Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

VIỆT NAM CÓ BỊ BẤT NGỜ TRONG CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC KHÔNG?

Câu trả lời là có. Nhưng sự bất ngờ ở đây là chúng ta bị bất ngờ mang tính chiến dịch, mang tính thời điểm cuộc chiến. Bởi các hành động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Việt Nam đã được phía Trung Quốc chuẩn bị từ trước rất lâu. Như thăm dò về mặt tư tưởng, tìm sự hậu thuận từ Mỹ, Đặng Tiểu Bình đã thăm một loạt các nước Đông Nam Á và tuyên bố sẽ "dạy cho Việt Nam một bài học". Lúc đầu Trung Quốc dự tính sử dụng 6 quân đoàn chủ lực đánh 3-5 ngày vào một số huyện biên giới, tiêu diệt một đến hai sư đoàn Việt Nam. Ngày 31/12/1978, Quân ủy Trung Quốc lại họp hội nghị tác chiến, quyết định mở rộng quy mô chiến tranh, tăng thêm 3 quân đoàn, đổi mục tiêu tấn công huyện lỵ thành các tỉnh lỵ biên giới; thời gian kéo dài lên 15-20 ngày, nhằm tiêu diệt 3 đến 5 sư đoàn Việt Nam.


Để đối phó với tình hình trên, phía Việt Nam đã tăng cường chuẩn bị các vị trí phòng ngự, sẵn sàng cho cuộc chiến. Đồng thời, tích cực huấn luyện và trang bị vũ khí hạng nhẹ cho dân quân các tỉnh biên giới. Ngày 01/01/1979, các lực lượng vũ trang biên giới được lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Về mặt quân chủ lực, trước khi đánh Polpot, TBT Lê Duẩn đã hỏi tướng Lê Trọng Tấn về việc Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh. Tướng Lê Trọng Tấn đã trả lời: "Trung Quốc 25 năm qua chưa trận mạc không có gì đáng ngại, chỉ cần tăng cường năng lực chiến đấu cho dân quân tự vệ dọc tuyến biên giới là đủ kìm chân Trung Quốc ít nhất 1 tháng; để bảo vệ Thủ đô chỉ cần Quân đoàn 1 và 5 Sư cơ động là đủ kìm chân Trung Quốc ít nhất trong 6 tháng. Tôi tin ta đủ khả diệt bọn Ponpot trong 2 tuần rồi lập tức quay ra Bắc ứng chiến". Và quả thật đúng như dự liệu của tướng Tấn, chúng ta giải quyết Polpot chưa đến 2 tuần và nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, chúng ta lập cầu hàng không chuyển quân ra Bắc. May cho quân Trung Quốc là quân chủ lực của chúng ta chưa tham chiến.
Tuy nhiên, thủ đoạn xảo quyệt của Trung Quốc thì chúng ta khó lường về mặt thời gian chúng tấn công. Thậm chí, phía Trung Quốc còn chủ động giảm mức căng thẳng tại khu vực biên giới, tăng cường giao lưu giữa các lực lượng vũ trang. Điều này khiến ngay trước khi Trung Quốc tấn công, ngày 15/02 ngoại trừ các xã biên giới và một vài đơn vị, các lực lượng trên tuyến một được hạ cấp xuống trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Thế nên mới có chuyện hôm trước biên phòng ta còn giao lưu bóng chuyền với quân Trung Quốc mà hôm sau đã chĩa súng bắn nhau.
Lịch sử để lại cho ta nhiều bài học. Ôn lại lịch sử là một lần chúng ta nhắc lại những bài học đó để hiện tại và tương lai, chúng ta kiên quyết giữ độc lập, chủ quyền, hòa bình, ổn định nhưng cũng không để Tổ quốc bị bất ngờ.
P/s : Bức ảnh cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh) vào tháng 12/1978. 45 chiến sĩ Pò Hèn đã hi sinh ngay ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét