Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC THẾ HỆ

Người thì đổ lỗi cho những đứa bé. Người thì chuyển qua trách cha, trách mẹ của chúng. Rồi trách trường, trách giáo viên chủ nhiệm, trách lớp, trách đến xã hội, đến nền giáo dục, đến an sinh xã hội, đến…cái lan can chung cư, đến đại dịch khiến tương tác xã hội giảm…

Thực ra thì trách mắng không khiến người đã khuất trở về, cũng chẳng khiến những người ở lại bớt buồn.
Có những con người trưởng thành, mà sáng chúng ta vẫn thấy họ cười, đến chiều tối là đã không còn thấy họ nữa. Có những người nổi tiếng, thành danh, giàu có, gia đình đuề huề, nhưng họ lại chọn dừng lại ở một độ tuổi rất trẻ. Điều gì khiến họ hành động như vậy? Chúng ta - những người quan sát ở góc nhìn khác, sẽ không thể biết và hiểu nên dễ buông những lời nặng nề.
Mình thấy có nhiều người hay so sánh lớp trẻ hiện nay với lớp trẻ hồi xưa. Nhưng mỗi sự so sánh đó có lẽ sẽ không giúp gì mấy, mà điều ấy chỉ khiến hố sâu thế hệ thêm rộng ra. Hồi trước, thế giới của mỗi đứa trẻ thường rộng, đó là bầu trời, ruộng lúa, đường làng đến trường… Còn thế giới của lũ trẻ hiện tại giữa phố thị lại là những bức tường, smartphone, TV và máy tính - mà các bạn thừa biết những thứ đó độc hại thế nào rồi mà.
Có một thực tế đáng buồn là, thời nào, những đứa trẻ đang phải sống giữa những sự so sánh. Nào là “con nhà người ta” hay “con hàng xóm”... Rồi đến ngày nay thì là “con chị đồng nghiệp”, “con bác phòng bên”, “con sếp”... Trẻ con dường như không phải chạy đua cho riêng chúng mà còn chạy đua cho cả bố mẹ. Có lẽ, những thế genZ và tương lai sẽ trở thành giống như những thế hệ trẻ ở Hàn, Nhật, Trung… hiện tại. Một thế giới phải gồng mình chạy đua và nhiều người chọn cách kết thúc để không phải chạy đua thêm nữa.
Thế giới quan của mỗi thế hệ đều khác nhau. Điều phi lý là thế hệ trước lại cứ muốn thế hệ sau phải sống trong một thế giới quan như họ. Thay vì cùng nhau thay đổi để thích nghi.
Đa phần người lớn thường quên mất họ cũng từng là trẻ nhỏ. Cũng từng mâu thuẫn với ông bà, cha mẹ, thầy cô… Khá dám chắc rằng, nhiều người trong chúng ta cũng “đã” thèm muốn một sự “thấu hiểu” hoặc “giãi bày”. Ai mà chẳng phải trải qua khoảnh khắc muốn nói gì đó nhưng lại bị chặn lại vì “không được cãi bố mẹ”, “phải im lặng mà nghe”...
Và rồi khi “những đứa trẻ trong quá khứ” ấy trở thành người lớn - lại chính là những người mà chúng đã-từng-không-muốn-trở-thành-nhất.
Người trẻ vẫn đang học trở thành người lớn. Và người lớn có lẽ cũng nên biến mình trở lại thời trẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét