Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

TỪ LÃNG QUÊN ĐẾN VÔ ƠN…

Mỗi khi có thiên tai, bão lũ, sạt lở, hạn hán, dịch bệnh… ai sẽ là những người đầu tiên đến với Nhân dân và cũng là những người ra đi cuối cùng?
Ai là những người vì Nhân dân mà phục vụ, cùng ăn ngủ với dân, chỉ khi nào mọi chuyện bình thường trở lại mới dám ra đi?
Ai là những người lao đến những nơi khó khăn nhất, một nơi mà không có 3G/4G, không có đường nhựa, chỉ có đường mòn, gù lương thực trên vai trần, môi khô rát nhưng không dám động đến nước cứu trợ Nhân dân?
Ai là những người sẵn sàng đặt tính mạng của mình ở bên dưới và đặt Nhân dân ở bên trên?
Có phải là nghệ sĩ không?
Một vấn đề tồn tại trong suốt những ngày qua, ở một bộ phận trong chúng ta, đó là việc những người này quá đề cao việc những người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia cứu trợ, từ thiện hướng đến người dân, đến mức sẵn sàng gọt bỏ đi toàn bộ công lao của những người khác, của những chiến sĩ Bộ đội, Công an, đội ngũ thanh niên, cán bộ gắn bản và nhiều đoàn từ thiện âm thầm khác.
Những bình luận ở dưới ảnh được lấy fanpage của MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên và một số hội nhóm showbiz, một số bình luận đã bị xóa, một số bình luận vẫn tồn tại, những thứ này là ví dụ cho cái luồng suy nghĩ độc hại, nếu không có nghệ sĩ thì dân sẽ bị bỏ đói, mặc kệ, sẽ không ai đến cứu nhân dân…
Có người lạnh lùng bảo: “Chính quyền có làm gì đâu mà livestream, người ta làm thì mới có tư cách livestream, xem livestream chỉ thấy nghệ sĩ chứ đâu có thấy cán bộ, Công an hay người nhà nước”.
Những chiến sĩ hy sinh khi cứu hộ Rào Trăng, họ không livestream.
Những chiến sĩ đoàn 337 hành quân hàng chục km cứu hộ người dân, sau đó về doanh trại nghỉ ngơi thì gặp sạt lở đất rồi nhiều người đã hy sinh. Trong suốt quá trình ấy, họ cũng không livestream.
Bác Chủ tịch xã Bác Trạch cũng mất do nhiễm trùng máu sau nhiều ngày tham gia cứu trợ Nhân dân, bác bị thương nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong bấy nhiêu ngày ấy, bác cũng không livestream.
Trong quá trình cứu hộ người dân, anh Công an Trương Văn Thắng đã gặp tai nạn vào ngày 17/10, phải mất 3 ngày sau, người ta mới đưa thi thể anh về với gia đình. Và dĩ nhiên, cũng không có luồng livestream nào về sự việc này cả.
Trong những giây phút khó khăn nhất, thì cái chết đôi khi cũng là một nhiệm vụ và bổn phận. Tại những nơi khó khăn nhất thì chỉ có Công an, Bộ đội, cán bộ gắn bản mới tiếp cận được, những nơi đó không có sóng viễn thông, không có điện nước thì livestream làm sao được?
Mà bận trăm công ngàn việc, mà lại còn rảnh đến mức livestream?
Rồi khi livestream thì lại vào chửi rằng, sao không giúp dân đi còn đứng đó livestream à? Còn vô số những khó khăn khác không được ghi lên sóng livestrem. Cuộc đời đâu phải miệng giếng mà chỉ cần ngước mặt lên trên là ngỡ như thấy được cả bầu trời xanh?
Từ thiện, cứu trợ là đáng quý, không chỉ với giới nghệ sĩ mà còn là với bất cứ ai. Có những nghệ sĩ từ thiện vì danh tiếng, có một số người khác là vì cái tâm, vậy còn những chiến sĩ, cán bộ và những người người khác, họ vì điều gì? - Vì dân.
Từ bao giờ mà người ta lại đánh giá chuyện từ thiện bằng việc “livestream”?
Từ bao giờ mà người lại cho rằng “chỉ có nghệ sĩ mới cứu trợ cho dân?
Từ bao giờ mà công lao của rất nhiều người khác lại bị che mờ bởi giới nghệ sĩ?
Từ bao giờ mà vì công chúng vì bênh vực nghệ sĩ mà sẵn sàng phủ nhận vai trò của chính quyền, những đoàn từ thiện khác trong việc cứu trợ nhân dân?
“Quay trở lại thời chúng ta đọc truyện cổ tích, luôn luôn có người làm anh hùng, vậy hãy làm anh hùng đi" - ca sĩ Hà Anh Tuấn. Thật may mắn cuộc sống của chúng ta đang tồn tại rất nhiều anh hùng. Nhưng cũng rất đáng buồn vì người ta bắt đầu lãng quên và vô ơn với những vị anh hùng ấy.
Mới chưa đầy một năm thôi, mà sao nhiều người lại “mất trí nhớ” nhanh thế?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét