Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

CHUYẾN CÔNG DU CỦA THỦ TƯỚNG 'TẠO ĐÀ QUAN HỆ VIỆT - MỸ'

Hơn 60 hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 7 ngày công du Mỹ giúp quan hệ song phương có thêm đà tiến trong nhiều lĩnh vực, theo quan chức Mỹ và giới chuyên gia.
"Những chuyến thăm cấp cao luôn là dấu mốc ghi nhận và tạo đà quan trọng cho quan hệ hai nước", ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ với PV về ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ, diễn ra ngày 11-17/5.

Trong chuyến thăm, làm việc đầu tiên tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành hơn 60 hoạt động song phương và đa phương, trong đó có dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, làm việc tại Liên Hợp Quốc và tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Thủ tướng cũng đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Haris, Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, các bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các, giới học giả, các doanh nghiệp tập đoàn hàng đầu tại Mỹ.
"Đây là những tiếp xúc, trao đổi trực tiếp ở cấp cao nhất và toàn diện nhất giữa hai nước sau gần hai năm gián đoạn do dịch bệnh", Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trong bài trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến đi của Thủ tướng được Bộ Ngoại giao công bố.
Lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng đã có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, tọa đàm với đối tác về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Ông Phạm Quang Vinh nhận định chuyến công tác của Thủ tướng đã truyền tải rất rõ thông điệp "khát vọng của Việt Nam về hòa bình, phát triển, nâng cao vị thế" trong xuyên suốt cả ba nhóm hoạt động đa phương ASEAN - Mỹ, song phương Việt - Mỹ và gặp gỡ đại diện Liên Hợp Quốc.
Thông điệp của Việt Nam được các bên đánh giá cao, đồng thời "tạo ra đà phát triển mới" trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác mà Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ trong thời gian công tác tại Mỹ, theo ông Vinh.
Trả lời tại buổi họp báo trực tuyến hôm 18/5, ông Daniel J. Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết phía Mỹ rất trân trọng Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ở mọi phiên họp trải rộng trên nhiều vấn đề, trong đó có mong muốn chống biến đổi khí hậu, chống Covid-19, những nguyên tắc các bên cùng chia sẻ về hàng hải và những vấn đề liên quan khác mà hai bên cùng quan tâm.
"Dù hội nghị cấp cao lần này được thiết kế chủ yếu nhằm kỷ niệm mối quan hệ đối tác then chốt với ASEAN, đây cũng là cơ hội quan trọng để nhấn mạnh và kỷ niệm mối quan hệ đối tác tuyệt vời của chúng tôi cùng nhiều nước tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam", ông chia sẻ.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý chuyến thăm diễn ra trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Tổng thống Biden, trong bối cảnh chính quyền của ông đang muốn triển khai mạnh mẽ chiến lược mới tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò của ASEAN và quan hệ với các đối tác chủ chốt. Việt Nam cũng vừa tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021, tạo ra những động lực và chủ trương mới cho định hướng phát triển trong nước lẫn hội nhập quốc tế.
Sự trùng khớp về giai đoạn triển khai chính sách giữa hai nước khiến chuyến thăm và làm việc tại Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính càng thêm quan trọng. Chuỗi hoạt động của Thủ tướng cũng bao gồm nhiều cuộc tiếp xúc với hàng loạt thành viên nội các và nghị sĩ chủ chốt của Mỹ, góp phần cho nỗ lực tăng niềm tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên.
Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định trong các phát biểu trước công chúng và cuộc tiếp xúc với quan chức cấp cao Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nêu bật thông điệp tập trung vào phát triển quan hệ kinh tế, hợp tác chống biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Poling đánh giá Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy rõ rằng Việt Nam sẵn sàng củng cố quan hệ cùng Mỹ cả trong những vấn đề mới nổi.
"Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thể hiện Việt Nam sẽ nhìn nhận loạt sáng kiến của Mỹ như Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay cam kết đóng góp mạnh mẽ hơn cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu, thông qua các hành động thực tế", ông phân tích. "Mỹ cần mang đến bàn đàm phán những nội dung đủ sức thuyết phục đối với Việt Nam. Cách truyền tải thông điệp rõ ràng như vậy rất quan trọng".
Một trong những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ là bài phát biểu trước giới nghiên cứu chính sách đối ngoại tại CSIS, trong đó Gregory Poling giữ vai trò điều phối viên.
Chia sẻ thêm về vai trò của sự kiện này, chuyên gia người Mỹ chỉ ra rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN duy nhất có bài phát biểu trước công chúng Mỹ trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Washington.
"Bằng việc đồng ý phát biểu tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi tín hiệu rằng chính phủ Việt Nam coi trọng mối quan hệ và sẵn sàng làm sâu sắc hơn liên kết với cộng đồng tư vấn chính sách tại Mỹ", Poling chia sẻ
Cơ hội từ hợp tác ASEAN - Mỹ
Ngoài những hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết quả từ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ cũng góp phần tạo thêm động lực phát triển cho quan hệ giữa Mỹ với Đông Nam Á nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng, theo giới chuyên gia.
Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng RAND ở Mỹ, lưu ý Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ đang phải ứng phó nhiều vấn đề cần ưu tiên, từ Covid-19, cải cách kinh tế đối nội đến khủng hoảng an ninh tại châu Âu và chiến sự Ukraine.
Washington đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP) vào tháng 2, nhưng trụ cột Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) trong chiến lược này vẫn chưa được làm rõ. "Mỹ vẫn thiếu một chiến lược rộng hơn dành cho khu vực trên phương diện kinh tế", Grossman nhận định. "Chúng tôi vẫn đứng ngoài, trong khi khu vực đang chứng kiến nhiều diễn biến sôi động".
Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, đánh giá hội nghị thượng đỉnh tại Washington "là bước đầu khả quan" trong nỗ lực nâng mức ưu tiên cho ASEAN trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, cả Mỹ và ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để "đảm bảo mối quan hệ đối tác có thể đạt đến những tầm cao mới" tương xứng với tiềm năng.
Trong tuyên bố chung về tầm nhìn sau hội nghị thượng đỉnh, ASEAN và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện. Theo ông Phạm Quang Vinh, đây có thể được xem là một trong những kết quả thành công nhất của sự kiện. Động thái cho thấy ASEAN đạt được đoàn kết nội khối về tầm nhìn quan hệ với Mỹ, mặt khác khẳng định cả ASEAN và Mỹ sẵn sàng xây dựng một tầm nhìn chung dành cho mối quan hệ chiến lược.
"Quyết định này cho thấy dù nhìn nhận hợp tác kinh tế với Mỹ chưa tương xứng với tiềm năng, ASEAN vẫn thống nhất nâng cấp quan hệ hai bên vì giá trị chiến lược của Mỹ, đảm bảo khu vực cân bằng và không ai độc tôn ảnh hưởng", ông Vinh nhấn mạnh.
Quá trình nâng cấp quan hệ ASEAN - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện phải chờ đến tháng 11, khi Tổng thống Biden dự kiến đến Đông Nam Á dự chuỗi hội nghị cấp cao của ASEAN. Triển khai mối quan hệ mới từ tầm nhìn đến hành động và sáng kiến thực tế cũng cần chờ thêm thời gian định hình, nguyên Đại sứ nhận định, nhưng cho rằng quan hệ ASEAN - Mỹ sôi động hơn và được nâng tầm chắc chắn sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho hợp tác và phát triển với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam cần đón đầu những sáng kiến và khuôn khổ hợp tác thương mại - đầu tư sắp tới, chủ động xem xét những điểm phù hợp với lợi ích của mình, từ đó chuẩn bị cả nguồn lực và khung pháp lý trong nước để có thể chủ động tranh thủ nguồn lực bên ngoài", ông Vinh chia sẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét