Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

XIN ĐỪNG VÔ TÌNH ĐẾN THẾ!

Buổi lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 của Bộ Y tế tổ chức tại Đại học Y Hà Nội đã dùng nhầm logo ngành Y. Tai hại ở chỗ, hình ảnh con rắn cuốn quanh cây gậy - biểu tượng của ngành Y - bị chuyển thành "con rắn ngậm phong bì".

Chưa hết, tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 cũng gặp lỗi sai tương tự.
Hiện tại, Bộ Y tế đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) vào cuộc làm rõ. Bước đầu, nguyên nhân của sự nhầm lẫn đáng trách này là do cán bộ kỹ thuật Trường Đại học Y Hà Nội đã lấy nhầm logo trên mạng đưa vào thiết kế phông nền cũng như tài liệu lưu hành nội bộ.
Tính chất của vụ việc tới đâu, lực lượng chức năng sẽ có câu trả lời sớm. Song, nếu như nguyên do vừa công bố, do nhầm lẫn khi tra “Google” logo trên mạng là rất đáng trách. Vẫn biết, nghề kỹ thuật, thiết kế có rất nhiều việc không tên. Áp lực công việc rất lớn, đầu việc rất nhiều. Nhưng tìm kiếm ẩu tới mức dùng nhầm logo của ngành bằng một bức biếm họa là điều không thể chấp nhận.
Đáng buồn hơn, ngay sau khi thông tin về hình ảnh logo “con rắn ngậm phong bì”, không ít bình luận trên mạng có phần hả hê. Với những bức xúc sẵn có về "đại án Việt Á" gần đây, họ đã đánh đồng rằng logo trên là “phù hợp”.
Tất nhiên, "đại án Việt Á" đã gây nên vết hoen ố với ngành. Song, nhìn ở khía cạnh khác, khi ngành Y phải đối mặt với những tồn tại mà “đại phẫu” nhân sự từ cựu Bộ trưởng trở xuống các giám đốc sở, giám đốc CDC, giám đốc bệnh viện… thì đó cũng là cơ hội để ngành trong sạch hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Chưa kể, dù có tới cả hàng chục quan chức ngành Y đã phải tra tay vào còng thì số lượng đó là quá nhỏ so với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã, đang đối diện với biết bao khó khăn. Và nữa, mới chỉ giờ này năm ngoái thôi, khắp nơi nơi đều thương cảm, xúc động trước những y, bác sĩ, nhân viên y tế lao vào tuyến đầu.
Tôi còn nhớ, hình ảnh người chiến sĩ công an vội vã dọn đường rồi đứng nghiêm chào đoàn xe các nhân viên y tế tới tỉnh mình tiếp viện gợi bao cảm xúc biết ơn thiêng liêng trong cơn nguy khốn.
Tôi còn nhớ, những hộ dân ở các tỉnh “tâm dịch” đã treo cả băng rôn chào mừng các đoàn bác sĩ tới hỗ trợ địa phương mình.
Tôi còn nhớ, cậu bé vùng cao Quảng Nam vác một khúc măng, đi bộ nửa ngày đường để hỗ trợ y, bác sĩ và Nhân dân Đà Nẵng chống dịch.
Tôi còn nhớ, hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ nóng nực đã nằm vật ra sân bệnh viện nghỉ vội trong chốc lát.
Biết bao hình ảnh, biết bao câu chuyện mà hơn hai năm qua, phần đông đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã hi sinh với sự thấu cảm và tri ân sâu sắc của cộng đồng. Đó là những tình cảm thiêng liêng, những sự trao gửi bằng hành động có thể rất nhỏ nhưng lay động tâm can. Và đó là những ngày ngành Y đã đứng bên cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng vượt qua cơn nguy khốn của dịch bệnh.
Những y, bác sĩ, nhân viên y tế đã chấp nhận đánh đổi sức khỏe và cả sinh mạng vì tự trọng nghề nghiệp. Họ làm vì đó là việc phải làm, không mảy may tính toán thiệt hơn. Họ xứng đáng được ghi nhận và tự hào về những ngày tháng đó.
Nên, câu chuyện logo là một sai sót. Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Còn những ai đã và đang hả hê về sự nhầm lẫn, và cho rằng logo con rắn ngậm phong bì là phù hợp với ngành Y nước nhà hiện tại thì thực sự là hời hợt hóa ác. Bởi hiện tại, đời sống y, bác sĩ, nhân viên y tế rất khó khăn. Bất cứ ngành nghề nào khó khăn cũng cần được sự hỗ trợ, cảm thông từ cộng đồng.
Đằng này lại là một ngành đã hi sinh không biết bao nhiêu mà kể trong suốt mấy năm đại dịch Covid vừa qua. Chí ít, không động viên họ được câu nào, thì cũng xin đừng “đạp” thêm họ bằng những lời lẽ hả hê vô ơn!
Nên nhớ rằng, đa số các ngành nghề để lấy bằng cử nhân mất 4 năm và mất 5 năm, nếu muốn học lên thạc sĩ cũng chỉ mất thêm 2 năm. Thế nhưng, để trở thành một bác sĩ cần tối thiểu 6 năm và mất thêm nhiều năm nữa để phấn đấu làm bác sĩ giỏi. Nói như vậy để thấy rằng quyết định đi theo nghề cũng là một sự hy sinh rất lớn!
Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 80.000 bác sĩ và hơn 128.000 điều dưỡng trên toàn quốc. Nếu đối chiếu vào tổng dân số cả nước thì có chưa đến 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng/1.000 người dân. Và sau hai năm đại dịch đi qua, một năm cuộc sống bình thường mới, một làn sóng y – bác sĩ nghỉ việc vì lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Thậm chí, phần thưởng dành cho những người được tôn vinh là “thiên thần áo trắng” còn bị nợ...
Chúng ta đã từng lên tiếng, chúng ta đã từng thương xót, nhưng bài toán về nhân lực ngành y vẫn ở đó. Cuộc sống của họ vẫn vất vả quay cuồng trong “cơm áo gạo tiền” với những tờ đơn xin việc, nghỉ việc đẫm nước mắt. Để rồi ngày hôm nay, một nỗi đau tinh thần nữa lại giáng vào nghề nghiệp của họ!
Tình hình dịch bệnh dù đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn đang có những diễn biến rất phức tạp thì chúng ta sẽ tìm kiếm ở đâu những “thiên thần áo trắng”. Và nói thẳng, cuộc đời chúng ta, bất cứ ai cũng đều trải qua “sinh – lão – bệnh – tử” và ở giai đoạn nào cũng đều cậy nhờ đến họ, những người y, bác sĩ! Nhưng rõ ràng, qua sự việc lần này thì một vấn đề rất lớn đang cần nói đến là thái độ của chúng ta đối với họ.
Bức xúc, căm phẫn với những kẻ tham nhũng trong ngành y, nhưng xin đừng chà đạp lên tất cả.
Xin đừng vô ơn với những người đã và sẽ sẵn sàng hy sinh tính mạng, hạnh phúc riêng tư của họ để cứu sống cuộc đời của chúng ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét