Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

HÃY CẢNH GIÁC VỚI PHÁP LUÂN CÔNG

Pháp luân công hay còn gọi là “Pháp luân đại pháp” do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 ở Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc; sử dụng tài liệu tuyên truyền là các sách: “Chuyển pháp luân”, “Đại viên mãn pháp”, “Tinh tấn yếu chi” và luận thuyết: Pháp luân công là một trong tám tư nghìn pháp môn tu hành của Phật gia, tập Pháp luân công là thực hành nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, tu dưỡng đạo đức, nâng cao sức khoẻ... để tuyên truyền lôi kéo nhiều người tin theo.

​Pháp luân công được truyền vào Việt Nam từ năm 2000. Đây thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà chỉ đi vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác; mượn vỏ bọc của một môn tu luyện rèn luyện sức khoẻ, đồng thời lợi dụng các yếu tố tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham gia, khuếch trương thanh thế, đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân. Trong nội dung tuyên truyền của Pháp luân công có một số quan điểm phản khoa học như: “Người tập Pháp luân công làm cho con người đạt đến khai công, khai ngộ, công thành viên mãn, linh hồn bất diệt; ai ngăn cản là ma quỷ” hoặc “nguyên nhân của bệnh tật là do những việc xấu của kiếp trước, nếu tin tưởng vào luyện công, dừng ngay việc uống thuốc, không cần khám chữa trị tự nhiên có người chữa trị cho...”
​Những năm gần đây, Pháp luân công truyền bá mạnh mẽ ở Việt Nam, một số đối tượng hoạt động mang màu sắc chính trị, vi phạm pháp luật gây mất an ninh trật tự. Bản chất của Pháp luân công là lợi dụng việc tập luyện để lôi kéo, tập hợp lực lượng tham gia các hoạt động chính trị, có các luận điệu phản khoa học, phản văn hoá. Do vậy, quần chúng nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động của Pháp luân công. Khi phát hiện hoạt động tuyên truyền, phát tán tài liệu, tụ tập luyện tập Pháp luân công cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét