Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

 "NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ"

Cách đây mấy năm tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, có một cựu chiến binh vẫn lầm lũi mưu sinh kiếm thêm để nuôi người vợ bệnh nằm liệt giường. Do di chứng chiến tranh và tuổi già, người cựu binh ấy vừa bị đãng trí, vừa bị điếc hoàn toàn… Ông không nghe được người ta nói gì, chỉ quơ tay ra những kí hiệu mà đôi khi người ta không hiểu và dáng người gầy lê từng bước mệt mỏi. Trong gian nhà hơn chục mét vuông ấy có treo những tấm huy chương qua năm tháng, tấm ảnh Bác và tướng Giáp, lá cờ Tổ Quốc… Trong 2 năm đại dịch, bác cựu chiến binh mà tôi biết xung phong làm tổ trưởng tổ chống dịch cộng đồng, bác bảo với cánh trẻ rằng: “Chúng mày đi làm kiếm tiền lo cho gia đình, đất nước này cho tao nhiều rồi. Bom đạn không giết được tao thì dịch bệnh là cái gì”.

Trong số chúng ta, có bao nhiêu người như những người cựu chiến binh ấy?
“Thế hệ trẻ ở Việt Nam bây giờ không quan tâm đến lịch sử, hay những gì mà cha mẹ và ông bà họ đã trải qua. Anh con trai 39 tuổi của tôi là một sĩ quan trong quân đội, nhưng cậu ấy chưa bao giờ thắc mắc về câu chuyện của tôi, hoặc tỏ ra quan tâm đến nó. Tôi lo rằng khi bạn bè, đồng đội và cả tôi chết đi, lịch sử và câu chuyện của chúng tôi cũng sẽ bị lãng quên…” - một bác gái từng là một y tá ở tiền tuyến trên mặt trận Bình Định và Mậu Thân 1968 lặng lẽ kể lại.
Một bác cựu chiến binh dành phần lớn thời gian sau này để đi tìm mộ phần đồng đội vì một lời hứa trước lúc ra trận: “Đứa nào còn sống thì cố gắng tìm hài cốt mang về cho gia đình những người đã mất”. Hơn 40 năm cho hành trình đưa đồng đội trở về, nhưng sức người có hạn, đất nước ta thì rộng, những người sống sót qua chiến tranh lại không thể thắng được thời gian. Rồi bác về với đồng đội với ước mơ dở dang. Bao nhiêu người trong số chúng ta có thể nhớ được lời hứa và thực hiện chúng bền bỉ trong suốt 40 năm?





Một người bạn của tôi chia sẻ rằng hồi bố bạn ấy còn sống, thi thoảng đêm nghe thấy tiếng súng, tiếng bom nổ, tiếng gọi nhau. Nhiều lúc ông bật đài nghe xuyên đêm, lúc đài hỏng không bắt được sóng thì để tiếng rè rè đi ngủ. Một bác cựu chiến binh bị người ta bắt gặp khi đang đi bộ giữa tờ mờ sáng, hóa ra là bác không ngủ được vì đặt người xuống là thấy tiếng đồng đội giục hành quân… Một người khác cho biết, ông nội của bạn ấy bị bom nổ gần bên tai nên thính lực kém đi, đêm nào ngủ ông cũng hò hét kêu đánh nhau, có khi còn đánh vào đồ vật xung quanh mình xong tự làm mình bị thương nữa cơ.

Với thế hệ chúng tôi, những điều ấy phải chăng là khó hiểu. Vì chúng tôi đâu có trải qua mất mát chiến tranh, đâu có nhìn đồng đội ngã xuống ngay trước mắt, đâu có biết tiếng bom rơi đạn nổ thất kinh thế nào. Phàm đối với những gì không hiểu thì người ta lại hay coi nhẹ.

Tôi và rất nhiều người trẻ khác lớn lên bằng những câu chuyện anh hùng của cha ông, có lẽ nhiều người cũng như tôi, từng ngồi chăm chú lắng nghe những khắc khổ thời chiến… Hay chăng, lịch sử không phải là những trang sách khô khan hay những dòng viết vội mà là những lời kể bình tâm dung dị, những kỉ vật còn lưu lại, bộ quân phục cũ…

Có bạn nhắn tin với tôi rằng, có lần bạn ấy lên căn gác của ông nội để dọn dẹp và vô tình thấy huy chương kháng chiến của ông nội được đặt gọn tại một góc hòm đồ cũ. Tự dưng nước mắt nhòe đi, vì đó là tấm huy chương mà hồi còn sống, ông thường bỏ ra ngắm đi ngắm lại, đeo mỗi khi có dịp đặc biệt và mang ra mỗi khi kể chuyện thời chiến cho con cháu.

Trong số chúng ta, bao nhiêu người đã vô tình lãng quên những khoảnh khắc lịch sử? Những điều mà chúng ta được nghe kể, những khoảnh khắc được mô tả lại bởi những chứng nhân trong lịch sử, những điều mà hơn cả sự vĩ đại?

Từ tận tâm trí, cám ơn thế hệ vĩ đại của đất nước này! Nguyện thề sẽ giữ vững non sống này hòa bình để mọi sự hy sinh, máu xương, mồ hôi không uổng phí!

Nguồn: Tifosi

Vấn đề đa chiều

0 nhận xét:

Đăng nhận xét