Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Saddam Hussein giúp Việt Nam thế nào?

"Nếu cố Tổng thống Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại… có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta phải biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh” trích lời bà Nguyễn Thị Bình.


Iraq là một trong những nước ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam (CHMNVN và CHXNCNVN) chí tình nhất, cả về tinh thần lẫn vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu này hoàn toàn vô tư, xuất phát từ cảm tình và yêu mến Việt Nam mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.
- Năm 1971, bà Bình (khi ấy với cương vị Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris) đã sang thăm Iraq và được đón tiếp hết sức trọng thị như một người anh hùng. Tại Bagdad hôm đón tiếp bà, quần chúng nhân dân Iraq đã đứng dọc hai bên đường vẫy cờ hoa chào đón.
- Năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mở Đại sứ quán tại Iraq. Lúc đó, miền Nam đang dốc sức tập trung chiến đấu, khả năng tài chính rất hạn hẹp. Chính phủ Iraq đã trang trải cho toàn bộ hoạt động của Đại sứ quán, từ trụ sở, xe cộ… cho đến tiền mặt để thanh toán cho các khoản chi tiêu hàng ngày. Đại sứ tại Iraq Nguyễn Quang Khai kể lại rằng:
Tôi còn nhớ, khi khai trương Đại sứ quán tại Thủ đô Baghdad, Tổng thống Iraq lúc đó là Ahmed Hassan Al-Bakr đã gửi tặng một chiếc xe Citroen mới tinh vào loại sang trọng nhất. Còn các tổ chức quần chúng như Uỷ ban Hoà bình & đoàn kết Iraq do ông Aziz Sharif làm chủ tịch, Hội Phụ nữ, Thanh niên… tổ chức quyên góp tiền, quần áo, chăn màn… gửi sang Việt Nam. 
- Tháng 10/1975, bà Bình trở lại Iraq với nhiệm vụ vận động Chính phủ Iraq cho Việt Nam vay dầu. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi dù bạn rất nhiệt tình, nhưng khi đi vào những vấn đề kinh tế mang tính sống còn thì họ phải tính toán kỹ.
Khi ấy, phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ huy Cách mạng là Saddam Hussein đã tiếp bà. Sau khi nghe bà Bình trình bày những khó khăn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sau thống nhất, ông đã trả lời ngay:
“Chúng tôi quyết định tặng miền Nam 400 ngàn tấn dầu, coi như đây là món quà gửi nhân dân miền Nam nhân ngày chiến thắng và cho vay thêm 1.5 triệu tấn nữa”. 
Bà Bình như không tin vào tai mình, đến mức phải hỏi lại người phiên dịch 1 lần nữa thì mới biết chắc đó là sự thật.
Vào thời điểm này, ông Nguyễn Cơ Thạch (khi ấy là Thứ trưởng Ngoại giao của miền Bắc) cũng đang có chuyến viếng thăm Iraq. Và Cố Tổng thống Saddam Hussein cũng đã quyết định cho miền Bắc vay 2 triệu tấn dầu không tính lãi.
- Sau khi thống nhất đất nước (về mặt Nhà nước) năm 1976, Việt Nam chuẩn bị hợp tác với nước ngoài để thăm dò và khai thác dầu khí, còn rất thiếu kinh nghiệm đàm phán và ký kết hợp đồng, chính phủ Iraq đã cử các chuyên gia luật pháp và dầu khí giỏi nhất sang giúp ta, chỉ rõ những vấn để cần lưu ý, tránh bị hớ trong làm ăn với các công ty dầu khí nước ngoài.
- Đến năm 1979, theo hiệp định vay nợ, ta bắt đầu phải trả đợt đầu tiên cho Iraq. Nhưng ở thời điểm này, đất nước vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, các vết thương chiến tranh chưa lành, kinh tế bị tàn phá nặng nề trong khi phải dồn sức vào một cuộc chiến tranh mới chống Pol Pot gây rối ở biên giới Tây Nam và chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc. Việt Nam không trả được nợ cho Iraq theo hạn định.
Năm ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang thăm Iraq. Chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein một lần nữa quyết định cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để trả số nợ đến hạn cho chính Iraq. Một quyết định có một không hai trong quan hệ giữa các quốc gia.
- Những năm tiếp theo sau đó, nước Việt vẫn bộn bề khó khăn, không trả được nợ cho Iraq. Trong tình hình đó, chính phủ ta đề nghị Iraq cho hoãn nợ và nhận trả nợ bằng hàng hoá và lao động, một phần nợ khác được dùng để đầu tư trở lại Việt Nam.
Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn do cuộc chiến vùng vịnh, chính phủ Iraq vẫn đồng ý với đề nghị của Việt Nam.
CUỘC GẶP CUỐI CÙNG
Hơn 20 năm sau, đến năm 2002, mặc dù hết sức cố gắng nhưng Việt Nam vẫn chưa trả hết nợ cho bạn. Tháng 2/2002, bà Nguyễn Thị Bình đề nghị chính phủ ta cho phép thăm Iraq với lý do bà sắp nghỉ hưu và trước khi nghỉ, bà muốn gặp lại người bạn cũ Saddam Hussein để nói đôi lời với ông về món nợ chưa trả được này.
Lúc đó, đã có nhiều ý kiến đã phản đối cho rằng ta vừa ký Hiệp định thương mại BTA với Mỹ, trong khi quan hệ giữa Mỹ và Iraq đang hết sức căng thẳng, liệu chuyến đi có gây khó khăn cho quan hệ Việt - Mỹ đang trên đường cải thiện hay không? Nhưng cuối cùng, bà Bình vẫn lên đường.
Sau 22 năm trở lại, bà Bình vẫn là thượng khách của chính phủ Iraq. Bà được Tổng thống Saddam Hussein tiếp đón thân mật tại toà lâu đài Al-Faw gần sân bay quốc tế Baghdad. Trong buổi trò chuyện thân mật bà Bình bộc bạch:
— Năm 1975, tôi thăm Iraq, Tổng thống đã quyết định cho Việt Nam vay dầu, lúc đó chúng ta còn rất trẻ. Đến bây giờ chỉ còn vài tháng nữa là tôi nghỉ hưu mà chúng tôi vẫn chưa trả được hết nợ cho Iraq. Tôi cảm thấy trong lòng không vui.
Nghe đến đây, Saddam Hussein nói ngay:
— Mong bà về nghỉ bình yên, giữ gìn sức khoẻ và không phải suy nghĩ gì cả. Từ giờ phút này trở đi, giữa chúng ta không có nợ nần gì với nhau nữa.
Bà Bình một lần nữa lại không tin vào tai mình, quay sang hỏi lại đại sứ Nguyễn Quang Khai (khi ấy đang kiêm vai trò thông dịch viên):
— Khai, em hỏi lại xem có đúng Tổng thống Saddam Hussein nói như vậy không?
Rất nhanh ý, biết bà Bình có thể chưa hiểu hết ý của mình, ông Saddam nói tiếp:
— Tôi không biết con số cụ thể Việt Nam còn nợ Iraq bao nhiêu, 5 giờ chiều nay, tôi sẽ cử Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan đến dinh thự bà đang ở để ký Biên bản thoả thuận xoá toàn bộ số nợ này
Đúng 5 giờ chiều, Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan cùng một số quan chức cao cấp trong chính phủ Iraq đem một Biên bản thoả thuận đã được đánh máy sẵn. Bản Thoả thuận chỉ có vài dòng với nội dung ngắn gọn đại ý thế này:
Theo chỉ thị của Tổng thống Saddam Hussein, từ hôm nay, ngày ….. tháng 10 năm 2002 Chính phủ Iraq quyết định xoá toàn bộ số nợ cho Việt Nam. Số tiền nợ trước ngày này chưa trả được sẽ dùng để đầu tư vào các dự án liên doanh giữa 2 nước tại Việt Nam. 
Việc ký kết diễn ra hết sức đơn giản trên một chiếc bàn nhỏ trong phòng khách của dinh thự mà tổng thống Saddam dành cho bà Bình ở trong thời gian thăm Iraq. Ký xong, Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan đã đích thân lái xe đưa bà Bình đi thăm thành phố Baghdad.
Một năm sau, Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến chống Iraq. Tháng 12/2003, Tổng thống Saddam Hussein bị bắt. Ba năm sau, ngày 30/12/2006, ông bị xử tử sau một phiên tòa chớp nhoáng được tổ chức bởi Chính phủ mới tại Iraq do Mỹ thành lập.
Một câu chuyện kỳ lạ. Một thứ tình cảm thân tình không thể chối bỏ, bởi việc xoá một số nợ lớn như vậy chỉ có thể xảy ra giữa những người anh em hết sức thân thiết trong gia đình. Trong khi đó, chính Iraq đang gặp rất nhiều khó khăn do bị cấm vận và đang trong tình trạng chiến tranh với các nước phương Tây.
Không những vậy, trải qua những biến động lớn trong nước lẫn quốc tế, các chế độ đến rồi đi… nhưng chính quyền mới của Iraq sau chính quyền của tổng thống Saddam Hussein vẫn tôn trọng, thừa nhận và gìn giữ thoả thuận này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét