Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

HIÊN NGANG TRÊN TRẬN TUYẾN VỚI QUÂN THÙ!

-----
Người chiến sĩ cầm B41 chống lại quân thù ở cột mốc số 0, Lạng Sơn 1979 trong bức ảnh được xem là "biểu tượng nhất" của cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược chính là chiến sĩ Trần Huy Cung.

Chiến sĩ Trần Huy Cung (sinh năm 1946 tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Năm 1967, ông Cung nhập ngũ, tham gia chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị. Sau 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông Cung xuất ngũ về làm công nhân cho Nhà máy xay tỉnh Thái Bình.
Tháng 12/1978, ông Cung tái ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bà Tô Thị Huê - Vợ ông Cung tâm sự: “Trước lúc lên đường nhập ngũ, ông ấy nói với tôi: Đất nước đang lâm nguy, anh phải ra chiến trường lần nữa. Em ở nhà chịu khó nuôi con một mình. Lúc đó con trai tôi đứa lên 6, đứa lên 3. Nhưng vì việc nước, tôi đành gạt nước mắt để ông ra chiến trận”
Chiến sĩ Trần Huy Cung thuộc biên chế Trung đoàn 540, Quân đoàn 14. Ngày 18/2/1979, Trung đoàn 540 thuộc Sư đoàn Bộ binh 327 được Quân khu 3 điều từ Quảng Ninh tăng cường cho Quân khu 1 bảo vệ Lạng Sơn. Tại đây bức ảnh lịch sử đã ra đời.
Sau 4 năm chiến đấu căng mình ở chiến trường biên giới phía Bắc, năm 1982, ông xuất ngũ và về làm việc tại Nhà máy xay lương thực Thái Bình. Đến năm 1988 ông chuyển về Nhà máy xay Tiền Hải công tác tại đó cho đến lúc về hưu. Tháng 8/1992 ông Cung dẫn cậu con trai lớn vào đầu quân cho Trung đoàn 88, Sư 302 đóng quân tại Bà Rịa. Kể từ đó, gia đình ông Cung - bà Huê và các con chuyển từ Thái Bình vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống và lập nghiệp.
Sau những trận ốm nặng, tháng 5/2015 ông Cung qua đời tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hình ảnh người chiến sỹ hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào nào xâm phạm đến lãnh thổ, đến biên giới nước ta, dù đó là đội quân đông nhất, mạnh nhất!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét