Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Thông tin Bộ Ngoại giao trục xuất Daniel Hauer là không chính xác


Hôm nay, trên các trang tin và mạng xã hội đã xuất hiện thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo về việc quyết định trục xuất một công dân Hoa Kỳ là ông Daniel Hauer (hay còn được biết với tên “Thầy Dan”) ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đây là thông tin không chính xác.

Chiều nay (26.1), nguồn tin từ Bộ Ngoại giao khẳng định không có việc Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo trục xuất ông Daniel Hauer trước thềm trận Chung kết U23 châu Á như thông tin đang lan truyền trên mạng.

Thông tin Bộ Ngoại giao trục xuất Dan Hauer là không chính xác
Thông tin về việc BNG trục xuất Daniel Hauer đang được lan truyền

Trước đó, thông tin được đăng tải trên 1 trang điện tử ghi rõ: "Vào đầu giờ chiều nay (26.1), Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức ra thông cáo về việc quyết định trục xuất một công dân Hoa Kỳ là ông Daniel Hauer (hay còn được biết với tên “Thầy Dan”) ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này đã được tống đạt cho ông Daniel Hauer và ông có 24 tiếng trước khi bị cưỡng chế rời khỏi Việt Nam.

Thông cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao không đưa ra bất kỳ lý do nào về việc trục xuất này nhưng người đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ sớm trả lời những câu hỏi liên quan trong buổi họp báo thường kỳ hàng tuần của Bộ Ngoại giao".

Theo một chuyên gia pháp lý, Bộ trưởng Bộ Công an mới là người có thẩm quyền ra quyết định trục xuất người nước ngoài ra khỏi Việt Nam. 

Cụ thể tại Điều 17 Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28.5.2001 của Chính phủ nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền ra quyết định trục xuất người nước ngoài trong những trường hợp sau đây: Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính; phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, theo Điều 13 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên cũng quy định rõ: Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia thành viên Công ước thì chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất phải được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục xuất, được yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc một người hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình, và được có đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại.



Còn theo Điều 11, Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về "Hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất", Bộ Ngoại giao có trách nhiệm giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến việc thi hành hình phạt trục xuất và trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét