Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

NỤ CƯỜI CHIẾN THẮNG CỦA ANH HÙNG PHẠM TUÂN SAU KHI BẮN RƠI B52 !

Triển lãm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Một huyền thoại đã đi vào lịch sử
Một kỷ vật đặc biệt ở triển lãm này như một minh chứng xác tín về sự thất bại thảm hại của không lực Mỹ trong cuộc chiến tranh mà chúng tưởng sẽ khuất phục được nhân dân ta. Đó là chiếc cờ ăn xin của phi công Mỹ - thứ vật dụng mà mỗi tên giặc lái đều có, để xin ăn của nhân dân ta, những người mà chúng vừa ném bom hủy diệt, sau khi nhảy dù vì máy bay bị bắn cháy.

>> Vinh quang những người lính Bộ đội Cụ Hồ hạ gục pháo đài bay B52
Từng trải qua tuổi thơ trong thời chiến, với phập phồng lo sợ lo bom đạn Mỹ dội xuống bất ngờ, cũng từng nghe nhiều về tội ác của kẻ thù trong 12 ngày đêm chúng ném bom rải thảm xuống Hà Nội tháng 12/1972.
Nhưng, chỉ khi đối diện với những bức ảnh, những hiện vật trong cuộc triển lãm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” khai mạc chiều 18/12 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, tôi mới thật sự thấm thía, thế nào là tội ác mà giặc Mỹ đã gây ra với người dân Thủ đô năm ấy, mới hiểu nỗi đau mà người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung phải gánh chịu. Để rồi, thêm một lần cắt nghĩa trọn vẹn vì sao, dân tộc Việt Nam nhỏ bé lại có thể chiến thắng một cường quốc trên thế giới.
Trong số gần 300 bức ảnh và hiện vật, có nhiều tài liệu, hiện vật lần đầu được biết tới, sau tròn 4 thập kỷ im lặng, để cất lên cả tiếng nói bi thương lẫn hào hùng của dân tộc ta ở thời khắc 40 năm trước. Bức ảnh về con phố Khâm Thiên sau trận bom đêm 26/12/1972 khiến bất cứ ai cũng phải rơi nước mắt. Không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Tất cả chỉ còn là một đống đổ nát. Sự hoang tàn hiện lên trên từng đống gạch vụn, trên con đường không bóng người, nơi mà sự sống vừa bị hủy diệt sau một nút nhấn bom của lũ giặc trời.
Tội ác của kẻ thù không thể chối cãi được, khi những bằng chứng hùng hồn còn đây:
Đó là chiếc khăn mùi xoa còn vương nụ cười thơ bé của em Phạm Thị Ngọc Bích, học sinh Trường Tô Vĩnh Diện, nhà ở 22 ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên, kỷ vật duy nhất còn lại sau khi cả gia đình em bị bom Mỹ sát hại.
Đó là mảnh vải màn của gia đình cụ Lê Thị Đức Thành ở 47 Khâm Thiên, thứ còn lại sau vệt bom kéo dài 1.000m, rộng 40-50m, khiến 3 căn nhà liền nhau 47, 49, 51 bị san phẳng và gia đình cụ Thành không còn ai sống sót. Nơi ba căn nhà thuở trước đã trở thành tượng đài tưởng niệm Khâm Thiên.
Đó còn là chiếc vại và mâm nhôm – kỷ vật của gia đình ông Hoàng Đình Dị ở xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội sau trận bom B52 đầu tiên đêm 18/12/1972 đã giết hại vợ, 4 đứa con ông cùng đứa cháu ngoại…
Bức ảnh một bé trai bụ bẫm, nằm chết bên xác mẹ, trên người còn đầy máu, khiến chẳng ai có thể cầm lòng. Tấm ảnh 2 cô con gái nhỏ của ông Vũ Tiến Đẩu (thị trấn Gia Lâm) nằm bên nhau, vĩnh viễn giã từ tổ ấm của gia đình sau loạt bom đêm 28/12/1972 đủ khiến người xem phải lau nước mắt trước những mất mát quá lớn mà giặc Mỹ mang đến. Những hố bom sâu hoắm, những ngôi nhà đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai được ghi lại cũng khiến chẳng ai quên nổi căm thù…
Nhưng chính nỗi đau đến tận cùng đã biến thành sức mạnh đoàn kết để cả dân tộc ta chung vai sát cánh, quyết đánh cho giặc những đòn chí mạng, trả thù cho người đã khuất, cũng là để bảo vệ độc lập dân tộc. Bởi thế, mỗi người lính được ra trận là cảm nhận rõ sự tin yêu mà nhân dân gửi gắm, để niềm vui, tự hào ấy đọng lại trong mỗi nụ cười rạng rỡ trong loạt bức ảnh về đoàn tàu chở bộ đội lên đường chiến đấu.
Ký ức hào hùng ngày ấy còn hiển hiện qua các hiện vật gắn với tên tuổi những người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày khói lửa ấy: giản đồ chiến đấu của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Giắng (binh chủng Radar); bảng bắn của đại đội pháo 100mm khu Đống Đa sử dụng 8 viên đạn bắn rơi một chiếc F.8. Các hiện vật của Anh hùng Nguyễn Văn Phiệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57, người chỉ huy đơn vị trong 10 phút bắn rơi 2 máy bay Mỹ đêm 20/12/1972; khẩu súng máy 14,5mm của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm – Hai Bà Trưng, bắn rơi chiếc máy bay F-111 hiện đại bậc nhất của Mỹ ngày 22/12/1972…
Khi đó, tiêu diệt B52 là mục tiêu quan trọng của quân ta, để có câu trả lời đanh thép với kẻ thù: không gì khuất phục được quyết tâm gìn giữ hòa bình và độc lập của nhân dân Việt Nam. Khát vọng đó đã được phi công Phạm Tuân biến thành hiện thực trong đêm 27/12/1972. Nụ cười rạng ngời của anh sau chuyến bay đánh đuổi “thần sấm Mỹ” trở về mà một bức ảnh ghi lại được là nụ cười của niềm tin chiến thắng. Đó cũng là tinh thần của dân tộc ta trong cuộc chiến trường kỳ.
Một phần quan trọng của triển lãm là rất nhiều hình ảnh, hiện vật về chiến thắng của quân và dân ta trong trận “Điện Biên Phủ trên không”: Đó là động cơ máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi xuống làng hoa Ngọc Hà; xác máy bay rơi trên cánh đồng Chuôm (Phủ Lỗ, Sóc Sơn).
Đó cũng là vô vàn vật dụng của phi công Mỹ mà ta thu được sau khi máy bay bị bắn rơi: Những cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy bay, những tấm bản đồ, sách kế hoạch tác chiến, găng tay, áo kháng áp, túi cứu thương, bộ sưu tập mũ phi công, giày cao cổ của phi công Mỹ, cả tấm thẻ ngân hàng mang tên Charles Brown, hay chiếc bật lửa khắc tên H.K. Wilson.
Một kỷ vật đặc biệt ở triển lãm này như một minh chứng xác tín về sự thất bại thảm hại của không lực Mỹ trong cuộc chiến tranh mà chúng tưởng sẽ khuất phục được nhân dân ta. Đó là chiếc cờ ăn xin của phi công Mỹ - thứ vật dụng mà mỗi tên giặc lái đều có, để xin ăn của nhân dân ta, những người mà chúng vừa ném bom hủy diệt, sau khi nhảy dù vì máy bay bị bắn cháy.
Đúng như Đại tá Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự, chia sẻ: “Triển lãm tái hiện một phần nào lịch sử dân tộc, mà ở đó có đủ cả mất mát, đau thương, cả niềm tự hào khôn xiết của mỗi người dân Việt Nam”. Điều quan trọng, triển lãm này không chỉ mang cho những người đã trải nghiệm một phần ký ức về những ngày đau thương và anh dũng của dân tộc, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ thế nào là tội ác của chiến tranh xâm lược và vì sao mà dân tộc ta đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh trên thế giới. Đó là lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét