Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

TỰ HÀO CHỨ!

Tôi được sinh ra vào năm Đinh Sửu (1937), dù muốn hay không cũng được coi là một trong hàng triệu “chứng nhân lịch sử”. Biết đâu, sau này lại chẳng một sử gia tìm đến năn nỉ, “Cụ ơi, cụ nói cho cháu biết về ngày gì gì đó, sự kiện gì gì đó…”. Tôi sẽ bảo, “Cứ uống nước đi, thong thả rồi lão sẽ kể cho mà nghe”.

Khi tôi sinh ra, thì đảng Cộng sản Đông Dương đã được 7 tuổi. Đương nhiên là tôi chẳng biết gì, nơi khai sinh của đảng Cộng sản ở đâu và vào ngày nào, khi lớn lên mới biết, sinh nhật của đảng này là ngày 3 tháng Hai, 1930. Trong gia đình nhà tôi có hai ông tôi gọi bằng chú, sau năm 1930, bỏ giàu sang phú quý để đi theo Cộng sản, sau đó thì cả hai người đều bị giặc Pháp bắn chết. Vậy đó, tôi chỉ biết Cộng sản qua hai ông chú họ của tôi.
Nhưng đến tháng Tám, 1945 thì tôi đã được thấy một ít sự kiện – Việt Minh phá kho thóc của Nhật, chia cho nông dân nghèo; gia đình một ông chú tôi giàu có đã nấu cháo đem ra ngoài đình “phát chẩn” cho người đói; người trong họ tôi cũng có gia đình chết vì đói, nhưng do ở xa lại có quá nhiều người đói, đã cố cưu mang song không xuể; trong “tuần lễ vàng” năm 1945, chính quyền cách mạng cần tiền để mua sắm vũ khí, thế là một ông chú họ khác tháo ngay chiếc nhẫn trên tay, bỏ vào thùng quyên góp. Cho đến nay, tôi vẫn thuộc lời kêu gọi đó:
“Vàng! Vàng! Vàng!
“Vàng là vũ khí tối tân
“Vàng nuôi bộ đội đánh tan quân thù
Hoặc,
“Đeo vòng chỉ tổ nặng tai
“Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng.
Như vậy chỉ nội trong năm 1945, tôi đã được chứng kiến bốn sự kiện của đất nước. Cho đến khi quân Pháp trở lại xâm chiếm Đông Dương, với “chín năm kháng chiến trường kỳ” thì các sự kiện cứ chồng chất lên nhau. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến là câu mà người dân nào cũng thuộc và làm theo. Nhỏ tuổi thì tham gia kháng chiến theo cách của người nhỏ, lớn làm theo cách của người lớn. Ai cũng có thể tham gia kháng chiến.
Điều ân hận đối với gia đình tôi là khi mẹ tôi qua đời vẫn còn mang trong người một mảnh đạn đại bác của Pháp bắn về làng. Một kỷ niệm sâu sắc, hơn cả những gì mà chị em tôi phải chịu đựng và đối phó.
Hết chín năm chống Pháp đến hai mươi năm chống Mỹ, thời khắc đó không chỉ còn là ký ức của người già chúng tôi nữa. Có biết bao bạn trẻ thời đó ngày nay đã thành ông, thành bà có rất nhiều kỷ niệm được ghi trong tâm khảm, hơn đứt người già chúng tôi, những người chưa từng trải qua bom đạn nơi chiến trường. Vì vậy tôi không kể tiếp nữa, làm vậy có khác nào “đánh trống qua cửa nhà sấm” đâu bạn nhỉ?
Hình trong bài: Tuần lễ vàng năm 1946 tại Hà Nội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét