Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Nỗi đau và trách nhiệm !


Chỉ còn vài ngày nữa là tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi là một người lính của thế hệ con cháu may mắn được 2 lần gặp Tổng Tư lệnh, dù lúc đó ông đã chạm ngưỡng tuổi 100. Trong hàng vạn bức ảnh được chụp ghi lại cuộc đời như trang huyền sử của ông, thì bức ảnh này tôi vô cùng yêu thích. Nó được chụp vào mùa thu, ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của một bậc vĩ nhân sinh ra vào mùa thu, ra đi cùng vào mùa thu...

Trở lại mùa thu Hà Nội đúng 52 năm trước, vị lãnh tụ kính yêu, Người khai sinh ra nước Việt Nam mới về với thế giới người hiền, hàng triệu trái tim đã đau đớn, tiếc thương vô hạn. Giữa lúc toàn thể quốc dân đồng bào đang bàng hoàng, nức nở tiễn đưa vị cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì có một con người khác cũng đớn đau bội phần nhưng lại tự kìm nén tâm can hết mức. Quảng Trường Ba Đình trong một ngày thu đẫm nước mắt, 9-9-1969, nhà báo Hồng Phương (phóng viên Báo Quân đội nhân dân) đã ghi lại được khoảnh khắc đó, khi điếu văn vừa dứt từ giọng đọc của đồng chí Lê Duẩn, cả vạn con người òa lên, rồi ngã xuống. Giữa biển người run rẩy, xót thương ấy, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, “Người Anh Cả” vẫn đứng vững vàng, đưa vai mình, ngực mình, thân mình, đôi tay mình ra làm điểm tựa, là chỗ dựa cho nhân dân gục vào trước nỗi đau. Bức ảnh ấy là hình ảnh cô gái trẻ cùng nhiều thanh niên bật khóc nức nở trong vòng tay Đại tướng, được đặt tên: NỖI ĐAU VÀ TRÁCH NHIỆM. Chắc chắn rằng, thời điểm Bác Hồ ra đi khi con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước còn dang dở thì vị Tổng Tư lệnh đó là một trong những người đau đớn nhất! Nhưng ông đã rắn rỏi, kiên gan và biến nỗi đau thương thành hành động. Bởi ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông đã tiếp tục cùng với Đảng, quân đội, nhân dân hoàn thành tâm nguyện của Người, để 6 năm sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất. Dù sau này, Đại tướng trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc đời nhưng bất kể ở vị trí nào, hoàn cảnh nào ông cũng được nhân dân kính trọng và tin yêu. Người Anh Cả luôn chỉ đề cao một mục đích, chừng nào ông còn sống thì còn cống hiến cho Đất nước và nhân dân.
… Và 44 năm sau, cũng trong một mùa thu Hà Nội, ở ngôi nhà trên đường Hoàng Diệu sát cạnh quảng trường Ba Đình lịch sử, nước mắt của nhân dân lại tuôn rơi như đã lâu lắm rồi chưa như vậy. Một người vừa nằm xuống, rồi đón nhận hàng triệu nỗi đau từ công nông trí sĩ, già trẻ gái trai, binh lính, dân thường… vì tiếc thương vô hạn. Bên hàng rào, phía sau cảnh cổng, nép dưới tán cây, giấu mặt vào tay… là những đôi mắt cựu chiến binh trào lệ, những cụ già run bật đôi vai, những chàng trai sụt sùi lau vội nước trên má, những cô gái nức nở vỡ òa, những cháu học sinh gọi tên Đại tướng trong tiếng nấc chẳng thành…
... Mùa thu năm nay, Đất nước lại đang trong một “cuộc chiến” vô cùng ác liệt khác với kẻ thù vô hình. Đã có nhiều mất mát, đã có nhiều hy sinh và những ngày sắp tới sẽ vẫn còn “đổ máu” nhưng chúng ta tin vào sự đoàn kết của toàn dân tộc để cùng nhau đi đến ngày toàn thắng.
Hôm qua, hôm nay, ngày mai sẽ tiếp tục có những anh “Bộ đội Cụ Hồ” xông pha vào trận tuyến. Chúng ta tin “ở một nơi cao xanh” nào đó, có lẽ “Vị cha già dân tộc” và Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đang dõi theo và đồng hành cùng đất nước. Cuộc chiến này không chỉ là NỖI ĐAU mà còn là TRÁCH NHIỆM.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét