Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

VẬN ĐỘNG VIÊN ĐỔ MỒ HÔI MANG VINH QUANG VỀ CHO TỔ QUỐC CÒN CỔ ĐỘNG VIÊN THÌ BĨU MÔI “AO LÀNG”

Joseph Schooling, vận động viên bơi lội nổi tiếng nhất Đông Nam Á, từng đánh bại huyền thoại Michael Phelps bình luận bình luận về SEA Games: “Olympic là đỉnh cao, nhưng SEA Games rất gần gũi, thân thuộc với tôi. Dù thi đấu ở cấp độ nào, thi đấu cho quốc gia luôn là một niềm đáng tự hào. Tôi từng có lúc xem nhẹ SEA Games, nhưng dần dần tôi mới thấy những đại hội như SEA Games rất quan trọng”. Cách đây 3 năm, huyền thoại bơi lội Đông Nam Á cũng phản bác nhiều ý kiến cho rằng SEA Games là ao làng, là đại hội bậc thấp. Anh cho biết thêm, bất cứ một vận động viên bơi lội nào muốn tiến ra biển lớn (giải đấu thế giới) đều phải bơi từ những con sông (những giải đấu nhỏ).

Trước khi vô địch Olympic, Joseph Schooling cũng trưởng thành từ SEA Games và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của chúng ta cũng như vậy. Trước khi đứng trên đỉnh cao Taekwondo thế giới hạng 49kg tại Olympic Tokyo, Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) cũng thống trị tuyệt đối tại SEA Games. Đô cử Hidilyn Diaz (Philippines) cũng vô địch SEA Games trước khi vô địch Olympic Tokyo… Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa.
Chắc chắn rằng, SEA Games không thể có quy mô bằng Olympic và Asiad, nhưng nó cũng đại hội của rất nhiều nhà vô địch thế giới, châu lục hoặc tầm cỡ tương đương. SEA Games cũng là đại hội của gần 700 triệu người dân, là 1 trong 5 đại hội thể thao tầm cỡ khu vực trở nên có lượng người xem đông nhất thế giới.
SEA Games luôn bị nhiều người Việt chê là ao làng, nhược tiểu hay hội làng vì những vấn đề trong khâu tổ chức, trọng tài… qua các năm. Đúng, những tồn đọng đó là không thể tranh cãi, nhưng nói đâu xa, ngay ở Olympic Tokyo 2020 vừa qua, cũng có nhiều tranh cãi lớn liên quan đến vấn đề trọng tài và chính chủ nhà Nhật Bản cũng bị cáo buộc “ăn gian” khi võ sĩ Nhật Bản bị đánh bất tỉnh nhưng vẫn nhận huy chương vàng tại môn Quyền anh. Tại Thế vận hội mùa đông Olympic mùa Đông 2022, các tranh cãi trọng tài, khâu tổ chức lớn đến mức trở thành vấn đề ngoại giao quốc như giữa Trung Quốc - Hàn Quốc và đặc biệt là ở các môn thi biểu diễn như trượt băng nghệ thuật.
Dĩ nhiên, không được lấy lỗi sai của các đại hội khác tầm cỡ cao hơn để làm biện minh cho công tác trọng tài còn nhiều điểm hạn chế ở SEA Games. Nhưng, hàm ý ở đây là, vấn đề trọng tài dù cố tình hay vô ý đều tồn tại như một lẽ tất yếu của thể thao và đôi khi chúng ta phải chấp nhận. Muốn đánh giá một kỳ đại hội thì nên nhìn rộng hơn ra. Nói SEA Games là một đại hội chỉ ở tầm cỡ khu vực, chất lượng chuyên môn có thể là chưa cao so với thế giới - công nhận, nói SEA Games là một đại hội có khâu tổ chức chỉ ở mức trung bình - đúng luôn, vì phần lớn các quốc gia ASEAN đều có nền kinh tế ở mức trung bình so với thế giới.
Nói SEA Games là “mang tính khu vực” vì đưa nhiều môn thể thao đặc hữu quốc gia vào tranh tài cũng chuẩn, nhưng bản thân SEA Games là đại hội mang tính chất giao lưu văn hóa, quảng bá. Mỗi quốc gia trong ASEAN lại có một hoặc vài môn thể thao đặc thù, việc đưa vào một đại hội khu vực như SEA Games mang hàm nghĩa quảng bá là điều có trong điều lệ giải. Và cũng từ những đại hội tương tự SEA Games, các ủy ban thể thao lớn của châu lục, thế giới mới xem xét, quyết định đưa ra vào các đại hội lớn hơn. Ví dụ như eSport, Pencak Silat… Việt Nam cũng đặt mục tiêu quảng bá Vovinam ra thế giới, đưa Vovinam vào thi đấu ở Asian Games. Muốn được đưa vào Asian Games, trước tiên phải đưa vào các đại hội tầm cớ SEA Games trước đã. Tuy nhiên, việc căn cơ đầu tiên là không lạm dụng. Năm nay, cũng là năm có tỷ lệ môn thi đấu nằm trong các môn Olympic (60%) và Asiad (85%) ở mức cao hơn so với kỳ SEA Games lần trước diễn ra ở Philippines.
SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam có nhiều lỗi vấn đề liên quan đến lỗi tổ chức như khâu truyền hình, bê bối liên quan đến thiết kế ấn phẩm. Nhưng nếu nhìn rộng ra hơn, SEA Games 31 lần này đã không còn những hình ảnh VĐV phải nằm dài ở sân bay mấy tiếng đồng hồ, các VĐV không còn phải tự bỏ tiền túi ra gọi xe đến địa điểm thi, không còn những phòng họp báo còn chưa lắp xong ổ cắm điện, không bị các đoàn chỉ trích về điều kiện ăn ở, không bị các nhà báo phàn nàn là mạng mẽo không gửi được tin tức về nước…
Đoàn Indonesia và Malaysia phàn nàn về việc chưa có khu ăn riêng cho vận động viên theo đạo Hồi (mặc dù đã qua tháng lễ Ramadan) và cũng được đáp ứng ngay. Đoàn Thái Lan khen ẩm thực ngon và tình nguyện viên nhiệt tình. Đoàn Campuchia khen ngợi vì ban tổ chức khéo léo bố trí sinh viên Campuchia học tại Việt Nam để hỗ trợ, phiên dịch. Hơn tuần thi đấu, cũng chưa có bê bối trọng tài nghiêm trọng diễn ra vì SEA Games 31 lần này được các liên đoàn thể thao châu lục, thế giới quan tâm. Vì các liên đoàn coi đại hội lần này là “buổi tập dượt” cho Asian Games 2022 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 nên đã cử đội ngũ trọng tài đẳng cấp nhất đến hỗ trợ Việt Nam. Và vô tình Asian Games 2022 hoãn nên kỳ đại hội lần này có tới 1300 trọng tài quốc tế.
Và cũng tại SEA Games 31, với chủ trương không bán vé, vào cửa tự do và quá trình quảng bá tương đối tốt (có thể do “phốt” vô tình khiến SEA Games được quảng bá rộng hơn), khiến các vận động viên đều được thi đấu với sự cổ động của rất đông khán giả... Ngay cả với các môn thi ít được quan tâm như đua xe đạp, đua thuyền được tổ chức không phải ở các đô thị lớn nhưng tinh thần cổ vũ cũng rất cao.
Không hiểu tại sao có nhiều người cứ chê bai SEA Games là ao làng, dĩ nhiên, mỗi người có một quan điểm. Nhưng khi nhìn vào trường hợp khoảnh khắc vận động viên nhảy cầu nhảy lỗi rồi bị cả cộng đồng mạng tế lên tế xuống là “nhục quốc thể” - trong khi từng có thời điểm bạn ấy thi đấu cực tốt và ở vị trí thứ 3, nhưng với mong muốn đổi màu huy chương nên muốn thực hiện động tác khó thành ra tiếp nước lỗi. Rồi VĐV Trần Nhật Hoàng khóc khi bị chấn thương dẫn đến không bảo vệ được tấm HCV cũng bị chỉ trích là “màu mè”...
SEA Games có tới 7000 vận động viên, huấn luyện viên và kỹ thuật viên tham gia tranh tài. Và cũng từng ấy sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu và luyện tập… Có người phải mất rất nhiều năm liền để xuất hiện ở SEA Games, có vận động viên rơi nước mắt khi được thi đấu ở khu vực vì họ và quốc gia sẽ phải mất rất lâu nữa mới tiến ra được vũ đài thế giới (như vận động viên Felisberto De Deus dành huy chương bạc chạy 5000m của đoàn Timor-Leste)...
Gắn cái chữ “ao làng” vào, tự khiến cho bao nhiêu thành quả tập luyện, máu, mồ hôi, công sức tự nhiên rẻ rúng đi.
Trước khi đến với Olympic hay Asiad, thì các vận động viên đều phải trải qua những đại hội cấp khu vực như SEA Games. Cứ hăm hăm tiến ra thế giới trong khi “ao làng” còn chưa thành công, thì khác gì “chưa đỗ ông Nghè, đã đe hàng tổng”?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét