Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

MINH OAN CHO NGÀNH ĐIỆN

Nói thì đa phần các bạn không tin, nhưng nỗ lực lớn nhất của ngành điện trong năm nay đó chính là việc KHÔNG TĂNG GIÁ ĐIỆN.
Nếu như các bạn nhìn vào một số ví dụ như giá điện cuối tháng 8 tại Pháp lên tới 1100 euro/1 MW hay Đức lên tới 995 euro/1 MW… Theo đánh giá của France24 thì mức giá này này cao cấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Tại Anh Quốc, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo tăng giá điện và khí đốt lên gấp đôi vào 01/10/2022 vì nhu cầu mùa đông tăng đột biến và khan hiếm nhiên liệu. Cần nói rằng, các quốc gia trên sở hữu nguồn điện hạt nhân rẻ, ổn định và dồi dào, vậy mà họ còn không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Hoặc không nói đâu xa, ngay tại trong khu vực chúng ta mà thôi, khối ASEAN-6 (6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN) chỉ có duy nhất Việt Nam là quốc gia cam kết không tăng giá điện trong năm 2022. Giữa tháng 8 vừa qua, Thái Lan thông báo tăng giá điện tới 18% trong 3 tháng cuối năm, lên tới 4,72 bath/1Kwh tương đương 3,1 ngàn đồng Việt Nam. Còn nước bạn Indonesia tăng giá từ 17% đến trên 36% đối với các thang bậc giá điện. Philippines cũng trải qua đợt tăng giá lên tới khoảng 10% - 20% và khiến giá điện của quốc gia này cao 2 đến 2,5 lần giá điện Việt Nam.
Người ta thường chỉ nhăm nhe vào việc tại sao EVN thua lỗ lớn trong 8 tháng đầu năm 2022, nhưng chẳng mấy ai cùng ngồi phân tích rằng tại sao lại thua lỗ và liệu sự thua lỗ này liệu có thực sự đáng trách hay không?
Theo Malaysia Today, giá than phát điện tăng 295% ở thị trường giao dịch Singapore. Trang thống kê năng lượng Rystad Energy chốt giá than phát điện ở thị trường Úc giao đi lên tới trên 400 USD/1 tấn vào đầu tháng 6 vừa qua, tăng tới hơn 235% so với cùng kỳ năm trước. Giá khí, LNG tăng tới 178% trong khoảng 15 tháng qua. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than và khí của Việt Nam chiếm tới 50 - 55% tổng sản lượng điện. Việt Nam là quốc gia nhập rất lớn than để phát điện và dự kiến trong năm 2022, Việt Nam nhập tới 18 - 25 triệu tấn than để phát điện và sản xuất phân bón.
Nhằm hỗ trợ ngành điện, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã phải duy trì mức giá than thấp bằng 1/2 giá thế giới (giá than TKV bán cho nhiệt điện vào khoảng 220 USD trong khi giá quốc tế duy trì 395 - 400 USD). Theo Reuters, giá than nhiệt điện Úc (đối tượng xuất khẩu than chính cho Việt Nam) chào bán cuối tháng 8 vẫn duy trì trên 400 USD, cao gấp 170% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 770% năm 2020.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi tới 15,7 tỷ USD nhập khẩu năng lượng và đã vượt quá số tiền nhập khẩu năng lượng của cả năm 2021.Ngành điện đang phải chịu áp lực “kép”. Đó là việc phải nhập khẩu nhiên liệu với mức giá rất cao, nhưng phải duy trì biểu giá bán không hề tăng trong 3 năm qua. Nếu lấy mốc tăng giá điện gần nhất vào 3/2019 thì giá than bình quân lúc đó chỉ rơi vào khoảng 75 - 85 USD/1 tấn. Trong khi vào trong 8 tháng đầu năm 2022, giá than nhập khẩu bình quân lên tới trên 300 USD/1 tấn.
Vậy từ những căn cứ nêu trên, việc EVN không lỗ trong năm 2022 thì họa chăng có 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không may ra giúp được.
Muốn EVN hết lỗ ư? Đơn giản, tăng giá như các quốc gia khác trong khu vực hoặc thế giới là xong. Nhưng trước mưu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phát triển và hồi phục kinh tế, EVN đã cam kết với Chính phủ rằng sẽ không tăng giá điện mặc cho giá nhiên liệu thế giới tăng thế nào.
Để khỏi phải chịu lỗ, các quốc gia khác phải tăng giá bán điện. Còn với Việt Nam, chấp nhận chịu lỗ để không tăng giá điện. Vậy mà vẫn bị chửi!
Một số nguồn tham khảo:
1. Europe May Face Power Outages as Authorities Prepare for Winter Energy Crisis - Theepochtimes
2. France to Cap Price-Hikes in Push to Ease Crisis: Energy Update - Bloomberg
3. Germany Sees Independence in Rosneft Swoop: Energy Update - Bloomberg
4. Energy prices are causing chaos in Asia. Here’s why the rest of the world should worry - CNN
5. Europe's electricity prices hit record high as Russian supply cuts begin to bite - France24
6. Giá than nhập khẩu tăng chóng mặt, tới 170% - Báo Công Thương
7. Nhu cầu nhập khẩu than năm 2022 lên tới 25 triệu tấn - VNBusiness
Và một số nguồn tư liệu khác

0 nhận xét:

Đăng nhận xét