Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

TỈNH TÁO TRƯỚC “RỪNG” THÔNG TIN


Còn nhớ khoảng tháng 4 năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Vũ Hán (Trung Quốc) và Việt Nam bắt đầu có ca nhiễm, hàng nghìn người dân Thủ đô Hà Nội thức trắng cả đêm xếp hàng trong siêu thị hoặc đổ xô ra các chợ, vét sạch gần như toàn bộ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu đem về tích trữ trong nhà. Chỉ trong một đêm ấy, các loại hàng hóa từ ngoài chợ đến siêu thị đều sạch bách như có trận lũ quét tràn qua.


Giờ nghĩ lại chuyện đó, chắc hẳn nhiều người thấy buồn cười, bởi rõ ràng đó là biểu hiện của sự lo lắng quá mức, tâm lý bất ổn, hoảng hốt trước những thông tin thật giả lẫn lộn khiến mọi người mất tỉnh táo. Sau đó, tuy dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng không còn ai có khái niệm tích trữ hàng hóa, bởi họ thấy rõ cho dù thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi, song cuộc sống và sinh hoạt vẫn bình thường, không có gì bị đảo lộn.
Còn bây giờ, những thông tin về dịch Covid-19 với những biến chủng mới phức tạp đã khiến một bộ phận người dân hoảng sợ. Những ngày vừa qua, tại các nhà ga, đại lý vé máy bay, có hàng trăm người đã mua vé Tết xin trả và hủy vé, khiến các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải đường sắt hết sức lúng túng. Phần lớn những người trả vé là công nhân đi làm ăn xa, họ trông ngóng từng ngày để về quê đón Tết, sum họp gia đình. Dù ngày Tết đã cận kề, vé tàu xe mua sẵn từ lâu, nhưng do hoảng sợ, nhiều người vẫn đổ xô ra ga, liên hệ các đại lý để trả, hủy vé, bất chấp việc các đơn vị, doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không đã và đang triển khai biện pháp phòng, chống dịch hết sức nghiêm ngặt. Nhiều người dân cho biết, họ cũng rất muốn về quê, nhưng đành phải trả vé và chịu thiệt 30% phí do lo ngại đi tàu xe có nguy cơ lây nhiễm, hơn thế không biết quê mình có bị bắt cách ly hay không. Trong khi đó, những thông tin chuẩn xác từ các địa phương và cơ quan chức năng lại rất ít và mờ nhạt.
Sự bùng phát dịch bệnh là "mảnh đất màu mỡ" cho những tin đồn bịp bợm, bởi trong khi đông đảo người dân đều thắc mắc, tò mò muốn biết thông tin thì giới chuyên môn lại chưa thể hiểu biết nhiều về bệnh vì quá mới. Hơn chục năm trước, dịch SARS bùng phát ở nước ta, nhưng lúc đó mạng in-tơ-nét chưa bùng nổ như hiện nay, nên những loại thông tin gây nhiễu loạn chưa có nhiều điều kiện phát tán. Còn hiện nay, sự xuất hiện dày đặc những thông tin đúng sai lẫn lộn đã gây tâm lý bất an, nhiều người chỉ nghe những gì họ muốn nghe để củng cố niềm tin và định kiến sẵn có, hơn là nghe và tin sự thật, cái đúng. Lịch sử dịch bệnh cho thấy thông tin sai trái, đồn thổi có thể thắng thế tạm thời, nhưng cuối cùng phải trả lại chỗ cho sự thật.
Sau những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý, "bộ lọc" cuối cùng và quan trọng nhất không ai khác chính là những người tiếp nhận thông tin. Mỗi người cần bình tĩnh và vận dụng trí tuệ, suy nghĩ thấu đáo để đưa ra những quyết định đúng đắn. Việc hàng nghìn người dân đổ xô đi trả vé tàu xe, máy bay cũng tương tự như việc hàng nghìn người đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, chấp nhận mất phí rất cao và mất luôn cả những ngày Tết sum họp, đầm ấm bên gia đình. Sợ hãi có thể giúp con người cảnh giác để hành động mạnh mẽ hơn, nhưng trong một số trường hợp, nó cũng có thể gây hậu quả khó lường.
Đứng trước rừng thông tin, người dân cần có "bộ lọc", tỉnh táo lựa chọn để giảm thiệt hại do "dịch" thông tin sai trái gây ra./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét