Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Bình luận nóng về đề thi học sinh giỏi quốc gia 2018 môn Ngữ văn

Đúng 23h59' ngày 11/1/2018, chúng tôi nhận được bài bình luận về đề thi thi học sinh giỏi quốc gia 2018 môn Ngữ văn của thầy giáo Nguyễn Tấn Huy, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi từ TS. Nguyễn Trọng Hoàn.
 Xin cảm ơn 2 thầy và chia sẻ với các bạn đề thi và lời bình của thầy Nguyễn Tấn Huy.

Bình luận nóng về đề thi học sinh giỏi quốc gia 2018 môn Ngữ văn
Đề thi học sinh giỏi quốc gia 2018 môn Ngữ văn

Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 đã nhận được phản hồi tích cực từ phía học sinh. Trên một diễn đàn học Văn, nhiều em đã tán thưởng:
- "Đề này ngon!" “Quá hay!”
- “Đề chất phải biết!”
- “Đọc đề xong, thanh niên cảm thấy rất là phiêu”…
Bình luận nóng về đề thi học sinh giỏi quốc gia 2018 môn Ngữ văn
Thầy Nguyễn Tấn Huy
Cái chất của đề thi năm nay trước hết là ở cách đặt vấn đề sáng rõ, không hack não, hại não như cách các em vẫn thường than phiền về một số đề thi học sinh giỏi đây đó. Thứ nữa là đề vẫn tiếp tục theo hướng mở, phạm vi khá rộng, đề cập đến những vấn đề cốt lõi nên thí sinh thỏa sức thể hiện mà không cảm thấy phải lệ thuộc nhiều vào việc phải huy động một khu vực kiến thức bó buộc nào. Có em nói "phiêu" là theo nghĩa này.
Đương nhiên, hay không hề là dễ; sáng rõ không đồng nghĩa với sẵn đường!
Câu Nghị luận xã hội nêu ra một mệnh đề: "Sống tức là thay đổi" dẫu có được hiểu theo sắc thái khẳng định thì tư duy phản biện cần có của một học sinh giỏi vẫn làm bật lên những câu hỏi:
- Nếu không thay đổi thì sao?
- Có thật là tất thảy đều phải thay đổi?
- Những giá trị sống nào là trường cửu?
Và nhờ thế mà vấn đề được cày xới đa diện hơn, sâu sắc hơn, không xuôi chiều. Những hô hào suông thiếu thực chứng, những đường "chém gió thôi rồi" nhưng thiếu day dứt, trăn trở bản thân… hẳn là khó được ghi nhận.
Câu Nghị luận Văn học nêu ra hai ý kiến có vẻ trái chiều nhau nhưng là hai mặt biện chứng của một quan hệ giữa hiện thực đời sống và sáng tạo văn học. Mỗi tỉnh chỉ có vài em được chọn vào đội tuyển thi quốc gia nên hẳn là các em không khó nhận ra vấn đề.
Hơn nữa, cách nói bóng bẩy giàu hình ảnh của hai nhà thơ Chế Lan Viên và Lưu Trọng Lư đã khiến cho một vấn đề tưởng chỉ là lí luận khô khan trở nên dễ cảm, gợi được hứng thú cho người viết. Vấn đề còn lại là kiến văn các em đến đâu, cách triển khai luận điểm thế nào, và quan trọng hơn hết là cách thuyết phục bằng hệ thống dẫn chứng mà các em lựa chọn.
Thông thường, với những đề không giới hạn phạm vi dẫn chứng như thế này, các em dễ chọn viết những điều mình thuận hơn là quan tâm đáp ứng yêu cầu của đề. Có khi, các em do được cho thỏa sức vung bút nên ham diện rộng mà quên đi vào chiều sâu. Tỉ như, có thể do mải đề cập đến nhiều phương diện của sáng tạo, của phong cách nhà văn mà không tinh ý nhận ra là nên tập trung vào mặt tư tưởng của phong cách theo ý kiến của tác giả "Tiếng thu".
Khó thay khi ra được một đề hay và chất. Viết được một bài văn chất và hay lại khó hơn nhiều. Cái được lớn nhất là đề thi năm nay đã cho các em có cơ hội say sưa với môn học mà các em yêu thích!
NGUYỄN TẤN HUY
Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi


0 nhận xét:

Đăng nhận xét