Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

TÔI KỂ EM NGHE...


"Đội tuyển Việt Nam không có ngôi sao, ngôi sao duy nhất nằm bên ngực áo trái"

Tôi kể em nghe, lúc Trần Minh Chiến cứa lòng chân trái đưa chúng ta vào chung kết SEA Games 18 thì Trường Híp mới oe oe chào đời. Khi thủ môn Nguyễn Văn Phụng trở về với HCĐ SEA Games 19 và trả lời phỏng vấn rất thật thà "Đời cầu thủ chỉ mong chiến thắng, nếu mà được như vậy thì không còn hạnh phúc nào hơn" thì "ông chồng quốc dân" hiện tại của các cô gái trẻ là thủ môn Bùi Tiến Dũng vẫn còn đang bú mẹ. Khi Văn Sỹ Hùng khéo léo tâng bóng qua thủ môn và đưa vào lưới trống đối thủ truyền kiếp của chúng ta tại khu vực tạo nên cơn địa chấn khi lần đầu tiên "làm gỏi" Thái Lan với 3 bàn không gỡ, thì người hùng Quang Hải chắc mới thôi nôi. Tôi khi đó, như rất nhiều những đứa nhỏ lứa 8x đời đầu mới biết thế nào là xuống đường, mới biết thế nào là hâm mộ, mới biết thế nào là tự hào dân tộc. Tôi khi đó, trốn học thêm đạp xe đạp ra Nhà văn hóa Thanh Niên để thập thò xin chữ ký các cầu thủ, thuộc làu làu từ tên tuổi, năm sinh, chiều cao của từng người một, có thể đoán chính xác đội hình ra sân và chiến thuật mà các "ông thầy" áp dụng là 5-3-2 hay 4-4-2. Tôi ngày đó tràn đầy niềm tin và nhiệt huyết với đội tuyển, dẫu chúng ta chưa một lần chạm tay đến chiến thắng cuối cùng.
TÔI KỂ EM NGHE...
Niềm vui chiến thắng khi Quang Hải gỡ hòa cho đội tuyển

Tôi kể em nghe, lứa cầu thủ thần đồng Văn Quyến, Quốc Vượng.... khiến cho niềm tin vô địch trong lòng các cổ động viên chúng tôi lớn hơn bao giờ hết. Dù rằng những người có tuổi khó tính không hài lòng về thái độ "lấc xấc" của Quyến béo, nhưng ai cũng nghĩ "có tài có tật". Vậy mà những người yêu bóng đá chân chính nhận được cái tát từ chính các em, bằng 1 trận dàn xếp tỷ số mà nói trắng ra là bán độ, kinh khủng hơn lại ở khuôn khổ 1 giải đấu quốc tế. Quá thất vọng, quá ngỡ ngàng, tôi nhìn "Rooney Việt Nam" hay "John Terry Việt Nam" đứng trước vành móng ngựa mà lặng lẽ thu lại những kỳ vọng, những niềm tin vào bóng đá nước nhà. Tôi không còn xem bóng đá nam Việt Nam đá nữa, không còn hào hứng mỗi lần chúng ta thắng nữa.... Tôi - chúng tôi, đau và buồn khi bị phản bội như thế.

Tôi kể em nghe, chỉ cách đây mấy tháng, tôi vẫn rất dửng dưng khi chúng ta lần nữa bị Thái Lan đánh bại ở SEA Games. Kiểu như cái dớp đúng không nhỉ, như ai đó nói "Trăm năm Kiều vẫn là Kiều - Việt Nam thua Thái là điều hiển nhiên" vậy đó. Để rồi niềm vui các em mang về cho chúng tôi thực sự quá lớn, quá bất ngờ. Những cầu thủ đến giải đấu châu lục từ vùng trũng của bóng đá thế giới, những thanh niên hồn nhiên chiều thi đấu, sáng vẫn chăm chỉ rao bán mỹ phẩm trên mạng để tranh thủ kiếm tiền; những đứa nhỏ từ hồi sinh ra đến giờ mới biết thế nào là tuyết, thế nào là lạnh âm độ C. Tôi ngỡ ngàng về một lứa cầu thủ mới rất lễ độ, và thay đổi suy nghĩ về những thanh niên quần đùi áo số vô cùng tự tin trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế bằng tiếng Anh lưu loát cực kỳ. Vui mừng vì chiến thắng, nhưng tôi nhận ra niềm tin vào các em đang dần quay trở lại. Không phải tin tưởng chúng ta chắc chắn giành chức vô địch, mà tin tưởng vào cách mà các em chiến đấu. Luôn là đội bóng bị đánh giá thấp hơn, luôn thua kém đội bạn về thể hình.... nhưng các em luôn chiến thắng về mặt tinh thần và ý chí.

TÔI KỂ EM NGHE...
Đừng buồn, các em đã là nhà vô địch trong người hâm mộ.

Tôi kể em nghe, nhìn cảnh toàn đội chúng ta lăn xả trên tuyết, tôi thực sự đau lòng lắm. Tuyết rơi dày làm ảnh hưởng đường bóng lăn, nhiệt độ quá thấp khiến cho cái đau đớn khi va chạm sẽ bị khuếch tán nhiều lần, thậm chí trung vệ Tiến Dũng vì quá lạnh mà bật cả máu miệng... đã có lúc tôi cầu mong trận đấu kết thúc nhanh trong vòng 90 phút, bất kể chúng ta thắng hay thua..... vì xót xa quá. Thế nhưng lần nữa, các em lại đưa trận đấu đến con số 120 phút, lần thứ 3 liên tục. Tôi tự hỏi, đó có phải là sức người nữa không?

Chúng ta thua trận. Tôi biết chứ. Kết thúc trận đấu, tôi khóc luôn vì xúc động quá. Khóc không phải vì buồn, không phải vì tiếc nuối, càng không phải vì bất mãn bị xử ép hoặc trách hoàn cảnh thi đấu bất lợi. Khóc vì các em đã hoàn thành sứ mệnh, chiến đấu hết mình, chạy ngược gió ngược tuyết, lao về phía trước với tất cả sức mạnh nội tại và ý chí quật cường. Công bằng mà nói, đội bạn hơn hẳn chúng ta về mọi thứ, và họ cũng phải đá trong hoàn cảnh bất lợi như chúng ta mà. Đội hay hơn đã giành chiến thắng xứng đáng, nhưng đội truyền cảm hứng hơn mới là người lưu lại ấn tượng. Và tôi cho rằng, giải thưởng Fair Play mới là điều chúng ta nên tự hào. Tự hào vì một lứa cầu thủ rất tốt đang dần trưởng thành, tự hào vì những suy nghĩ chín chắn của các em sau trận thua "Em xin lỗi vì mình có thể làm tốt hơn", tự hào vì dù đổ mồ hôi, đổ máu trên sân tuyết nhưng các em vẫn cương quyết không lùi.

Tôi kể em nghe, HLV Hoàng Anh Tuấn đã từng nói thế này "Đội tuyển Việt Nam không có ngôi sao, ngôi sao duy nhất nằm bên ngực áo trái". Bóng đá là môn thể thao tập thể, nhưng ngày trước nếu Hồng Sơn bị chấn thương là coi như tuyến tiền vệ hỏng cả, hoặc chỉ cần Huỳnh Đức bị bắt chết là Việt Nam như rắn mất đầu. Còn hiện tại, Công Phượng đá không hiệu quả thì có Quang Hải, quân xanh Phan Văn Đức hoàn toàn đảm đương được cánh trái mỗi khi được tung vào sân, hay cậu nhóc Hồng Duy đỏm dáng có cái chân trái dẻo quẹo. Đội tuyển chúng ta hiện giờ không có vị trí nào là không thể thay thế, mỗi lần ra sân là một lần các em thể hiện tinh thần "một cho tất cả". Và đó chính là nét đẹp của bóng đá.

TÔI KỂ EM NGHE...
Kết nối tình Đồng bào thiêng liêng nhất.
Tôi kể em nghe, trận bán kết con gái thấy tôi khóc, nó bảo sao mẹ xem bóng đá mà mẹ cũng khóc vậy. Tôi trả lời con đó là vì lòng tự hào dân tộc, và nhìn vẻ mặt con tôi chắc chắn rằng nó chưa hiểu. Nhưng chiều tối hôm ấy, sau khi chúng ta đấu xong chung kết, mẹ con tôi hòa vào dòng người hô vang "Việt Nam vô địch", cùng hát vang bài "Việt Nam ơi". Chính con gái đã nói với tôi rằng "Mẹ ơi con xúc động quá!". Tôi thực sự mừng vì con đã trải nghiệm lòng tự hào dân tộc một cách rất trực tiếp, rất đơn giản, hơn cả những buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần hoặc những bài học đạo đức khô khan. Chúng tôi, những cổ động viên không quen biết nhau, nhưng đều nhìn nhau cười, đập tay ăn mừng chiến công của đội tuyển. Chúng tôi, những người xa lạ, tự dưng đã xích lại gần nhau hơn, khoan dung với những va chạm khi dòng người dòng xe quá đông, nắm tay nhau hô vang "Tự hào quá Việt Nam ơi". Khi chúng ta đang rơi vào khủng hoảng niềm tin, người với người dần mất đi sự tin tưởng và nhiều thêm sự nghi kỵ, đề phòng..... thì đêm hôm đấy tất cả những ranh giới đều được xóa nhòa. Các em giúp những bạn trẻ có thêm một ký ức khó phai mờ lưu vào thời thanh xuân của họ; giúp những người trung niên chứng kiến đủ nhiều hỷ, nộ, ái, ố lần nữa có niềm tin vào những điều tốt đẹp; giúp những đứa trẻ có được trải nghiệm cụ thể về lòng tự hào dân tộc. Cám ơn bóng đá.


TÔI KỂ EM NGHE...
Không khí tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 27/01/2018
Các em, trong một thoáng đã được nhân dân cả nước nhớ mặt nhớ tên, trong một thoáng đã trở thành những hình ảnh "quốc dân" này nọ. Với sự bơm vá của truyền thông, chỉ hy vọng các em giữ được sự tỉnh táo, biết mình đang đứng ở đâu, biết được những thiếu sót của mình để rèn luyện bù đắp. Đời cầu thủ vốn ngắn lắm em ạ, nhưng đời người lại dài hơn rất nhiều. Cố gắng nhé, để dẫu cho cuộc đời cầu thủ kết thúc, người ta sẽ vẫn nhớ đến tên em một cách trìu mến trong cả quãng đời người.
Tôi kể em nghe, chiều tối hôm ấy, 27/01/2018..... tôi đã góp phần nhuộm đỏ thành phố. Và 1 lần nữa cảm thấy tự hào về dòng máu Lạc Hồng mình đang mang, và kiêu hãnh vì hào khí Đông A chúng ta đang có.

TÔI KỂ EM NGHE...
Sắc đỏ Tổ quốc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ



0 nhận xét:

Đăng nhận xét