Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa

Sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá, theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6 nêu rõ trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng quy định về tài liệu tham khảo, chống lãng phí.
Giải thích nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa theo quy định hiện hành không thực sự hiệu quả, đòi hỏi có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội và công bằng giữa các nhà xuất bản. "Sửa đổi Luật giá là vấn đề cần đặt ra", ông Cường nói.
Theo quy định tại Luật giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có NXB Giáo dục Việt Nam). Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các nhà xuất bản vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý và giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.


Theo nghị quyết kỳ họp, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn Lịch sử. Quốc hội yêu cầu nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu về môn Lịch sử là bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chống Covid-19; thực hiện ngay chi trả hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia chóng dịch. "Cần sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, hình sự. Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế", nghị quyết nêu.
Nhiều vấn đề khác cũng được nêu trong nghị quyết của Quốc hội, như Chính phủ có giải pháp giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần; mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế; rút kinh nghiệm việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án thành phần đã được bố trí vốn...
Sau 19 ngày làm việc, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã kết thúc, thông qua 5 luật; 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét