Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

NGƯỜI DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI DÙNG MIG-21 BẮN RƠI 9 CHIẾC MÁY BAY CỦA MỸ

*******
Đó chính là Anh hùng Nguyễn Văn Cốc - một biểu tượng với hàng loạt kỷ lục của lịch sử không quân thế giới, trong đó phải kể đến chiến thuật Chim cắt số 2 với MiG 21 trở thành huyền thoại.
Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1942 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông trúng tuyển phi công năm 1961 và được huấn luyện tại trường dự khóa bay ở Hải Phòng.
Sau chuyến huấn luyện phi công tại Liên Xô, năm 1964, ông về nước, lái máy bay MiG-17 tham gia chiến đấu. Đến năm 1965, ông được chọn học chuyển loại lái máy bay MiG-21 và trở về nằm trong biên chế Trung đoàn không quân 921 (Đoàn Sao Đỏ).
Đang tải lên: Đã tải 261081/261081 byte lên.

CHIẾN THUẬT "CHIM CẮT SỐ 2" HUYỀN THOẠI
Trong đội hình biên đội máy bay MiG-21, ông thường được phân công bay vị trí số 2, với nhiệm vụ bảo vệ số 1 công kích đối phương. Tuy nhiên, ông đã cải tiến chiến thuật, cùng tham gia tấn công máy bay đối phương, nhờ đó, hiệu suất chiến đấu của phi đội tăng lên rõ rệt. Vì thế, đồng đội gọi ông bằng biệt danh “Chim cắt số 2”.
Theo cuốn sách Những cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam, thì đó là trận đánh diễn ra ngày 30/4/1967. Biên đội của ông do biên đội trưởng Nguyễn Ngọc Độ bay số 1 chỉ huy, cất cánh lúc 14h59 từ sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài bây giờ) bay về hướng Mộc Châu (Sơn La). Phát hiện phi đội 4 chiếc F-105 của không quân Mỹ, số 1 lệnh vứt thùng dầu phụ, số 2 yểm hộ để số 1 vào công kích.
Sau khi số 1 phóng tên lửa bắn cháy một chiếc F-105, số 2 Nguyễn Văn Cốc lợi dụng khi tốp máy bay địch chưa kịp hoàn hồn đã nhanh chóng tăng lực vọt lên, bám sát chiếc F-105D, đưa nó vào vòng ngắm rồi ấn nút tên lửa ở cự ly 2000 mét.
Trong cuốn Dũng sĩ trên bầu trời, phi công Nguyễn Văn Cốc hồi tưởng lại: “Tôi nhìn thấy chiếc Thần Sấm gần như bị chẻ làm đôi, rừng rực cháy giữa trời”. Chiếc F-105 trúng tên lửa bốc cháy, rơi xuống khu vực Thanh Sơn, Phú Thọ. Viên phi công Mỹ là trung úy Robert Archie Abbort thuộc Phi đoàn 354, Không đoàn 355, điều khiển đã kịp nhảy dù và bị bắt.
Chiến thuật số 2 công kích của Nguyễn Văn Cốc đã được ông thực hiện hoàn hảo trong trận không chiến ngày 23/8/1967, khi biên đội của Nguyễn Nhật Chiêu số 1 và Nguyễn Văn Cốc số 2 đã bắn rơi 3 chiếc F-4 ở khu vực bầu trời phía Tây Hà Nội, trong đó ông Chiêu bắn rơi 2 chiếc.
Ông Cốc vẫn còn nhớ những giây phút kịch tính của trận không chiến ngày 17/9/1968, khi biên đội của ông cùng phi công Phạm Phú Thái cất cánh từ sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa vào vùng trời Anh Sơn, Nghệ An đối đầu với tốp F-8 của địch. Trận đó, ông bay vị trí số 1, quần nhau 5-6 vòng nhưng vẫn chưa tạo được vị trí thuận lợi để công kích và vẫn bị hai chiếc F-8 bắn liên tiếp 4 quả tên lửa nhưng không trúng.
Sau khi thoát ly, ông cho máy bay quay về sân bay để hạ cánh nhưng chỉ còn có 150 lít dầu, tức là gần cạn sạch. Các thợ kỹ thuật cũng phát hiện máy bay của ông trúng đến 24 mảnh tên lửa.
Hỏi ông đối diện với lượng máy bay địch nhiều áp đảo trên trời, có khi nào ông thấy sợ không, ông bình thản bảo: “Có gì đâu, mình nắm rõ cách đánh của mình mà!”.
Trong không chiến, ông cũng từng phải nhảy dù hai lần, một lần do máy bay bị địch bắn khi vừa cất cánh và một lần khi không chiến bị hết dầu. “Bác nhảy dù nhưng không bị gãy tay chân gì cả, nên sau đó nhanh chóng quay trở lại vị trí chiến đấu”.
"BÁC CHÚC KHÔNG QUÂN CÓ NHIỀU CỐC HƠN NỮA!"
Anh hùng Nguyễn Văn Cốc xúc động khi nhớ lại lần được gặp Bác Hồ vào ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu năm 1969 khi Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân.
Tại cuộc họp mặt, Bác hỏi: Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội? Chính ủy Đặng Tính thưa: Thưa Bác, có 5 đồng chí ạ!
Bác gật đầu, rồi hỏi tiếp: Người nào bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất? Chính ủy Đặng Tính tự hào báo cáo với Bác: Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc, phi công Trung đoàn 921 bắn rơi nhiều nhất ạ!
Bác hỏi: Chú Cốc có mặt ở đây không?
Nghe Bác gọi tên mình, Nguyễn Văn Cốc vô cùng xúc động: - Dạ thưa Bác, cháu Cốc có mặt ở đây ạ.
Bác nhìn về phía Cốc và nói: Chú Cốc lên đây.
Nguyễn Văn Cốc đứng nghiêm trước mặt Bác, giơ tay chào Bác theo kiểu quân sự: - Báo cáo Bác, phi công Nguyễn Văn Cốc có mặt ạ!
Tiếng cười rộn dưới hàng quân và tiếng vỗ tay vang lên.
Bác trìu mến hỏi: - Chú bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ? - Thưa Bác, cháu bắn rơi 9 chiếc ạ!
Bác cười tươi, nắm chặt tay, ôm lấy Cốc và hôn. Bác nói: - Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi!
Nói rồi, Bác chuyển bàn tay trái cầm tay Nguyễn Văn Cốc giơ lên cao, tay phải của Bác cũng giơ lên trước hàng quân. Bác nói to để mọi người đều nghe rõ: - Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa!
Tiếng vỗ tay vang lên cùng với tiếng reo vui hồ hởi của mọi người... Khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã được phóng viên ảnh Xuân Át của báo Phòng không – Không quân ghi lại. Và bức ảnh Bác nắm tay ông đã trở thành vật kỷ niệm đáng quý nhất của ông với vị lãnh tụ kính yêu, vì cuối năm đó Người ra đi mãi mãi.
Năm đó ông 27 tuổi, là đại biểu của Đoàn Không quân Sao Đỏ với quân hàm đại úy - phi công và thành tích lẫy lừng bắn rơi 9 máy bay Mỹ (2 chiếc F4, 5 chiếc F105, 2 chiếc không người lái), có những trận chỉ cách nhau 2 ngày, bắn rơi 2 máy bay. Số máy bay bị ông bắn hạ đang giữ kỷ lục của Không quân khi đó. Và cho đến kết thúc chiến tranh, cũng không có phi công nào của ta vượt qua con số này.
Xúc động khi nhớ về kỷ niệm xưa, như nghẹn lời, ông nói, ông luôn trân trọng, biết ơn sâu sắc tình cảm của Người Cha già kính yêu, trong chiến đấu ông luôn nghĩ đến Bác, mong muốn quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau mỗi lần bắn rơi máy bay địch, chiến thắng trở về, ông đều nói vinh quang này là thuộc về Đảng, nhân dân, Bác Hồ vĩ đại. Ông bộc bạch rằng, trong cuộc đời mình ông mong muốn học được thật nhiều ở Bác đức tính giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, hết lòng vì nước vì dân.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của phi công Nguyễn Văn Cốc, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý khác, gồm: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 7 Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba), 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và 9 Huy hiệu Bác Hồ./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét