Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

THẤY GÌ QUA ĐỀ XUẤT TĂNG HỌC PHÍ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO?

Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm, chăm lo cho giáo dục và đào tạo, Người xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Hồ đã trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề thứ hai là “nạn dốt”. Nạn mù chữ của nhân dân ta được Người coi là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Thế là phong trào bình dân học vụ ra đời và chính Bác Hồ là chiến sĩ tiên phong trong phong trào, nhân dân ta ngày thì lao động sản xuất, luyện tập chiến đấu, đêm đến người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Nhờ thế mà nhân dân ta từ chỗ mù chữ hơn 90%, trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là thống nhất và xây dựng đất nước. Lúc đó, chẳng có chuyện “học phí thấp khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao” như đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát biểu giữa Quốc hội.

Tính ưu Việt của xã hội XHCN nói nôm na là lấy việc nước, việc dân làm trọng, tất cả do nhân dân và vì nhân dân. Nhiều người hay chê bai là Cu Ba, Triều Tiên… là những đất nước nghèo đói, thế nhưng hãy nhìn sang đất nước họ để chúng ta ngưỡng mộ về nền giáo dục, y tế và các phúc lợi xã hội. Giáo dục quốc dân của họ không hề đòi hỏi “học phí cao để có chất lượng tốt”, con em họ đến trường hầu như được miễn phí hoàn toàn. Chúng ta chấp nhận rằng, mỗi thời mỗi khác, không thể để nền giáo dục của đất nước bó hẹp trong chiếc áo quá cũ kỹ và lạc hậu, phải bắt kịp nhịp đập và hơi thở của thời đại. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao, hay các mô hình dân lập; tuy nhiên không vì thế mà giáo dục công lập chạy đua học phí, có xu hướng bị thương mại hóa với cả giáo dục Quốc lập!
Trong khi giáo dục công lập có sứ mệnh thực hiện trách nhiệm của Nhà nước về đảm bảo công bằng trong lĩnh vực giáo dục, phổ cập giáo dục và tập trung chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như quy định của Hiến pháp và Luật Giáo dục, lại đang xuất hiện xu hướng nhà trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục thu học phí cao, nhưng lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền một số địa phương thúc đẩy, bỏ qua mọi ý kiến đóng góp, phản biện từ dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng học phí trong bối cảnh nhân dân khó khăn vì Covid 19, lũ lụt triền miên, nhân dân ở một số nơi, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số không thể kham nổi. Nên chăng đề xuất Chính phủ có cơ chế để hỗ trợ, không để người dân tăng thêm gánh nặng kim tiền để con em được đến trường, vậy là mất hết bản sắc tốt đẹp của chế độ ta. Bác Hồ dạy: “Chế độ XHCN nghĩa là, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” là thế.
Tôi nghĩ là để tăng chất lượng giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xử lý có hiệu quả những tiêu cực, thiếu sót như biên soạn sách giáo khoa, vì sách giáo khoa ví như vũ khí của người lính khi ra trận, “vũ khí” hỏng thì làm sao học sinh có thể chiến đấu được để bảo đảm “vừa hồng vừa chuyên”; chấn chỉnh vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; đừng để càng cải cách thì lại càng thụt lùi, đạo đức xuống cấp khi mà hiện tượng thầy và trò “cá đối bằng đầu”, bạo lực học đường hay áp dụng thiếu chọn lọc những giá trị của phương Tây và giáo dục nước ta; đừng bắt thầy cô giáo trở thành tấm khiên đỡ đạn tứ phía khi họ phê bình học sinh hay đình chỉ công tác chỉ vì nặng lời hay yêu cầu học sinh quỳ… giá trị văn hóa Á - Âu khác nhau nhiều lắm, vậy nên đừng bê nguyên xi tư tưởng tự do quá trớn của họ, cho học sinh cái quyền cao hơn cả giáo viên. 
Nhận thức đúng thì hành động mới đúng, đừng bao giờ có tư tưởng “học phí thấp thì đừng đòi hỏi chất lượng cao”./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét