Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

ĐỪNG "DỄ MÌNH, KHÓ NGƯỜI"!

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong khi nhiều người mong mỏi được trở về sum họp gia đình sau một năm đầy biến cố, trắc trở thì một số địa phương lại viết “tâm thư” kêu gọi hay đặt ra các yêu cầu khắt khe nhằm hạn chế công dân từ các tỉnh, thành phố khác về quê ăn Tết, tránh lây lan dịch bệnh.

Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, nhưng làm theo kiểu “dễ mình, khó người”, tư duy “không quản được thì cấm” như nêu trên thì chỉ "dễ" cho lãnh đạo địa phương mà trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì thế, ngay sau khi dư luận lên tiếng phản ảnh, nhiều địa phương đã phải đính chính thông tin, điều chỉnh lại các quy định.
“Không quản được thì cấm” dường như đã ăn sâu trong tư duy lãnh đạo, quản lý của không ít cán bộ thiếu năng lực, trách nhiệm, tầm nhìn ở nhiều ngành, địa phương. Cách đây gần 10 năm, loại hình kinh tế chia sẻ bắt đầu xuất hiện ở nước ta cùng một số ứng dụng đặt xe công nghệ. Nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều được đưa ra. Có người cho rằng, vì chưa có quy định quản lý đối với loại hình dịch vụ này nên hoạt động của taxi công nghệ là vi phạm pháp luật, cần phải cấm.
Song lại có người nêu quan điểm “cấm không được thì phải quản”, vì nếu pháp luật không cấm thì người dân, doanh nghiệp được quyền tự do đầu tư, kinh doanh và cần có quy định quản lý phù hợp... Và cuối cùng, các quy định, chính sách quản lý, phát triển mô hình kinh tế này cũng được xây dựng, ban hành, áp dụng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy quyết định này là rất đúng đắn, tạo môi trường phát triển thuận lợi, sự cạnh tranh mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Tôi còn nhớ câu chuyện về anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Với mong muốn giúp bà con vươn lên làm giàu, nhiều lần anh thuyết phục và trực tiếp hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây mận Tả Van, lê Tai Nung. Thế nhưng, bà con không nghe và vẫn làm theo cách truyền thống cha ông để lại. Không nản chí, anh tự bỏ tiền túi tổ chức đưa người dân đến trại rau quả huyện Bắc Hà để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây mận, cây lê; quyết tâm xây dựng mô hình mẫu để đồng bào thấy rõ hiệu quả kinh tế...
Từ đó, nhiều người dân tin tưởng, chuyển sang trồng lê, mận và chăm sóc theo kỹ thuật mới có năng suất, thu nhập cao, còn Vũ Văn Sơn được đồng bào yêu thương coi như con cháu, đặt tên là A Núi. Câu chuyện này và việc quản lý dịch vụ xe công nghệ cho thấy, người cán bộ ở cấp nào, lĩnh vực nào cũng phải lấy dân làm gốc, trân trọng và dựa vào dân thì việc khó mấy cũng sẽ thành công.
Xã hội luôn luôn vận động, phát triển nên tất yếu nảy sinh nhiều vấn đề mới trong mọi lĩnh vực đời sống, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách, phương thức quản lý kịp thời, phù hợp. Muốn thế, người cán bộ ở từng cấp, từng ngành phải có tâm và tầm, tránh tư tưởng “dễ mình, khó người”, “không quản được thì cấm”, phải hết mình vì việc chung và biết lắng nghe phản ảnh, góp ý của người dân, doanh nghiệp thì vấn đề gì cũng có thể quản lý được một cách hiệu quả. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên nên coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết định của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét