Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

CẢ GIA ĐÌNH THIẾU TÁ CÔNG AN MẮC COVID - 19: VỪA LO TANG CHA, VỪA HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Trong cuộc chiến chống dịch ngày càng cam go, những người lính ngày đêm nơi tuyến đầu xa gia đình, nhiều trường hợp không kịp có mặt bên cạnh người thân lần cuối. Nhưng vượt lên trên tất cả, họ vẫn ở đó, hết lòng vì nhiệm vụ chống dịch.


"Alo mẹ hả? Mẹ khỏe không mẹ? Mẹ uống thuốc chưa? Con chưa về được, mẹ ráng nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe nha mẹ" - thiếu tá Đinh Tiến Dũng, phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận 1, TP.HCM, tâm sự với mẹ sau ca tuần tra đêm.
Anh Dũng lần lượt trò chuyện với gia đình nhỏ của mình qua màn hình chiếc điện thoại. Đây cũng là cách anh gặp mặt người thân trong suốt 2 tháng qua dù nhà anh cách cơ quan không xa.
Dặn dò đứa con 6 tuổi vừa khỏi COVID-19 nhớ uống thuốc đúng giờ, giọng anh trầm lại rồi nhờ mẹ: "Mẹ thắp cho ba giùm con nén nhang, nói với ba hết dịch con sẽ về…".
Ba mất, mẹ già, con nhỏ phải đi cách ly
Cũng giống như các cán bộ, chiến sĩ công an khác, đã 3 tháng nay anh Dũng chưa thể về thăm gia đình vì nhiệm vụ tiếp nối nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khối lượng công việc của những người lính ngày một nhiều, đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm bệnh cao càng thêm cao.
Nhưng nỗi lo thường trực của thiếu tá Dũng không phải là an toàn của bản thân, mà do cả khu vực gia đình anh sống ở quận 8 phải chịu cảnh phong tỏa 21 ngày vì có ca F0.
Và thật không may, điều mà anh Dũng lo sợ trở thành sự thật. Sau khi hết thời gian phong tỏa chưa bao lâu, ngoại trừ vợ anh thì cả gia đình gồm ba mẹ lớn tuổi, em trai và 2 đứa con nhỏ (5 tuổi và 8 tuổi) đều mắc COVID-19.
Khi mẹ, em trai và 2 đứa con còn quá nhỏ vừa đi cách ly tập trung thì anh Dũng lại phải nhận tin ba anh chuyển nặng do có nhiều bệnh nền. Dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vì bệnh tình quá nặng, ba của thiếu tá Dũng đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 11-8.
"Con thật bất hiếu, những ngày ba bệnh con không thể kề cận chăm sóc. Đến lúc ba mất con cũng không được ôm ba lần cuối, không được nghe tiếng ba lần cuối. Con thấy mình bất lực trước sự ghê gớm của COVID-19" - anh Dũng đau đớn viết về ba trên trang cá nhân.
Được đơn vị tạo điều kiện, anh Dũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đến nhận lại tro cốt của ba mình rồi đưa về nhà cho vợ thờ cúng. Anh cũng chỉ kịp thắp vội 1 nén nhang rồi trở về đơn vị với tâm trạng rối bời.
Biến đau thương thành sức mạnh
Vài ngày sau khi tro cốt của ba anh Dũng được đưa về nhà, mẹ, em trai và 2 đứa con của anh cũng hết thời gian cách ly, trở về. Dù "đi" 5 "về" chỉ 4 nhưng ngày đoàn tụ trong nước mắt này cũng phần nào khiến anh Dũng cảm thấy nguôi ngoai.
Những chia sẻ, động viên kịp thời từ lãnh đạo đơn vị và các đồng nghiệp như là "liều thuốc giảm đau" hiệu nghiệm giúp thiếu tá Dũng tiếp tục tham gia cuộc chiến chống dịch ngày càng cam go.
"Ba tôi cũng là người lính, tôi nghĩ ba sẽ cảm thông và mong tôi tiếp tục làm tròn bổn phận người lính. Cuộc chiến này đã quá nhiều mất mát, thậm chí có đồng đội tôi đã phải hy sinh nhưng với trách nhiệm người công an, chúng tôi luôn là lá chắn chống dịch.
Không chỉ riêng tôi, đồng đội tôi mà còn rất nhiều y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu khác ngày đêm mong kiểm soát được dịch để còn được về thăm người thân, mong người dân hãy hết sức hợp tác, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch" - thiếu tá Dũng chia sẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét