Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

LÁ THƯ THIÊNG CỦA LIỆT SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

LÁ THƯ THIÊNG CỦA LIỆT SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Lê Văn Huỳnh đã tạm biệt giảng đường, tạm biệt mẹ, người vợ trẻ và quê hương để lên đường vào Nam chiến đấu. Bức thư được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm.
“Quảng Trị, ngày 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh….
Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm.Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh…
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này…
Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.”


Trong cả bức thư không hề có từ “hi sinh”, anh xem cái chết của mình như một sự tự nhiên, một điều sẽ xảy ra vì tương lai đất nước và cho một Việt Nam độc lập như ngày hôm nay. Những người lính trẻ năm ấy cũng thế, họ sẵn sàng dùng xương máu mình để đổi lấy điều quí giá hơn cho người khác, họ biết mình sẽ hi sinh nhưng vẫn tiến vào trận tiền.
Tất cả chúng ta trong ngày hôm nay hãy kính cẩn cúi đầu nhớ công ơn tới những người lính đã hi sinh mùa xuân của bản thân để đổi lấy mùa xuân của Tổ Quốc hôm nay.

VĐĐC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét