Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

RÀO CHẮN

Chưa thấy dữ liệu nào chứng tỏ việc thiết kế, thi công chung cư vi phạm quy định an toàn ở phần lan can. Nhưng như trong hình, không chỉ một mà nhiều hộ gia đình đã tận dụng khoảng hành lang vào công năng khác. Nhiều đồ đạc, bàn ghế đã được kê ra sát ban công. Vì thế cháu bé 3 tuổi mới có thể leo chuyền, vượt ra ngoài lan can và gặp tai nạn. Muốn loại trừ nguy cơ tiếp diễn tai nạn, mỗi cá nhân và Ban quản lý các chung cư phải kiên quyết chấn chỉnh ngay thực trạng tận dụng cẩu thả này.


Ngoài Bắc, cơi nới, biến ban công thành "chuồng cu" đã thành tập quán từ thời bao cấp ở các khu tập thể. Trong Nam cũng có, nhưng ít hơn. Thường thì phần cơi nới được rào, hàn kín bằng song sắt, kiểu rào chống trộm, từ sàn tới nóc. Giờ vào chung cư hiện đại, tập quán đó vẫn không bỏ. Có điều, hầu hết chung cư mới đều cấm tự ý xây dựng, thay đổi kết cấu có sẵn nên việc làm rào chắn khoảng không không thể thực hiện. Thời mở cửa chỉ khác thời bao cấp là dỡ rào chắn công năng nhưng vẫn chưa dỡ được "rào chắn" trong tư duy vị lợi, bất chấp, tủn mủn, tiềm ẩn những nguy hiểm ở nhiều người.
Anh Mạnh mang trong người khá nhiều thứ bệnh, sức khỏe không lấy gì làm tốt. Bình thường, bằng tay không, Mạnh khó thể tự leo lên mái tôn nhà để xe mái dốc như đã làm, chỉ mất chưa đầy phút. Mạnh đã vượt qua chính mình. Có mặt đúng nơi, đúng lúc, cú chạm tay của Mạnh đã cứu được cháu bé. Đó là kỳ tích. Không ai khác, ngoài Mạnh đã làm và làm được điều đó. Nhiều người phát hiện ra cháu bé nhưng không có phản ứng thích hợp ngay tức khắc như Mạnh. Có muốn cũng không làm được, không kịp làm. Nghĩa là anh Mạnh trở nên "siêu quần" - vượt qua nhiều người. Thắng mình, vượt người, Mạnh là anh hùng. Giản dị vậy thôi, cãi vã làm gì.
Gây nên tội hoặc thành anh hùng không phụ thuộc vào cái rào chắn cơ khí, cũng không nhờ gì từ sức mạnh cơ bắp. Nó phụ thuộc vào cảm xúc, ý thức, tâm trí đã thành căn tính của con người.
Khâm phục và cảm ơn người hùng giản dị./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét