KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo báo chí kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

XEM XÉT XỬ LÝ HÌNH SỰ CÁC TRƯỜNG HỢP CỐ TÌNH KHÔNG KHAI BÁO Y TẾ LÀM LÂY NHIỄM DỊCH BỆNH RA CỘNG ĐỒNG

Tại cuộc họp Thường trực Thành Uỷ Hà Nội chiều nay, sau khi nghe BCĐ phòng chống dịch Thành phố, lãnh đạo công an Thành phố, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm báo cáo, Bí Thư Thành Uỷ Vương Đình Huệ chỉ đạo:


“Đối với các trường hợp bệnh nhân cố tình không khai báo y tế để lây nhiễm bệnh ra cộng đồng sẽ xử lý thật nghiêm, cần thiết xem xét xử lý hình sự. Cụ thể ở đây là bệnh nhân 2009 trong thời gian tiêp xúc với F0 đến khi có kết quả dương tính là 12 ngày và tiếp xúc với rất nhiều người trên địa bàn hai quận Nam Từ Liêm mà không khai báo y tế, không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng".
Thường trực Thành Uỷ cũng chỉ đạo: Công an Thành phố sẽ tiếp tục xử phạt nghiêm với mức xử phạt cao nhất đối với người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, xử lý nghiêm người đăn

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: VIỆT NAM HIỆN ĐỨNG Ở VỊ TRÍ THỨ 5 TRONG TỔNG SỐ 140 QUỐC GIA ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ VỀ CHỈ SỐ HÀNH TINH HẠNH PHÚC

'Theo Chỉ số Hành tinh hạnh phúc, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 5 trong tổng số 140 quốc gia được đánh giá. Ba mươi năm trước, Việt Nam đứng thứ 121'.
Đây là nhận định của tác giả Piotr Gadzinowski trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam nở hoa hạnh phúc” đăng trên báo Trybuna ngày 5/2 (trybuna.info).


Theo tác giả bài báo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1-1/2 đã bầu ra ban lãnh đạo mới, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với tỷ lệ tín nhiệm cao.
Bài báo có đoạn nhấn mạnh sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong những đầu tàu. Theo tác giả, vai trò đầu tàu của Việt Nam được thể hiện rõ trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm 2021 và cũng có thể là cao nhất trong khu vực.
Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đối phó tốt nhất với đại dịch COVID-19 trong khu vực. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong đợt phòng chống dịch SARS, các nhà chức trách Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng ngay khi ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2. Bài viết dẫn một nghiên cứu của Viện Lowy, Australia công bố ngày 28/1 cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia đối phó tốt nhất với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tác giả bài viết cũng ấn tượng với chương trình chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội đã được trình bày và thảo luận tại Đại hội Đảng XIII nhằm xây dựng “Quốc gia phồn vinh và hạnh phúc” với hai giai đoạn, đề ra những mục tiêu táo bạo nhằm ngày càng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân Việt Nam. Tác giả bài viết cho rằng đây là một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng người Việt Nam đã hơn một lần chứng minh rằng họ có thể đạt được những thành quả kinh tế vĩ mô ấn tượng.
Điều này đặc biệt đúng kể từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát động chính sách Đổi mới. Nhờ những cải cách này, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993, xuống còn 8% vào năm 2017. Giai đoạn 2011-2020, GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% /năm và ở trong nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tác giả dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá về sự trưởng thành lịch sử này "Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, trình độ dân trí rất thấp, ít được chú ý trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã chuyển mình thành một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình theo đầu người và dân số gần một trăm triệu".
Bài viết nhấn mạnh nhờ chính sách kinh tế - xã hội nhất quán và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ngày nay, Việt Nam đứng đầu trong các nước ASEAN và là nước Đông Nam Á hội nhập cao nhất với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là một đối tác chiến lược trong khu vực của Mỹ. Trên tất cả, Việt Nam được coi là một đất nước anh hùng, đã nhiều lần đứng lên chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập.

NHỮNG BẾP ĂN DÃ CHIẾN TIẾP SỨC CHỐNG DỊCH

Từ giữa đêm, các bếp ăn dã chiến ở khu vực ổ dịch Chí Linh đồng loạt nổi lửa, chuẩn bị hàng nghìn suất ăn cho các cháu nhỏ, người bị cách ly.
10h30 sáng 6/2, hơn 140 hộp cơm thịt gà rang gừng, đỗ xào và súp được nhóm của chị Nguyễn Thị Huyền cùng các tình nguyện viên phường Sao Đỏ, TP Chí Linh giao đến trường mầm non và THCS Lê Lợi, nơi có 140 học sinh tiểu học đang cách ly.


Để chuẩn bị số suất ăn này kịp cho bữa trưa, nhóm đã phải bắt đầu đi chợ, nấu nướng từ 5h sáng. Giao xong bữa trưa, họ lại tất tả chuẩn bị cho bữa chiều.
Hải Dương đang là vùng dịch lớn nhất cả nước với 290 ca dương tính, hàng nghìn F1 và nhiều cụm dân cư bị phong tỏa, rất nhiều y bác sĩ, công an và những người dân khỏe mạnh đã được huy động, chống dịch.
Covid-19 bùng phát khiến công việc của chị Huyền bị gián đoạn nhưng người phụ nữ này "không có thời gian để buồn". Chị lập tức hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố tham gia các nhóm tình nguyện. "Tinh thần mọi người rất cao, với mục tiêu không để ai bị thiếu nhu yếu phẩm. Chúng tôi lập nhóm giúp giải quyết những việc cần làm ngay", chị Huyền, 39 tuổi, chia sẻ.
Những hôm đầu, nhóm của chị kêu gọi ủng hộ màn chống muỗi, mua cam vắt nước, đồ ăn vặt cho các bé. Song, nhận thấy trẻ nhỏ cần một chế độ ăn không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn phải mềm và dễ ăn nên chị Huyền quyết định lập bếp dã chiến.
Bếp bắt đầu hoạt động từ chiều 3/2, với thực đơn ngày đầu gồm chả xắt nhỏ rim, trứng bác, canh khoai nấu xương. Hôm nay chị mua gà về lọc thịt rang gừng, phần xương ninh lấy nước nấu súp ngô nấm. "Các món ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng, lại tăng cường khả năng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa", chị nói.
Mỗi ngày bếp cung cấp gần 300 suất ăn, mỗi suất khoảng 15.000 đồng, chưa kể chất đốt. Kinh phí hoạt động kêu gọi từ các nguồn tài trợ. Trong đó rau củ, mắm muối và gạo được ủng hộ nhiều. Họ lo nhất là kinh phí để mua thịt cá.
Từ ngày có dịch, ba con chị Huyền từ lớp 1 đến 9 ở nhà với bà nội, còn chị và chồng đi từ sáng sớm đến tối muộn. Anh tham gia vào đội vận chuyển miễn phí hàng hóa đến các điểm. "Phải nói là những ngày qua đầu tắt mặt tối, mệt nhưng các con ăn cơm khen ngon, chúng tôi lại có động lực cố gắng", chị cho hay.
Cách đó 30 km, bếp dã chiến Thái Học đã nổi lửa từ 2h sáng, để kịp 7h cung cấp cháo cho trẻ nhỏ và cụ già cách ly trong Đại học Sao đỏ 2. Bếp bắt đầu hoạt động từ 29/1, một ngày sau khi Hải Dương có ca dương tính đầu tiên.
Để dậy sớm, chị Phương Dung, 32 tuổi, phải đi ngủ từ đầu tối nhưng lo trễ giờ nên chưa hôm nào chị ngủ được tới lúc chuông báo thức kêu. Phục vụ bếp gồm 8 thành viên, chia thành 2 địa điểm nấu để tránh tiếp xúc nhiều. Mỗi ngày họ cung cấp khoảng 300 suất cháo. "Cứ nghĩ đến các cụ già, em nhỏ thiếu thốn nhiều thứ là chúng tôi lại mong những suất cháo nóng hổi này tiếp sức cho mọi người", chị Dung chia sẻ.
Còn Bếp Cộng Hòa bắt đầu hoạt động từ mùng 2/2, với 5 tình nguyện viên và các mẹ, các cô từ 10 chi hội phụ nữ trong phường thay phiên nhau. Nhờ lực lượng đông đảo, họ vẫn có thời gian nghỉ ngơi và chăm lo cho gia đình.
Ngoài tặng suất cơm, chi hội còn tổ chức tặng quà cho một số gia đình cách ly khó khăn, ví dụ như một gia đình cả nhà đi cách ly, chỉ còn cụ ông 90 tuổi bị gãy chân và hai cháu nhỏ hay gia đình khác có mẹ bị dương tính, bố làm ăn xa, con mới 7 tháng tuổi ở nhà với bà nội...

TỈNH TÁO TRƯỚC “RỪNG” THÔNG TIN


Còn nhớ khoảng tháng 4 năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Vũ Hán (Trung Quốc) và Việt Nam bắt đầu có ca nhiễm, hàng nghìn người dân Thủ đô Hà Nội thức trắng cả đêm xếp hàng trong siêu thị hoặc đổ xô ra các chợ, vét sạch gần như toàn bộ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu đem về tích trữ trong nhà. Chỉ trong một đêm ấy, các loại hàng hóa từ ngoài chợ đến siêu thị đều sạch bách như có trận lũ quét tràn qua.


Giờ nghĩ lại chuyện đó, chắc hẳn nhiều người thấy buồn cười, bởi rõ ràng đó là biểu hiện của sự lo lắng quá mức, tâm lý bất ổn, hoảng hốt trước những thông tin thật giả lẫn lộn khiến mọi người mất tỉnh táo. Sau đó, tuy dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng không còn ai có khái niệm tích trữ hàng hóa, bởi họ thấy rõ cho dù thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi, song cuộc sống và sinh hoạt vẫn bình thường, không có gì bị đảo lộn.
Còn bây giờ, những thông tin về dịch Covid-19 với những biến chủng mới phức tạp đã khiến một bộ phận người dân hoảng sợ. Những ngày vừa qua, tại các nhà ga, đại lý vé máy bay, có hàng trăm người đã mua vé Tết xin trả và hủy vé, khiến các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải đường sắt hết sức lúng túng. Phần lớn những người trả vé là công nhân đi làm ăn xa, họ trông ngóng từng ngày để về quê đón Tết, sum họp gia đình. Dù ngày Tết đã cận kề, vé tàu xe mua sẵn từ lâu, nhưng do hoảng sợ, nhiều người vẫn đổ xô ra ga, liên hệ các đại lý để trả, hủy vé, bất chấp việc các đơn vị, doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không đã và đang triển khai biện pháp phòng, chống dịch hết sức nghiêm ngặt. Nhiều người dân cho biết, họ cũng rất muốn về quê, nhưng đành phải trả vé và chịu thiệt 30% phí do lo ngại đi tàu xe có nguy cơ lây nhiễm, hơn thế không biết quê mình có bị bắt cách ly hay không. Trong khi đó, những thông tin chuẩn xác từ các địa phương và cơ quan chức năng lại rất ít và mờ nhạt.
Sự bùng phát dịch bệnh là "mảnh đất màu mỡ" cho những tin đồn bịp bợm, bởi trong khi đông đảo người dân đều thắc mắc, tò mò muốn biết thông tin thì giới chuyên môn lại chưa thể hiểu biết nhiều về bệnh vì quá mới. Hơn chục năm trước, dịch SARS bùng phát ở nước ta, nhưng lúc đó mạng in-tơ-nét chưa bùng nổ như hiện nay, nên những loại thông tin gây nhiễu loạn chưa có nhiều điều kiện phát tán. Còn hiện nay, sự xuất hiện dày đặc những thông tin đúng sai lẫn lộn đã gây tâm lý bất an, nhiều người chỉ nghe những gì họ muốn nghe để củng cố niềm tin và định kiến sẵn có, hơn là nghe và tin sự thật, cái đúng. Lịch sử dịch bệnh cho thấy thông tin sai trái, đồn thổi có thể thắng thế tạm thời, nhưng cuối cùng phải trả lại chỗ cho sự thật.
Sau những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý, "bộ lọc" cuối cùng và quan trọng nhất không ai khác chính là những người tiếp nhận thông tin. Mỗi người cần bình tĩnh và vận dụng trí tuệ, suy nghĩ thấu đáo để đưa ra những quyết định đúng đắn. Việc hàng nghìn người dân đổ xô đi trả vé tàu xe, máy bay cũng tương tự như việc hàng nghìn người đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, chấp nhận mất phí rất cao và mất luôn cả những ngày Tết sum họp, đầm ấm bên gia đình. Sợ hãi có thể giúp con người cảnh giác để hành động mạnh mẽ hơn, nhưng trong một số trường hợp, nó cũng có thể gây hậu quả khó lường.
Đứng trước rừng thông tin, người dân cần có "bộ lọc", tỉnh táo lựa chọn để giảm thiệt hại do "dịch" thông tin sai trái gây ra./.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Phú Yên: KHỞI TỐ, CHO NHẬP KHO ĐỐI TƯỢNG PHẢN ĐỘNG !!

Đối tượng Ngô Công Trứ thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội bài viết, hình ảnh, video kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động “TCDY", ủng hộ tổ chức phản động Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời.


Ngày 4/2, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Yên cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bị can Ngô Công Trứ (sinh năm 1988, trú xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên) để điều tra về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 1, Điều 109 Bộ luật Hình sự 2015.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 2/2020, thông qua mạng xã hội facebook và kênh youtube, Ngô Công Trứ đăng ký tham gia “Trưng cầu dân ý” theo lời kêu gọi của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.”
Ngô Công Trứ được tổ chức này cấp mã “TCDY” và cũng là mã công dân của “Đệ tam Việt Nam Cộng hòa” do tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập.
Đến tháng 8/2020, Trứ được tổ chức này kết nạp làm thành viên và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia các hoạt động của tổ chức. Trứ thường xuyên tham gia nhóm họp trực tuyến của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” để thảo luận, nhận chỉ đạo hoạt động từ số đối tượng cầm đầu, cốt cán ở bên ngoài.
Trứ cũng thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội các bài viết, hình ảnh, video kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động “TCDY,” ủng hộ tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời,” ủng hộ Đào Minh Quân về nước lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, từ tháng 2/2020-1/2021, Ngô Công Trứ còn tuyên truyền, lôi kéo, lấy thông tin của 8 người thân trong gia đình để tham gia hoạt động “Trưng cầu dân ý” của tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”; 8 người này đã được cấp mã “TCDY.”
Qua vụ việc trên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe và tin theo lời dụ dỗ của các thế lực thù địch, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, lôi kéo người dân chống phá Đảng, Nhà nước dẫn đến vi phạm pháp luật./.

PHẠT 10 TRIỆU ĐỒNG VÌ TUNG TIN SAI SỰ THẬT VỀ COVID-19

Chiều 4-2, ông Lê Đức Tuyên - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng với anh Đ.H.M.T (SN 1994, trú tại phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) theo điểm a, khoản 1, điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03-02-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.


Trước đó, khoảng 15 giờ 37 phút cùng ngày, anh T. đã sử dụng tài khoản Facebook có tên TY đăng tải bài viết lên nhóm “81gialai” với nội dung “xe Đức Đạt Tài Xế Ayun Pa Bị Covid Rồi Nha, Anh Em Cẩn Thận…!” kèm theo hình ảnh chụp màn hình trang Facebook của Xe Đức Đạt Gia Lai. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đăng tải, chủ tài khoản đã xóa bài viết.
Qua quá trình rà soát trên không gian mạng, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh) đã phát hiện sự việc và phối hợp cùng Công an TP. Pleiku xác minh chủ tài khoản đã đăng tải nội dung sai sự thật trên. Qua đó xác định anh T. chính là người đã sử dụng tài khoản này nên đã mời làm việc. Ban đầu, anh T. quanh co, chối cãi không thừa nhận hành vi của mình.
Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh với những chứng cứ của lực lượng chức năng, anh T. đã khai nhận rằng: Anh vốn là phụ xe khách của 1 hãng xe chạy tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh. Chiều 04-02, khi đang ngồi nhậu cùng bạn bè vì đã say không làm chủ được mình nên đã đăng tải thông tin việc tài xế của hãng xe Đức Đạt nhiễm Covid-19. Khi được bạn bè nhắc nhở, anh đã nhận thức được việc làm sai trái nên xóa bài viết./.

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

Các học viên trẻ luôn sẵn sàng với nhiệm vụ khóa chặt biên giới, ngăn chặn xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ đất nước.
Với nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19, bảo vệ chủ quyền, hàng trăm lượt học viên Học viện Biên phòng đã “xếp bút nghiên” lên đường làm nhiệm vụ. Biên giới với những hình hài cột mốc, cương vực của quốc gia lần đầu hiện lên một cách trực quan, sinh động trong mắt các học viên trẻ.


Ngày 11-1, 400 sinh viên Học viện Biên phòng đã rời Hà Nội để tăng cường lên năm tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Long An, An Giang).
Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng, cho biết: Năm 2020, trước nguy cơ hiện hữu của đại dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã lệnh cho học viện tổ chức ba đợt với hơn 750 cán bộ, giảng viên, học viên tăng cường cho các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Những học viên trẻ tuổi đều là những chàng trai tuổi 19-20, đang là học viên năm hai của học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đầu năm nay, với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiệm vụ khóa chặt biên giới, ngăn chặn xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ đất nước lại được giao cho 460 cán bộ, giảng viên, học viên.
Với Phạm Quang Huy, người con của Tháp Chàm, Ninh Thuận, đây là lần thứ hai em được đón cái lạnh của miền Bắc nhưng lại là lần đầu tiên trải qua cái giá rét của miền biên thùy.
“Quê em chỉ có mùa mưa và mùa khô. Giá lạnh ở miền Bắc em đã trải qua một mùa nhưng mùa đông biên giới thì đây là lần đầu tiên. Một mùa đông đầy khắc nghiệt và thiếu thốn” - Huy nói.
Huy bấm ngón tay nói với chúng tôi: “Lán bọn em là lán ba không: Không điện, không nước, không sóng điện thoại”. Những khi nghỉ ngơi, Huy chỉ biết nhìn xung quanh chòi lán, nghe tiếng gió lùa, lúc lạnh quá thì đốt lửa sưởi.
“Mọi thứ ở đây khó khăn hơn những gì bọn em tưởng tượng, dù các anh khóa trước trở về đã truyền đạt lại điều kiện và kinh nghiệm nhưng tất cả đều bất ngờ. Tuy nhiên, nhìn các bác, các chú ở đây thì chúng em càng có thêm động lực dù nhiều người đã mấy tháng rồi không được về nhà với vợ con” - Huy tâm sự.
Tính ra Huy vẫn còn may mắn hơn nhiều học viên khác. Ở điểm chốt 1099, nơi có học viên Lê Hoàng Anh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) được tăng cường lên, các cán bộ, chiến sĩ phải vác đất, đưa thùng xốp lên để trồng rau. “Rau ở đây cũng chỉ là rau gia vị, anh em trồng thỉnh thoảng nhón một ít bỏ vào bát mì cho nó sinh động thôi” - anh Nông Văn Tôn, Phó trạm trưởng, chia sẻ.
Lán trại này các anh nuôi được gần 10 con gà, anh Tôn bảo cứ nhìn tuổi gà là biết thời gian anh em cắm chốt ở đây. Những con gà con được nuôi từ khi lán được lập ra, gà con thành gà mẹ rồi lại đẻ gà con, đàn gà cứ sống và lớn lên như cây rừng vậy.
Nói là nuôi gà để thỉnh thoảng cải thiện đời sống hay gặp dịp gì đó liên hoan nhưng chín con gà vẫn chưa con nào bị tách đàn. “Có thịt gà ăn thì tốt rồi nhưng có tiếng gà, tiếng chó cũng vui, thấy không khí ở nhà hơn” - anh Tôn bảo.
Dịp tết này, lán 1099 cũng là nơi được lựa chọn để tổ chức đón tết Nguyên đán tại đây. Một bàn thờ đã được dựng lên chông chênh trên đất đá, ở đó ngoài ảnh Bác Hồ còn có cờ Tổ quốc.
Ngoài nuôi gà, lán 1099 cũng nuôi cả chó. Những con chó không chỉ là những người bạn mà còn là những “chiến sĩ” cảnh giới hết sức có hiệu quả. Chó giúp cảnh giới, giúp phát hiện người xâm nhập biên giới bất hợp pháp, anh Tôn bảo thế.
“Tổ quốc cần, con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”
Nhiệm vụ tăng cường lên biên giới đối với nhiều học viên trẻ là một nhiệm vụ bất ngờ. Nhiều em tâm sự trước đó cha mẹ gọi điện thoại thông báo năm nay đã nuôi được một con heo béo, mấy con gà thả vườn, chỉ đợi con về để cải thiện.
Sau khi nhận được thông báo của nhà trường, học viên Nguyễn Nhật Huy, quê Bố Trạch, Quảng Bình tâm sự với tôi rằng em đã mất ba ngày để lấy dũng khí thông báo cho cha mẹ rằng: Xuân này con không về.
“Phản ứng của cha mẹ như thế nào khi em thông báo như thế?” - tôi hỏi. Huy đáp chỉ thấy mẹ lặng đi một lúc, sau đó thì mẹ bảo: “Con không về ăn tết với bố mẹ thì bố mẹ nào cũng buồn nhưng Tổ quốc cần, biên giới cần hơn thì con phải cố gắng mà hoàn thành nhiệm vụ”.
Với Phạm Quang Huy thì việc đón tết xa nhà đã được xác định từ trước. “Vì không lên đây làm nhiệm vụ thì em cũng làm nhiệm vụ tại học viện mà không được đón tết với gia đình” - Huy nói.
Dù vậy, mỗi khi đêm về, nghe tiếng gió rít bên ngoài cũng khơi gợi nỗi nhớ nhà cho chàng lính trẻ. Huy và những học viên được tăng cường lên biên giới vẫn chưa biết được ngày về, tất cả cũng đều phải căn cứ vào tình hình thực tế của dịch. Dù buồn nhưng Huy cũng chia sẻ cậu rất tự hào vì đã đóng góp sức mình vào nhiệm vụ chung. Lên đây, đơn vị của Huy đã thu dung được 12 vụ, trên 130 người tại chốt Tân Cương xâm nhập biên giới bất hợp pháp.
Học viên Lê Hoàng Anh thì không giấu được cảm xúc của mình khi được nhắc đến vì phải đón tết ở miền biên viễn này. Nhà có ba anh em, một người anh của Hoàng Anh đã mất, một người anh khác cũng đang công tác trong một đơn vị quân đội, tết này cũng phải trực chiến.
“Mẹ ngóng em về tết nhất nhưng em không về được chắc mẹ buồn lắm. Nhưng khi em thông báo, mẹ cũng rất tự hào vì em đã được nhận nhiệm vụ quan trọng, góp phần để nhân dân vui tết, đón xuân an toàn” - Hoàng Anh chia sẻ.

GIỮ VỮNG BẢN CHẤT CÁCH MẠNG VÀ TÍNH TIỀN PHONG CỦA ĐẢNG

Một sự trùng hợp ý nghĩa: Dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng năm nay cũng đúng dịp cả nước chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Phát biểu tại lễ ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Chúng tôi xin hứa trước Đại hội, trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp nối, kế thừa những thành quả cách mạng đã đạt được, cùng với toàn Đảng, toàn dân phát huy những truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, dân tộc ta, tăng cường đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động; luôn luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới và lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta".
91 năm trước, ngày 03/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã minh chứng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam với biết bao kỳ tích. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đất nước càng phát triển, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, càng chứng tỏ tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai.
Ngày nay, trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, càng đòi hỏi phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu sao nhãng, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực kiên trì rèn luyện và học tập thì rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng Đảng đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ. Tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì đảng đó có sức mạnh vô địch, dẫn dắt dân tộc đi lên. Việc làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm với quan điểm "không vùng cấm, không ngoại lệ" trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ "xử một số người để cứu muôn người".
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đại hội XIII đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

PHẠT NGƯỜI TUNG TIN BỆNH NHÂN COVID-19 ĐI HÁT "CÓ TAY VỊN"

Công an tỉnh Thái Nguyên vừa xử phạt hành chính một nam thanh niên 30 tuổi ở TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, số tiền 5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 28/01, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện tài khoản Facebook do nam thanh niên trên sử dụng, đăng tải bài viết với nội dung "Covid đi hát có tay vịn luôn". Đi kèm bài là hình ảnh chụp một tờ báo cáo "Lịch trình di chuyển của bệnh nhân P.A.T.". Trong báo cáo có nội dung ghi bệnh nhân đi hát ở Quảng Ninh có "tay vịn".
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định nội dung bài đăng là sai sự thật, bịa đặt. Cụ thể, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết nội dung tờ khai trên không phải do anh T. hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà là do kẻ xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng, chống dịch.
Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập nam thanh niên 30 tuổi đến trụ sở làm việc. Tại đây, người này khai nhận khi xem Facebook đã thấy và đăng tải lại bài viết trên mà không kiểm chứng sự thật./.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

91 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG: XỨNG ĐÁNG VỚI ĐÁNH GIÁ ‘ĐẢNG TA THẬT LÀ VĨ ĐẠI’

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nhiều kỳ tích.


Trải qua 91 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.


Với những cống hiến to lớn đó, Đảng vô cùng xứng đáng với lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại.”
Nhìn lại lịch sử từ giữa thế kỷ XIX khi đất nước chưa có Đảng lãnh đạo để thấy, mặc dù nhân dân, dân tộc ta đã dũng cảm vùng lên không chịu khuất phục trước sự xâm lược, áp bức, đè nén của chủ nghĩa thực dân nhưng không thành công.
Điển hình như cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Ngày 3/2/1930, sau gần 20 năm đi tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc; là bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX và cũng là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.
Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng gồm Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám "long trời, lở đất," lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà vào ngày 2/9/1945.
Và ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, cách mạng cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm."
Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc," bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trên cơ sở đường lối kháng chiến "toàn dân," "toàn diện," "trường kỳ," "dựa vào sức mình là chính," phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ," "không có gì quý hơn độc lập, tự do;" trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc."
Sau ngày giang sơn thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, từ Đại hội VI trở đi, xuất phát từ sáng kiến và nguyện vọng của nhân dân, đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới chưa từng có tiền lệ trên đất nước ta.
Thực tế, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị-xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.
Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.