngăn sông cấm chợ”, lập tức bị Chính phủ “tuýt còi”.

Mặc dù đã xảy ra tình trạng người dân hốt hoảng kéo đến siêu thị vét sạch các kệ hàng, tuy nhiên sự việc chỉ xảy ra trong vài giờ đồng hồ. Với sự chỉ đạo tức thời từ Chính phủ, tình trạng này không lặp lại trong suốt gần 4 tháng “chiến đấu” với dịch bệnh.

Tại Nhật Bản, hay Thái Lan là những quốc gia có thời điểm xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm COVID- 19 tương tự như Việt Nam, thì đến nay, vẫn đang trầy trật với cuộc chiến. Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo vào ngày 16/4 đã phải quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Hay tại Mỹ, từ ngày 14/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh của Mỹ ban bố cảnh báo theo dõi cấp độ 1, khuyến cáo người Mỹ thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nhưng cho đến giờ, Mỹ vẫn là quốc gia đang lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới vì dịch bệnh.

Trong khi Việt Nam chưa từng xuất hiện đỉnh dịch. Số ca bệnh được chữa khỏi tiến nhanh đến ngưỡng 80% trong khi số ca mắc mới lùi về ngưỡng số 0. Sự bất thường của cuộc chiến với COVID-19 đang ngày càng trở nên bình thường ở Việt Nam và theo đó có một Việt Nam ngày càng trở nên phi thường trong mắt bạn bè quốc tế.

Hiện Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch bệnh, nhưng hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã có bài viết mà từ tiêu đề đến các câu hỏi đặt ra trong bài đều như lời khẳng định. Đó là “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus SARS-CoV-2 như thế nào?”; “Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế để đối phó với dịch COVID-19. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc COVID-19 thấp như vậy?”…

Hãng tin Ðức DPA cũng khẳng định, “biện pháp ứng phó của Việt Nam có thể được xem như bài học cho các nước trong cuộc chiến chống đại dịch”. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đăng bài viết đánh giá Việt Nam trở thành "ngọn hải đăng", với hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.

Tuần báo l’Obs của Pháp quả quyết, Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến này. Việt Nam, một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn.

Trang Asia Times đăng nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch COVID-19./.
Viết Thanh

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ NÓI GÌ VỀ SỰ KIỆN 30/4/1975

————————————
Gần 45 năm trôi qua, đối với thế giới, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử, đánh dấu sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ nhưng là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”, “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn lên đôi chút…”… là những bình luận được đăng trên các tờ báo quốc tế sau sự kiện chấn động khắp năm châu này.

Ngày 30/4/1975, hãng tin Reuters danh tiếng của Anh đã có bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó. Một nhà báo Reuters có mặt tại Sài Gòn viết: “Là phóng viên duy nhất có mặt tại khu vực Phủ Tổng thống, tôi đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu (của quân giải phóng) húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ (ngụy) rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo và bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên mái nhà”.

Cùng ngày, hãng tin UPI của Mỹ mô tả: “Quân đội Cộng sản tươi cười vui vẻ cưỡi xe tăng vào Phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô lớn “Đồng chí” với những người đứng đông bên đường và các báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản”.

Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng.

Theo bài viết, ngày 30/4/1975 là ngày “lịch sử của thế giới”. Cũng trong số ra ngày 1/5/1975, hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của quân Giải phóng tiến nhanh vào dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này, Tướng trung lập Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”. Còn trên Los Angeles Times có đoạn: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”.

Điện tín New York thì cho việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ”. Báo Mặt trời Baltimore viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn – Gia Định”.

Tại châu Á, tờ báo hàng đầu của Nhật Bản Asahi Shimbun đã đăng tải bài xã luận trong đó có đoạn: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.

Ngày 7/5/1975, Báo tin tức Ai Cập viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975.

Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.

Tháng 10/1975, tạp chí châu Âu (Pháp) bình luận: “Sau 30 năm chiến đấu - những cuộc chiến đấu lạ lùng - từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”.

Hãng thông tấn AFP của Pháp cũng bình luận vào ngày 15/12/1975: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện Việt Nam, năm 1975, chứng kiến sự ra đời nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này của thế giới trong tương lai”.

… và 40 năm sau
Nhật báo Denver Post của Mỹ ra ngày 26/4 đăng tải bài viết: “40 năm sau, Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là thước phim tài liệu sống động”. Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là phim tài liệu do đạo diễn Rory Kennedy thực hiện, được sản xuất và công chiếu vào năm 2014. Bộ phim từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim tài liệu dài hay nhất nói về sự sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy trước lực lượng Quân đội nhân dân và quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975.

Báo Denver Post viết: “Bộ phim bắt đầu với Hiệp định Paris năm 1973, Henry Kissinger và Richard Nixon có kế hoạch rút quân trong khi miền Bắc Việt Nam tiếp tục phản đối chiến tranh...”. Trong khi đó, bài viết của nhà báo Peter Arnett do AP đăng tải ngày 25/4 có tựa đề: “Chính quyền Sài Gòn thất thủ - quan điểm của một nhà báo về cuộc chiến tranh kết thúc ở Việt Nam”.

Ngày 30/4/1975, Arnett cùng các đồng nghiệp của AP là Matt Franjola và George Esper đã có mặt để chứng kiến thời khắc lịch sử; để rồi 40 năm sau, Arnett viết cuốn hồi ký “Chính quyền Sài Gòn thất thủ”, ghi lại những gì ông đã trải qua trong chiến tranh ở Việt Nam.

Trước đó, tờ Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh tại Argentina số ra ngày 23/4 vừa qua đăng bài viết tựa đề “40 năm nhân dân Việt Nam anh hùng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” ca ngợi Chiến thắng 30-4 của Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh: “Ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã được giải phóng và đây là cột mốc đánh dấu thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam sau bao năm chiến đấu hy sinh gian khổ, thống nhất đất nước”. Bài báo được đăng ở chuyên mục Quốc tế, điểm lại Chiến dịch Tây Nguyên kéo dài từ ngày 4/3 đến 3/4/1975, mở màn cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, do Quân đội nhân dân Việt Nam phát động.

Theo Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh, cuộc tấn công này mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự sụp đổ với “hiệu ứng domino” của quân đội Mỹ. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang, nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã kề vai sát cánh làm nên chiến thắng. Đây là kết quả của 30 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ của nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tờ báo cũng đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình xe tăng Quân đội giải phóng tiến vào dinh Độc Lập giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Gần 45 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thời thế đã đổi thay, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lai, hội nhập và phát triển. Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn là niềm tự hào, là động lực để nhân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường vinh quang và hạnh phúc.

Lan Phương