Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

CHIẾN ĐẤU GIỮA THỜI BÌNH

Người trong ảnh là chiến sĩ Đinh Văn Dương, anh là người duy nhất còn sống sau vụ rơi máy bay huấn luyện tại Hòa Lạc vào ngày này đúng 8 năm trước (07/07/2014). Nếu ai trong số chúng ta cảm thấy không còn thiết tha gì cuộc sống nữa, không muốn hít thở bầu không khí ngoài kia… thì có lẽ họ sẽ cần biết về anh.

Anh từng trải qua gần 30 lần phẫu thuật, hơn 50 lần tập vật lý trị liệu, nhiều lần các bác sĩ tiên liệu rằng anh sẽ về với đồng đội và mất tới 99% sức khỏe… Con số 1% hy vọng sống còn lại thật nhỏ, đúng không? Sau ngày định mệnh giữa năm 2014, từ một người lính đặc công cao trên mét bảy, thân thể cường tráng thì hiện nay, chiều cao của anh chỉ còn khoảng trên mét mốt, các chi của anh bị biến dạng nghiêm trọng, làn da của anh cũng lấm tấm những vết sẹo do bỏng… Điều ước của anh đơn giản đến mức mà gần như chúng ta ai cũng dễ dàng có được: một đôi tay - để anh có thể tự bưng cơm ăn, tự rửa mặt, dạy con cái viết chữ và đánh máy vi tính làm thêm phụ giúp vợ.
Anh chia sẻ rằng, có những lúc anh muốn buông xuôi, nhưng anh nghĩ đến 20 đồng đội của anh đã hy sinh vào ngày ấy, anh phải vững mạnh sống tiếp. Sống lúc này không còn chỉ là sống nữa còn mà là chiến đấu, chiến đấu với chính bản thân anh, chiến đấu cho vợ con anh, cho gia đình anh, cho những người đồng đội đã khuất… Với người lính Cụ Hồ, chiến đấu vừa là bản năng, vừa là trách nhiệm, vừa là khát khao…
Trái tim của anh đã ba lần ngừng đập và cũng ba lần trái tim ấy đập lại. Cơ thể anh bị tàn phá đến mức các bác sĩ không thể tìm thấy ven để truyền dịch. Có lần, anh đòi bằng được người nhà cho soi gương, người nhà nghĩ rằng anh sẽ thất vọng lắm nhưng anh chỉ cười nhẹ và nói: “Lạ kìa, sao nhìn con lại béo và xấu thế nhỉ?!”. Sau lần ấy, anh không phàn nàn điều gì nữa, vì trong 21 chiến sĩ ở ngày hôm ấy, chỉ có một mình anh có được cái “hạnh phúc” là được soi gương - một thứ “hạnh phúc” mà phần đông chúng ta đều trải nghiệm hàng ngày.
Hầu như chúng ta đều là những người bình thường, chưa quen với cô đơn hay mất mát. Vậy mất mát ở đây là gì? Có khi chỉ là chuyện một người phụ nữ đeo đồng thời hai chiếc nhẫn cưới trong cùng một bàn tay. Như chuyện dạy đứa con bi bô tập nói tiếng “ba” giữa ngày tiễn đưa ba về với đất mẹ…
Cách đây ít lâu, dân mạng râm ran câu chuyện ở bên Trung Quốc, một nữ sinh bị kiện vì được được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi cao khảo do ba hy sinh khi làm nhiệm vụ. Và ngay tại Việt Nam chúng ta thôi, vẫn đang có một làn sóng hủy bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên. Với họ, thi cử là công bằng và phải dựa trên thực lực. Nhưng, một chút điểm số có thể khiến một người vươn lên trong một cuộc thi nhưng nỗi đau đớn theo họ cả một cuộc đời. Chắc là không có người con nào muốn ba mẹ hy sinh để mà được cộng điểm đâu, nhỉ?
Gần 3000 ngày đã trôi qua kể từ tai nạn Hòa Lạc ngày ấy, 20 chiến sĩ ưu tú của quân đội nhân dân Việt Nam đã tạm biệt gia đình, người thân và nhân dân… 20 con người với biết bao nhiêu ước mơ, lời hứa còn dang dở… Chừng ấy thời gian có lẽ đã làm nguôi ngoai đi phần nào niềm đau và cũng chừng ấy thời gian, có một con người vẫn lặng lẽ sống và chiến đấu...
Mỗi người chúng ta có bao nhiêu lần được sống? - "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí." - Nikolai Alexeevich Ostrovsky
Giữa sa mạc có ốc đảo, giữa những bi thương của cuộc sống, hãy tự nhủ rằng phải vươn mình thật mạnh mẽ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét