Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

PHI VỤ GIẢI CỨU CÔNG DÂN ÍT NGƯỜI BIẾT

PHI VỤ GIẢI CỨU CÔNG DÂN ÍT NGƯỜI BIẾT
Bức ảnh phía dưới chụp buồng lái chuyến bay xuất phát từ sân bay Nội Bài đi Ghinea Xích đạo, giải cứu 219 công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở đất nước Châu Phi này về nước. Tình đến nay, các chuyến bay nhân đạo đã đưa khoảng 17.000 công dân Việt Nam từ các nước về quê nhà để tránh dịch Covid-19. 
Tuy nhiên, có một cuộc giải cứu 17.000 công dân khác đã diễn ra cách đây gần 30 năm mà đến nay vẫn ít người biết. 
Về vụ này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể:
Vào đầu năm 1991, khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra Sau khi Iraq tấn công Kuwait, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười lập tức cho triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn cách thức "lên tiếng". Ông Vũ Khoan đại diện cho Bộ Ngoại giao tham dự cuộc họp này với yêu cầu: Phải làm sao để lên tiếng vừa tỏ thái độ "phản đối chiến tranh" vừa không được đi ngược lại Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ và quan trọng nhất là làm thế nào sơ tán được 17.000 công dân Việt Nam đang lao động ở Iraq. 
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thị Hằng giẫy nảy lên vì số lượng người quá lớn, Bộ không thể đảm đương được. 
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quay sang giao luôn nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao. Ông Vũ Khoan nhẩm tính, để đưa được 17.000 người này về thì phải dùng máy bay cỡ lớn (lúc đó là Jumbo Jet Boeing 747) và nhiều chi phí khác. Ông đề nghị Chính phủ trợ giúp kinh phí. 
Ông Đỗ Mười hỏi: Các cậu cần bao nhiêu? 
- Khoảng 30 triệu USD. - ông Vũ Khoan đáp.
- Nói thực là ngân sách hiện giờ cực khó khăn, các cậu không có xu nào đâu. Bộ Ngoại giao tính sao thì tính nhưng phải đưa được anh em về. 
Lúc này, quả thực mọi ngả đường đều tắc. Liên Xô thì đã quá yếu. Trung Quốc thì chưa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam hoàn toàn và họ cũng phải giải cứu công dân nước họ. Ông Vũ Khoan nghĩ ra cách gặp Vụ trưởng Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc Sérgio Vieira de Mello - người đang sang Việt Nam để thảo luận về cách thức xử lý người tị nạn bằng thuyền (boat people). De Mello từ chối giúp vì UNHCR không có chức năng này và khuyên cụ Vũ Khoan gõ cửa IOM (Tổ chức di dân quốc tế). 
(Về sau Sérgio Vieira de Mello trở thành Phó Tổng thư ký LHQ và là đặc phái viên của LHQ trong cuộc chiến Iraq lần 2 và tử nạn trong vụ đánh bom khách sạn Canal ở thủ đô Baghdad hồi năm 2003).
Rất may là IOM đồng ý hỗ trợ Việt Nam mặc dù Tổ chức này chịu ảnh hưởng của Mỹ và Việt - Mỹ thì chưa bình thường hóa quan hệ. 
Tiếp đó, EU và Nhật Bản đồng ý tài trợ cho Việt Nam 30 triệu đô. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao lập tức triển khai các trạm đón người ở các điểm dọc theo biên giới Iraq, đưa họ tập trung và dùng Boeing 747 chở về Tân Sơn Nhất (lúc đó Nội Bài chưa đủ khả năng đón 747). 
Chiến dịch giải cứu 17.000 công dân bằng 2 bàn tay trắng này đã thành công tốt đẹp sau vài tuần.
Năm 2011, vụ giải cứu quy mô lớn thứ 2 với 10.000 lao động Việt Nam từ Lybia về nước dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Kim Ngân (lúc đó là Bộ trưởng LĐTBXH) thuận lợi hơn nhiều vì lúc đó ít ra Việt Nam cũng đã "có tiền". 
Lê Gạch
Ảnh: trong hình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét