Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

BÁC SĨ PHẢI ĐI TẬP VÕ VÀ SỰ XUỐNG CẤP CỦA ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI


Nghề y là nghề của sứ mệnh thiêng liêng và cao quý. Sự cống hiến đội ngũ cán bộ nhân viên ngành y cho Xã hội rất thầm lặng, diễn ra từng giờ, từng phút ở khắp mọi miền của Tổ quốc từ thành thị đến biển đảo, vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Hình minh họa
Từ xa xưa, xã hội đã tôn kính gọi họ là "đại phu", "bác sĩ", "thiên thần áo trắng",... Ở Việt Nam, để trở thành một bác sĩ, họ cũng phải nỗ lực học tập 12 năm phổ thông, thi vào các trường Đại học Y với số điểm rất cao, rồi rèn luyện trong trường Đại học với chương trình đào tạo 6 năm, 7 năm (Quân Y) rồi trở thành bác sĩ. Để nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ còn phải tu nghiệp rất nhiều, trải qua các loại hình đào tạo khác nhau: ngắn ngày có, dài ngày có, chuyên khoa I, chuyên khoa II... Tất cả để phục vụ cho sứ mệnh cứu người. 

Bác Hồ từng viết thư gửi ngành Y: "Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang". Ở Việt Nam có hẳn một ngày dành riêng để tôn vinh ngành Y. 


Bản thân tôi rất quý mến các y, bác sĩ. Nếu không có bác sĩ thì có lẽ tôi đã không có thể ngồi đây mà viết lên những dòng này mà đã bỏ mạng vì sốt rét năm lên 3 tuổi. Tôi cũng quen rất nhiều y, bác sĩ, rất thông cảm cho nỗi vất vả của họ. Có lần ông anh bác sĩ trực bệnh viện, sáng Chủ nhật giao ca xong gọi rủ đi uống cafe; thấy anh ấy có vẻ bơ phờ mệt mỏi, hỏi thăm thì anh ấy trả lời "mệt lắm chú ơi, đêm qua anh mới ký mấy tờ báo tử; chắc mai phải giải trình với giám đốc bệnh viện". Nhìn bộ dạng của anh tôi rất thông cảm. Tôi nói đùa, dân gian hay nói "dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người" thì chắc phải xây cho anh nguyên một khu chung cư. Trong một ca trực mà biết bao nhiêu ca khó, nguy kịch, tai nạn có, đâm chém nhau cũng có... áp lực công việc là rất lớn. Nhưng nghề Y là vậy, vẫn thầm lặng cống hiến, cứu sống từng mạng người. 

Có lần xem phim kiếm hiệp có nhân vật nói "tối kỵ trong giang hồ là đồ sát đại phu". Tưởng chỉ có trong phim mà ngoài đời thực cũng có những trường hợp như vậy thật. Có những câu chuyện về "bác sĩ" giấu mặt chuyên chữa trị cho giới giang hồ. Chữa cho con bệnh toàn là bọn giang hồ, đối tượng hình sự, đâm thuê, chém mướn... nhưng vị "bác sĩ" ấy luôn được chúng kính nể. Tất nhiên, tôi không cổ xúy việc chữa trị cho những đối tượng ấy mà không báo cáo cho cơ quan Công an vì như thế là che giấu tội phạm. Ngoài ra còn phải kể tới, y bác sĩ công tác tại các trại giam, hằng ngày tiếp xúc với phạm nhân, đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như: lao phổi, HIV... nhưng những chiến sĩ Công an khoác trên mình tấm áo blouse trắng vẫn âm thầm sống chung với người bệnh, cùng với công tác giáo dục, họ đã mang ánh sáng mùa Xuân đến với những phận đời le lói phía cuối đường hầm. Họ không những chữa trị cho phạm nhân (là những tên tội phạm đã thành án) mà còn phải giáo dục, cảm hóa họ. Nhiều người từng lầm lỡ, từ sự ân cần của những người lính đã được cảm hóa và rất biết ơn, kính trọng cán bộ, mong ngày trở về hòa nhập với xã hội. 

Đến cả giang hồ cộm cán, tội phạm hình sự mà chúng còn biết ơn người chữa trị cho mình. Thế nhưng chuyện đáng buồn là tràn lan trên mặt báo biết bao nhiêu chuyện: đánh bác sĩ mới mổ đẻ cho vợ mình; đưa con đi cấp cứu đánh luôn bác sĩ; truy sát trong bệnh viện chém luôn bác sĩ... Thật sự tôi không hiểu nổi những kẻ hành hung y, bác sĩ trong đầu họ đang nghĩ gì? Đạo đức xã hội phải chăng đã chạm đáy? Mà việc hành hung không phải chỉ là cá biệt mà đã trở thành phổ biến. Nhà nước còn phải đưa tình tiết cố ý gây thương tích cho người chữa bệnh cho mình là tình tiết định khung tăng nặng của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (nhưng theo tôi vẫn chưa đủ mà phải là "người chữa bệnh cho mình hoặc người thân mình"). Nhưng đáng buồn nhất là y, bác sĩ học võ để phòng thân trước nạn bạo hành ở bệnh viện. Như đã ghi trên, sứ mệnh thiêng liêng của ngành Y là cứu người mà bây giờ họ còn phải tự cứu mình. Nghề thầy thuốc là nghề nguy hiểm bởi áp lực làm việc liên tục trong cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, phải tiếp xúc với đủ thứ dịch bệnh và hóa chất nguy hiểm. Sự nguy hiểm không chỉ dừng lại ở chuyên môn nghiệp vụ mà nay còn có nguy cơ bị hành hung bởi người nhà hay thậm chí là bệnh nhân. 

Không biết những kẻ từng xuống tay đánh đập y, bác sĩ họ có cảm thấy hối lỗi không? Mong pháp luật sớm trừng trị những kẻ xuống cấp đạo đức, hành xử côn đồ với y, bác sĩ bằng những bản án thật nghiêm khắc để răn đe chung; để không còn những vụ tấn công y, bác sĩ nữa.
Đạt Trần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét