Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

ĐẠO LÀM QUAN!

   Dư luận đang ồn ào chuyện vị quan tỉnh nọ cho xe công vụ vào tận cầu thang sân bay đón người thân, dù lối ra sảnh chỉ cách chưa đầy 100m... Hình như xã hội bây giờ đã "sinh ra" một bộ phận "quan lại" có tư tưởng coi mình là "bề trên" là "thượng đẳng" so với quần chúng nhân dân. So sánh với các lãnh đạo thời kỳ chiến tranh cách mạng thì xa xôi quá, chỉ xin các vị hãy nhìn vào một người đương chức quan to, rất to ở đất nước mình. Nhìn để học ông ấy mà sống cho ra... đạo làm quan.
ĐẠO LÀM QUAN!
Khi ông ấy là Uỷ viên trung ương Đảng mà vẫn rụt rè gửi người bạn học tập hồ sơ xin việc cho con, dù bằng cấp, trình độ đào tạo của con mình hoàn toàn đầy đủ. Rồi ngay cả khi con không được tiếp nhận, ông vẫn khiêm nhường cảm ơn, thậm chí cáo lỗi với người bạn được nhờ.

Khi ông ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng về thăm ngôi trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, ông vẫn xin được đứng sau khi chụp ảnh, nhường ghế ngồi hàng đầu cho các thầy cô, bạn học lớn tuổi hơn.

Khi ông ấy là người đứng đầu Thủ đô vẫn lặng lẽ một mình đi xe máy về thăm Trường Đại học Tổng hợp trong sự ngỡ ngàng của cô thầy, bè bạn. Không xe đưa rước, không trống rong cờ mở, không võng lọng nghênh ngang, chỉ là một người đàn ông cao tuổi tự đi xe về trường.

Khi ông ấy là Chủ tịch Quốc hội, tứ trụ triều đình, đám cưới con gái ông ấy hầu như không ai biết. Sau đó một số bạn bè thân lắm mới nhận được thiếp báo hỷ mà thôi.

Khi ông ấy là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đi dự gặp mặt lớp cũ ông ấy đã nói: Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!

Đấy chẳng phải đâu xa, ông ấy là một vị quan đương chức đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Một người đàn ông gần 80 tuổi có gương mặt hiền hòa, mái tóc trắng tinh thường mặc chiếc áo rét màu cánh gián đã cũ rất nhiều năm.

Các quan chức bây giờ hãy nhìn ông ấy mà soi lại bản thân mình. Cảnh giới cao nhất của đạo làm quan không phải là lên xe xuống ngựa, trống giong cờ mở, kính gửi kính thưa, một vâng hai dạ... mà chính là xóa nhòa khoảng cách với nhân dân. Nghĩ cho cùng núi cao phải có đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Ông ấy chính là một "vị quan" biết con đường để tu dưỡng của mình, vì đạo đức của ông quan ảnh hưởng lên cuộc đời của nhiều người khác. Dẫu ở thời đại nào, triều đại nào đi chăng nữa người ta cũng luôn mong có những người quan tốt để cho dân nương nhờ. Khi người làm quan mà đạt được đạo thì lòng họ thư thái, hạnh phúc muôn vàn...

Ông ấy là một vị quan tốt!

Hoàng Trường Giang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét