Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

SỰ HY SINH ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

Bức ảnh đi kèm dòng viết này được chụp vào 08/12/1967 tại Bù Đốp, tỉnh Bình Phước - trước đây là Bố Đức, tỉnh Phước Long cũ. Theo như ghi chú của bức ảnh trên Flickr hay Getty Images, người lính này đang hút điếu thuốc của chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ, lúc ấy anh mới chỉ 15 tuổi và là một chiến sĩ Việt Cộng. Số phận của anh lính này không được tiết lộ rõ ràng hơn, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng anh đã ra đi ngay sau bức ảnh được chụp. Trong cuộc chiến thống nhất, có rất nhiều chiến sĩ đã tham gia Giải phóng quân và hy sinh ở độ tuổi như anh ấy. Hãy nghĩ đơn giản thế này, ở độ tuổi 15 như họ, chúng ta đang là những con người như thế nào?


Độ tuổi trung bình của lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam là bao nhiêu? Đáp án là 19. Độ tuổi trung bình của lính Mỹ tại Thế chiến 2 là bao nhiêu? Con số này là 26. Theo US Wings, có tới 61% lính Mỹ thiệt mạng ở độ tuổi dưới 21, có tới 11.645/58.148 lính Mỹ thiệt mạng ở độ tuổi dưới 20. Cũng một số nguồn khác cho rằng độ tuổi trung bình của lính Mỹ tại Việt Nam là khoảng giữa 21 và 22. Gần 2,7 triệu quân nhân Mỹ, phần lớn trong số đó rất trẻ phải sang Việt Nam, 1/10 trong số phải hứng chịu thương vong, người ta vẫn thường gọi thế hệ lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam là “một thế hệ lạc lõng” vì bị vướng “Vietnam Flashback” - hay còn gọi là hội chứng Việt Nam.
19 - cũng chính là tên của một bài hát nói về cuộc chiến Việt Nam của nghệ sĩ Anh Quốc Paul Hardcastle. Bài hát đã đứng đầu bảng xếp hạng tại Anh trong 5 tuần, trở thành đĩa đơn bán chạy nhất tại 13 quốc gia vào năm 1985.
Vậy, độ tuổi trung bình của người lính tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam là bao nhiêu? Không có một con số thống kê cụ thể. Nhưng nhiều khả năng con số này thấp con số thống kê của lính Mỹ.
Vào độ tuổi 19, 20, chúng ta là những con người như thế nào? Vào độ tuổi 19, 20 của những người lính Việt Cộng, họ là những con người như thế nào? Liệu khi nộp đơn tình nguyện xin ra trận, họ có run sợ không? Có sợ phải tạm biệt gia đình, người yêu, người vợ hay không? Điều gì khiến họ vượt lên trên nỗi sợ như vậy?
Trong chiến tranh thống nhất Tổ Quốc, chúng ta ghi nhận rất nhiều trường hợp cố tình khai tăng tuổi để tham gia quân đội. Từ năm 1970 đến giai đoạn Mùa hè đỏ lửa 1972 và Xuân 1975, có nhiều sinh viên ưu tú từ các trường đại học, cao đẳng ghi danh và chiến đấu. Chỉ riêng 1970 - 1972, có tới 10.000 sinh viên ưu tú tại Hà Nội trở thành chiến sĩ. Đó là tinh thần quyết tử vì Tổ Quốc mà không phải quốc gia nào cũng có được, nhưng cũng là một điều luyến tiếc vì chúng ta đã mất đi nhiều người trong một thế hệ rất tài năng mà nếu họ có thể theo học và ra trường, họ sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao trong công cuộc phát triển đất nước. Cần nhớ rằng, vào thời điểm ấy, không phải ai cũng được đi học và chỉ có số ít người được học tới trình độ đại học, cao đẳng.
Hôm trước, mình được một bạn đọc từ nhóm GenZ thích lịch sử gửi cho một tâm sự rằng: “Khi đọc Mãi Mãi Tuổi 20 của anh Nguyễn Văn Thạc, tự nhiên em thấy rằng cuộc đời của chúng em còn dễ dàng chán so với họ, chỉ biết ăn chơi ngủ trưa, học tập và hờn dỗi… Khi đọc những cuốn sách ấy của anh Thạc và chị Trâm, em mới biết là cùng ở độ tuổi như em, các anh chị ấy phải đối diện với mưa bom bão đạn của kẻ thù, nay sống mai có thể hy sinh. Sau đó em xem Mùi Cỏ Cháy, rồi mới hiểu rõ hơn là lịch sử không đơn giản như những thống kê trong sách giáo khoa, chiến tranh khắc nghiệt và dữ dội hơn nhiều”.
Một bức ảnh khác chụp từ trận đèo An Khê 1972, hơn 20 thi thể chiến sĩ Việt Cộng được xếp hàng một hàng dài trên cầu gỗ, họ bị phanh thây, cởi hết quần áo, được chụp lại và bêu trên đó nhiều ngày để thị uy trước người dân. Một phần những chiến sĩ đó đều đã từng là những sinh viên từ miền Bắc, một số khác là từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 2020, người ta tìm thấy 19 phần hài cốt liệt sĩ ở An Khê, tỉnh Gia Lai, có chiến sĩ quấn dây điện quanh bụng để chiến đấu đến lúc chết, người ta tìm thấy những quyển sách/vở bị mục nát, những cái bút, dũa đánh răng.
Không biết những người lính trẻ ấy đã ghi lại những gì, chỉ biết là những dòng viết đã hòa cùng với đất mẹ.
Những con người ở độ tuổi 15 hay 19, 20 hoặc hơn nữa ở thời buổi hòa bình này, cũng được đánh đổi từ những con người ở độ tuổi 15, hay 19, 20 hoặc hơn nữa của những lớp người trong quá khứ.
Sự hy sinh luôn là vô giá, tuổi trẻ ở thời kỳ nào cũng đều hãy sống và cống hiến hết mình!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét