Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ !

Những ngày qua là ngày hội tòng quân tại các địa phương khi những chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ. Những hình ảnh vừa trang nghiêm, vừa xúc động lại cũng rất trẻ con của những chàng trai mới lớn giờ sẽ tập thành những người đàn ông trưởng thành trong quân ngũ. Nhìn những cánh tay vẫy qua khung cửa sổ, tôi lại nhớ về những hình ảnh của những đoàn quân trở về trong chiến thắng năm xưa.



Những bức ảnh những người lính mộc mạc, chân chất vượt qua quãng đường hàng ngàn cây số vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giờ trở về quê với những con búp bê trên ba lô. Có những kẻ đã cười vào những bức ảnh đó, thậm chí chúng còn vẽ thêm vào tay anh bộ đội túi xách Gucci cho vợ con đủ cả quà, để độ tếu táo tăng lên. Thậm chí, dưới góc nhìn lệch lạc, Trương Huy San còn cho rằng chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc. Nhưng các anh cười chúng tôi một, thì chúng tôi ném lại nụ cười khinh bỉ gấp 10 lần. Vì chính sự cười của các anh là một lời giải thích vì sao VNCH quẫy đuôi theo Mỹ mà vẫn thua thảm hại.
Người lính Cụ Hồ họ có thể là một chàng sinh viên đầy mộng mơ, một thanh niên chưa một lần cầm tay bạn gái, là một người đàn ông vợ con đề huề, là công nhân nơi công trường, xưởng máy, là anh nông dân vất vả sớm hôm. Họ tòng quân vì lý tưởng lớn của dân tộc là độc lập, thống nhất. Nhưng họ ra đi cũng bởi chính quê hương, bản quán, người thân đã thúc đẩy họ lên đường. Họ lên đường để bảo vệ, đem lại hòa bình, ấm no cho quê hương, mái ấm gia đình họ, nơi có bố mẹ, anh chị, vợ và những đứa con. Họ thực hiện khát vọng của thế hệ đi trước, noi gương cho thế hệ đi sau.
Tôi vẫn còn nhớ nhà văn Nga I-li-a E-ren-bua đã từng viết về lòng yêu nước thật giản dị mà cô đọng: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc". Chính sự giản dị đó đã làm nên sự phi thường của những người lính Cụ Hồ.
Vậy có gì là đáng buồn cười khi sau khi thuốc súng tan, hòa bình được lập lại, những búp bê trên lưng họ như chở đong đầy cả niềm hân hoan về với gia đình, về với những người thân yêu nhất của người lính. Món quà búp bê kia có thể rất lớn với những đứa trẻ lúc bấy giờ nhưng nó còn lớn lao hơn với chính người lính, bởi họ còn sống, họ còn được gặp người thân và hưởng thành quả hòa bình.
Những chàng trai nhập ngũ hôm nay, trên đôi vai của họ không chỉ là hành trang người lính mà còn cả trọng trách với đất nước, gánh cả yêu thương của quê hương. Họ lên đường từ những người trở về năm xưa !

0 nhận xét:

Đăng nhận xét