Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

CHUYỆN XƯA GIỜ MỚI KỂ

(Chuyện có thật 100%)
Đoàn khám tuyển phi công ở Hà Nam Ninh (cũ) tháng 12/1977 đã chọn trong hàng trăm chàng trai được một thanh niên đủ mọi điều kiện về thể lực nhưng bị loại vì lý lịch: mẹ là công nhân nhà máy dệt yêu một người lính trên đường đi B rồi sinh con ra thì mất liên lạc, bị xã hội ghẻ lạnh với 2 từ "chửa hoang". Người mẹ xấu hổ bỏ việc đưa đứa trẻ về quê cắn răng nuôi con trong tủi nhục và vô vọng.


Tiếc cho một phi công tương lai, thương cho số phận oan trái của người nữ công nhân nên Hội đồng tuyển quân thỉnh cầu cấp trên chiếu cố, trên điện vẻn vẹn trả lời "Máy bay MIC của Liên Xô viện trợ có giá hàng trăm ngàn rúp. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu phi công có lý lịch xấu sẽ bỏ trốn cùng máy bay, chưa kể hậu quả khác".
Trong Đoàn khám tuyển có Thượng uý quân lực rất có trách nhiệm và nhân hậu - anh không thể nào ăn ngon, ngủ yên vì không quên được ánh mắt đau xót, cầu khẩn của người mẹ bất hạnh ấy mà cả cuộc tình duyên chỉ kịp trao và nhận với người lính ra chiến trường: chiếc khăn tay đổi lại con châu chấu làm từ phim chụp ảnh nhuộm mầu cùng giọt máu của anh!
Anh Thượng uý bán chiếc xe đạp Thống Nhất, vay thêm bạn bè, nghỉ 2 kỳ phép năm liền để lên đường vào Nam lần theo phiên hiệu mờ nhạt của đơn vị người lính ấy với "kỷ vật tình yêu: con châu chấu nhựa". Biết bao gian nan khổ ải khi cuộc chiến đã đi qua, đau thương thì để lại, qua bao cơ quan Tỉnh đội, các cựu chiến binh, thậm chí cả các nghĩa trang liệt sỹ khi có người trùng tên, trùng quê quán...
Như đền đáp tâm hồn cao thượng, tình đồng đội ấy - sau gần một tháng anh Thượng uý lại lên xe lửa ngược ra Bắc. Và một chiều mùa đông rét mướt, mưa dầm dề lầy lội nơi nông trường Mộc Châu, anh đã gặp được... người lính năm xưa: nguyên Thượng tá, Trung đoàn trưởng - đương nhiên là đảng viên và các loại huân chương, nay là Giám đốc nông trường. Hai người lính ôm nhau khóc: "Sau giải phóng tôi đã về nhà máy dệt ấy không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi người nói một khác và không sao tìm được cô ấy, tôi đau đớn lắm! Nhiều năm sau tôi mới lấy vợ người dân tộc ở đây và được hai cháu gái. Nay trời có mắt tôi có con trai nối dõi rồi".
Không hạnh phúc nào mà không có hy sinh: 1 chú bò, 2 lợn, vô số gà vịt được làm thịt để chiêu đãi cán bộ, công nhân nông trường và bà con mừng cho Giám đốc. Bán thêm 1 bò nữa để lận lưng về xuôi cùng anh Thượng uý, mà người vợ người dân tộc tiễn họ qua hết hai quả đồi chè - để người cha ấy về xuôi “trả lại truyền thống cách mạng" trong lý lịch của con trai, trả lại tình thương cho người mẹ khắc khoải tháng năm!
Khỏi phải nói mọi cảm xúc dâng trào, nước mắt của mọi người trong ngày hội ngộ “trả lại tên cho em".
Chàng trai ấy giờ nay đã mang quân hàm Đại uý lái máy bay chiến đấu, anh cũng có thêm người cha đỡ đầu - anh Thượng uý quân lực xưa nay cũng đã là Thượng tá nghỉ hưu rồi - sống thanh bạch trong một khu tập thể như bao “Người lính Cụ Hồ“ khác./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét