Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Ngày Quốc tế hòa bình 21/9: Vì một nền hòa bình cho nhân loại

Ngày Quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc (LHQ) khởi xướng vào năm 1981 và được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9/1982. Đến năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 21/9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế hòa bình nhằm kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí, bước vào thương lượng, đàm phán trong hòa bình; kêu gọi người dân trên toàn thế giới hòa bình, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bởi “Hòa bình” luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu.

Kỷ niệm ngày này, LHQ mong muốn và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu hòa bình cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Đây cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người về vai trò của LHQ trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình cho nhân loại.

Trên thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ qua, hoạt động giữ gìn hòa bình đã liên tục được LHQ triển khai dưới hình thức các phái bộ. Những người lính thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình đầu tiên của LHQ đã có mặt tại Palestine vào năm 1948. Từ đó đến nay, hình ảnh người lính “mũ nồi xanh” đã không còn xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Đông Timor, Haiti, nhưng chủ yếu vẫn là ở châu Phi và Trung Đông.

Đến nay, đã có hơn 70 phái bộ giữ gìn hòa bình LHQ được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới. Đó là những người lính, Quan sát viên quân sự, Cảnh sát dân sự, Bác sỹ, Kỹ sư... với các nhiệm vụ: giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, bảo vệ người dân, tuần tra, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp, đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ.

Các phái bộ này phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm, do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố sở hữu vũ khí tối tân… Từ năm 1948 đến nay, đã có hơn 3.500 người thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch giữ gìn hòa bình của LHQ. Ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh và những thành tích to lớn của Lực lượng này, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ.



Những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Triển khai đề án này, Trung tâm Giữ gìn hòa bình Việt Nam (nay là Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam) được thành lập và hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Đến nay, số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia và đã được LHQ, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc và ý thức kỷ luật... Nhiều sĩ quan đã được LHQ tặng thưởng huân chương. Các sĩ quan Việt Nam hiện đang hướng tới ứng tuyển vào những vị trí cao hơn ở phái bộ cũng như các vị trí chỉ huy khác nhau.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang góp phần thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên của Liên hợp quốc, góp phần bảo vệ hòa bình, duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở trong khu vực và tại các điểm nóng trên thế giới.

Hoạt động này còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia nói chung và của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng; củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tạo môi trường hợp tác đa quốc gia, dân tộc, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm làm việc, xử lý tình huống trong môi trường làm việc khắc nghiệt, hình thành bản lĩnh, khả năng thích nghi cho quân nhân Việt Nam để ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, góp phần vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc ngay từ trong thời bình.

Việc tham gia, đóng góp ngày càng tích cực, có hiệu quả cho hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ năng lực trong lĩnh vực này. Với năng lực đó, Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam được lựa chọn là một trong 4 cơ sở huấn luyện của khu vực để huấn luyện cho lực lượng giữ gìn hòa bình theo Dự án hợp tác ba bên của LHQ. Đây cũng là nền tảng để đưa Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam thành cơ sở huấn luyện giữ gìn hòa bình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai.

Có thể thấy, so với nhiều quốc gia, quá trình tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ của Việt Nam chưa dài, nhưng đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam ở một lĩnh vực hoạt động quan trọng của LHQ. Vừa qua, Việt Nam cũng đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trung tâm giữ gìn hòa bình châu Á - Thái Bình Dương năm 2020. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế, đồng thời tiếp tục đóng góp thiết thực vào hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét