Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

VIẾT CHO MỘT THẾ HỆ SỢ MẤT NƯỚC HƠN LÀ SỢ MẤT ĐI THỜI SINH VIÊN TUỔI TRẺ!

- Các cậu có tiếc cuộc sống thời sinh viên không?
- Đúng ra là chúng em cũng hơi tiếc. Nhưng sẽ còn tiếc hơn nếu như trong đội ngũ của những người ra trận hôm nay lại không có mặt chúng em…

Đây là một trong những phân cảnh xúc động nhất trong Mùi Cỏ Cháy, về thế hệ sinh viên ra đi với lời “chưa đánh thắng giặc, chưa về Bách Khoa” vào mùa hè 1972. Một thế hệ mà chính những người còn sống còn phải nói lại là: “Vinh quang rất nhiều, đau thương cũng nhiều và những tiếc nuối, day dứt cũng không phải là ít”.
Trên blog cá nhân, cựu binh Francis Bailly từng tham chiến ở Việt Nam có chia sẻ hai tấm ảnh mà anh này tìm thấy từ thi thể của một người lính Giải phóng vào năm 1970. Một tấm là chân dung của người lính giải phóng đã hy sinh, một tấm còn lại là người vợ hoặc là người yêu của người lính này… Cựu binh này cho biết theo giấy tờ mang theo bên người thì người lính Giải phóng này nằm lại khi chưa được 20 tuổi, trước khi chết, người lính này cố lấy những tấm ảnh này ra để nhìn lần cuối. Làm mình nhớ đến đoạn văn: “Một thời khói lửa, một thời của những những chàng trai 18 - 20 cũng đã bắt đầu biết đến chữ "yêu", nhưng họ đã giấu kín chữ "yêu" đó dưới đáy balo của mình. Vì những tuổi 20 đó đã hóa thân thành dáng hình đất nước…”
Dạo trước, mình đọc được một bài chia sẻ trong Cháo Hành Miễn Phí, về một bạn sinh viên Bách Khoa vô tình đi chung với một bác vốn là cựu sinh viên Bách Khoa. Bác tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị, sau đó là Quảng Nam… Chuyến đi vài cây số giữa hai người xuất phát từ chung một mái trường, nhưng cách nhau nhiều thế hệ, hai con người, hai góc nhìn về lịch sử, một người chiến đấu để lấy lại hòa bình, một người đã được thừa hưởng sự hòa bình… Hai con người đều có một thời tuổi tuổi trẻ, nhưng ngã rẽ của họ khác nhau… Nhưng dù ngã rẽ nào, đều cũng sẽ cống hiến hết mình cho đất nước.
Thành cổ Quảng Trị và mùa hè năm 1972 đã lấy đi của chúng ta một lớp người trẻ, tài năng và đầy hoài bão… Hơn 10 ngàn sinh viên đã tuyên thệ lên đường chiến đấu và đa phần những con người ấy đã không hẹn ngày trở về, họ hy sinh tại mặt trận miền Trung, phía Nam, Lào… Đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngày nay, vào được các trường đại học có thể không cần quá giỏi, nhưng vào mấy chục năm trước, hầu như đều phải thực sự tài năng, mới có thể vào được những ngôi trường thời ấy.
Có lớp học hơn 70 người chỉ có 5 người trở về và cả 5 người này đều không lành lặn… Có nhóm bạn thân học cùng hứa sẽ trở về Hà Nội, đặt mục tiêu trở thành những nghiên cứu sinh đi học tập Liên Xô nhưng không một ai trở về. Có 10 sinh viên trong một căn phòng ký túc xá cùng nhau ra đi nhưng ngày về lại là 9 cái giấy báo tử, 1 người may mắn còn sống thì mất đi cánh tay phải khiến ước mơ “vẽ kỹ thuật” không thể thực hiện được nữa.
Đúng như tiêu đề cuốn sách “Mãi Mãi Tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, phần nhiều trong số những người chiến đấu vì Tổ Quốc đều dừng lại ở một độ tuổi rất trẻ, họ thậm chí chưa bao giờ có nhiều thời gian sống cho chính họ vì họ chỉ luôn nghĩ đến chuyện sống vì Tổ Quốc…
Có một lời nhắc với thế hệ chúng ta, rằng mỗi người trong chúng ta hiện nay đều có cơ hội để được sống trọn vẹn tuổi trẻ. Được yêu, được sống, được là chính mình… Rất nhiều trong số họ, tuổi trẻ của họ là những dang dở, trầm mặc và anh hùng. Họ đối diện với bom đạn, với B-52… Vậy với chúng ta, làm thế nào sự hy sinh của họ không uổng phí?
Đời người có bao nhiêu? Thanh xuân là gì? Tuổi trẻ chẳng bao giờ hữu hạn. Nhưng, ở bất cứ lứa tuổi nào, ở bất cứ thế hệ nào, hãy sống sao cho thật sự đáng giá. Giá như có một điều ước, thực lòng mong họ có hai lần tuổi trẻ, một lần tuổi trẻ đã vì đất nước, một lần nữa để họ có thể sống cho riêng mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét